Những kỷ niệm sâu sắc với Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc

Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc được mọi người biết đến như một anh hùng về tư duy đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở những năm 60 của thế kỷ trước. Thời kỳ đổi mới, cái mà người ta gọi là "Khoán chui" được vận dụng trong sản xuất nông nghiệp thì ông lại được gán cho cái tên thật thú vị: “Cha đẻ của khoán 10”. Ngược dòng thời gian tìm hiểu mới thấy căn nguyên của sự ra đời “Khoán hộ” mà ông khởi xướng.

1. Tháng 8/1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng cùng một lúc có hai chỉ thị: 107/CT - TƯ và 108/CT - TƯ về vấn đề cải tiến quản lý trong hợp tác xã nông nghiệp. Chỉ thị ra đời trong bối cảnh và tình trạng quản lý hợp tác xã lỏng lẻo, rong công phóng điểm, không còn đúng với tên gọi: “Hợp tác xã là nhà xã viên là chủ”.

Sự sa sút ấy dẫn đến tình trạng năng suất lao động kém hiệu quả, năng suất cây trồng giảm sút, sản lượng lương thực thiếu hụt ảnh hưởng lớn tới việc huy động sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Hai chỉ thị của Trung ương được các cấp lãnh đạo ở các tỉnh miền Bắc thực hiện tích cực, coi nó như một kim chỉ nam cho mọi hành động trong công tác quản lý. Giữa năm 1966, Vĩnh Phúc đã có 75% số hợp tác xã lên bậc cao, nhưng hiệu quả kinh tế lại quá thấp.

Trăn trở về sự phát triển nông nghiệp của địa phương, ông cùng các đồng chí trong Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh, các ngành chức năng đi thực tế nhiều ngày ở các hợp tác xã để rút ra được bài học kinh nghiệm và cuối cùng Nghị quyết số 68/ NQ- TU ngày 10/9/1966 ra đời. Nội dung Nghị quyết xoay quanh vấn đề khoán trong hợp tác xã nông nghiệp bao gồm: khoán việc cho nhóm, khoán cho người lao động và khoán cho hộ xã viên. Nghị quyết là sự vận dụng sáng tạo hai Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đây là một luồng sinh khí mới lan tỏa vào từng hợp tác xã và từng người lao động ở Vĩnh Phúc.

Tính đến cuối 1967, Vĩnh Phúc đã có 75% số hợp tác xã thực hiện “Khoán hộ” và kết quả là hơn 70% số hợp tác xã đạt năng suất lúa bình quân trên 5 tấn/1ha. Hai huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc đạt năng suất bình quân toàn huyện 5tấn/1ha. Khẳng định về vấn đề “Khoán hộ”, cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 1930-2005, xuất bản năm 2007 có đoạn viết: “Nghị quyết 68/ NQ-TU ngày 10/9/1966 là một đột phá chính xác vào mắt xích chủ yếu nhất của quá trình tổ chức sản xuất tập thể, của quản lý lao động. Quản lý lao động không cách nào khác là khoán và đây chính là việc đổi mới rất quan trọng trong tư duy kinh tế”.

Ở thời điểm đó, Nghị quyết của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc là không đi đúng hướng chỉ đạo của Trung ương và rủi ro đã đến: Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phải kiểm điểm trước Trung ương và đồng chí Kim Ngọc - người khởi xướng phải viết bài rút kinh nghiệm trên Báo Nhân Dân.

Hai mươi hai năm sau, năm 1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý nông nghiệp, hộ xã viên mới được xem là một đơn vị kinh tế tự chủ trong hợp tác xã. Người khởi xướng “Khoán hộ” được truy tặng Huân chương độc lập hạng nhất. Gần đây, ông lại được tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Bức tượng đồng bán thân trên án thờ ở gia đình ông được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân trao tặng và con đường mang tên Kim Ngọc giữa Thành phố Vĩnh Yên là những ghi nhận công lao của ông cho các thế hệ người Vĩnh Phúc, Vĩnh Phú và muôn đời con cháu mai sau. Công việc là vậy, cuộc sống đời thường Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc cũng rất sống động, gần gũi và tinh tế...


Nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc, Kim Ngọc (Kim Văn Nguộc) (1917-1979).

2. Đầu năm 1973, tôi theo ông vào làm việc với hai huyện miền núi Thanh Sơn và Yên Lập. Thời gian này sức khỏe của Bí thư có phần giảm sút vì mới bị xuất huyết dạ dày. Bác sĩ khuyên ông không nên đi, đề phòng xuất huyết trở lại nhưng không sao ngăn được ông. Vào làm việc với hai huyện miền núi này được ông dự định từ mấy tháng trước, bây giờ mới có điều kiện thực hiện.

Thanh Sơn, Yên Lập đất rộng người thưa, đa phần là đồng bào các dân tộc Mường, Mông, Dao.... sinh sống. Đường vào bản là những lối mòn vừa đủ cho xe quệt và người đi bộ. Chiếc Gát 69 còn đủ cầu trước và cầu sau cũng chỉ bò ra khỏi trung tâm huyện non chục cây số còn lại là phải dùng đôi chân. Có ngày ông cùng chúng tôi và các đồng chí lãnh đạo huyện cuốc bộ hàng chục cây số để đến từng bản vừa thăm hỏi, vừa để tận mắt chứng kiến cuộc sống đời thường của người dân nơi này.

Hôm đoàn vào xã Trung Sơn, nơi có nhiều đồng bào Dao và Mông sinh sống, thời tiết xấu, đường trơn, lối hẻm lại thêm chuyện vắt rừng ngửi thấy hơi người bò ra đường dựng đứng như bàn chông. Ai mới lần đầu đi rừng gặp phải đều phải ớn lạnh. Là người từng trải, trước cảnh tượng ấy ông bảo tôi mở cặp lấy túi vải đưa cho ông. Ông lấy từ trong túi vải ra một bọc thuốc lào rồi véo cho từng người, dặn mọi người xấp nước thoa vào chân. Mọi người trố mắt nhìn ông vẻ ngạc nhiên, ông cười và nói: “Quân tử phòng thân, đi rừng phải mang theo dao phòng khi tắc lối có dụng cụ mở đường; có thuốc chống vắt mà thuốc lào là tác dụng nhất, đỉa cũng phải kiềng!”.

Được chứng kiến điều này, Bí thư huyện ủy Yên Lập Trần Tuân trầm trồ: “Có lẽ hiếm có một đồng chí lãnh đạo như thế!”. Vào rừng, lên núi, ra nương, xuống ruộng rồi gặp gỡ bà con các dân tộc, ở đâu ông cũng khuyên đồng bào hãy ở ổn định một nơi để xây dựng cuộc sống. Ông phân tích về tác hại của việc du canh, du cư, chặt phá rừng. Già bản người Mông ở Trung Sơn (Yên Lập) nói tiếng phổ thông chưa thạo, phải nhờ Chủ tịch xã nói lại với Bí thư tỉnh ủy: “Cán bộ Ngọc nói mình nghe sướng cái lỗ tai lắm. Mình hứa sẽ ngăn dân bản không du canh, du cư nữa”.

Trước lúc rời bản người Mông này, Bí thư khẽ dặn tôi nói với Chủ tịch xã xin mấy cái bánh ngô, một ít mèn mén của đồng bào đem về thưởng thức. Theo ông, chỉ có nếm thử những món ăn ấy mới thấu hiểu được nỗi khổ hay sung sướng của đồng bào. Lần đi thực tế ấy là sự khởi nguồn cho một Nghị quyết chuyên đề của tỉnh ủy Vĩnh Phú về chương trình: “Lên đồi phủ xanh đất trống, đồi núi trọc”. Ông rời nhiệm sở vì lý do sức khỏe, những người kế nhiệm ông đã nỗ lực thực hiện có kết quả rõ rệt. Mấy năm sau, Vĩnh Phú trở thành tỉnh đi đầu trong công tác trồng rừng, được Trung ương giao đăng cai Hội nghị toàn quốc về công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Tháng 12/1974, tôi lại được tháp tùng Bí thư về dự Đại hội nông dân tập thể huyện Vĩnh Tường. Vào hội nghị, ông bắt tay chào hỏi từng đại biểu. Cử chỉ ấy làm cho hội nghị thêm sinh động nhiều lần. Đọc xong bài phát biểu chỉ đạo Đại hội, Bí thư chúc mọi người mạnh khỏe rồi rời diễn đàn đi xuống. Bí thư huyện ủy Vĩnh Tường mời ông ở lại dự bữa cơm thân mật với Đại biểu Đại hội. Ông chưa nhận lời nhưng lại yêu cầu Bí thư huyện ủy đưa đi xem thực tế nhà ăn. Đi một lượt, ông quay lại nói với đồng chí Bí thư huyện ủy: “Cỗ bàn thịnh soạn thế này là dành để các đại biểu nông dân thưởng thức. Họ đã phải vất vả một nắng hai sương, để làm ra hạt gạo, con cá, cân thịt, cọng rau nên họ xứng đáng được hưởng những mâm cỗ này!”. Rồi ông nhắc anh em văn phòng ra xe về tỉnh. Hôm ấy Bí thư huyện ủy Vĩnh Tường Lê Văn Trị được một phen lạnh gáy, toát mồ hôi. Chúng tôi những người đi theo thêm một bài học quý giá đậm chất nhân văn.

3. Lần tôi cùng nhà báo Nguyễn Uyển (sau này là Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phú) tháp tùng Bí thư tỉnh ủy về thăm Hợp tác xã Yên Nhân xã Tiền Phong, huyện Yên Lãng - một điển hình tiên tiến về ươm bèo hoa dâu của tỉnh. Bí thư ra hiệu cho lái xe ra thẳng nơi có những thửa ruộng ươm bèo. Những cánh ruộng được Hợp tác xã chọn ươm và nhân giống bèo hoa dâu liền kề nhau. Bèo đang độ phát triển, những cánh bèo nhiều màu sắc ken kín mặt ruộng như một tấm thảm khoe sắc dưới ánh nắng mặt trời.

Xe vừa dừng lại, Bí thư mở cửa xuống xe xăm xăm lội ruộng trong khi chúng tôi xuống xe đứng như trời trồng cảm thấy ngượng với Bí thư vì những chiếc giày bóng loáng của mình. Bí thư nhặt những cánh bèo dâu đặt lên tay quan sát, ông nâng những cánh bèo lên ngang tầm mắt để xem cặn kẽ rễ bèo. Chúng tôi còn chưa hết băn khoăn thì ông đã chao chân trên mường nước rồi lên xe. Trên đường về trụ sở ông vẫn nâng niu trong tay những cánh bèo dâu đang độ phát triển. Ông giải thích với mọi người: “Bèo dâu là sinh vật dễ sống, dễ ươm trồng. Thời kỳ phát triển ken kín mặt ruộng hạn chế sự bốc hơi nước góp phần chống hạn cho lúa. Hết thời kỳ sinh trưởng, chết đi là nguồn phân bón giàu chất đạm nuôi dưỡng cây trồng”. Chuyện bèo hoa dâu tưởng là nhỏ ai ngờ rằng nhiều năm sau khi nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân mang theo nó lên vũ trụ nghiên cứu.

Bữa trưa hôm ấy, ông nhận lời ở lại ăn cơm với địa phương. Chủ nhà sắp xếp anh em cán bộ đi theo ngồi ăn ở phòng bên cạnh. Không thấy chúng tôi có mặt, ông cứ đứng lên, ngồi xuống thắc thỏm mong đợi. Đoán biết được suy nghĩ của Bí thư tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo địa phương liền cho mời chúng tôi cùng ngồi ăn một phòng với Bí thư tỉnh ủy. Khi mọi người ngồi vào bàn ăn, ông nói với mọi người: “Mình đi được đến đây là nhờ lái xe; khỏe để làm việc nhờ có thầy thuốc; có số liệu phân tích và phát biểu nhờ có thư ký; tuyên truyền có nhà báo... vậy mà...! Lần sau không nên phân biệt đối xử như vậy để khỏi chạnh lòng mọi người”.


Ông Kim Ngọc (bên trái) đang kiểm tra sâu hại lúa. Ảnh TL.

4. Không chỉ ân tình với nông dân, với đồng bào các dân tộc, với người giúp việc, Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc cũng rất gần gũi, quan tâm chu đáo tới các văn nghệ sĩ. Hôm ông dự cuộc họp với ban vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú để nghe báo cáo tình hình, tham dự hội nghị hôm đó có các nhà văn, nhà thơ ở Trung ương như: Văn Cao, Xuân Diệu, Nông Quốc Chấn..., ông hỏi các đồng chí trong ban vận động về quà cho khách. Không có sự chuẩn bị vì thời ấy chưa có tiền lệ biếu quà cho khách nên mọi người cứ đứng ngớ ra và chỉ biết nhìn nhau. Hiểu được tâm trạng ấy, Bí thư tỉnh ủy gợi ý: “Đây không phải biếu xén mà là quà của chủ nhà để mọi người nhớ mãi. Bây giờ đang mùa hồng, mua tặng mỗi người vài ba chục quả hồng Hạc Trì - đặc sản của Việt Trì - Phú Thọ để các đồng chí ấy mang về làm quà cho gia đình”. Nghe ông nói vậy, mọi người thở phào nhẹ nhõm và cử người đi mua quà.

Cùng với văn nghệ sĩ, khi nhận được quyết định thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú, tỉnh cho tổ chức một bữa liên hoan, hôm đó Bí thư tỉnh ủy cũng tới dự. Bữa cơm không thịnh soạn lắm nhưng cũng đủ món và ly rượu quê. Bữa liên hoan ấy thật vui vẻ nhưng cũng làm cho ban tổ chức bận tâm bởi có người quá chén nói năng nhiều điều khó nghe. Ban tổ chức tỏ thái độ không hài lòng. Hiểu được tâm trạng ấy của mọi người ông ôn tồn: “Không sao. Thế mới là văn nghệ sĩ... rượu nói đấy chứ! Đừng bận tâm. Cứ vui hết mình đi!”. Lời nói của ông làm mọi người bớt căng thẳng, cuộc vui rộn rã hơn.

Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc còn là người rất khoan dung, nhân đạo. Câu chuyện xảy ra giữa năm 1972 khi giặc Mỹ leo thang đánh phá trở lại miền Bắc: Trong một trận oanh tạc, một máy bay F105 của Mỹ bị pháo cao xạ của ta bắn cháy, viên phi công nhảy dù xuống vùng núi Sáng Sơn, huyện Lập Thạch. Biết phi công giặc nhảy xuống địa phận tỉnh, ông cho điện thoại với lãnh đạo tỉnh đội để cử bộ đội cùng dân quân vây bắt. Tôi cũng được đi theo đoàn bộ chỉ huy quân sự tỉnh đến nơi vây bắt giặc lái.

Sau nhiều ngày bao vây, tìm kiếm cuối cùng ta đã bắt được viên phi công. Căm thù chồng chất căm thù, những người làm nhiệm vụ đưa tên giặc lái về nơi tập kết trong trạng thái không áo, không quần, hai tay bị trói, chỉ với chiếc "xịt" che thân. Có mặt lúc ấy, Bí thư tỉnh ủy cho mời chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh ra trao đổi. Không hiểu hai người nói với nhau những gì nhưng chỉ biết rằng sau đó một chiến sĩ mang ra một bộ quần áo bà ba màu cỏ úa đưa cho viên phi công nọ mặc. Trước lúc ra về, ông nói với mọi người: “Đừng quên chính sách khoan hồng của Đảng và Chính phủ. Với lại những tên giặc lái này cũng là con người kia mà, sao lại lột quần áo họ ra thế…”.

Kim Văn Nguộc - Kim Ngọc - người Bí thư tỉnh ủy đau đáu suốt cả cuộc đời vì cơm no áo ấm cho nhân dân, người bạn lớn của nông dân, của mọi người, của anh và của tôi.


(*)

Nguyên là Thư ký Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc.

LÊ PHAN NGHỊ (*)