Những điều chưa hiểu đúng về Nguyễn An Ninh (Kỳ I)

LTS: Ngày 15-9-2015, tròn 115 năm ngày sinh nhà yêu nước, nhà văn hóa vĩ đại Nguyễn An Ninh (1900-1943), Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và tạp chí Hồn Việt đã tổ chức Hội thảo Nguyễn An Ninh. 11 bản tham luận của các giáo sư, nhà văn, nhà nghiên cứu đã được trình bày tại hội thảo, soi sáng, khẳng định vị trí của Nguyễn An Ninh trong cách mạng, trong văn hóa Việt Nam: tham luận của TS Sử học Phan Văn Hoàng, GS Phạm Xuân Xanh (ĐH Quốc gia Hà Nội), GS Bùi Khánh Thế (ĐH Ngoại ngữ - Tin học Sài Gòn), TS Nguyễn Văn Lịch (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM), TS Phạm Đào Thịnh (ĐH Sài Gòn), nhà văn Trần Thanh Giao, bà Trần Thị Mạo (nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tại TP.HCM), dịch giả Nguyễn Minh Hoàng, cử nhân Hán Nôm Phạm Thị Hoài Thương… đã được trình bày. GS Trương Đăng Tín (con rể Nguyễn An Ninh) và bà Nguyễn Thị Minh (con gái Nguyễn An Ninh) đã phát biểu tại hội thảo.

Dưới đây, Hồn Việt đăng ý kiến của bà Nguyễn Thị Minh, một phát biểu được hội thảo đặc biệt chú ý vì giá trị sử liệu của nó, để bạn đọc tham khảo.

Ba tôi bắt đầu hoạt động cách mạng tại Pháp năm 20 tuổi và mất tại nhà tù Côn Đảo lúc 43 tuổi. Một cuộc đời quá ngắn. 23 năm hoạt động thì gần 10 năm sống trong nhà tù, những ngày cuối đời còn bị cách ly trong ngục tối.

Có ai không muốn được sống một cuộc đời an bình trong nhung lụa? Có ai lại muốn giam hãm đời mình trong lao tù? Nhưng Nguyễn An Ninh đã viết:

“Chúng ta sinh ra vào một thời đại mà nhiệm vụ đòi hỏi ở ta quá nặng nề, vượt quá sức của ta. Chúng ta có bổn phận phải hy sinh để xây dựng một tương lai mà chúng ta không kịp nhìn thấy… Chúng ta sinh ra trong một nòi giống đã luôn luôn phải trả giá đắt cho quyền sống của mình”(*).

Hôm nay tôi chỉ xin kể những sự việc mà tôi được biết được nghe, có lẽ đây cũng là lần cuối mà chúng tôi còn dự buổi tọa đàm về Nguyễn An Ninh, vì chúng tôi đều ở tuổi “gần đất xa trời”.

Từ ngày ba tôi mất đi, cả gia đình chúng tôi cũng bị cuốn theo biến cố của đất nước qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mãi sau ngày đất nước thống nhất ít lâu, khi được nghỉ hưu, chúng tôi mới có thì giờ và đã cố gắng sưu tập những gì có liên quan đến Nguyễn An Ninh.

Trước năm 1975, những thế hệ thanh niên ở miền Nam có lẽ hiểu Nguyễn An Ninh nhiều hơn qua sách báo, nhất là vào ngày giỗ của ông (hình ảnh Nguyễn An Ninh đều được dành trên trang nhất). Còn ở miền Bắc, người ta ít biết hơn có lẽ do trên báo chí chẳng bao giờ có thông tin liên quan đến nhân vật Nguyễn An Ninh, chỉ trong giảng đường các trường Đảng, các khoa báo chí, lịch sử thì có nhân vật Nguyễn An Ninh nhưng bị xuyên tạc sai với sự thật lịch sử (tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau).

Phải sau ngày thống nhất đất nước, nói đúng hơn là sau thời kỳ đổi mới, mà quan trọng là đổi mới tư duy, đổi mới cách đánh giá lịch sử không phải bằng sự biệt phái giáo điều. Dưới sự lãnh đạo của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có chủ trương đổi mới, thì mọi việc được rõ ràng, lúc đó mới có điều kiện để các vị lão thành cách mạng cùng thời với ba tôi ngồi lại trao đổi cùng các nhà nghiên cứu, các giáo sư sử học để tiến hành các cuộc hội thảo khoa học, để đưa được thông tin lên báo chí. Chúng tôi xin cảm ơn tất cả các cô chú, các anh chị, đã có công tìm hiểu về nhân vật Nguyễn An Ninh. Đặc biệt cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, cảm ơn GS Mai Quốc Liên đã giúp chúng tôi cho ra đời bộ sách Nguyễn An Ninh - Tác phẩm Nguyễn An Ninh qua hồi ức người thân vào năm 2009. Từ ngày bộ sách ra đời, những người ái mộ nhân vật Nguyễn An Ninh mới có tư liệu để đọc, để hiểu đúng về ông hơn.

Nguồn tư liệu mà chúng tôi sưu tập cũng chưa thật đầy đủ, vì tác phẩm ông viết phần nhiều là bài báo, trên nhiều báo cả trong và ngoài nước, nên có nhiều bài chúng tôi tìm chưa ra. Phần lớn các tư liệu chúng tôi phải vào Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM xin sao chụp hoặc ngồi đọc rồi ghi chép lại, nhiều tư liệu cũng đã mục nát không đọc nổi. Đây là nguồn tư liệu quan trọng nhất, tin cậy nhất.

Còn một nguồn tư liệu nữa của mật thám được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (TP.HCM), nguồn tư liệu này cũng cho phép chúng tôi sao chụp. Riêng tư liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại tại Aix-en-Provence (Pháp) thì chúng tôi chưa có dịp tiếp xúc, vì theo quy định của họ phải 60 năm sau ngày mất mới cho mở hồ sơ và cho phép sao chụp. Hồ sơ của ba tôi được mở năm 2003, còn của Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Thế Truyền phải đến năm 2029 mới mở, cho phép sao chụp. Năm 1988, anh Nguyễn Thành (Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh) sang Pháp, có xin sao chụp tư liệu về Nguyễn Ái Quốc nhưng lúc đó người ta vẫn không cho sao chụp, vì vậy anh chỉ được xem và ghi chú lại vắn tắt nội dung tư liệu; khi về nước anh có chép tay cho chúng tôi (khoảng 10 trang) những tư liệu có liên quan đến Nguyễn An Ninh. Hiện nay chúng tôi đang cố gắng tìm thêm sách nước ngoài viết về Nguyễn An Ninh.

Như vậy, sau hơn 20 năm đổi mới, nguồn tư liệu về Nguyễn An Ninh khá nhiều, hiện chúng tôi lưu trữ tại nhà thờ gia tộc thuộc quận Phú Nhuận, TP.HCM. Các vị lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo thành phố đều ủng hộ việc làm của chúng tôi và tạo mọi điều kiện để công việc đạt kết quả.

Hôm nay tôi xin kể một số chuyện về ba tôi do má tôi kể lại.

Truyền thống gia đình và ảnh hưởng trong quần chúng

Má tôi kể, ngày mới về làm dâu (cuối năm 1924) ông nội tôi thường dặn: “Nhà ta đã ba đời chống Tây, không có nỗi nhục nào bằng nỗi nhục mất nước, làm trai phải gánh vác trọng trách với non sông. Con đã chấp nhận làm dâu nhà này thì phải chung vai gánh vác, đừng để chồng con phải phân tâm”. Má tôi đã hiểu và nguyện làm tròn lời giáo huấn của ông tôi. Những năm đầu ba tôi chỉ dặn má tôi: “Những việc tôi làm em không nên kể với ai, bạn bè đến chơi em đón tiếp chu đáo giùm, khi nào cần gì tôi sẽ trao đổi cùng em. Đề phòng bọn mật thám trà trộn vào nhà”.

Để bảo vệ ba tôi cùng bạn bè của ông, má tôi ra sức chăm bón những mảnh đất hoang hóa thành vườn cây ăn trái xum xuê, làm nơi ẩn náu rất an toàn cho những nhà cách mạng. Má tôi vận động bà con trong xóm, rồi cả làng, cả xã, rồi cả vùng Hóc Môn - Bà Điểm là nơi mà bọn lính kín không dám bén mảng đến, nhà nào cũng nuôi nhiều chó, người dân nào cũng biết võ nghệ.

Khi ba tôi bị bắt lần đầu tiên năm 1926, bà con Sài Gòn - Gia Định, bà con ở các tỉnh ngày nào cũng kéo đến trước của Khám Lớn để hỏi thăm tin tức của Nguyễn An Ninh. Biết má tôi sắp đến ngày sinh, bà con kéo lên tận Hóc Môn cho tiền cho quà nhiều vô kể; quà để má tôi bồi dưỡng và thăm nuôi ba tôi, còn tiền để má tôi chuẩn bị khi sinh nở để ba tôi trong khám an tâm. Tiền thì má tôi xin trả lại bà con, còn quà má tôi nhận hết, chất đầy cả nhà, trứng, sữa, đường thẻ, tôm khô má tôi chở xuống Khám Lớn, còn gà vịt chia cho bà con nghèo trong xã. Lần nào ba tôi ở tù cũng vậy, nhất là lần ở tù tuyệt thực 11 ngày sắp chết cùng với chú Nguyễn Văn Tạo và Tạ Thu Thâu năm 1936, trước cửa tòa báo La Lutte lúc nào cũng đông nghẹt bà con, các chú phải làm một tấm bảng treo trước tòa soạn để thông báo sức khỏe các ông hàng giờ, cho đến khi Pagès, Thống đốc Nam Kỳ, trước áp lực của quần chúng phải ra lệnh thả. Má tôi còn bảo, khi các phiên tòa xử Nguyễn An Ninh diễn ra thì các con đường quanh tòa án lúc nào cũng đông nghẹt, có lần ba tôi bị đày đi Hà Tiên, bà con nghe tin kéo đến đón đường để được gặp Nguyễn An Ninh, làm tên tỉnh trưởng phải vội trả ông về Khám Sài Gòn…

Các mối quan hệ của Nguyễn An Ninh

Trong lần hội thảo thứ 3 năm 2003, tại nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh ở quận 12 do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chủ trì, có vị lão thành cách mạng hỏi:

- Những người chưa hiểu Nguyễn An Ninh nên nói chưa đúng về ông đã đành. Tại sao Bác Hồ cùng hoạt động với ông từ khi ở Paris, họ là bạn thân với nhau, Bác cũng không có ý kiến hay sao, nhiều vị lão thành cùng hoạt động với Nguyễn An Ninh cũng còn sống, tại sao không lên tiếng?

Hôm nay tôi xin phép được trả lời câu hỏi đó. Tôi chỉ kể một câu chuyện có liên quan đến Bác Hồ và Nguyễn An Ninh mà má tôi là người chứng kiến. Còn chuyện quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn An Ninh ở Paris thì có nhiều, và phải nói đến một nhân vật thứ ba là Nguyễn Thế Truyền. Má tôi bảo, họ là ba người bạn rất thân, cùng suy nghĩ, cùng quan điểm, cùng hành động giống hệt nhau, họ đã cùng nhau thề nguyện suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Năm 1946, khi bác Truyền bị lưu đày từ Madagascar mới về Sài Gòn, má tôi có đến thăm, bác nói với má tôi:

- Tôi bây giờ không còn gì, sự nghiệp và gia đình mất hết, anh em chẳng ai hiểu Nguyễn Thế Truyền. Chỉ có hai người biết rõ Truyền là Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn An Ninh. Ninh đã mất rồi, tôi chỉ còn chờ ngày gặp lại Quốc. Nếu Quốc không còn đến ngày gặp lại nhau thì Truyền cũng chẳng cần sống trên cõi đời này.

Sau năm 1975, má tôi trở về Sài Gòn gặp lại người bạn thân năm xưa, là bà Mai Huỳnh Hoa, cháu ngoại của bà Sương Nguyệt Anh, con gái của ông Mai Văn Ngọc. Cô là đảng viên cộng sản từ năm 1930, cũng bị vào tù, cô bị bệnh tim nên được thả. Cô hoạt động trong nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, vì lý do sức khỏe nên cô không thể ra chiến khu cũng không tập kết ra Bắc. Cô ở lại Sài Gòn và rất thân, thường gặp gỡ bác Truyền. Cô kể với má tôi khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, bác Truyền đã nhịn ăn và mất vào ngày 19-9-1969, đúng như lời bác đã nói với má tôi năm 1946.

Tôi xin kể tiếp mối liên quan giữa Bác Hồ và Nguyễn An Ninh.

Năm 1954, chú Nguyễn Văn Tạo là trưởng ban đón tiếp cán bộ miền Nam tập kết, nhận được điện của Bác Hồ: “Khi nào bà Nguyễn An Ninh ra đến Sầm Sơn, đưa ngay ra Hà Nội gặp Bác”.

Gặp má tôi, bác cầm hai vai và hôn lên trán rất lâu, nhìn mãi cho đến khi chú Bùi Công Trừng phải nhắc Bác mới thôi. Bác bảo má tôi dùng cơm với Bác. Từ ngày đó cho đến khi Bác Hồ mất, suốt mười mấy năm, năm nào bác cũng đến thăm trường nơi má tôi phụ trách, Bác thường gửi cho tiền nhuận bút Bác viết báo. Ngày Tết, Bác gửi cho cả tháng tiền lương của Bác. Bác còn gửi cho cá rô phi, mỗi lần cả thùng để trường nuôi cải thiện. Bác chỉ đạo cho tổ chức phải cho má tôi đi tham quan hết các nước xã hội chủ nghĩa. Khi có quà Bác thường bảo gửi cho cô Ninh.

Có một lần má tôi được làm nhân chứng khi đi cùng Bác, và sau đó má tôi đã kể lại cho các cô chú cùng nghe.

Đó là tổ chức lễ khánh thành Bảo tàng Cách mạng Việt Nam vào ngày 6-1-1959. Trước lễ một ngày, chú Đào Duy Kỳ, Giám đốc bảo tàng, mời Bác Hồ đến xem tổng duyệt góp ý kiến. Hôm đó chú cũng mời má tôi đến dự. Khi nhìn thấy má tôi, Bác Hồ vẫy tay bảo:

- Cô Ninh phải đi cạnh Bác.

Má tôi đi cạnh Bác Hồ. Đến chỗ trưng bày ảnh các nhà báo yêu nước, có ảnh ba tôi trong số đông đó. Bác Hồ đứng nhìn ảnh ba tôi hồi lâu rồi bảo với chú Đào Duy Kỳ:

- Ảnh của chú này phải treo cạnh hai cụ Phan, trước các đồng chí lãnh đạo của Đảng, không phải treo ở đây.

Hôm sau ngày khánh thành, ảnh của Nguyễn An Ninh được phóng to bằng ảnh hai cụ Phan và treo bên cạnh hai cụ. Sau đó, chú Đào Duy Kỳ có kể lại với má tôi:

- Chỉ đạo nội dung trưng bày là ông Trường Chinh. Sau khi Bác Hồ góp ý, Hội đồng có họp bàn việc phóng và treo ảnh của Nguyễn An Ninh, nhưng ông Trường Chinh đề nghị cân nhắc kỹ giữa cụ Lương Văn Can và Nguyễn An Ninh, vì phong trào Đông Kinh nghĩa thục cũng là phong trào nổi bật trước khi có Đảng Cộng sản.

Nhưng theo ý kiến của chú Đào Duy Kỳ thì phải thực hiện sự chỉ đạo của Bác Hồ. Hơn nữa, phong trào yêu nước của Nguyễn An Ninh rộng khắp cả Nam Kỳ, và hơn 80% kết quả thu hoạch khóa Nguyễn Ái Quốc tổ chức cho cán bộ lãnh đạo miền Nam tập kết học tập đều ghi nhận giác ngộ cách mạng từ phong trào yêu nước của Nguyễn An Ninh.

Cuối cùng, đa số trong Hội đồng quyết định treo ảnh của Nguyễn An Ninh. Từ đó, ảnh của ba tôi treo trang trọng cạnh hai cụ Phan tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, còn bây giờ ra sao thì tôi không được rõ.

Ngoài sự chỉ đạo của ông Trường Chinh, lúc bấy giờ là nguyên Tổng bí thư Đảng phụ trách công tác tư tưởng của Đảng, thì chúng tôi không nghe có vị lãnh đạo Đảng nào, hoặc có tư liệu nào sai lệch về Nguyễn An Ninh được công khai công bố. Cho đến bây giờ, sau hơn 30 năm sưu tầm tư liệu trong và ngoài nước, chúng tôi toàn đọc được những lời ca ngợi về Nguyễn An Ninh, ngoại trừ vài dòng trong văn kiện của Đảng được Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia (Hà Nội) xuất bản năm 2005. Tác giả của những văn kiện đó là các Tổng bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong từ những năm 1930 đến 1936 - những người theo sát sự chỉ đạo về đấu tranh giai cấp của Quốc tế 3, của Stalin, cũng đã phê phán cả Hồ Chí Minh. Ngay từ quyển 1 lời giới thiệu bộ Văn kiện Đảng Toàn tập đã nêu rõ mục đích là góp phần phản ánh một cách khách quan quá trình hình thành, phát triển của Đảng và tiến trình cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo, làm sáng tỏ hơn bản chất cách mạng và tinh thần sáng tạo của Đảng ta, vai trò và công lao to lớn của Đảng trong lịch sử cách mạng dân tộc.

Nhưng điều đáng tiếc là chúng tôi chỉ mới mở tập 1 và mới xem những chú thích về tên người, tên tổ chức do những người thuộc thế hệ sau này, những người khách quan tìm hiểu và lý giải cho người đọc hiểu một cách chính xác các văn kiện của Đảng, thì thấy chính những người biên tập này lại làm sai lệch thêm văn kiện và đã nhầm lẫn đáng tiếc, chứng tỏ họ chưa am hiểu lịch sử và không làm sáng tỏ lịch sử mà làm u tối thêm.

- Trong văn kiện Đảng của Đảng Cộng sản Đông Dương biên soạn, theo người biên tập chú thích là ngày 23-11-1929, tức trước khi Đảng hợp nhất, đây là tổ chức cộng sản của Bắc Kỳ, trang 272 tập 1 có viết: “Còn như đối với các đảng quốc gia tư bản (như Đảng Thanh niên Cao vọng, Đảng Độc lập v.v…) thì người cộng sản phải giữ thái độ này: tự bắt đầu biết rằng theo sự tiến hóa của chúng nó thì các Đảng ấy sẽ đi đường quốc gia cách mệnh qua quốc gia cải lương”.

Nói sai sót văn kiện về Nguyễn An Ninh thì còn nhiều, sai sự thật đã đành, còn bịa đặt ra sự kiện, tôi đã có dịp trình bày nhân 70 năm ngày mất của ba tôi trên tạp chí Hồn Việt (số 72, tháng 8-2013).

Tôi xin chép lại chú thích số 17, trang 631 về Tổ chức Thanh niên Cao vọng của Nguyễn An Ninh: “Đảng Thanh niên Cao vọng (Đảng Thanh niên). Tổ chức do một số thanh niên yêu nước ở Nam Kỳ lập ra vào năm 1926. Đảng hoạt động công khai, mặc dù không xin phép chánh quyền thực dân. Đường lối của Đảng không rõ ràng, chỉ hướng vào hoạt động đòi quyền tự do dân chủ. Hệ thống tổ chức của Đảng cũng không chặt chẽ. Đảng chống lại tư tưởng Pháp - Việt đề huề của Đảng Lập hiến. Đảng tích cực tổ chức đám tang nhà yêu nước Phan Châu Trinh (24-3-1926) tại Sài Gòn. Sau cuộc vận động đình công dự định vào ngày 5-4-1926 bị thất bại, một số nhà lãnh đạo của Đảng bị bắt, Đảng lâm vào tình thế khó khăn và ngừng hoạt động”.

Đây là sự nhầm lẫn quan trọng từ tổ chức yêu nước tên là Thanh niên Cao vọng của Nguyễn An Ninh với Đảng Thanh niên (tức Jeune Annam) của Trần Huy Liệu.

Năm 2005, bộ sách Văn kiện Đảng Toàn tập được phát hành, chúng tôi đọc ngấu nghiến các phần trong văn kiện có liên quan đến Nguyễn An Ninh và đúng như GS Mai Quốc Liên và nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang đã viết:

- Rất ít người đọc Nguyễn An Ninh, mà chưa đọc, mới chỉ nghe nói qua qua thì làm sao hiểu được ông, nếu không nói là chưa hiểu gì hoặc hiểu sai.

Năm 2006, chúng tôi được đọc một bài viết của nhà thơ Việt Phương đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 4-6-2006 với nhan đề Thủ tướng giữ bản thảo cho nhà triết học nói về Giáo sư Trần Đức Thảo. Bài báo viết: “Thời Trần Đức Thảo sống và nghiên cứu sau năm 1954, xã hội chúng ta là một xã hội đặc biệt mà nguyên nhân gây ra những bi kịch có khi không hẳn là sự độc ác hay ghen ghét cá nhân hay thế lực nào đó. Nguyên nhân theo tôi chính là sự giáo điều chân thực. Chính vì chân thực nên chúng càng khủng khiếp. Cái giáo điều ấy độc lập với nhân cách của mỗi người. Có thể bản chất họ rất tốt, nhưng khi đụng đến cái giáo điều của họ, họ trở nên đáng sợ”.

Và theo chúng tôi nghĩ, nạn nhân của sự giáo điều chân thực khủng khiếp sau năm 1954 đâu chỉ riêng cho một ông Trần Đức Thảo. Và cái giáo điều chân thực khủng khiếp này từ những năm 1930 cũng đâu chỉ riêng một mình Nguyễn An Ninh là nạn nhân. Bản thân người viết văn kiện đã giáo điều, các thế hệ sau đó đọc và tiếp thu một cách cũng giáo điều và rất chân thật nên hậu quả kéo dài suốt bao nhiêu năm cho đến tận bây giờ.

(Còn tiếp kỳ sau)

 

_____

(*) Trích Nguyễn An Ninh - Tác phẩm, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Văn Học xuất bản, 6-2009, tr.145.

NGUYỄN THỊ MINH