Hàng năm, chúng ta thấy nhiều họ tộc ở khắp nơi trong nước thông qua các phương tiện như báo, đài truyền thanh, truyền hình về các cuộc họp mặt bà con trong gia tộc nhân các ngày chạp, giỗ hay các dịp tu sửa mồ mả ông bà, ông Tiền hiền hay trùng tu, tôn tạo đình làng, chùa làng…
Phải thừa nhận đó là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Trong các dịp như thế, nhiều thế hệ bà con trong cùng một dòng tộc, dù đi làm ăn sinh sống ở nhiều nơi trong nước hay ở nước ngoài cũng về tham dự.

Lễ hội Đền Hùng.
Tất cả bà con đều có chung một tình cảm gia tộc, mong muốn củng cố, thắt chặt tình cảm giữa những người cùng tổ tông. Trong tập thể quy tụ về, có đủ mọi thành phần xã hội, đủ thành phần nghề nghiệp. Có những người đang giữ các chức vụ cao trong các hệ thống chính quyền, trong công nghiệp, doanh nghiệp, trong khoa học, kỹ thuật, trong giáo dục… ở trong và ngoài nước.
Và tất nhiên trong số đó có nhiều người là Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ… nói, đọc, viết thông thạo các ngoại ngữ như Anh, Nga, Pháp, Đức… Nhưng tuyệt đại đa số những vị có học thức lại không biết đọc vài câu chữ Nho được viết trên bàn thờ trong chính nhà cha mẹ của mình, và tất nhiên không biết được cái bài vị thờ ông bà, cha mẹ mình viết cái gì!
Và tất nhiên, càng mù tịt hơn khi đứng trước bia mộ ông bà, ông Tiền hiền, trước những câu chữ, câu liễn, câu đối… trong nhà thờ họ tộc, trong đình làng…
Vì không đọc được, không biết được, nên không hiểu được ông bà muốn nhắn nhủ gì cho con cháu đời sau. Hơn nữa, hàng năm khi cần tu sửa, thợ hồ tô bậy lên chữ làm mất hoàn toàn ý nghĩa đích thực ban đầu! Nhưng, những vị có học của dòng tộc cũng chỉ ngó ngơ ngó ngác và bái lạy cho xong chuyện!
Đó là sự thật đáng buồn cho những bậc trí thức của dòng tộc. Tất nhiên có những vị buồn, nhưng có những vị dửng dưng! Các vị buồn là đúng thôi!
Nhưng xét cho cùng, không phải lỗi của họ, bởi vì họ thừa thông minh để học ngoại ngữ, và các chuyên ngành trong khoa học kỹ thuật, khoa học nhân văn, chỉ tội nghiệp là họ chưa hề có cơ hội để học chữ Nho trong suốt quá trình đi học trong 12 năm ở phổ thông, đến nhiều năm ở Đại học!
Lỗi không phải tại họ, bởi lẽ trong chương trình học 12 năm phổ thông ở nước ta không hề có môn học chữ Nho (chữ Hán đọc theo âm Hán Việt) dù ít hay nhiều.
Vì không học chữ Nho cho nên tầng lớp trí thức mới của Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XX đến nay và mãi về sau coi như bị tách rời khỏi mạch nguồn tư duy, mạch nguồn văn hóa của thế hệ cha ông mình, không hiểu cha ông mình suy nghĩ và hành xử như thế nào!
Phải chăng, đây là sự mất gốc của người trí thức Việt Nam ở ngay trên quê hương mình! Chỉ trí thức Việt Nam bị mất gốc chứ những trí thức ở các nước xung quanh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia… không hề đứt đoạn với văn hóa của cha ông họ.
Chúng ta không phủ nhận vai trò to lớn của chữ Quốc ngữ mà dân ta dùng hiện nay trong công cuộc phát triển văn hóa, khoa học, xã hội… của đất nước.
Nhưng việc loại trừ triệt để chữ Nho khỏi chương trình học phổ thông như chủ trương từ thời Pháp thuộc (đó là một trong những âm mưu của thực dân Pháp trong việc tiêu diệt ảnh hưởng của tầng lớp sĩ phu Việt Nam từ trong các trào Cần Vương cho tới sau này) cho tới nay đã tạo nên thực tế đáng buồn và đáng thương nói trên.
Chúng ta cũng biết có rất nhiều từ Hán - Việt trong tiếng Việt hiện đại của chúng ta. Chính việc không học một số từ Hán - Việt cơ bản trong chương trình học của Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ đến nay đã khiến cho ngay những người viết văn, viết báo của ta ngày nay đã dùng sai, viết sai rất nhiều trong văn tiếng Việt.
Vậy, nên chăng trong chương trình Trung học ở nước ta từ lớp 6 đến lớp 12, cho học sinh học mỗi tuần 3 tiết chữ Nho, để khi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì học sinh có cái vốn chữ Nho cơ bản mà dùng. Và từ đó, họ có khả năng nối mạch nguồn tư duy, văn hóa với cha ông, khỏi phải mất gốc như hiện nay trên chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình.