- Đời tôi có một niềm vui lớn, tôi chưa từng thổ lộ với ai. Ở bên Nhật đã đành, về trong Nam càng phải kín đáo. Tập kết ra Bắc chẳng muốn nói ra, sợ người ta cho mình huênh hoang...
Bác sĩ nông học Lương Định Của tâm sự như vậy với tôi một đêm gió mùa hun hút tràn về mùa đông năm 1971. Sau trận lụt lịch sử làm vỡ đê, nước ngập trắng băng cánh đồng lớn hai tỉnh Hải Dương - Hưng Yên, quốc lộ 5 không đi lại được trong nhiều ngày. Viện Cây lương thực và thực phẩm do ông làm Viện trưởng ở huyện Gia Lộc cùng chung cảnh ngộ. Viện trưởng xắn quần cùng cán bộ, nhân viên viện chạy đua với lũ cố cứu cho được một số giống cây quý đang làm thử nghiệm. Nước rút, tôi từ Hà Nội về thăm ông, tối anh em sang huyện Cẩm Giàng ven đường 5 uống rượu ngang Phú Lộc cùng Bí thư Huyện ủy Nguyễn Phùng mà ông rất thân thiết.
Niềm vui của nhà nông học đúng là có một không hai. Ấy là ngày ông được công nhận học vị bác sĩ nông nghiệp(1) tại Trường Đại học Tổng hợp Kyoto, Nhật Bản, kèm lời đánh giá “có cống hiến lớn cho nền nông nghiệp trong việc cải lương giống lúa” là 19-5-1951, trùng hợp kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ. Chủ đề công trình của ông là phương pháp xử lý đa bội thể di truyền nhằm tạo nên các giống lúa mới, Artificial Polyploidy in the Oryzeae.