Nhật ký chiến trường và truyện ngắn

LTS: Những trang nhật ký ở chiến trường Trị Thiên của Nguyễn Văn Đồng chở nặng suy tư về cuộc sống, con người và sáng tác văn học. Trong khi chưa đọc truyện của anh, mời bạn đọc hãy đọc một số đoạn trích:

16/7/1971

Em!

Vậy là anh lại đi được năm ngày đường nữa rồi. Đường đi càng ngày càng vất vả, hôm qua gần về đến trạm anh bị ngã từ trên vách đá xuống lòng khe, đau vô cùng. Trong cái khoảnh khắc ấy anh thấy luyến tiếc cuộc đời vô hạn.

Đi trên quốc lộ, dù một tiếng trên mặt đường cũng không thể hiểu nổi thế nào là leo núi, một cái núi leo chừng hai giờ và tụt xuống mất 45 phút. Mà muốn hiểu trọn vẹn ý nghĩa của hạnh phúc không thể không trải qua những chặng đường gian nguy thế này.

Anh chưa bị cái đói tấn công trận nào, nhưng không khí của một cơn đói triền miên thì đã đến gần lắm rồi. Đi đến đâu cũng thấy người ta bàn nhiều đến chuyện thu hoạch mùa bắp, sắn lúc này và mức ăn mỗi ngày.

Những trạm giao liên âm thầm lặng lẽ bữa cháo bữa bắp. Lại còn nạn thiếu muối nữa chứ, anh chưa hề bị ăn nhạt bữa nào nên chưa có cảm giác của sự thiếu muối, cái đó rồi cũng sẽ đến, đang đến gần lắm rồi. Hôm trước, rẽ vào một nhà đồng bào nấu cơm nhờ, cảnh tượng đói và nhạt bày ra trước mắt, ai cũng hỏi xin muối…

Ở đây, đồng bào còn sống trong tình trạng cộng đồng, đàn bà mặc váy kéo lên ngang ngực, còn đàn ông thì đóng khố. Cuộc sống chật vật, đói triền miên nhưng lòng tin yêu cách mạng của dân tộc thì vô bờ bến, mùa thu hoạch lúa, nghe nói họ đóng góp cho cách mạng hết để rồi lại ăn sắn, ăn củ rừng…

Trong bất cứ nỗi cực nhọc nào anh cũng nghĩ đến em, nhiều đêm nhớ em đến cháy lòng.

Ôi, ngày trở về, ngày gặp lại nhau, ngày đoàn tụ… Ngày ấy vui biết bao nhiêu, buồn biết bao nhiêu. Và chỉ đến ngày đó, hạnh phúc mới được cắt nghĩa một cách rõ ràng, chính xác. Còn bây giờ, kẻ thù hung ác quá, chúng không chỉ tạo ra cái chết, sự chia ly mà còn tạo ra cả sự ngăn cách thăm thẳm giữa hiện thực và ước mơ.

Nhưng cho dù là như thế, tất cả những gì của thực tại rồi cũng sẽ qua hết, chiến tranh sẽ kết thúc, chỉ còn lại vĩnh viễn những gì mà chúng ta mong ước đạt tới.


Nguyễn Văn Đồng với bạn bè trên chiến khu khi về Huế vừa giải phóng.
Từ trái sang: Nguyễn Văn Đồng, Trần Phá Nhạc, Lê Văn Ngăn, Quang Hà.
Ảnh: Quang Hà cung cấp.

Thứ ba ngày 20/7/1971

Chiều lại xuống, gió mặt đất lay động bóng nắng chập chờn trên lá, và nỗi băn khoăn về những ngày sắp đến không chịu dứt bỏ mình. Không hiểu rồi đến bao giờ thời gian khắc khoải này mới qua đi.

Chiến tranh! Cuộc sống mệt mỏi âm thầm xa tầm đạn, xa tiếng súng của những cuộc giáp mặt này không biết đến bao giờ mới kết thúc. Mình thèm khát một cuộc sống sôi nổi, một cuộc sống của con người thực sự dù là trong hoàn cảnh bom đạn ác liệt nhất.

Cái chết tức khắc trong hoàn cảnh đã làm việc hết mình, chiến đấu hết mình còn hấp dẫn hơn cái chết dần chết mòn, ngày lại ngày tránh xa quân thù để chỉ suy tính đến chuyện ăn mà không bao giờ ngang dạ này.

Con người! Ôi con người trong sự toàn vẹn với tính xã hội của nó. Con người! Trong bộ mặt căm thù cũng như trong cái dáng phản bội của nó. Tôi cần rất cần! Chả có lẽ nào đây chỉ để nghe kể lại về họ sao?

27/7/1971

“Lý thuyết thì xám xịt còn cây đời thì xanh tươi” (Goethe). Có những điều hoàn toàn trái ngược với những gì ta đã suy tưởng.

HV: Nhân ngày giỗ đầu của Nguyễn Văn Đồng (14/6), các nhà văn Trần Nguyên Vấn và Thanh Thảo, Ngọc Trai, Vũ Ân Thi, Trần Công Tấn, Nguyễn Quang Hà, Lưu Trọng Văn, Võ Chân Cửu, Phạm Đình Ân, Trần Phá Nhạc, Lê Xuân Đố, Phạm Xuân Thư, Thái Thành Đức Phổ… đã tìm lại Nhật ký và tác phẩm của anh, cùng với bài thương tiếc anh của bạn bè, in thành tập Gửi lại, 343 trang. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2010. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Trên một chặng đường hành quân mệt mỏi, sau khi leo một cái dốc thành dựng đứng như một bức tường, những người lính nghỉ xả hơi ngay bên cạnh những nấm mồ, mà những dòng mộ chí với nét dao khắc vào thân cây còn rỉ nhựa, họ cười đùa và bàn tán về những người con gái ở quê hương. Những người yêu của các chàng trai đã ngã xuống nơi này. Và đến khi tiếp tục lên đường, họ gào lên: “Thôi bọn tớ đi nhé, cố nằm lại đó chờ bọn tớ…”.

Cái chết đã trở nên rất bình thường, không còn mang ý nghĩa thiêng liêng gì cả. Và đúng thế nếu người lính của chúng ta không coi thường cái chết, nếu cái chết vẫn là cái áo thụng màu đen thiêng liêng, đe dọa thì e rằng những người lính nọ không dám ôm thủ pháo lao lên đồn giặc.

Ở đây, con người được đặt vào hai tình huống: chết và gian khổ. Cái chết không làm cho người ta băn khoăn nhiều. Cái chết bình thường đã rất cũ kỹ rồi, cái chết trở thành một tất yếu khách quan mà con người không thể cưỡng lại được, nhưng gian khổ, chịu đựng gian khổ là một điều bao giờ cũng mới, cũng như cuộc sống trong sự vận động khách quan của nó, cuộc sống không hề lặp lại, chính vì thế mà gian khổ và chịu đựng thì luôn luôn đổi mới. Có chịu đựng và vượt qua gian khổ được, con người mới có thể tìm được những lý do để định nghĩa cuộc sống của mình.

Thứ bảy 4/9/1971

Về họp ban đúng ngày 2/9 cũng là ngày đầu tiên được ăn móng trâu hấp cơm, cảm giác về các loại củ lương thực thiên nhiên này ở trong mồm thật khó chịu. Bây giờ, toàn cơ quan đã hết thức độn rồi, tình trạng này sẽ kéo dài đến hết tháng 2/1972.

Điểm cấn này đã làm cho cuộc họp hết sức căng thẳng. Sản xuất! Không thể có cách nào khác ngoài sản xuất để làm việc, bây giờ mình thực sự thấy rõ sự gắn bó giữa hai mặt đó trong cuộc chiến tranh nhân dân.

Đã có quyết định chính thức là mình được đi Phú Lộc, điều này làm mình rất phấn khởi. Lẽ sống của ngòi bút là gì nếu không phải là sự sống, là cuộc chiến đấu trực diện với kẻ thù ở phía dưới giáp ranh kia. Là nỗi thống khổ của bà con ta ở trong gọng kìm của kẻ thù.

Không hiểu chuyến đi này có thu được gì không? Mình cảm thấy rất lo, sức lực của mình hồi này tồi tệ quá, đau chân, đau răng, đau bụng linh tinh quá. Nhưng dù sao mình cũng sẽ cố gắng hết mình để sống, để tích lũy.

4/11/1971

Sự thật bao giờ cũng khó khăn, bao giờ cũng gay gắt đối với mỗi con người. Mình có thể nói rất nhiều về những dự kiến sẽ làm, những lúc ấy dường như cứ đặt bút xuống là viết ra được ngay, có thể viết triền miên, vậy nhưng sau đó rồi thì trống rỗng. Hình như dạo này cảm hứng ít đến với mình quá, và một phần mình cũng hoài nghi trí tưởng tượng. Hoài nghi trí tưởng tượng là xóa bỏ cả khát vọng...


Bìa tập truyện ký Gửi lại, NXB Hội Nhà Văn in năm 2010.

18/12/1971

Tôi ngồi trên một tảng đá trước “xưởng may”, trong tiếng lạch cạch khô khan của chiếc máy may đã già nua cũ kỹ.

Thợ may là một người của đám “THANH NIÊN” mà vào những năm địch phản kích và làng bị lùa vào khu vực tập trung, họ đã kéo nhau lên Hòn Dòn này để tránh sự bắt lính của giặc, để không phải hợp tác với chúng. Họ sống gần anh em ta, nhưng không theo ta, cái đám thanh niên ấy giờ đã tan tác hết rồi, chỉ còn sót lại mỗi vị thợ may này.

Hôm nay biển lại động, mặt biển mờ mịt trong sương mù và gió về, từng đợt gió xào xạc reo trên những đám cây cằn cỗi, cây bìm bìm mới hồi phục lại trên dưới một năm nay, giờ luồn trong các ngách đá của cái khu vực “Đá nhà” này hun hút.

Tôi nghĩ đến sức chịu đựng của từng tảng đá nơi đây, nghĩ đến những năm sáu chín, bảy mươi khốn khó, căng thẳng vì sự hung bạo của kẻ thù. Bàn chân ai đã giẫm lên đá này, các anh còn hay mất?

Không! Chẳng có ai mất cả, hết thảy các đồng chí vẫn còn. Trên đời này không có gì bền vững và mạnh mẽ bằng sức sống.

Chúng nó tưởng có thể hủy diệt được Hòn Dòn này bằng bom đạn từ Mỹ chở sang và chúng tưởng thiêu cháy hết màu xanh trên Hòn Dòn, chúng tưởng lùa dân vào khu tập trung để cách ngăn dân và cách mạng thì sẽ tiêu diệt chúng ta. Nhưng bây giờ màu xanh lại trở lại, tiếng máy may, âm thanh của một cuộc sống bình thường lại vang lên, và…

Chúng không thể giết hết màu xanh, vì ngay dưới làn mưa bom của chúng có những người mẹ, người chị đổ gạo vào bi đông bò lên tận đây để nuôi dưỡng cách mạng. Vì các mẹ các chị nói:

- Cực khổ nhiều các em ráng mà chịu đựng, cắn răng mà chịu, chớ đừng hàng giặc, các mẹ các chị sẽ cố gắng tiếp tế cho.


Bài liên quan:
NGUYỄN VĂN ĐỒNG