Mậu Thân 1968 là cột mốc lịch sử được làm nên bởi lòng quả cảm, trí thông minh và anh dũng tuyệt vời của quân dân hai miền Nam Bắc. Cuộc tổng tiến công đã huy động tổng lực các lực lượng từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đến đặc công, biệt động, pháo binh, tình báo, cả chiến hào lòng dân trong nội đô… Nhưng lịch sử Mậu Thân 1968 cũng đã được viết nên bằng giọt máu của bao chiến sĩ, đồng bào. Có biết bao bà mẹ mất con, có biết bao những đứa trẻ mất cha mẹ và có biết bao những người vợ mất chồng. Tôi đã gặp lại những người phụ nữ tiễn chồng ra đi năm ấy, hơn 40 năm qua mà đôi mắt của những người vợ góa vẫn sâu thẳm nỗi nhớ thương.
1
Đêm mùng Một Tết Mậu Thân (31/1/1968), lực lượng biệt động đồng loạt nổ súng tấn công 5 mục tiêu theo kế hoạch: Dinh Độc lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài Phát thanh, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Bộ tư lệnh hải quân ngụy. Do không phối hợp được với đại quân, 5 đội biệt động với tổng số 88 chiến sĩ trực tiếp chiến đấu độc lập trong sào huyệt địch, hầu hết đã hy sinh hoặc rơi vào tay giặc, nhưng ý chí và xương máu của các anh chị đã dựng lên những tượng đài bất tử.
Cứ vào mùng Hai Tết, tôi nhìn thấy những người vợ góa chồng, bé nhỏ, gương mặt hằn vết thời gian, hòa lẫn trong những cựu chiến sĩ biệt động đến thắp hương tại các di tích Mậu Thân trong thành phố.
Trong lặng lẽ và nước mắt chìm trong khói hương, tôi nhìn thấy bà - người phụ nữ có gương mặt phúc hậu, trầm buồn. Người phụ nữ ấy tên là Trần Thị Út. Suốt ba năm ròng rã, từ 1965-1968, Trần Phú Cương (Năm Mộc) cùng vợ là Trần Thị Út đã xây hầm bí mật, cất giữ, trông coi kho vũ khí ngay chính trong ngôi nhà mình - tiệm may Quốc Anh, 65 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Kho vũ khí này dùng đánh vào Đài Phát thanh.
Tại đây, trước giờ nổ súng, chị đã mưu trí giấu 12 cán bộ chiến sĩ, may lại bao đựng lựu đạn đã rã mục, canh giữ cho chồng và đồng đội lau chùi súng đạn đã hoen rỉ. Giờ lịch sử đã điểm. Khi tất cả đã sẵn sàng, vũ khí đã chất sẵn lên chiếc xe mà buổi chiều ngày 29 Tết anh đã hứa: “Tết này có xe hơi mình đi Vũng Tàu chơi!”.
Chị Út lặng lẽ bước vào căn phòng ngủ của hai vợ chồng, nhìn con ngủ ngoan, chị rưng rưng thầm nói: “Ba con đang lao vào đại cuộc. Chỉ một lát nữa thôi…”. Chợt cánh cửa bật mở, anh Năm Mộc lao vào phòng. Anh hôn lên trán con, ôm chặt lấy vợ. Vòng tay ấy hơn cả muôn ngàn lần nói lời cám ơn chị… Trên bàn có một đĩa táo. Tiện tay, chị lấy dao xẻ đôi trái táo. Chị đưa cho anh một nửa, một nửa cầm trên tay, đứng lặng. Cắn vội miếng táo, anh nói:
- Anh đi một lát trở về. Rồi chúng mình sẽ mãi mãi bên nhau.
Ôm chặt vợ lần nữa, anh vội vã lao xuống gác. Chiếc xe hơi do chính anh Năm Mộc lái hướng về phía Đài Phát thanh…
Đó là một đêm trắng trong cuộc đời chị. Tận mắt chứng kiến cảnh chồng hy sinh, chị nén đau thương, cố gắng giúp Tư Tăng, Ba Tẻo nấp dưới hầm bí mật tại nhà chị thoát hiểm.
Nhìn ngôi nhà đã chứa đựng bao điều bí mật mà chị đã chia sẻ cùng anh, chị đã run lên trước đống vũ khí được đem cất giữ và đem lên lau chùi cho đêm mùng Một Tết, nhớ quả táo chia đôi với lời hứa “Anh đi một lát. Rồi anh sẽ quay về” chị nghe tim mình như có ai bóp nghẹt.
Cho đến lúc đó, chị mới chịu tin anh vĩnh viễn không bao giờ trở về. Chị mang nửa quả táo đã tím bầm, héo quắt đặt trước di ảnh anh. Thắp nén nhang thì thầm nói với anh lời vĩnh biệt.
Cho đến lúc đó, chị mới òa khóc nức nở. Những tên mật vụ lảng vảng trước nhà khiến chị nhớ đến lời dặn: “Cô Út phải thu xếp ra chiến khu” của Tư Tăng. Chị tự nhủ mình không được yếu mềm, phải biết đứng lên, lau khô nước mắt. Chị biết mình chỉ có thể trốn đi lúc về khuya nên lấy khăn độn bụng, giả làm sản phụ đi sanh con.
Đến bệnh viện, chị tìm cách lẫn vào đám đông, tìm chỗ vắng, rút khăn độn bụng, gọi xích lô tới một ngôi nhà đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần). Từ đây, giao liên đưa chị ra chiến khu. Chị trở thành chiến sĩ giải phóng quân từ ấy.
Bốn mươi năm đã trôi qua, nhớ mãi đôi mắt đượm buồn của bà khi đứng trong góc khuất cánh cửa ngôi nhà bé nhỏ đường Trần Quang Khải. Nơi đó, trên bàn thờ, bên di ảnh anh hùng liệt sĩ Trần Phú Cương, những trái táo đêm xuân năm nào vẫn còn nguyên ước nguyện sum vầy, hạnh phúc.

Vợ chồng Trần Thị Út, Năm Mộc (Liệt sĩ, Anh hùng LLVT Trần Phú Cương). Ảnh chụp trước Tết Mậu Thân 1968. Ảnh TL gia đình.
2
Đêm mùng Một Tết Mậu Thân, đội trưởng Tô Hoài Thanh cùng 14 chiến sĩ biệt động nhận nhiệm vụ tấn công vào mục tiêu Dinh Độc lập. Để chuẩn bị trận đánh, Tô Hoài Thanh đã tập trung toàn bộ trí tuệ, sức lực, cải trang nghiên cứu mục tiêu. Trên đường phố Sài Gòn, anh vô tình gặp vợ là nữ giao liên Võ Thị Cúc.
Vợ chồng trẻ lâu ngày không gặp, bao thương nhớ, khát khao đốt cháy cõi lòng. Vậy mà gặp nhau, họ phải nén lại tình riêng. Sau phút đăm đắm nhìn chị, anh kéo sụp nón che mặt, thể như người không quen biết. Đó cũng là lần cuối cùng bà Cúc gặp chồng. Bốn mươi năm sau, tôi tìm gặp bà trong ngôi nhà nhỏ bên con hẻm ven đường sắt ở quận Phú Nhuận. Vừa nhắc đến những ngày giáp Tết, nước mắt bà Cúc đã tuôn trào. Bà nghẹn ngào kể:
“Chuẩn bị Mậu Thân, tôi từ Củ Chi vô nội thành, được giao nhiệm vụ chốt lại các cơ sở mà trước đó tôi đã xây dựng. Khi thấy chiếc xe anh chạy trờ tới chợ Vườn Chuối. Anh nhận ra tôi mà không dám gọi. Tôi cũng đứng lặng nhìn anh. Rồi chiếc xe lao đi… Sau này, gặp lại người chiến sĩ đi cùng với anh ngày 28 Tết năm đó, tôi mới biết anh đã kéo sụp vành nón che những giọt nước mắt trào ra. Anh không dám gọi vì sợ bị lộ, cũng vì sợ không kiềm chế được lòng mình, anh sẽ lao đến bên tôi, trong khi anh đang nhận lấy một trọng trách vô cùng quan trọng. Dù đau khổ nhưng tôi hiểu lòng anh lúc đó. Nhưng anh cứ day dứt, băn khoăn. Anh đã tâm sự với đồng chí đi cùng: “Thấy vợ bơ vơ trên đường, lòng tôi đau thắt, thương cô ấy vô cùng. Đôi mắt mở to của cô ấy lúc đó như đốt cháy tôi. Khi anh hy sinh, tôi mới hiểu là anh đã yêu tôi hơn những gì tôi nghĩ. Tôi nhớ lần gặp anh ở Củ Chi, năm 1967, lúc ấy tôi thật ngây thơ, không hiểu gì. Khi chỉ còn hai vợ chồng bên nhau, anh nhìn sâu vào mắt tôi, nghiêm nghị hỏi: “Nếu anh hy sinh thì em làm sao?”. “Anh hy sinh thì em nuôi con, tiếp tục chiến đấu”. Tôi trả lời theo cách nghĩ chung của những người vợ biệt động trong chiến tranh. Nhưng anh trầm ngâm nói: “Làm sao em vừa công tác, vừa nuôi con, khi chiến tranh ngày càng ác liệt, kẻ địch ngày càng tinh vi, quỷ quyệt. Không, em phải sống vui vẻ, phải sống hạnh phúc”. Tôi gục đầu vào ngực anh, bật khóc nức nở.
Sau Mậu Thân, địch phản công dữ dội, trong máu lửa nội đô, bà như con thoi liên tục liên lạc với các cơ sở, khai thác tin tức từ phía địch. Rồi bà bị địch phát hiện, lùng sục. Không còn cách nào khác, bà đau đớn gởi đứa con nhỏ cho người chị ruột, tìm cách vào căn cứ. Người mẹ lại khóc nghẹn: “Hòa bình, lòng tôi mừng vui khôn xiết, nghĩ đã đến lúc được gặp lại con. Tôi không ngờ con gái không nhận mình. Nó hờn giận tôi vì mẹ nó đã xây dựng gia đình với một người khác. Ngày đoàn tụ sao bẽ bàng, chát đắng. Hòa bình đã mấy mươi năm thì cũng mấy mươi năm tôi khóc vì con không hiểu mẹ”. Bà ngậm ngùi nói: “Giá mà con gái hiểu được, bao dung được như người cha liệt sĩ của nó”.
3
Mậu Thân 1968 còn là nỗi khắc khoải của người con gái đẹp Củ Chi. Năm ấy, Ngô Thanh Vân (Ba Đen) - đội trưởng đội 11 biệt động cùng 14 chiến sĩ nhận nhiệm vụ tấn công vào mục tiêu Đại sứ quán Mỹ. Ông hứa với Cao Hoài Vinh - người chiến sĩ trẻ nhất trong đội: “Sau trận đánh này, tao sẽ cho mày lấy con Ngọc Huệ”.
Trước đó, ông không tán thành mối tình này, bởi Vinh đem lòng yêu cô giao liên lớn hơn anh đến 6 tuổi. Là người duy nhất còn sống sót trong trận đánh này, Ba Đen cứ day dứt mỗi khi nhớ về đồng đội.
Đôi mắt mở to của Cao Hoài Vinh cứ theo suốt cuộc đời ông. Vinh hy sinh vì đã bắn quả B46 vào một căn phòng kiên cố trong tòa đại sứ Mỹ, nào ngờ vật chắn phía sau quá gần, sức công phá quả đạn B46 dội ngược trở lại, Vinh hy sinh. Ba Đen ngậm ngùi kể: “Tôi không bao giờ quên được đôi mắt mở to của Vinh. Tôi nợ cuộc đời góa phụ của con Huệ. Hôm xuất phát ở Củ Chi, mặt thằng Vinh sáng rỡ khi tôi hứa sau chuyến này cho tụi nó lấy nhau. Nào ngờ… Điều tồi tệ nhất trong ký ức Mậu Thân là tất cả đều hy sinh, còn tôi thì được sống!”.

Nữ giao liên Nguyễn Ngọc Huệ (trái) phục vụ Hội nghị nội đô ở Củ Chi. Năm 1966. Ảnh TL.
“Trong số 13 đồng chí bị bắt, có hai đồng chí bị bọn Tổng nha cảnh sát tra tấn cực kỳ dã man cho đến chết. Chúng đem hai đồng chí Phan Văn Bảy (Bảy Sự) và Nguyễn Huy Xích (Mười Tâm) thủ tiêu. Năm 1998, đã tìm được hài cốt của hai đồng chí này tại công viên Lê Thị Riêng - quận 10 (trước là nghĩa địa Chí Hòa)”. Sau Mậu Thân, gia đình ông Phan Văn Bảy gồm cả vợ chồng, 6 người con đều tham gia biệt động.
Kho vũ khí tại số nhà 99/1C Trương Minh Ký (nay là đường Lê Văn Sĩ) do ông Phan Văn Bảy “làm nghề thợ may” xây dựng. Hầm xây xong, sợ lộ, ông được điều vào chiến khu, giao lại hầm vũ khí cho con gái là Phan Thị Thúy trông coi. Hầm này được dùng đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Bà Phan Thị Thúy thăm lại kho vũ khí tại số nhà 99/1C Trương Minh Ký (nay là đường Lê Văn Sĩ).
Lần lượt cả ba người con gái của ông Phan Văn Bảy bị sa vào tay giặc. Chị Phan Thị Hồng - người con gái thứ năm trong gia đình làm nhiệm vụ dịch mật mã, bắt các tin tức địch qua điện đài, phục vụ chiến dịch Mậu Thân bị địch phục kích. Sa vào tay kẻ thù trong tình trạng bị thương ở bụng, chị chấp nhận bị cưa chân để bảo tồn bí mật tổ chức. Bà Võ Thị Sự - người vợ thứ hai của ông Phan Văn Bảy phải trốn khỏi nhà, vừa bán rau, vừa nuôi hai con nhỏ dại. Những năm tháng tiếp theo cuộc đời góa phụ là nuốt nước mắt, nén lại đau thương nuôi hai con nên người.
Cùng bị thủ tiêu trong buổi sáng mùa xuân năm ấy là ông Phan Huy Xích - một lãnh đạo biệt động đảm nhận vai trò Thường trực Sở chỉ huy tại số 7 Yên Đổ.

Bà Trần Mỹ Dung - vợ liệt sĩ Phan Huy Xích.
Khi ông hy sinh, bà Trần Mỹ Dung vừa phụ trách công việc từ thiện ở nhà thờ, vừa nuôi đàn con thơ dại. Một trong những người con của bà là bác sĩ Nguyễn Huy Dũng - Giám đốc bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Khi các con đã trưởng thành, bà dành phần đời còn lại của mình giúp đỡ cho những người cơ nhỡ, trẻ em nghèo. Đến thăm bà, tôi không khỏi ngỡ ngàng và sau đó là niềm kính phục trước một bà mẹ luôn giữ nếp sống giản dị, ngăn nắp; ngôi nhà nằm trong con hẻm nhỏ đường Điện Biên Phủ. Nơi đó, bà đã sống cùng hình ảnh người chồng mà bà yêu thương suốt mấy mươi năm trong thương nhớ, dù ông đã đi xa…