Lần đầu tiên tôi gặp người xứ Québec, một tỉnh tự trị nói tiếng Pháp thuộc quốc gia Canada, vào năm 1997. Một chuyện ngẫu nhiên khá lý thú.
Từ đường lối đổi mới 1986, nước ta mở cửa đón làn gió văn hóa bốn phương. Sau một thời gian dài bị cô lập, ta đã hội nhập quốc tế, tham gia Liên hiệp quốc, ASEAN và đặc biệt khối Các nước nói tiếng Pháp (Francophonie). Do đó mà cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 7 các nước nói tiếng Pháp được tổ chức vào cuối năm 1997 tại Hà Nội. Nhân dịp này, “chúng tôi (chính phủ Québec) rất phấn khởi đáp lại đề nghị của chính phủ Việt Nam cùng tham gia xuất bản cuốn sách có uy tín về thành phố Hà Nội” - đó là lời tuyên bố của ông Sylvain Simard, Bộ trưởng Quan hệ đối ngoại và khối nói tiếng Pháp của Québec, trong lễ tổ chức trao ấn phẩm đầu tiên tại trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 6-11-1997.
Tôi rất cảm kích được giao nhiệm vụ viết cuốn sách ấy và về mặt xuất bản được sự cộng tác của các chuyên gia kỹ thuật Việt Nam (Nhà xuất bản Thế Giới) và Québec. Ấn phẩm lấy tên là Phác họa chân dung Hà Nội được sử dụng làm quà tặng chính thức của tình hữu nghị Việt Nam - Québec cho các nguyên thủ quốc gia và các thành viên tham dự Hội nghị thượng đỉnh.
Trong bài diễn văn đọc tại buổi lễ bàn giao cuốn sách này, bộ trưởng Sylvain Simard nhấn mạnh về giá trị tượng trưng của kết quả đầu tiên trong sự hợp tác giữa Việt Nam và Québec: “Thật là tốt đẹp khi Québec và Việt Nam ở hai đầu trái đất về lịch sử rất khác nhau và đều rất phong phú, đã cùng nhau thực hiện một tác phẩm với chất lượng cao, nhờ vào sự cố gắng chung và những kỹ năng chuyên môn của hai bên. Sẽ có người nói: đó cũng chỉ là một quyển sách mà thôi; nhưng đó cũng lại là một biểu tượng của tinh thần và của sự đoàn kết”.
Tôi xin được nói thêm: trong khung cảnh đại gia đình các nước nói tiếng Pháp, người Việt Nam và người Québec là anh em cùng chia sẻ văn hóa Pháp, một nền văn hóa như Gide đã nói được đặc trưng bởi tính phổ biến toàn nhân loại.
Trong những biểu hiện của sự xích lại gần nhau giữa Québec và Việt Nam, tôi xin đưa ra một thí dụ là cuộc tập huấn ở Việt Nam do Viện Cégep de Sherbrooke (Québec) tổ chức hàng năm tại Hà Nội với sự cộng tác của Trường Đại học Hà Nội. Tôi thường xuyên được mời tham gia dự án với một bài thuyết trình về văn hóa Việt Nam.
Linh hồn của dự án là giáo sư Luc Rousseau. Năm 2009, ông cùng vợ là chị Tố Quyên đã thiết lập xong chương trình. Ngay lần gặp mặt đầu tiên, tôi đã cảm thấy mến ông vì thái độ niềm nở như anh em một nhà. Ông vui vẻ kể cho tôi biết quá trình hình thành và phát triển của khóa tập huấn tại Việt Nam.
Vào thời điểm toàn cầu hóa, rất cần có sự học tập, thể nghiệm trong môi trường một nền văn hóa nước ngoài để đào tạo một công dân gia nhập thế giới. Tại sao Québec lại chọn Việt Nam? Vì Việt Nam ở châu Á, lục địa có vai trò kinh tế, chính trị và văn hóa ngày càng lớn ở thế kỷ 21. Để tiếp xúc với châu Á, Québec không có đối tác nào tốt hơn là Việt Nam, quốc gia có sử dụng Pháp ngữ như mình. Đối với sinh viên Québec, Việt Nam là một cửa để đi vào châu Á, tìm hiểu các dân tộc châu Á và các phương thức sinh hoạt châu Á.
Như vậy, trong 5 tuần lễ du học, các sinh viên Québec thực hiện những hoạt động nhằm khám phá sự phong phú và tính phức tạp của văn hóa Việt Nam.
Chương trình tập huấn bao gồm 6 nhóm hoạt động:
1. Kết nghĩa huynh đệ giữa từng cặp hai sinh viên Québec - Việt Nam trong tập huấn. Mời sinh viên Québec ở và sinh hoạt tại gia đình người kết nghĩa. Đôi bên đều có lợi: sinh viên Québec đắm mình trong văn hóa Việt, còn sinh viên Việt Nam nâng cao tiếng Pháp và làm quen với một nền văn hóa phương Tây qua con người xương thịt. Đôi bên sẽ giữ những mối liên hệ bền vững.
2. Hợp tác với Viện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
3. Làm công tác nhân đạo ở làng Hữu nghị Vân Canh, làng chăm sóc hơn 100 nạn nhân chiến tranh trẻ và đứng tuổi, đặc biệt là bị nhiễm chất độc da cam.
4. Nghiên cứu khoa học thực địa với sự hướng dẫn của các giáo sư nhân học và địa lý. Về nước, sinh viên sẽ viết một bản luận án và một bản tư liệu để phổ biến rộng rãi công trình phân tích. Đề tài nghiên cứu rất đa dạng về các nền văn hóa thiểu số, vị trí phụ nữ trong xã hội Việt Nam, biến diễn của hôn nhân truyền thống, ẩm thực Hà Nội v.v…
5. Thuyết trình của các nhà trí thức tiêu biểu của Việt Nam.
6. Đi thăm danh lam thắng cảnh đại diện văn hóa Việt Nam.
Khóa tập huấn của Québec đã có những mùa gặt tốt đẹp hàng năm ở Hà Nội. Đến nay đã có 110 sinh viên Québec được hiểu biết một nền văn hóa ba nghìn năm của một nước châu Á vùng nhiệt đới. Qua việc kết nghĩa, sinh viên Việt Nam ở Trường Đại học Hà Nội cũng đã tiếp xúc một cách sống động với những đại diện của văn hóa phương Tây, đồng thời nâng cao trình độ Pháp ngữ. Như vậy, những mối liên hệ anh em sẽ được tiếp tục. Khoảng 10 giáo sư nhân học và địa lý đóng góp vào sự thành công của dự án.
Khóa học Québec - Việt Nam đã có khá nhiều kinh nghiệm để ngày một phát triển. Khi chia tay, ông Luc Rousseau tâm sự: “Dự án này đang có sức bật, chúng tôi cần đầu tư cố gắng để nó trường thọ”.
Đây cũng là một đóng góp vào mặt tích cực của toàn cầu hóa.