Cùng với nhiều cuốn tự truyện hay hồi ký của các chính khách và “ngôi sao” ca nhạc, điện ảnh, bóng đá… ở nước ngoài được dịch sang tiếng Việt, thị trường sách tự sự ở ta ngày càng phát triển. Mặc dù, thị trường sách “ngủ đông” khá dài nhưng những cuốn sách “người thật, việc thật” liên tiếp ra mắt độc giả vẫn thu hút được một lượng bạn đọc đáng kể…
Cả người nổi tiếng và… chưa nổi tiếng đều “vào cuộc”
Đánh dấu sự bùng nổ của sách tự truyện và hồi ký có lẽ phải kể đến hai cuốn sách đang dẫn đầu về số lượng phát hành hiện nay: Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Mãi mãi tuổi 20. Cách đây 2 năm, Lê Vân yêu và sống cũng gây “sốt” và sách lậu xuất hiện ngay trong tuần đầu phát hành. Trước đó không lâu, Cát bụi chân ai, Hồi ký điện ảnh Đặng Nhật Minh, Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng… là những cuốn sách đều được dư luận quan tâm.
Ngoài những cuốn sách của người nổi tiếng trong giới nghệ thuật, một số người có số phận đặc biệt cũng quyết định chia sẻ số phận của mình với độc giả. Tôi mù của Nguyễn Thanh Tú kể lại những “chuyện lạ có thật” đã trải qua cùng nhiều người mù khác. Từ một cô gái bị bệnh glo-com bẩm sinh, bốn lăm ngày tuổi lên bàn mổ lần đầu, mười sáu tuổi phải bỏ cả hai mắt sau mười lần phẫu thuật nhưng cô tham gia hết mình vào việc tìm lại ánh sáng cho bản thân và những người mù khác. Tú có khả năng khám và chữa những bệnh nan y, dù người bệnh ở xa. Cô nhìn rõ nội tạng người bệnh, có thể chỉ ra khuyết tật ở cấp phân tử (mã di truyền)…

Bìa tự truyện Bóng.
Trở về thiên đường tuổi thơ là tự truyện cảm động của một bà mẹ - chị Lê Thị Phương Nga - vượt bao khó khăn để trị bệnh tự kỷ cho con…
Rồi Bóng - tự truyện của anh Nguyễn Văn Dũng - một người trong giới đồng tính ở Hà Nội, Chủ nhiệm CLB MSM Thông Xanh. Qua tự truyện của anh, người đọc có thể thấu hiểu những góc khuất trong cuộc sống và nội tâm của giới đồng tính. Tính về thời điểm xuất bản thì Bóng là cuốn tự truyện đầu tiên của một người đồng tính ở Việt Nam. Cuốn sách dày hơn 350 trang này có thể nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của nhiều người hoặc cũng có khi chỉ là sự khinh sợ, phản cảm, nhưng thật sự Bóng đã mở ra một thế giới khác, tồn tại rất thực trong đời sống xung quanh chúng ta.
“Cơn sốt” sách tự truyện dường như ảnh hưởng đến khá nhiều người. Nhưng những cuốn sách được hứa hẹn nhưng đến giờ này vẫn… bặt tăm, như tự truyện của NSND Thanh Hoa, Hoa hậu Hà Kiều Anh, Nhà thơ Hoàng Cầm, Ca sĩ Ái Vân…, cả tự truyện của Nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo.

Cuộc đời của Ca sĩ Ái Vân hứa hẹn một cuốn tự truyện hấp dẫn.
Mỗi người một lý do…
Có nhiều lý do khác nhau nằm ngoài sự nổi tiếng thôi thúc người ta viết tự truyện hay hồi ký. Mỗi người mỗi vẻ. Nhà văn Nguyệt Tú - vợ của cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, tác giả của hồi ký Đường sáng trăng sao, tâm sự: “Tôi viết hồi ký để con cháu sau này hiểu và tự hào về các thế hệ cha ông, về những người làm cách mạng… Bạn bè đọc sách cũng chia sẻ tâm sự làm cho cuộc sống của tôi thú vị hơn”.
Còn NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh thổ lộ: “Viết hồi ký là một việc mà từ lâu tôi rất ngại ngùng. Viết làm sao trung thực với chính mình mà không đụng chạm đến ai quả là khó. Nhưng nếu không viết ra, thì ngay những người thân ruột thịt trong gia đình cũng không sao hiểu được mình đã làm gì, tại sao làm như vậy và những gì đã đến với mình trong cuộc đời đầy biến động này…”. NSƯT Lê Vân thì không giấu mục đích viết để sám hối, dù chị biết không phải mọi sám hối đều được tha thứ.
Phần đông tác giả dám phơi trần những uẩn khúc trong cuộc sống mà thường tình chúng ta giấu nhẹm, đặc biệt là những diễn biến phức tạp trong tâm lý, trong mối quan hệ với xung quanh… Người đọc chứng kiến các sự việc “cười ra nước mắt” vì nhiều lý do khác nhau còn lẩn khuất trong bóng tối nay được phơi bày với tất cả sự trần trụi nhiều khi đến mức xót xa… Tâm lý “ngó trộm qua lỗ khóa” được thỏa mãn phần nào khi độc giả tìm đến tự truyện.
Còn về phía tác giả, việc “bỗng dưng” trút bầu tâm sự, xé rách tấm màn dày đặc che khuất những chuyện không hay đã xảy ra trong vòng bí mật của riêng họ hay gia đình họ cũng xuất phát từ lý do tâm lý. Những người viết hồi ký hay tự truyện thường có những ám ảnh tâm lý mà bấy lâu phải âm thầm gánh chịu, không biết và cũng không dám thổ lộ cùng ai.
Im lặng một thời gian dài cho đến khi được dịp cởi mở tấm lòng thì họ chẳng còn ngại ngùng gì nữa, dù có phải “hạ bệ” cả những người bạn, đồng nghiệp chí thân hay cả những người cùng máu mủ với mình.
Tuy nhiên, họ có giảm bớt uẩn ức canh cánh trong lòng, nỗi khát khao nói lên sự thật có thật sự được toại nguyện hay họ phải chuốc thêm tiếng đời thị phi, thậm chí là căm phẫn của những người có liên quan thì vẫn còn là một dấu hỏi mà chỉ người trong cuộc mới có thể trả lời!
Sự “tiếp tay” của các công ty sách hay các nhà sách tư nhân
Hầu hết tự truyện hay hồi ký của các tác giả trong nước ra đời trong thời gian qua đều có sự “hậu thuẫn” của các đơn vị làm sách tư nhân (liên kết với các NXB): Tôi mù (Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Đông A – 2006), Bóng (NXB Văn học và Công ty Sách Domino – 2008)…
Có người cho rằng, sự bùng nổ của mảng sách hồi ký ở Việt Nam, ngoài nhu cầu của bạn đọc, còn có sự “tiếp tay” của các công ty làm sách. Nếu không có những người nhanh nhạy trong phát hiện đề tài, nhân vật, rồi tìm người thể hiện thành trang viết, tổ chức thu thập tư liệu, cung cấp tài liệu có liên quan… thì khó có những cuốn hồi ký “nóng hổi” và đi vào những đề tài “độc” thỏa mãn nhu cầu của bạn đọc.
Anh Lê Khánh Duy (Giám đốc Công ty Sách Domino) - người biên tập và tổ chức bản thảo cuốn sách Bóng - cho biết: “Cách thực hiện mới này khiến chúng tôi tự do hơn trong việc sáng tạo ra các cuốn sách nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, bởi phải làm sách từ con số 0 tròn trĩnh. Chúng tôi muốn có những cuốn sách ăn khách, bán chạy, đông người đọc. Điều đó hoàn toàn không xấu nếu như cuốn sách của chúng tôi chứa đựng những thông điệp mang ý nghĩa tốt cho xã hội”.
Theo “công thức” mà nhiều NXB nước ngoài đúc kết: sách dày trên 180 trang để khỏi bị coi là ngắn, nhưng cũng không quá 280 trang để độc giả không thấy ngán trước khi đọc; chương đầu phải hết sức hồi hộp, lôi cuốn, bắt độc giả háo hức đọc tiếp chương sau, rồi chương sau nữa; độc giả chịu bỏ tiền ra mua là để biết được những chuyện chưa từng biết, cho phép họ bắt chuyện với bạn bè mà không bị hớ… thì rõ ràng, những tự truyện hay hồi ký của ta hiện nay đều cơ bản đáp ứng được những yêu cầu này. Vấn đề then chốt là tìm kiếm một nhân vật đặc biệt với câu chuyện hấp dẫn còn hơn chỉ nhăm nhăm tìm người nổi tiếng, nhất là nghệ sĩ tên tuổi, để “dụ dỗ” họ viết tự truyện!
Để tự truyện có giá trị như một tác phẩm văn học.
Chưa đến mức ào ạt tuôn chảy, tự truyện đang trở thành mạch ngầm âm ỉ nhưng không kém phần sục sôi. Cả người đọc, người viết và những người làm sách đều có nhu cầu nên không khó hiểu về sự trỗi dậy của dạng sách này…
Tự truyện lên ngôi nhưng các đơn vị làm sách đang có khuynh hướng khai thác sâu những chuyện giật gân câu khách để đáp ứng tâm lý tò mò của độc giả. Cách khai thác thiên về phóng sự, báo chí nên còn hời hợt mà chưa đào sâu vào đời sống tâm hồn hay những ẩn ức thuộc về số phận con người.
Hiện nay, còn thiếu những cuốn sách có giá trị nhân văn sâu sắc làm rung động con tim độc giả. Vì thế, không ít độc giả dị ứng khi nghe đến sách tự truyện vì có những cuốn sách vội vã ra đời theo phong trào. Chúng dễ bị bạn đọc quay lưng chứ chưa nói đến việc đứng lại với thời gian để trở thành tác phẩm văn học có giá trị…
Băn khoăn nữa khi người viết thiếu công tâm, khách quan khi nhìn nhận đánh giá các sự vật, hiện tượng, nhất là các mối quan hệ trong xã hội; những cuốn sách còn sai lệch về dữ kiện lịch sử, chi tiết do cái nhìn chủ quan của người viết… hay viết sách nhằm mục đích ca công tụng đức và để “minh oan” cho “chủ nhân”… hơn là sẻ chia và giãi bày với bạn đọc…