Lãnh thổ Bạc Liêu qua một thời
Hạt tham biện Bạc Liêu được thành lập năm 1882, so với các hạt tham biện ở Nam Kỳ thì Bạc Liêu là một hạt được định hình sau hết, bởi có nhiều lần thay đổi, sắp xếp địa danh địa giới.
Thành phố Bạc Liêu đã ra đời năm 1739, tên gọi Trấn Di, do hai ông Nguyễn Cư Trinh và Mạc Thiên Tứ tạo dựng. Bấy giờ vùng đất Sông Hậu còn “Hải ngoại tự trị” của chúa Nguyễn Đàng Trong. Họ lập trấn để khẳng định quyền lãnh thổ của mình; trấn đây là “trấn đạo”, vừa là một thị trấn dân cư vừa là đồn lũy của đạo quân cai quản, bảo vệ và gìn giữ an ninh trật tự. “Di” có nghĩa là vùng rìa bên ngoài, có nhiều dân tộc hỗn hợp phức tạp theo người Hán gọi là Man Di. Thuở ấy vùng đất này đa số là người Khmer bản địa và người Trung Quốc nhập cư trái phép qua các nguồn phản Thanh phụ Minh. Theo một số nhà nghiên cứu, tại sao Trấn Di dần dần “Bạc Liêu hóa”? Bởi do chữ Bạc Liêu gọi trại từ “Bồ Liếu”. Có thể là “chợ có nhiều người Lào”, có thật vậy không? Chúng tôi chưa thấy thư tịch nào ghi việc này. Lại có người nói: Trấn Di nằm theo trục kinh tuyến với một trong 9 cửa sông Cửu Long, nên người Pháp ghi cửa sông ấy là “Tran Di” mà các cụ Nho An Nam thuộc Pháp phiên âm cửa sông ấy là Trần Đề (Trần Đế) như vậy. Điều này rất mơ hồ, có lẽ là một sự phỏng đoán của ai đó.
Trở lại, từ khi người Pháp thành lập hạt tham biện Bạc Liêu (1882), rồi đến 1900 đổi thành tỉnh Bạc Liêu thì vùng đất này rất rộng: đông bắc giáp tỉnh Sóc Trăng, tây bắc giáp tỉnh Rạch Giá (chưa có tỉnh Cà Mau). Mãi cho đến thời kỳ 9 năm chống Pháp cũng vậy, chỉ khi thời chánh quyền Ngô Đình Diệm, vào năm 1956, cái gọi là tỉnh An Xuyên mới xuất hiện trên vùng đất này.
Thời 9 năm kháng chiến chống Pháp, tỉnh Bạc Liêu là một địa bàn nằm cuối cùng của Tổ quốc, vùng đất có địa thế hiểm trở đối với quân thù, là nơi căn cứ địa thuận lợi của ta, cho nên có nhiều cơ quan Nam Bộ đồn trú ở Bạc Liêu, một thời gian dài Bạc Liêu là nơi phát triển chánh trị, văn hóa, xã hội ra toàn miền. Do vậy, điệu nói thơ Bạc Liêu ra đời từ nơi đây.
Nhịp điệu và phong cách nói thơ Bạc Liêu
Trước hết nói về phần nhạc đệm. Người nói thơ vào đầu bằng điệu “rao” của những câu nói lối đề vô theo âm điệu ca vọng cổ. Có thể 4 hoặc 6 câu nói lối, người nói cũng vô một câu xuống muồi ở nốt son (hò) y như vô vọng cổ. Sau đó thì chuyển giọng “nói thơ Bạc Liêu” (đoạn sau chúng tôi ghi rõ hơn). Thuở ấy người đệm đàn bằng nhạc cụ đàn măng-đô-lin hoặc đàn ghi-ta phím lõm “dây Rạch Giá”; có nghĩa là theo bậc quãng 7 (son-la-si-đô-rê-mi-pha). Lời thơ viết theo thể lục bát. Thay vì điệu “nói thơ Lục Vân Tiên” vào đầu câu 6 chữ thì “nói thơ Bạc Liêu” lại vào đầu bằng câu 8 chữ. Thí dụ, nói thơ Lục Vân Tiên:
“Thắp đèn-xem chuyện-Tây Minh…”
Thì nói thơ Bạc Liêu:
“Con ra-mặt trận-giữ gìn-biên cương…”
Và nhạc đệm hòa theo đúng giọng:
“Si si-la rế-la rề-pha la…”
“Thà rằng-chết ở-chiến trường…”
Nhạc cứ hòa theo:
“Pha pha-la rế-la rề…”
Nếu câu nào người nói ngừng lại để cho người đệm nhạc đánh lái mà gặp chữ không có dấu huyền thì người nói thơ phải nói thêm:… ơ ớ ờ… Chỉ hai câu thôi, người nói thơ dừng lại để cho người đệm nhạc đánh một câu “lái”:
“Đồ rề-pha la-đồ rề”
Rồi người nói thơ tiếp tục nói hai câu với nhịp điệu như hai câu trước. Cứ như vậy nói đến khi nào hết lời của bài thơ ấy.
Nhịp điệu nói thơ Bạc Liêu đã đi sâu vào cảm thức của người Nam Bộ một thời. Nó trở thành một làn điệu dân ca mà sau này có một số nhạc sĩ người Nam Bộ dựa vào đó phát triển thành những ca khúc đặc sắc, ví dụ như bài ca Cô gái Sài Gòn đi tải đạn của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ.
Hai bài “nói thơ Bạc Liêu” đầu tiên
Người khai sanh điệu “nói thơ Bạc Liêu” tên là Thái Đắc Hàng, sanh năm 1920 tại ấp Tân Đức - xã An Xuyên - quận Cà Mau - tỉnh Bạc Liêu. Cách nay khoảng 20 năm, ông cư ngụ số 381- khóm 4 - phường 5 - đường Quang Trung - thị xã Cà Mau.
Vào những năm đầu 1950, có lịnh cấm ca vọng cổ. Để nhớ âm điệu vọng cổ, ông Thái Đắc Hàng sáng tác ra một điệu nhạc gọi là “nói thơ Bạc Liêu”, đồng thời ông sáng tác luôn lời bài nói thơ đầu tiên nhan đề Mười thương như sau:
… Má ơi chiến sĩ của… mình
Đánh Tây (cái mà) giỏi quá khiến tình con thương
Một thương chiến sĩ kiên cường (lái)
Hai thương (cái mà) chiến sĩ sa trường quản chi
Ba thương lặn lội bùn lầy (lái)
Bốn thương (cái mà) súng vác cả ngày trên vai
Năm thương khổ cực chẳng nài (lái)
Sáu thương (cái mà) lễ phép mặt mày như hoa
Bảy thương xa mẹ xa cha… ơ ớ ờ…
Tám thương (cái mà) bỏ xứ cửa nhà xa lơ.
Chín thương ngủ bụi ngủ bờ (lái)
Mười thương (cái mà) hăng hái trước giờ xuất chinh
Má ơi chiến sĩ của mình (lái)
Đánh Tây (cái mà) giỏi quá khiến tình con thương…
Khiến tình con thương…
Bài thứ hai, do nhà thơ Nguyễn Bính sáng tác lời:
Con ra (cái mà) mặt trận giữ gìn quê hương
Thà rằng chết ở chiến trường (lái)- đồ rề pha la đồ rề
Còn hơn (cái mà) sống ở trên giường thê nhi
Phản công súng nổ đì đùng (lái)
Kìa bao (cái mà) chiến sĩ anh hùng xông pha
Giang sơn nghĩa nặng hơn nhà (lái)
Lẽ nào (cái mà) con nghĩ tình nhà cao hơn
Biệt ly sanh tử chớ sờn (lái)
Nam nhi (cái mà)thời loạn rửa hờn ở con
Còn nhà, còn nước, còn non… ơ ớ ờ (lái)
Còn trang (cái mà) thanh sử thì còn ghi công
- Em ơi tình nghĩa vợ chồng (lái)
Anh là (cái mà) một đấng anh hùng nam nhi
Phải đành dứt áo ra đi… ơ ớ ờ (lái)
Gia đình (cái mà) tạm gác vậy thì cho em
Mẹ già hôm sớm chăm nom… ơ ớ ờ (lái)
Ân cần (cái mà) phụng dưỡng cháo cơm chu toàn
Thân anh dù có nát tan… ơ ớ ờ (lái)
Anh nguyền (cái mà) gội rửa giang san máu hồng
Nam nhi hồ thủy tang bồng (lái)
Làm cho (cái mà) rạng mặt con Rồng cháu Tiên
- Mẹ ơi ở lại bình yên… ơ ớ ờ (lái)
Để con (cái mà) mang nóp súng trường lên vai
Thù nhà, nợ nước nặng hai… ơ ớ ờ (lái)
Chí nhân (cái mà) quân tử làm trai cho tròn
Minh sơn hải thệ non mòn (lái)
Thằng Tây (cái mà) còn đó mình còn đánh Tây
- Con ơi, mẹ nói lời nầy (lái)
Tòng quân (cái mà) cho kịp kẻo chầy phản công
Ơ ớ hơ… Kẻo chầy phản công… ơ ớ ờ…