Những thông tín viên mật lừng danh

Người cung cấp thông tin tiết lộ tài liệu cho người ngoài là anh hùng hay tội đồ? Cho dù bạn xem người đó tích cực hay tiêu cực, vẫn đã có khá nhiều chuyện độc đáo, từ những kẻ tiết lộ bí mật từ bên trong cho đến những người thu thập thông tin từ bên ngoài.

Khía cạnh đạo đức có thể xét tới một cách rõ ràng hoặc mờ nhạt, từ vụ Deep Throat, người giúp lật tẩy vụ nghe lén của Tổng thống Nixon, cho đến Bradley Manning, người bị cáo buộc cung cấp hàng trăm nghìn tài liệu nhạy cảm của chính phủ cho trang mạng WikiLeaks trong vòng 1 năm qua. Duy chỉ có một điều quá rõ là: Lộ thông tin nhạy cảm làm thay đổi nhanh chóng một sức mạnh quyền lực. Dưới đây là 9 trường hợp trong đó mọi người chia sẻ thông tin với bên ngoài, hoặc bị cáo buộc đã làm như vậy.

1. Paul Hofmann

Ông là nhà báo của thành Vienna (Áo) được biệt phái vào quân đội Đức trong Thế chiến II. Hofmann luôn chống đối Đức Quốc xã và tiết lộ thông tin cho lực lượng Đồng minh và các lực lượng ngầm chống Đức Quốc xã ở Italia. "Hầu hết các thông tin ông chuyển giao là những gì ông nghe hoặc quan sát thấy", như cáo phó đăng trên tờ New York Times lúc ông mất.

Ông cũng từng truy cập vào các tài liệu bí mật mà ông được cấp trên nhờ dịch. Một thời gian dài sau đó, Hofmann trở thành phóng viên chính thức cho tờ Times, có trụ sở tại Rome, trước khi giữ chức Chánh văn phòng. Ông còn viết nhiều cuốn sách nổi tiếng về đất nước Italia.

2. Daniel Ellsberg

Daniel Ellsberg là cựu binh Thủy quân Lục chiến Mỹ và nhà phân tích chiến lược cho Tập đoàn RAND. Vào cuối những năm 60 thế kỷ trước, ông này là thành viên của một đội tiến hành nghiên cứu bí mật của quân đội Mỹ. Ông lấy nhiều tài liệu của quân đội Mỹ và chính quyền Tổng thống Lyndon Johnson, người đã đưa nước Mỹ vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Năm 1971, Ellsberg sao chép một nghiên cứu 7.000 trang mà ông đã giúp phát triển và đưa nó cho gần 20 tờ báo. Cái gọi là "Pentagon Papers" (Hồ sơ Lầu Năm Góc) đã tiết lộ rằng "chính quyền Johnson nói dối có hệ thống không chỉ với công chúng mà còn nói dối cả với Quốc hội" về sự tham chiến của Mỹ. Ngày nay, bài báo nhiều kỳ đó đã được tờ New York Times đưa lên trang web của mình.

Tuy Ellsberg có bị bắt, nhưng về sau tội danh bị hủy bỏ. Nước Mỹ vẫn còn tham chiến tại Việt Nam đến năm 1975. Vì lý do an ninh, Chính phủ Mỹ tìm mọi cách không cho công bố Hồ sơ Lầu Năm Góc, sau khi vụ việc vỡ lở. Trong trường hợp này, Tòa án tối cao nước Mỹ ra phán quyết có lợi cho tờ New York Times đã tạo tiền lệ cho báo chí độc lập với các cơ quan chính quyền suốt nhiều thập niên. Trên ảnh, Ellsberg đang tranh cãi tại tòa án để chống lại lệnh bắt giữ vào năm 1971.

3. William Mark Felt

William Mark Felt, bí danh "Deep Throat", cựu Phó giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), người được mệnh danh là "nguồn tin giấu tên nổi tiếng nhất trong lịch sử Mỹ" trong vụ bê bối Watergate.

Felt là nguồn tin quan trọng nhất trong một loạt bài phóng sự điều tra của Bob Woodward và Carl Bernstein, viết về sự dính dáng của chính quyền Tổng thống Nixon (phe Cộng hòa) tới vụ đột nhập vào trụ sở Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ tại tòa nhà Watergate tháng 6/1972. Những kẻ đột nhập tìm cách gắn thiết bị nghe trộm đã thừa nhận họ định thu các cuộc đối thoại của đảng Dân chủ trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống. Vụ bê bối này, lúc đầu được Nhà Trắng cố ý che đậy, cuối cùng đã khiến Nixon trở thành vị tổng thống đầu tiên của Mỹ từ chức trong nỗi hổ thẹn, vào tháng 8/1974.

Trong cuốn sách “The Man Secret” (Người đàn ông bí mật) xuất bản năm 2005, Woodward nhìn lại vai trò của thông tín viên Deep Throat: "Trong các cuộc mạn đàm của chúng tôi tại thời điểm đó, Deep Throat rõ ràng không tự nhận mình là người hùng, mà chỉ tin rằng giúp đỡ chúng tôi là tiến trình hợp lý, mà ông chỉ muốn làm hết sức để phục vụ mọi người". Một bài xã luận đăng trên tờ Washington Post khi Felt qua đời đã mô tả ảnh hưởng của ông như sau: "Theo đuổi một nghề mơ hồ, người thông tín viên vô danh ấy vẫn hết lòng phụng sự đất nước của mình".


Paul Hofmann, Daniel Ellsberg, William Mark Felt, Jeffrey Wigand,
Mark Whitacre, Anat Kam, Bradley Manning.

4. Jeffrey Wigand

Là nhà quản trị chăm sóc sức khỏe, Jeffrey Wigand nhận công việc làm Phó chủ tịch nghiên cứu và phát triển cho Công ty thuốc lá Brown & Williamson. Ông dự định tham gia nghiên cứu để làm ra điếu thuốc lá an toàn hơn. Wigand tự nhận, đúng ra ông là người cung cấp thông tin hơn là người tiết lộ thông tin. Thất vọng vì những lời cảnh báo về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe chẳng ai chịu nghe, Wigand bắt đầu công khai lên tiếng.

Trên truyền hình và khi điều trần trước Quốc hội, Wigand nói, Brown & Williamson cố ý bỏ qua tác hại tiêu cực của hút thuốc lá đến sức khỏe vì sợ rằng nếu tiết lộ sự hiện diện của chất gây ung thư trong sản phẩm của họ sẽ ảnh hưởng xấu đến doanh số bán hàng. Ông đoan chắc công ty biết sản phẩm này gây nghiện, và trong thực tế hãng sản xuất có thêm một số phụ liệu vào điếu thuốc lá để tăng cường việc chuyển giao nicotine gây nghiện vào cơ thể người hút thuốc. Phía công ty chối bỏ những cáo buộc này.

Cả gia đình lẫn Wigand bị đe dọa và ông mất việc ngay sau đó. Nhưng cuối cùng, ngành công nghiệp thuốc lá cũng dàn xếp một vụ kiện của các tiểu bang trên các chi phí liên quan đến người bệnh do hút thuốc bằng cách chi trả 246 tỉ USD. Tuy nhiên, cuộc chiến chống lại các hãng thuốc lá vẫn tiếp tục, vì theo khảo sát hồi tháng 9/2010 của Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Mỹ cho thấy vẫn còn 1/5 người Mỹ hút thuốc lá.

5. Mark Whitacre

Mark Whitacre là Phó chủ tịch Bộ phận chế phẩm sinh hóa tại Archer Daniels Midland (ADM), một trong những tập đoàn lớn nhất nước Mỹ về sản xuất và chế biến thực phẩm. Mặc dù phụ trách về mảng công nghệ sinh hóa, nhưng ông vẫn nắm rõ mọi chiến lược kinh doanh của công ty. Tình hình tài chính của ADM thời gian qua bị sụt giảm nghiêm trọng do gặp vấn đề trong quy trình sản xuất. Ông nghi ngờ có nội gián bên trong ADM và trình báo lên Ban giám đốc. Lập tức FBI được đề nghị vào cuộc điều tra.

Từ nhiều năm qua, ADM đã bắt tay cùng các đối thủ cạnh tranh nhằm kiểm soát giá cả các sản phẩm của họ trên toàn cầu, qua đó thu lợi nhuận hàng tỉ USD từ người tiêu dùng. Whitacre đã giúp FBI phơi bày trò "ấn định giá cả". Ông bí mật ghi âm các đồng nghiệp và đối thủ cạnh tranh khi họ bất hợp pháp chia nhau thị trường thế giới, định giá cao hơn cho các sản phẩm của họ nhằm "bỏ túi riêng".

Nhưng cuối cùng chính ông cũng bị kết tội tham ô 9 triệu USD từ ADM. Whitacre nhận tội vào năm 1997 và ngồi tù một thời gian. Hiện nay Whitacre là Giám đốc điều hành tại Tập đoàn Cyprus Systems. Whitacre (bên phải ảnh, năm 2009) chụp ảnh với nam diễn viên Matt Damon, người đóng vai của ông trong bộ phim “The Informant”.

6. Anat Kam

Anat Kam là một nhà báo 23 tuổi, từng phục vụ trong quân đội của Israel. Cô đã qua mặt Lực lượng Quốc phòng Israel và các cơ quan khác của chính quyền Israel trong việc lấy cắp và sao chép hơn 2.000 tài liệu mật từ văn phòng của một ông tướng, và trao cho người mà cô "cộng tác" trong khi phục vụ quân đội từ năm 2005 đến 2007. Cô bị cáo buộc chuyển giao số tài liệu đó cho một phóng viên của một tờ báo Israel. Cô phủ nhận mọi cáo buộc.

Trong lúc chưa ai rõ thông tin có trong các tài liệu nói trên là gì, nhiều nguồn tin chỉ phỏng đoán rằng một bài báo năm 2008 viết về các lực lượng an ninh Israel ám sát các tư lệnh Palestine mà không cần bắt họ trước (trái với một phán quyết của Tòa án Israel) là dựa trên một phần tư liệu rò rỉ của Kam. Nhà chức trách bắt Kam, ban đầu ra lệnh bịt miệng cô về vụ việc, nhưng rồi lại yêu cầu nhà báo nhận tài liệu mật phải hoàn trả lại tất cả. Anat Kam (ảnh) trong phiên tòa xét xử cô hồi tháng 5/2010.

7. Bradley Manning

Bradley Manning là một nhà phân tích tình báo quân đội Mỹ, 22 tuổi, đóng quân tại Iraq. Manning bị cáo buộc đã tiết lộ hàng núi hồ sơ được tạo ra bởi các lực lượng vũ trang và Bộ Ngoại giao Mỹ. Cựu tin tặc Adrian Lamo đã gửi cho chính quyền một bản sao mà anh chat trực tuyến với Manning, theo đó Manning khoe có rất nhiều tài liệu anh ta tải về thông qua một máy tính đặt ở căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại Iraq.

Trong lúc trò chuyện, Manning mô tả cách anh ta ngụy tạo một nhãn đĩa CD với tên Lady Gaga rồi sao chép các tập tin vào đĩa. Trong nguồn tài liệu tải về có 250.000 bức điện ngoại giao mà gần đây được WikiLeaks đăng tải trên trang web của nó. Manning cũng bị nghi ngờ tiết lộ một đoạn video, được tung lên mạng hồi tháng 4/2010, cho thấy một máy bay trực thăng Apache của Mỹ bắn chết nhiều người tại Baghdad, trong đó có hai nhà báo của Hãng tin Reuters.

Manning đã bị bắt vào tháng 6/2010 với tội danh tiết lộ thông tin mật. Trong khi cả thế giới cẩn trọng lược lại các thông tin của WikiLeaks với tất cả niềm đam mê, các nhà chuyên môn cho rằng các tác động tổng thể của vụ rò rỉ thông tin này cần được tiếp tục tranh luận

Theo ANTG

PHƯƠNG NGUYÊN (tổng hợp)