Tôi chỉ được gặp nhà thơ Chế Lan Viên có mấy lần. Nhưng những lần gặp gỡ ấy đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng thật sâu đậm…
1. Vào một ngày hè năm 1968, một người bạn thân nói với tôi:
- Tớ nghe tạp chí Tác Phẩm Mới cần biên tập viên, cậu thích văn, cậu có thể chạy sang đó xin thử.
Lúc đó, tôi đang làm cán bộ nghiên cứu ở Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, nhưng vẫn mơ màng chuyện văn thơ nên cho đây là dịp may để mình đi vào con đường sáng tác văn học, liền chạy lên 65 Nguyễn Du, Hà Nội (Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam và tạp chí Tác Phẩm Mới) hỏi xin việc. Tôi gặp Bùi Hòa, một người bạn, học lớp văn cùng khóa với tôi đang làm biên tập viên ở đó. Hòa nói:
- Ông sang gặp cụ Chế thử.
Tôi đến 51 Trần Hưng Đạo. Người ta cho tôi biết Chế Lan Viên đang ở một phòng nhỏ phía sau nhà. Tôi đến nơi, thấy cửa mở và Chế Lan Viên đang ngồi nghe nhạc từ một chiếc máy quay đĩa cũ kỹ. Tôi đã gặp ông một lần ở nhà Tế Hanh. Nhưng chắc là ông không nhớ tôi vì hôm đó ông đến rồi đi rất vội. Tôi hồi hộp đến bên cửa nói:
- Thưa anh?
- Gì thế cậu? Chế Lan Viên tắt máy quay đĩa rồi hỏi...
- Em nghe nói Tác Phẩm Mới cần người, em xin...
Chế Lan Viên khoát tay:
- Mình chỉ lo việc bài vở, còn về người cậu sang hỏi ông Hoàng Trung Nho với Nguyễn Đình Thi ấy - Chế Lan Viên dừng lại nhìn tôi rồi hỏi - Cậu viết được gì rồi.
- Dạ, em có bài in trong tập Sức Mới (tập sách do Chế Lan Viên đề tựa).
- Cậu tên chi?
- Dạ em tên Quế, Thanh Quế...
- Á... à... bài cậu viết dựa theo một bức thư từ miền Nam gửi ra chứ gì. Cậu còn trẻ, chỉ đọc sách báo rồi viết chưa tốt đâu, cần phải có thực tế kia. Cậu đang làm việc gì?
- Dạ em làm cán bộ nghiên cứu ở Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương.
- Bên đó cũng tốt, có nhiều tư liệu lại có khi được đi khảo sát nữa, chuyện gì mà xin sang đây.
Tôi nói lí nhí:
- Dạ em yêu văn học.
- Đã đành. Này - Chế Lan Viên nói to - giả sử cậu xin vào bộ đội lại có lý hơn. Một người con trai cần rèn luyện qua quân đội mà hiện nay đất nước lại đang có chiến tranh...
Tôi gãi tai nói:
- Em đã xin đi Nam mà chưa thấy ở trên trả lời...
Chế Lan Viên chụp lấy tay tôi lắc lắc:
- Cậu nên làm điều đó. Nên đi Nam. Cuộc chiến đấu đang cần những người trẻ. Đi vào đó có gian khổ và ác liệt nhưng sẽ là vốn sống lớn cho cậu viết thơ văn. Cậu còn trẻ mà làm biên tập viên làm gì?
Nói xong ông lại mở máy hát, nhịp chân lắng nghe như là không có tôi đứng đó nữa...
2. Mùa thu năm 1978, tôi được anh Nguyễn Chí Trung, lãnh đạo trại sáng tác Quân khu 5 điều vào Sài Gòn để đi Campuchia cùng với Thu Bồn, Bùi Minh Quốc và Nguyễn Bảo. Trong khi chờ đợi để sang Campuchia, chúng tôi ở lại trạm 105B - nhà khách quân đội ở phía nam. Một buổi sáng, Bùi Minh Quốc nói với tôi và Bảo:
- Tớ có địa chỉ nhà anh Chế Lan Viên. Ảnh ở gần khám Chí Hòa, ta đến chơi đi. Lẩn quẩn ở đây làm gì.
Chúng tôi tìm đến nhà Chế Lan Viên. Nhà ông có trần thấp. Khi chị Vũ Thị Thường nấu nước cho chúng tôi uống, khói bay là là trên đầu chúng tôi.
Bùi Minh Quốc giới thiệu Nguyễn Bảo và tôi. Ông nắm chặt tay tôi:
- Tớ gặp cậu này một lần rồi, hồi cậu chưa đi Nam. Vừa qua tớ có đọc tập Tình yêu nhận từ đất của cậu, cậu Oanh, cậu Vinh đó.
Tôi im lặng cảm động nhìn ông vì nghĩ một nhà thơ có tiếng tăm như ông mà còn đọc thơ mình...
- Thơ cậu Oanh có vẻ thiếu vốn sống và cao giọng, cậu Vịnh chưa rõ nét riêng còn của cậu thì có tình nhưng thật thà quá - Ông dừng lại nhìn tôi rồi hỏi - Cậu biết những ngoại ngữ gì?
- Dạ, hồi phổ thông em học Trung văn, vào Đại học học Nga văn, nhưng lem nhem thôi ạ.
- Không được - Chế Lan Viên khoát tay nói to - Cậu phải cố học một ngoại ngữ cho thông thạo để đọc sách. Đọc người ta mình mới biến thành của mình chớ. Cậu phải học lại tiếng Nga hay tiếng Trung Quốc cho đến nơi đến chốn đi nhé. Bữa sau gặp lại tớ hỏi đó.
Câu chuyện đến đây thì chị Thường mang nước lên, ông quay sang hỏi chuyện anh Quốc và Bảo rồi chúng tôi xoay sang bàn về chiến tranh Campuchia.
Tôi những tưởng câu chuyện giữa tôi và ông tới đó thì xong, không ngờ, cuối năm 1979, Chế Lan Viên đi họp Quốc hội về, ngang qua Đà Nẵng, ông ghé thăm Hội Văn nghệ. Giữa lúc chúng tôi đang họp, ông xin phép nói mấy lời:
- Tôi qua Đà Nẵng có việc, ghé thăm các anh chị em. Thôi anh em bận họp cứ họp, cho tôi thăm sức khỏe và mong anh chị em sáng tác tốt - Ông dừng lại hỏi - Có cậu Quế, cậu Oanh ở đây không?
- Dạ, em đây. Tôi đứng dậy.
- Bây giờ mình qua bên Mặt trận đây. Tối cậu ghé lại khách sạn Non Nước chơi với mình nhé.
Tối hôm ấy, tôi đến thăm ông. Vừa rót trà cho tôi uống, ông vừa hỏi:
- Việc học ngoại ngữ của cậu thế nào rồi?
Tôi ấp úng:
- Dạ, em vẫn chưa có điều kiện học anh ạ.
Ông im lặng có vẻ buồn rồi nói:
- Em vẫn chưa thấy hết tác dụng của ngoại ngữ. Em phải tìm cách học thông thạo một thứ tiếng đi. Có ngoại ngữ, ta đọc sách báo người ta, có lợi cho việc viết lắm em ạ.
Sau lần ấy, tôi không có dịp nào gặp lại Chế Lan Viên nữa. Nhưng trong lòng, Chế Lan Viên mãi mãi là một nhà thơ lớn, một người thầy, một người anh luôn tận tình chăm sóc dìu dắt giúp đỡ người khác, nhất là những anh em viết trẻ như tôi...