Những thày cô ngày ấy bây giờ nơi đâu?

Ngày ấy, ở thế kỷ trước, năm 1965… chúng tôi còn trẻ lắm, chưa ai quá 25 tuổi, vừa tốt nghiệp trường sư phạm hoặc một vài trường khác, lòng tràn đầy ước mơ “đem kiến thức đã thu được trao cho đàn em thân yêu”. Từ nhiều nơi, chúng tôi gặp nhau tại một trường gọi là trường 105 dành cho những người chuẩn bị “đi B” có nghĩa là đi về chiến trường. Đoàn của chúng tôi là đoàn giáo viên thứ hai chi viện cho miền Nam, chuẩn bị mở trường lớp ở các vùng vừa được giải phóng.

Để giữ bí mật, buổi tối chúng tôi mới được ra ngoài luyện tập đi xa vác nặng bằng cách cho cát vào ruột tượng thắt ngang lưng, cho gạch vào ba lô, số gạch tăng dần theo thời gian. Kỷ luật là giữ im lặng, nhưng mỗi khi đi ngang qua một gốc cây có đôi trai gái đang tâm tình, có anh tinh nghịch vẫn không dằn được, giả tiếng chim hót trêu chọc. Chúng tôi vui quá, vui vì nghĩ rằng các anh chị đang hôn nhau kia không biết là có người cùng lứa tuổi đang góp phần bảo vệ tình yêu của anh chị.

pic

Tranh của họa sỹ Trung Dũng

Trong tim mỗi chúng tôi đều có mang giữ một bóng hình, một mối tình đầu đằm thắm nhưng quyết để lại một bên để “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. L.T.T. chia tay người yêu, ban ngày luôn cười tươi, pha trò nhưng ánh mắt sao quá buồn, đêm tối ngủ mơ khóc mùi mẫn. K.Y. hẹn với người yêu gặp nhau trong ngày chiến  thắng, nhưng ngày ấy là bao giờ, nào ai nói được. Anh Châu gởi lại quê nhà người vợ trẻ và hai con thơ. N.T.N. khóc nức nở vì lãnh đạo đề nghị ở lại vì mẹ chỉ có một mình, nhất quyết đi dù biết có thể hy sinh. H.P.T., người của làng Hòa Xá quê của bài hát Chiếc gậy Trường Sơn, thì đã có người yêu đợi ở chiến trường. Những cô gái miền Nam ra đi còn có tiếng gọi của quê hương trước mắt, những cô gái miền Bắc thì lại để những mong chờ nhớ thương ở phía sau mình.

Trường Sơn như tấm gương soi trong suốt cho nhân cách của mỗi người. Một ngày đi hơn 10 tiếng, núi cao trật ót, đầu người đi sau đụng mông người đi trước, đá tai mèo cắt đứt tay chân, hiểu như thế nào là “mệt bở hơi tai”. Tuy cực lắm nhưng không nghe tiếng than, chỉ có tiếng của ai đó thỉnh thoảng pha trò cho mọi người quên mệt. Có những hôm, đoàn ra đi trời còn ở trên cao, mặt trời lặn, trăng lên rồi trăng lặn, rồi mặt trời lại lên, đoàn vẫn còn đi. Lại có lúc, 3 ngày trời chỉ men theo suối mà đi, tránh biệt kích đang rình rập đâu đó, không được phép nổi lửa, cơm nắm đến ngày thứ ba đã thiu vẫn cứ nuốt không sót hột nào. Nhưng chính lúc đó, dù sợ biệt kích vẫn cảm nhận hết cái đẹp sặc sỡ của “bướm bay lèn đá”. Bị hàng ngàn con vắt đen ngòm rượt theo, bạn N.T.N. của chúng tôi ôm nhào người bạn đi cạnh, sợ vắt hơn sợ máy bay giặc. Ban đêm, con mối càng ăn lá mà nghe như mưa rào, T.T.N. xấu hổ không dám hỏi nhưng cứ tưởng tượng là  ma hay là biệt kích đang ở đâu đây. Ba lô sau lưng còn gạo nhưng buổi chiều chỉ được ăn cháo loãng, may ra có thêm rau hái dọc đường cho chung vào cháo để bụng đừng sôi khi ngủ. Sáng dậy, cũng chỉ được một phần cơm nhão, dành gạo cho buổi trưa để có bữa hơi có vẻ là cơm cho chắc chân đi tới chiều. Và cũng có lúc, giặc chặn đường đánh trúng kho gạo, phải nhịn cả cháo loãng để đi ngủ.

Những thầy cô giáo trẻ chúng tôi, dù chưa dạy được ai nhưng đã được Trường Sơn dạy cho những bài học vô cùng quý giá - bài học về chịu đựng, bài học về chia sẻ, bài học về yêu thương đồng chí đồng đội. Một người ngã bịnh, cả đoàn để bạn lại trạm mà lòng buồn rượi, bạn bắt kịp đoàn thì cả khu rừng như mở hội. Có cô em út bị đau dạ dày, không ai bảo ai mỗi người dành lại một chút cơm, khi cô em ôm bụng thì từng miếng cơm được chuyển lên cho em bớt đau có sức mà đi. Các anh trai chưa biết gì về con gái, khi thấy cô em trong nhóm thường lủi vào rừng, lẳng lặng chia nhau mang vác ba lô để cho em gái trong những ngày khó ở được nhẹ nhàng. Cứ như vậy, tự bao giờ những con người không cùng cha mẹ sinh ra đã trở nên ruột thịt.  Mối tình ruột thịt kéo dài đến nay đã gần 50 năm…

Hơn 4 tháng sau, chúng tôi đến nơi. Mỹ đã đổ quân vào miền Nam, trực tiếp tham gia các trận đánh, làm thành chiến tranh đặc biệt. Những vùng giải phóng lại chìm vào trận chiến, chất độc da cam phá hủy môi trường, cuộc sống phải diễn ra trong lòng đất. Đoàn giáo viên của chúng tôi phân tán đi khắp mọi nơi, làm tất cả mọi chuyện miễn sao có  ích cho cuộc chiến đấu. Anh B.C.T., anh H.L., cán bộ giảng dạy trường Đại học Tổng hợp Hà Nội,  người làm quân bưu, người làm binh nhì, vì có chữ đẹp giúp cho tiểu đội trưởng chấm công được động viên cố gắng hơn để có thể đề bạt làm tiểu đội phó… Người trực tiếp chiến đấu, người đào hầm, xây giếng, người cùng đội quân tóc dài tham gia đấu tranh chính trị, người vào chiến đấu trong lòng địch. Trong một trận càn, L.T.T. chém vè (vùi mình trong nước, thở bằng cọng súng) bất cẩn để cho một ống quần đen nổi lình phình trên mặt nước, được một anh lính ngụy đi càn nhắc: “Coi chừng cái quần kìa bà nội!”. K.Y. đi tù, nhiều người khác cũng đi tù trong đó có cô em út của đoàn. Cũng có người sinh con trong tù. Hơn 200 người, hơn 200 hoàn cảnh, hơn 200 cuộc đời âm thầm cống hiến tuổi trẻ cho hạnh phúc và tự do của nhân dân có thể làm nên hơn 200 quyển tiểu thuyết nhiều tập nếu ai đó có thời gian ngồi viết.

Hòa bình về, ai còn sống được may mắn về trường, làm cái nghề mà 10 năm trước họ hăm hở vượt rừng, lội suối, đội bom, đi hơn 1.000 cây số mơ ước đem chữ về cho con em ở vùng giải phóng. Trong số hơn 200 người của đoàn K37 ngày ấy, đã có hơn 50 người hy sinh. Có người, như Phan Chinh, chàng sinh viên trắng trẻo trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tham gia hoạt động trong lòng địch, lãnh đạo phong trào thanh niên sinh viên Cần Thơ và hy sinh, đến nay đồng đội vẫn chưa biết anh nghỉ ở nơi nào để đưa anh về quê. Ai đến nghĩa trang đồi 82 Tây Ninh, sẽ thấy một nhà bia ghi tên 110 liệt sĩ giáo dục từ miền Bắc đi B vào Nam cùng đứng bên cạnh 600 tên của liệt sĩ giáo dục ở miền Nam.

Thời gian qua đi, những chàng trai cô gái năm nào đã trở thành những ông nội, bà ngoại đầu đã bạc phơ nếu không nhuộm tóc. Chúng tôi sống tuổi già nhẹ nhàng, nhẹ nhàng vì tâm hồn chưa từng có một lần vướng bận dù một giây, một phút lưỡng lự khi cần dâng hiến tuổi trẻ, không một chút đắn đo trước hy sinh, tù đày, gian khổ, chưa từng một lần so đo về vị trí sang hèn của công việc. Chúng tôi sống tuổi già nhẹ nhàng, nhẹ nhàng như khi vác ba lô ra đi không nghĩ rằng mình sẽ được gì, nhẹ nhàng vì không phải mang, đeo bất cứ danh hiệu gì ngoài danh hiệu rất đỗi tự hào: chiến sĩ giáo dục. Gia tài mang đi sẽ là những câu chuyện ngây thơ, đậm sâu trong ký ức mà mỗi khi ngồi lại với nhau, kể lại cho nhau nghe vẫn cứ cười bò.

Ngày 5/1 (ngày mà 47 năm trước, chúng tôi lên đường vượt Trường Sơn) sắp tới, xin mời các bạn  cùng đến họp mặt với chúng tôi, một phần của những người còn lại của đoàn giáo dục K37 để cùng với chúng tôi vui và cười.                                                 

Paris, đầu đông 2012

 

Tú Ngọc