Đêm 8 rạng 9 tháng 5, tức 6 rạng 7 tháng 4 Âm lịch vừa qua, nhớ đến ngày giỗ nhà văn Chu Cẩm Phong mà anh chị em đồng đội từng ở chiến trường vẫn thường hẹn gặp nhau ở một ngôi chùa cổ, tôi thao thức không sao chợp mắt được. Và như một thói quen, tôi tìm đọc lại Nhật ký chiến tranh.
Lật và đọc bất cứ trang nào... Những trang viết bao giờ cũng gợi lại bồi hồi, sống động những năm tháng thử thách của cả dân tộc và của mỗi đời người. Trở lại trong tôi những tập pơ-luya mỏng, ngả vàng, với những dòng chữ li ti nhưng bao giờ cũng mạch lạc, rõ ràng của một người hết sức cẩn trọng với những trang viết mà tôi có may mắn được giữ một thời gian ở chiến trường. Trở lại trong tôi gương mặt thật trong sáng và cũng thật rạng rỡ khi mới ngoài hai mươi tuổi của người anh mà tôi có may mắn được biết từ những năm còn đi học ở trường Học sinh miền Nam...
Khi tôi vào đến chiến trường, mùa hạ năm 1971 thì Chu Cẩm Phong đã hy sinh. Tin đến với tôi khi gặp một bạn học cũ trên một đỉnh dốc cách căn cứ khoảng mươi ngày đi bộ nữa. Tôi có cảm giác đau đớn hẫng hụt như mất đi một người anh ruột thịt, mặc dù đối với anh tôi chỉ là một đứa em học lớp dưới như hàng trăm đứa em khác. Và những năm ấy tôi cũng chưa in một dòng thơ nào để anh có thể đọc và nhớ đến.
Tôi nhắc đến điều này chỉ để nói một điều về tính cuốn hút, thuyết phục về mặt văn học của Nhật ký chiến tranh. Tôi đã đọc đi đọc lại không nhớ là bao lần những trang nhật ký này hoàn toàn không phải vì tôi đã tìm thấy một dòng hay một chữ nào nhắc về mình trong đó. Tôi đọc với tư cách là một bạn đọc thông thường, như hàng vạn người hôm nay đọc Nhật ký chiến tranh. Nhật ký chiến tranh tồn tại với một phẩm chất văn học thật cao - như đánh giá của nhà văn Nguyên Ngọc - là một khách quan hiển nhiên. Và điều này cùng với thời gian hơn bốn mươi năm qua đã là một khẳng định...
Ai đó đã nói rất có lý là số phận nhà văn nằm trong tay thời gian. Nếu là viên ngọc quý bao giờ cũng được thời gian làm ngời sáng.
*
Có thể nói, mỗi trang, mỗi dòng trong cuốn nhật ký quý giá này đều như còn mang đến cho người đọc chúng ta hôm nay hơi thở nóng bỏng của một hiện thực thời đại mà dân tộc ta vừa đi qua cách đây hơn một phần tư thế kỷ. Hiện thực của một cuộc chiến tranh xâm lược do Mỹ gây ra, tàn bạo nhất. Hiện thực của cuộc cách mạng, một cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại nhất. Tất cả đều thật mãnh liệt mà cũng thật ác liệt, khốc liệt... Những tội ác tột cùng man rợ của kẻ thù. Những đau thương, mất mát lớn lao không gì bù đắp được cho mỗi tấc đất, cho mỗi con người. Những phẩm chất dũng cảm tuyệt vời. Lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng. Những hy sinh cao cả đến ngoài sức tưởng tượng. Và những hành động anh hùng. Những hành động anh hùng gần như luôn xuất hiện trên mỗi bước đi, có thể nói trên mỗi khoảnh khắc tác giả được sống ở chiến trường những năm tháng ấy...
Những đồng đội gần gũi của tác giả. Những chiến sĩ giải phóng quân. Những chiến sĩ du kích. Những người mẹ, những người chị. Những người cha, những người anh. Những người con gái con trai đang rạng rỡ thanh xuân. Những thiếu niên mười bốn, mười lăm, đôi khi chỉ mới lên bảy, lên tám. Và còn điều này nữa, cả những người tàn tật, mù lòa... Tất cả họ, ở mọi lứa tuổi, ở mọi làng quê, đã làm nên một tập thể anh hùng rộng lớn, làm nên một thời đại anh hùng có một không hai trong lịch sử. Lòng dũng cảm không gì có thể so sánh, đức hy sinh tận tụy không hề một đòi hỏi phải đền đáp, tất cả chỉ hướng vào một mục đích duy nhất là giải phóng Tổ quốc, giành tự do thật sự cho dân tộc.

Nữ dân quân đưa bộ đội qua sông Cam Lộ. Ảnh: Đoàn Công Tính
Chính chủ nghĩa anh hùng tập thể của hàng triệu con người bình thường này đã làm rực sáng lên vẻ đẹp chân chính của một cuộc chiến tranh nhân dân. Và có lẽ, đây cũng là âm hưởng chủ đạo của cuốn nhật ký ghi lại gần như không thiếu ngày nào suốt từ ngày 11/7/1967 đến ngày 27/4/1971 của tác giả - ba ngày trước khi tác giả hy sinh tuyệt vời anh dũng trong một công sự ngầm trên bờ sông Thu Bồn...
Chính vẻ đẹp chân chính của cuộc chiến tranh nhân dân mà chúng ta tiến hành, vừa như là một tiền đề, vừa lại như một hệ quả, cắt nghĩa cho ta hiểu trí tuệ, sự dũng cảm, kiên cường của nhân dân ta, dân tộc ta, cắt nghĩa tính lạc quan cách mạng trong những giai đoạn lịch sử hết sức bi tráng mà chúng ta đã trải qua trong quá khứ. Cắt nghĩa vì sao những đồng đội, đồng chí, những đồng bào ruột thịt của chúng ta đã dám hy sinh điều quý giá nhất trên đời này - đó là sinh mệnh mình - để đi đến chiến thắng cuối cùng. Có thể nói, lật bất cứ trang nào trong cuốn nhật ký, ta cũng gặp những nhân vật, những sự kiện sinh động để minh chứng cho những điều này. Cuốn nhật ký vì thế có một giá trị tư liệu thật quý giá.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung, trong một lần trò chuyện, có nhắc rằng, một số Đảng bộ cơ sở ở Quảng Nam Đà Nẵng đã nhờ vào những trang nhật ký, ghi chép chính xác của nhà văn Chu Cẩm Phong để kiểm định lại tính chính xác của những sự kiện xảy ra trong quá khứ mà, do thời gian đã lùi xa, lại nhiều đồng chí đồng đội đã hy sinh, ký ức bình thường không sao ghi nhớ hết. Có một so sánh thường được nhắc với những người cầm bút là, nhà văn là thư ký của thời đại, là tấm gương di động trên đường. Với so sánh ấy, cuốn nhật ký này có một nghĩa bóng và cả nghĩa đen thật chính xác.
Nhà văn Chu Cẩm Phong, bằng tài năng, tâm huyết của mình đã cắt nghĩa cụ thể hơn bất cứ một tài liệu phân tích nào về điều mà chúng ta vẫn gọi là chiến tranh nhân dân. Cắt nghĩa một cách thuyết phục bằng những hình tượng sinh động vì sao chúng ta đã có thể chiến thắng đế quốc Mỹ - một kẻ thù giàu, mạnh, hiện đại, man rợ và xảo quyệt đến thế.
Nhật ký về những năm tháng chiến tranh của một nhà văn chiến sĩ, cũng là ký ức của lịch sử, ký ức của nhân dân. Và tôi chợt hiểu thêm một điều mà trước đây tôi đã chưa hiểu hết. Văn học nói riêng, cũng như nghệ thuật nói chung, có lẽ không đơn giản hoàn toàn chỉ là ký ức riêng tư cá nhân như một số người vì những lý do nào đó muốn thu hẹp lại. Văn học, trong nghĩa toàn vẹn và cao cả, là ký ức của cả một tập thể cộng đồng, của dân tộc. Những trang viết nào của nhà văn hướng tới mục đích đem lại sự phong phú cho thế giới bên trong con người, hướng tới và tìm kiếm không ngừng chân lý, điều thiện, cái đẹp, che chở, bảo vệ con người, những trang viết ấy sẽ được nhân dân tiếp nhận, mãi mãi thuộc về nhân dân...
Và ký ức của nhân dân sẽ gạn lọc và chỉ giữ lại những gì xứng đáng với lòng biết ơn của nhân dân.
*
Nhật ký là một thể văn trong đó con người có thể bộc lộ những nỗi niềm riêng tư, những ý nghĩ sâu kín nhất. Nếu nhà văn Chu Cẩm Phong không hy sinh trong buổi sáng tháng 5 năm 1971 ấy, anh vẫn sống với chúng ta cho đến hôm nay, chắc chắn, trừ một vài người rất thân thiết với anh, ít ai trong chúng ta có thể đọc tập nhật ký này. Chu Cẩm Phong chỉ viết cho riêng mình, trước hết là để hoàn thiện nhân cách chính mình, và sau nữa, với tư cách là nhà văn, có thể anh sẽ dùng làm tài liệu, chất liệu cho những tác phẩm văn học tương lai của anh. Trong nhiều hồi ức bạn bè, và cả trong những trang nhật ký của anh nữa, ta biết Chu Cẩm Phong là một người hết sức tự nghiêm khắc với bản thân, một đời sống nội tâm phong phú song bao giờ cũng sâu kín.
Nhưng như người xưa vẫn nói, văn tức là người. Ta biết, những năm tác giả sống và viết là những năm thử thách tột cùng cho số phận dân tộc và cho mỗi đời người. Có thể nói, đã có không ít những bi thảm nữa. Nhưng điều kỳ lạ là, giữa những bom đạn, đói rét, bệnh tật, lam sơn chướng khí, sống chết liền kề trong từng gang tấc, giữa rất nhiều điều có thể khiến nản lòng, kéo lùi con người lại với sự bản năng sinh tồn ích kỷ, bi quan tuyệt vọng, vậy mà trong suốt gần ngàn trang viết, ta có thể gặp đây đó thoáng lên đôi khoảnh khắc yếu lòng, băn khoăn, song không bao giờ ta gặp một dòng, một trang nào có những suy nghĩ đen tối, như một số nhà văn, nhà triết học được gọi là "hiện đại", "nhân bản" ngày hôm nay suy diễn và tiên đoán là tất yếu của con người rằng bao giờ cũng có khuynh hướng sa vào bản năng hèn hạ.
Cái tôi trữ tình trong tập nhật ký này hiện lên trước ta như một phẩm chất toàn vẹn của một con người được cổ vũ bởi một lý tưởng sống cao cả, gắn chặt số phận mình với số phận nhân dân, số phận Tổ quốc, số phận đồng loại...
“Nhưng cái gì làm cho mình ngày nay tự hào, kiêu hãnh với chính mình? Ấy là sự khao khát, ham muốn không bao giờ vơi cạn với một tấm lòng muốn đạt đến cuộc sống chân chính và cao thượng. Chính điều đó khiến lòng mình sung sướng. Ngay những lúc nhìn vào những khuyết điểm thấp kém của mình, mình cũng đã suy xét nó, day dứt về nó theo phương châm sống mà mình cho là bất di bất dịch. Bây giờ mình hiểu các phương châm đó không phải bằng lý trí như hồi mình còn là một thanh niên 16 tuổi đang ngồi trên ghế lớp 7 của trường phổ thông hay ngay cả lúc mình 22 tuổi ngồi trên ghế năm thứ ba trường đại học. Bây giờ mình hiểu rõ nó bằng tình cảm, bằng máu của bốn em Hường, Cúc, Anh, Dũng đã hy sinh vì mình, bằng sự quằn quại vì tra tấn của những người bạn Hòa Hải, bằng nỗi đau khổ không cùng tận của mẹ thương yêu, bằng những hy sinh của hàng trăm ngàn người mình đã gặp, đã hơn một lần nói chuyện với mình.
Sắp đến mình sẽ đi công tác, mình nhận đi lại Quảng Đà, một nơi ác liệt nhất, mình có thể hy sinh trong mùa xuân lịch sử này lắm. Mình nghĩ đến điều này một cách nghiêm túc. Nếu mình ngã xuống như Phương Thảo, Văn Cận, Xuân Quý thì ba mình, nhất là mẹ mình sẽ đau khổ đến dường nào. Mình biết điều đó. Mình là con trai được cả nhà yêu thương... Nhưng dẫu thế nào, mình cũng không xê dịch cái phương châm sống của mình. Dũng cảm, say sưa và quên mình như những chiến sĩ cộng sản chân chính đi trước. Dẫu ngã xuống một giờ, nửa giờ trước khi ta giành thắng lợi hoàn toàn, cũng hạnh phúc...” - Chu Cẩm Phong viết những dòng này kỷ niệm 7 năm ngày vào Đảng của anh.
Tôi cứ tiếc là không thể trích được nhiều hơn những trang viết đầy rung động của cuốn sách. Những trang viết gợi tôi nhớ đến những lời tuyệt đẹp này: Con người, tiếng ấy vang lên kiêu hãnh...
Chu Cẩm Phong hy sinh đến nay đã được tròn 40 năm. Nếu còn sống anh đã ở tuổi bảy mươi vào mùa thu này. Nhưng trong chúng ta anh mãi mãi mang gương mặt trong sáng đầy niềm tự tin tuyệt đẹp của tuổi thanh xuân như, bức ảnh khi anh ngoài hai mươi tuổi còn để lại cho chúng ta. Anh đã không hề tiếc sinh mệnh mình khi hiến dâng cho sự nghiệp vĩ đại của Tổ quốc, của dân tộc. Như hàng triệu đồng bào, đồng chí, đồng đội trong cuộc kháng chiến với những thử thách tột cùng đã qua giữa thế kỷ trước. Tôi nhớ lời một nhà văn, cũng vốn là một người lính: Chỉ những ai không khao khát lấy đi của cuộc sống, mà để lại cái của mình cho mọi người mới là sống sau khi chết. Bản chất của tài năng là như vậy. Những tài năng chân chính không bao giờ là ích kỷ, vụ lợi, cơ hội trở cờ...
Bằng Nhật ký chiến tranh cùng những gì Chu Cẩm Phong để lại, nhà văn anh hùng đã hoàn thành một tác phẩm thật toàn bích, một tác phẩm mà có lẽ cả đời anh đã không ngừng hướng tới. Và số phận dẫn đi những nẻo đường thật kỳ lạ. Có lẽ chính Chu Cẩm Phong cũng không thể hình dung hết sự đánh giá của hậu thế với những trang viết mộc mạc, giản dị, chân thành song hết sức riêng tư, hết sức khiêm tốn của mình. Và cũng bằng chính cuộc đời và tác phẩm, Chu Cẩm Phong đã cho ta mẫu mực con đường của một nhà văn gắn liền máu thịt với nhân dân, trang viết trở thành ký ức của nhân dân.
Người viết những dòng này may mắn được đọc tập nhật ký này khi nó còn chưa in, trong những cánh rừng Trường Sơn vào những năm còn chiến tranh. Và tôi chỉ muốn nói một điều, tôi biết ơn những trang nhật ký này rất nhiều. Giúp tôi sống, đứng dậy sau mỗi vấp ngã, và không ngừng đi tới...
Không bao giờ tôi có thể quên những gì mà nhà văn Chu Cẩm Phong đã để lại.