“Nói ngọng” – một tật xấu cần phải bài trừ càng sớm càng tốt

Có một “tật” nhiều người mắc phải nhưng lại hiếm người chịu sửa. Đó là cái tật phát âm không đúng khi nói tiếng Việt. Thoạt nghe thì điều này tưởng như phi lý. Tiếc thay, đó lại là một thực tế hiển nhiên rất đáng lo, đáng nhận được sự quan tâm sâu sắc và tinh thần trách nhiệm của toàn thể cộng đồng. Theo ngôn ngữ học nó là “phương ngữ” đặc trưng của mỗi địa phương, tuy nhiên trong quá trình hội nhập hiện nay, có thể nó cản trở quá trình giao tiếp, hội nhập của chúng ta.

Với một chuyến đi lướt qua trên nhiều vùng đất nước, nếu để ý lắng nghe, bất kỳ người nào cũng có thể nghe thấy những cách phát âm không đúng, những giọng “nói ngọng” phổ biến sau đây:

Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ:

+ Phụ âm tr phát âm chệch đi thành phụ âm t hoặc ch, hoặc gi… ví dụ như trong các câu nói:

- Con tâu tắng nằm tong bụi te (Con trâu trắng nằm trong bụi tre).

+ Còn phụ âm l và phụ âm n thì được phát âm đổi chỗ cho nhau, l đọc thành n và ngược lại, l thành n. Ví dụ như trong các câu:

- Ăn chưa lo, no chưa tới (Ăn chưa no, lo chưa tới).

- Đi nàm đồng nại mang theo lồi liêu (Đi làm đồng lại mang theo nồi niêu).


Hát quan họ. Ảnh minh họa.

Ở vùng đồng bằng Nam Bộ:

+ Phụ âm v được phát âm chệch đi thành phụ âm d. Ví dụ như trong các câu:

- Nhà dăn Diệt Nam diết tiếng Diệt (Nhà văn Việt Nam viết tiếng Việt).

- Một dị tướng dăn dõ xong toàn (Một vị tướng văn võ song toàn).

+ Phụ âm qu được phát âm chệch thành h:

- Con nhà huyền húy lại nắm huyền lực (Con nhà quyền quý lại nắm quyền lực).

Ở cả hai vùng đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ:

Đối với nhiều người, hai phụ âm s và x hầu như không có sự phân biệt trong cách phát âm. Những người này chỉ phát âm được phụ âm x, do đó khi đọc và khi nói, họ đã loại bỏ phụ âm s:

Một số người lại phát âm r thành d. Họ nói “đi da” thay vì “đi ra”, “dủ dê” thay vì “rủ rê”…

Riêng về cái tật phát âm sai lệch theo kiểu vo tròn, bóp méo một số nguyên âm của đồng bào vùng Nam Trung Bộ, chủ yếu là đồng bào các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, nếu xếp chung vào cái tật “nói ngọng” thì có phần gò ép. Song gọi cái tật ấy dưới cái tên gì thì tôi nghĩ chưa ra, rất mong được các vị thức giả kiến nghị, đính chính giúp cho.

Cái tật phát âm sai mang nét đặc trưng xứ Quảng ấy thường rơi vào các nguyên âm dưới đây:

a phát âm thành oa, và ao thành ô (“ố bòa boa” thay vì “áo bà ba”, “bố cố lố” thay vì “báo cáo láo”; oi nói chệch thành ua, ai nói chệch thành ưa, ôi biến dạng thành ui: “đứng lâu mủi cứa đầu gúi” (đứng lâu mỏi cái đầu gối).

Một số đồng bào vùng nông thôn tỉnh Bình Định thường phát âm nguyên âm kép ay thành nguyên âm ê: “nghề mồng bể tháng bể” (ngày mùng bảy tháng bảy).

Còn nhiều kiểu nói ngọng khác nhau tại các vùng miền khác nhau trên khắp nước ta, thật khó kể hết ra đây.

Đúng là mỗi thói quen, mỗi “tật” đều có sức mạnh riêng được thể hiện qua sức ỳ, sức đeo bám dai dẳng của nó. Song cũng hoàn toàn đúng là con người có khả năng cải biến dần bằng giáo dục, văn hóa, giao lưu, bằng tự ý thức vad cố gắng “chuẩn hóa” tiếng Việt. Miễn con người có quyết tâm cao và giải pháp đúng.

Bất cứ ai có một cơ quan phát âm bình thường, có một bộ máy phát âm bình thường, có một bộ máy phát âm (bao gồm thanh quản, thanh đới, lưỡi, răng, môi…) đều có khả năng phát âm chuẩn xác, chỉ cần bản thân người nói có một sự quan tâm, chú ý đúng mức, không đến nỗi phải “uốn lưỡi đến bảy lần”, nhưng ít ra cũng phải nhớ đến việc phát âm sao cho đúng.

Điều dễ nhận thấy là những người nói ngọng vẫn viết đúng chính tả, chứ không viết sai theo cách nói của họ. Hơn nữa, khi nói tiếng nước ngoài, mọi người Việt đều tránh được cái tật nói ngọng, phát âm theo ngôn ngữ mình đang sử dụng.

Thử hình dung ra hậu quả của tật nói ngọng trong những trường hợp sau đây: Một nhà giáo đang giảng dạy môn Ngữ văn cho học trò của mình, một nhà văn đang trao đổi với bạn bè đồng nghiệp trong và ngoài nước, một cán bộ chính trị đang đọc diễn văn trước một diễn đàn trang trọng có cả bạn bè quốc tế… những người bạn nước ngoài, khi nghe đến những ngữ âm không chuẩn xác này, thì dù họ có khá thông thạo tiếng Việt, e rằng họ cũng… “chẳng biết đâu mà lần”.

Đây chỉ là một số ý kiến ban đầu, còn khá đơn giản, thô sơ về một vấn đề tinh tế và phức tạp, có tính khoa học cao. Những ý kiến này có thể vì quá thẳng thắn mà có phần khó nghe. Song đây chính là một vấn đề đã được nhiều người, trong đó có bản thân tôi, suy ngẫm, chiêm nghiệm qua nhiều thập niên. Tôi nghĩ đã đến lúc cần đưa vấn đề này ra trước công luận, mạnh dạn gióng một hồi chuông cảnh báo vì sự hưng thịnh, vững bền của tiếng Việt thân yêu.

LƯU TRÙNG DƯƠNG