Những phận người trong nhá nhem sáng tối của lịch sử

Có một thời tên tuổi tướng quân Huỳnh Văn Một - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 308 - Nguyễn An Ninh, Tư lệnh phó Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên… tỏa sáng trên vòm trời Tân An, Chợ Lớn. Nhưng cho đến phút cuối cuộc đời (ông mất ngày 6/9/1992), lòng ông vẫn còn đau đáu nỗi đau thế sự. Cho dù, ngày 29/9/2003, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý, cho những cống hiến to lớn trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thì vẫn còn đó nỗi đau những thăng trầm cuộc đời...

1. Chưa bao giờ Đức Hòa - quê hương ông Huỳnh Văn Một, hứng chịu nhiều tổn thất trong cuộc khủng bố trắng như mùa đông năm 1940. Ngày 26/11/1940, quân Pháp và tay sai ghi lại một tội ác man rợ, hơn cả thời Trung cổ, mà cho đến hôm nay, khu mộ tập thể gia đình ông là một bằng chứng về nỗi đau còn lại với thời gian. Để trả thù “tên cộng sản” gốc, Phó ban quân sự Liên tỉnh miền Đông, từng mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ quân sự về du kích chiến tranh, tổ chức lực lượng vũ trang, chuẩn bị Khởi nghĩa Nam Kỳ, quân Pháp bắt gia đình ông, hết thảy 13 người, gồm cả người già, trẻ em, phụ nữ… Cảnh khủng bố ấy ám ảnh ông mãi cho đến những năm cuối đời:

“Cuộc khủng bố trắng, có tên Thẹo (trước theo nghĩa quân sau phản bội) dẫn đường từ Giồng Cám lên Giồng Lốt đến Giồng Sến, Rừng Thơm. Thẹo chỉ xóm nào là chúng cướp sạch, giết sạch xóm đó. Nơi nào Thẹo nói lực lượng khởi nghĩa có ghé ăn cơm, thì giặc Pháp và bè lũ chó săn quan làng tha hồ đốt nhà, cướp của và giết người bằng nhiều cách, bắn hoặc chế xăng chết tại chỗ.

Trẻ em 5-7 tuổi, chúng nắm cẳng quật xuống đất, dùng giày đinh leo lên đạp không còn sống sót một em nào. Trẻ em 2-3 tuổi chúng bỏ vào cối quết. Cảnh tượng thuở đó nay hồi nhớ lại hết sức đau lòng, không bút mực nào tả cho hết được.

Gia đình cha tôi là một trong muôn vàn gia đình phải chịu cảnh tàn sát dã man ghê gớm nói trên. Bọn quan làng đem lính mã tà và Lê Dương đến bao vây, bắt tất cả trong nhà từ già (cha tôi 69 tuổi) đến trẻ sơ sinh, đem hết đến ấp Rừng Thơm làng Mỹ Hạnh. Chúng gom 13 người trong gia đình tôi xịt xăng đốt, đồng thời xả súng bắn.

Cha tôi là Huỳnh Văn Bài trước khi chết chửi thực dân Pháp là quân khát máu ăn thịt người, độc hơn loài sói dữ, chửi bọn quan làng là loài chó săn phản nòi hại nước. Chúng bắn người chết rồi khiêng quăng vào lửa. Anh tôi là Huỳnh Văn Quỳnh, thuở đó mới tuổi 40, con của anh tôi là Huỳnh Văn Bảnh mới lên 13 tuổi chúng đều bắn bị thương. Thấy cảnh giết người dã man, hung tàn của giặc, cảnh hành hạ xác chết của cha tôi, anh đau lòng căm phẫn la lên:

“Đả đảo bọn dã man tàn bạo!”. Bọn quan làng kêu lính bắn chết luôn con của chị tôi là cháu Phiến, con của em gái tôi là cháu Quyên và con của tôi hai trai- một đứa lên ba, một đứa chỉ một tuổi- giặc Pháp nắm chân vung lên đập đầu xuống đất ngất ngư rồi dùng giày đinh leo lên giậm cho bể đầu nát thịt không kịp khóc một tiếng nào. Cháu An, con cô Than mới 10 tuổi chạy đến nhà cha tôi báo tin Tây đến chưa kịp về chúng cũng dắt tới đây tưới xăng vào người đốt cháy như người đốt đuốc…”

Những ngày đen tối ấy đọng lại trong khu mộ tập thể của gia đình ông ở xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, Long An. Số phận của vợ “tên cộng sản gốc Huỳnh Văn Một” bị dồn đến chân tường. Bà Cảnh trong vai trò liên lạc và chuẩn bị cuộc khởi nghĩa bị bọn Pháp trừng trị, cho tưới xăng, đốt phỏng khắp người. Ông Một trốn thoát nhưng bị kêu án tử hình khiếm diện. Còn có nỗi đau nào, mất mát nào lớn hơn trong một gia đình…


Ông Huỳnh Văn Một - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 308 - Nguyễn An Ninh,
Tư lệnh phó Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên...

Khi tôi về Đức Hòa, tìm lại nhân chứng phụ nữ trong những ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ, bà con đều ngậm ngùi khi báo tin cô vải Ngoe không còn nữa. Cuộc đời cô vải Ngoe hết sức đặc biệt. Là con gái của thầy Phương - một nhà sư tu tại gia, Ngoe cũng sớm nương nhờ cửa Phật.

Nhan sắc lộng lẫy của cô rơi vào tầm ngắm của cai tổng Nhung - tên tay sai vô cùng tàn ác. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, lấy cớ thầy Phương giúp nghĩa quân, cai tổng Nhung cho đốt chùa, bắt cô vải Ngoe về làm vợ ba. Cũng chính tên cai tổng Nhung dắt lính Lê Dương lên Đức Hòa, tàn sát cả gia đình ông Sáu Mài, đốt nhà lấy của, chỉ còn lại cô Bời 15 tuổi còn sống sót. Hắn mang về làm vợ thứ tư… Nhờ thành tích đàn áp khởi nghĩa Nam Kỳ, từ chức hương trưởng quèn, hắn trở thành tên cai tổng giàu có, quyền uy… Khởi nghĩa thất bại, những người cộng sản số thì bị bắt, bị giết chết, số chưa lộ bám quần chúng, kẻ ly hương trốn tránh sự truy đuổi của kẻ thù.

2. Nhật làm cuộc đảo chánh ngày 9/3/1945, chỉ trong vòng 24 giờ, quân đội Thiên Hoàng đã lật nhào toàn bộ quyền lực người Pháp đã xây dựng ở Việt Nam hơn 80 năm. Ngay sau ngày Nhật đảo chánh Pháp, ông Huỳnh Văn Một liên lạc được với tổ chức Đảng, được giao nhiệm vụ trở về tỉnh Chợ Lớn khôi phục lại các cơ sở Đảng, thành lập lại các Quận ủy, tiến hành thống nhất cấp lãnh đạo tỉnh, chuẩn bị lực lượng cướp chính quyền khi thời cơ đến…

Tuy nhiên, đó cũng là thời kỳ với những khoảng nhá nhem tối sáng của lịch sử. Trở về quê hương Đức Hòa xây dựng lực lượng cách mạng, ông Huỳnh Văn Một đối mặt với những khó khăn, phức tạp của thời cuộc.

Giới Cao Đài thân Nhật vô cùng hồ hởi, tập hợp tín đồ, đạo hữu rầm rộ quyên góp, biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, tổ chức đám rước Cường Để, phổ biến nhiều cơ bút gây ảo tưởng, hoang mang lòng người. Lực lượng Thanh niên Tiền Phong được thành lập, phát triển rầm rộ khắp Nam Kỳ. Bọn lưu manh ở các nơi hẻo lánh cũng bắt chước chiếm đoạt các công sở, nhà cửa của những người hằng sản.

Trước các đảng phái, tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo, phe Trốt-kít, Quốc Dân Đảng, phần lớn quần chúng có bản lĩnh nhận ra thực chất nhưng không ít người mê muội, lầm tưởng. Ngay cả số quần chúng ủng hộ cộng sản cũng không ít người hoang mang trước tên gọi “Xứ ủy Tiền Phong” và “Xứ ủy Giải phóng”. Hai nhóm ấy có là một tổ chức của Đảng không?! Nếu là hai, nhóm nào sai, nhóm nào đúng?!

Vì sự phức tạp, rối rắm ấy, phong trào quần chúng ít nhiều bị phân tán. Số công chức, trí thức tiến bộ, thức thời; những địa chủ, hào phú, tư sản có tinh thần dân tộc, yêu nước cũng trở nên hoang mang, do dự. Họ phải trải qua nhiều trăn trở, trả giá cho hành trình mò mẫm đi tìm người cách mạng chân chính để cống hiến và ký thác. Khoảng nhá nhem tối sáng ấy của lịch sử cũng là mảnh đất béo bở cho bọn cơ hội, lưu manh, đầu cơ chính trị chui vào Đảng, lãnh nhiệm vụ vu vơ, về địa phương hay những nơi xa xôi mặc sức tung hoành, hống hách, bắt nạt quần chúng, gây bi kịch cho nhiều gia đình, đẩy nhiều số phận xuống vực thẳm…

Chính trong thời kỳ nhá nhem, tối sáng của lịch sử năm ấy, bản lĩnh của người cộng sản được thử thách, trui rèn. Nhiều phần tử quá khích, cơ hội rất hăng hái kích động lòng hận thù còn nóng hổi của các gia đình bị thực dân Pháp khủng bố, tàn sát trong Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, khiến nhiều gia đình bừng bừng căm hận, sẵn sàng cho cuộc trả thù đẫm máu… Bọn làng lính vô cùng hoảng sợ. Và lẽ đương nhiên, kẻ run sợ nhất là tên cai tổng Nhung. Trong ngôi nhà ngói hoành tráng giữa bốn bà vợ, hàng chục người con, cháu và đám gia nhân, hắn vô cùng hoảng loạn, bất an…

Trước tình hình ấy, ông Huỳnh Văn Một hiểu mình phải có cách hành xử đặt quyền lợi của dân tộc, của Đảng lên trên, bởi “Tuy nay chúng ta chưa có chính quyền, nhưng chúng ta có Đảng. Đảng chúng ta rất vĩ đại. Đảng ta đại diện quyền lợi chân chính của nhân dân, cương quyết đánh đuổi kẻ thù, giải phóng quê hương, xứ sở”. Ông chính thức tổ chức những cuộc nói chuyện, để nhân dân hiểu bản chất những người cộng sản hơn:

Gia đình tôi năm ấy cũng là trong trăm ngàn gia đình chịu cảnh đau thương tang tóc do giặc Pháp gây ra. Tôi không phải lòng gang dạ thép mà chẳng biết đau khổ như mọi người. Còn có nỗi đau xót, căm phẫn nào hơn khi 13 người thân trong gia đình tôi bị bọn Pháp sát hại năm ấy. Nhà cửa của gia đình tôi bị đốt cháy, tài sản bị cướp đoạt. Nhưng suy cho cùng, đó chỉ là chuyện nhỏ nhặt, nền độc lập của Tổ quốc mới to, mới quý. Tổ quốc độc lập ta còn tất cả. Không giải phóng được đất nước, đời chúng ta sẽ khó sống với lũ giặc cướp này…”. Nghe ông nói đến đây, bà con xúc động, không ngăn được nước mắt…


Pháp đàn áp cuộc khởi nghĩa của dân tộc ta. Ảnh: TL.

Những lời nói chân tình của người cộng sản Huỳnh Văn Một có sức truyền dẫn, thuyết phục to lớn không chỉ đến số nạn nhân bị thảm sát mà còn đến những tên tay sai dính líu trong cuộc khủng bố trắng Khởi nghĩa Nam Kỳ.

3. Cách mạng tháng Tám thành công, ông Huỳnh Văn Một rơi nước mắt nhìn cờ đỏ sao vàng bay phất phới trên quê hương, không khỏi chạnh lòng nhớ những người thân yêu của cuộc đời mình không còn nữa.

Giặc Pháp quay trở lại, toàn dân vũ trang bằng tất cả thứ gì có được. Những ngày đầu chống Pháp ở Nam Bộ vô cùng phức tạp, gian nan bởi Trung ương còn đang thương lượng để chính phủ Pháp công nhận nền độc lập. Một mặt, giặc Pháp tái chiếm Nam Bộ, lòng dân tha thiết đánh giặc, đến mức một số lãnh đạo ở Nam Bộ sẵn sàng nhận kỷ luật vì phát động cuộc chiến đấu mà chưa có lệnh Trung ương.

Nhiều địa phương tự vũ trang, được nhân dân bán cả ruộng vườn, mua súng đạn ủng hộ kháng chiến. Màu sắc chính trị ở Nam bộ thời kỳ này vô cùng phức tạp bởi sự ra đời của 5 sư đoàn mà người đứng đầu là những tên tay sai hết thân Pháp lại thân Nhật hay xuất thân từ giới giang hồ như Kiều Công Trung, Nguyễn Ngọc Nhẫn, Nguyễn Hòa Hiệp, Lý Huê Vinh… (Dương Văn Dương được chỉ định làm Tư lệnh Đệ ngũ sư đoàn nhưng chưa tập họp được các khối Bình Xuyên thì ông đã hy sinh). Huỳnh Văn Một là nhân chứng của những ngày giặc ngoài thù trong hết sức rối ren:

“Các sư đoàn mới thành lập không dồn sức đánh địch mà trở lại quấy nhiễu nhân dân, khủng bố, giải tán bộ máy chính quyền các cấp và các đoàn thể quần chúng do cách mạng xây dựng và tổ chức nên. Tự vệ chiến đấu, quân của các quận, xã đều bị các sư đoàn tước hết khí giới. Nhiều cán bộ chính quyền, quân đội bị bọn này bắt bớ, thủ tiêu. Tình hình chung Nam Bộ thuở đó luôn bị đe dọa nghiêm trọng…”. Và những cuộc trả thù tàn khốc, những cuộc thanh trừng đẫm máu đã diễn ra, có những người yêu nước bị xử tội chết mà không hiểu vì sao mình phải chết…


Lính Nhật đầu hàng. Ảnh TL.

Để đối phó với tình hình phức tạp ấy, “Giải phóng quân Liên quận Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hòa” ra đời, do Tô Ký làm Tư lệnh. Đảm nhận vai trò Phó tư lệnh, Huỳnh Văn Một được phân công về Đức Hòa xây dựng lực lượng, gỡ rối tình hình vô cùng phức tạp từ những lực lượng cầm súng vô chính phủ.

Trong dầu sôi lửa bỏng thời cuộc, bản lĩnh người chỉ huy Huỳnh Văn Một thêm một lần được thử thách: “Về Đức Hòa, tôi phải đi can thiệp, xin lãnh lại những người dân vô tội bị các lực lượng vô chính phủ bắt, ngăn lại những vụ sung công trưng dụng tràn lan, giải tán các nhóm lưu manh đầu trộm đuôi cướp thừa nước đục thả câu. Nhân dân tố cáo thì chúng chạy trốn trong các lực lượng vũ trang vô chính phủ.

Nhờ việc làm chính đáng bảo đảm được tài sản và tính mạng của nhân dân trong hoàn cảnh hỗn độn, khó khăn, tôi được đại đa số nhân dân ủng hộ, hậu thuẫn ngày càng rộng rãi, được số tích cực, cảm tình hăng hái đưa con em tham gia vào bộ đội đông đảo. Giải phóng quân chọn cán bộ đưa ra mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ Việt Minh đem về quận, xã bố trí công tác. Đồng bào lượm được một viên đạn cũng đem đến bộ đội giải phóng quân để đánh giặc cứu nước”.

Người đã tận tâm, tận lực cho cách mạng, Tổ quốc như ông lại rơi vào thảm trạng suýt mất mạng, vì chính những đồng chí của mình. Sau khi giành được chính quyền, cai tổng Nhung - tên ác ôn khét tiếng bị Quốc gia tự vệ cuộc bắt giam ở Khám lớn Sài Gòn. Các bộ đội vô chính phủ kích động lòng căm thù, bắt cả gia đình hắn trên 40 người, giam vào một chỗ. Họ hăm dọa đòi nợ máu tên Nhung, bằng cách bắt người thân của hắn phải đền tội.


Ông Huỳnh Văn Kháng, bí danh Minh Sơn, là một trong số 6 người
còn sống sót của gia tộc họ Huỳnh trước khu mộ chôn 13 người
trong trận thảm sát. Mùa đông năm 1940, ông mới 5 tuổi, bị đốt cháy
và may mắn thoát chết. Ảnh TH, năm 2001.

Dẫu bị buộc làm vợ ba của một tên ác ôn, có con với hắn nhưng trước tiếng khóc than của những người vô tội, phần lớn là người già, phụ nữ, trẻ con, cô vải Ngoe buộc phải đứng ra gánh vác trách nhiệm hành động, bằng mọi cách cứu lấy họ. Cô tin người hàng xóm Huỳnh Văn Một có một trái tim nhân ái và tấm lòng rộng lượng. Cô vải Ngoe tìm cách nhắn tin ra ngoài. Thôn bộ Việt Minh gặp ông Một báo cáo tình hình khẩn cấp và ông đã giải thoát cho 40 người trong gia đình cai tổng Nhung.

Việc làm đại nghĩa của ông Một khiến bà con khâm phục nhưng bọn phản động vô cùng tức giận, vu khống ông phạm tội tày trời trong hàng loạt đơn tố cáo, cho ông là tên phản động, là Trốt-kít phá hoại, ngăn cản, làm trở ngại các cuộc hành quân của các sư đoàn. Chúng còn vu khống ông xúi giục nhân dân Đức Hòa không ủng hộ tiếp tế cho các “bộ đội” và nhiều hành động chống phá cách mạng khác.

Ngay sau đó, Tổng bộ Việt Minh, Quốc gia Tự vệ cuộc Nam Bộ, Thanh tra Chính trị miền Đông và Bộ Tư lệnh Khu 7 đều vào cuộc. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Bình, Dương Bạch Mai - Thanh tra chính trị miền Đông về Đức Hòa công tác, tận mắt chứng kiến cảnh “còn hơn nạn cát cứ Thập nhị sứ quân” như lời bà con phàn nàn, khi quân Bảy Viễn thừa lúc trời tối bao vây trụ sở Ủy ban kháng chiến, Quốc gia tự vệ cuộc Đức Hòa, bắt hết người, tước hết vũ khí đem về giam ở Cầu Xáng.

Các đồng chí lãnh đạo đã hiểu ra nhiều điều. Bản thân ông Một suýt bị ám sát hụt. Nhiều mạng người đã mất, nhiều số phận chịu nỗi oan khuất trong hoàng hôn nhá nhem sáng tối của lịch sử. Ông Huỳnh Văn Một còn may mắn, trở thành đại biểu Quốc hội khóa I, dù sau đó, cuộc đời ông tiếp tục còn chịu những oan khuất khác, cho đến cuối đời.

Riêng cuộc đời cô vải Ngoe chuyển sang một hướng khác. Sau Cách mạng Tháng Tám, cai tổng Nhung bị ta bắt giam, cô vải Ngoe được giải phóng, ôm con trở về ngôi chùa cũ, sống lặng lẽ, tần tảo nuôi con. Anh Cẩm - con trai cô vải Ngoe lớn lên, học giỏi, đẹp trai, ngoan hiền. Ngôi nhà cô vải Ngoe là cơ sở bí mật nuôi giấu cán bộ. Anh Cẩm tòng quân gia nhập bộ đội, rồi hy sinh, để lại người vợ vừa mới làm lễ hỏi….

Có một con trai độc nhất hy sinh, cô vải Ngoe được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà con xã Mỹ Hạnh nói: “Có ai ngờ con trai cai tổng Nhung lại trở thành liệt sĩ. Thiệt, cây đắng mà sinh trái ngọt!”.

TRẦM HƯƠNG