Năm Trâu sắp qua, năm Hổ sắp đến. Trâu chăm chỉ cày bừa, giúp nhà nông làm ăn. Hổ là chúa rừng xanh, thống trị muôn loài. Hổ tuy là động vật hoang dã, song trong cuộc sống hằng ngày hổ cũng để lại nhiều dấu ấn trong mỗi chúng ta cũng như toàn xã hội. Dưới đây chúng tôi muốn cung cấp một số tư liệu về bản thân cuộc sống của hổ cũng như dấu ấn của hổ trong cuộc sống của con người.
HỔ Ở VIỆT NAM
Loại hổ sinh sống trên đất nước ta thường gọi là hổ Đông Dương, có kích thước vào loại trung bình. Hổ có mặt trên đất nước ta từ rất sớm và có mặt trên vùng rừng núi Đông Bắc, Tây Bắc và dọc dãy Trường Sơn vào tận Tây Nguyên. Tài liệu khai quật khảo cổ trong những năm gần đây có thấy trong trầm tích đỏ và vàng đậm thời Cánh Tân bám ở vách và nền các hang động đá vôi Thẩm Khuyên, Thầm Hai, Phai Vệ, Kéo Lèng (Lạng Sơn), hang Hùm (Yên Bái), hang Làng Tráng (Thanh Hoá), hang Thẩm Ồm (Nghệ An) đều đã phát hiện được răng hóa thạch của các loài hổ, báo gấm, báo hoa mai.

Ảnh minh họa.
Thời Cánh Tân cách ngày nay hàng mấy chục vạn năm, các loài hổ báo này sống cùng các loại voi răng kiếm (Stegodon orientalis owen), gấu mèo (Ailuropoda melanoleuca), đười ươi (Pongo pygmaeus), cùng các loại voi cổ, lợn rừng, tê giác, gấu ngựa, gấu chó, trâu, bò, hươu, hoẵng… Đây cũng là thời gian sinh sống của giai đoạn người vượn.
Hổ có tuổi thọ trung bình khoảng 30 năm, mỗi lần đẻ khoảng 2 - 5 con. Thời gian mang thai khoảng 88 đến 110 ngày. Hổ con vừa sinh ra nặng khoảng 3 kg. Trong thiên nhiên, hổ con sống với mẹ từ 2 đến 3 năm mới tách ra sống riêng, và hổ mẹ phải 3 - 4 năm mới đẻ một lần. Nhưng hổ nuôi nhốt đẻ ra 6 tháng tuổi đã tách ra sống riêng. Hổ 3 - 4 năm được xem là hổ trưởng thành.
HỔ VÀ CAO HỔ CỐT
Một bộ xương hổ trung bình nặng 10 - 12kg, song cũng có bộ xương hổ nặng 15 - 16kg, và bộ xương nhỏ nhất thường chỉ nặng 4 - 5kg. Theo những người nấu cao hổ cho biết thì toàn bộ xương hổ đều tốt, song quý nhất là xương 4 chân và xương đầu. Xương cẳng chân trước được xem là xương không thể thiếu được, vì ở đoạn xương này có một lỗ hổng đặc biệt gọi là mắt phượng, có thể dựa vào đó để phân biệt thật giả.
Cao hổ cốt có 2 loại: một loại chỉ nấu toàn xương, một loại nấu cả xương và thịt hổ được gọi là cao toàn tính. Loại cao hổ chỉ nấu toàn xương thì tốt hơn và đắt tiền hơn cao hổ toàn tính.
Thường người ta nấu cao hổ cốt, ngoài xương hổ còn cho thêm một ít xương thú khác cùng một vài vị thuốc thảo mộc như thiên niên kiện, địa liên… Một số người cho biết, cao tốt nhất thường nấu theo tỷ lệ 5 bộ xương hổ cộng với 1 bộ xương khỉ và 1 bộ xương sơn dương. Với tỷ lệ như thế thì 100kg xương nấu thành 30kg cao hổ cốt.
Theo tập tục, người ta không nấu cao hổ cốt trong nhà, vì họ cho rằng nấu cao hổ cốt trong nhà thì không gặp may. Công việc nấu cao được thực hiện khá tỉ mỉ, công phu. Trước hết xương phải róc, cạo hết thịt, ngâm vào nước suối trong khoảng 15 - 20 ngày, đem phơi cho khô trong khoảng 15 ngày để cho hết mùi hôi. Sau đó, đập nhỏ xương, rửa sạch tuỷ, rồi ngâm trong nước luộc rau cải khoảng 24 giờ. Lấy ra rửa sạch bằng nước trong rồi ngâm vào rượu ngâm gừng. Lấy ra cho vào nồi, đổ nước ngập vài cm. Cũng có nơi, ngâm xương trong nước lá dâu, lá trầu không. Một lần nấu cao cũng mất vài ngày, nấu cho đến lúc cao cô đặc thì đổ ra dàn mỏng trên mâm.
Qua phân tích được biết xương hổ có các thành phần can xi, phốt phát và protit. Cao hổ cốt nguyên chất có 14,93-16,66% ni tơ toàn phần, 0,58-0,475% axit amin, 19,88-26,6% độ ẩm, 2,6% độ tro, 5-7 phần triệu asen, 0,67-2,66% clo, 0,08-0,16% canxi, 0,04-0,16% phôt pho.
Ở Trung Quốc, người ta trực tiếp nướng xương hổ trên than thành màu vàng, tán nhỏ ngâm rượu hoặc sắc thành thuốc uống. Còn ở ta chủ yếu nấu thành cao hổ cốt để làm thuốc. Theo Y học cổ truyền, cao hổ cốt có tác dụng khu phong trừ thấp, bổ can thận, tráng dương cường sức và đặc biệt cao hổ cốt có tác dụng trả hỏa về nguồn, bổ sung nguyên khí trong trường hợp mệnh môn thiếu hỏa. Cao hổ cốt còn làm thông kinh mạch. Theo lương y ở các bệnh viện y học dân tộc thì cao hổ cốt có tác dụng trị bệnh viêm đa khớp dạng thấp, trị bệnh gút, cải thiện tuần hoàn não, trị bệnh xơ vữa động mạch, huyết áp thấp và béo phì.
Tốt nhất là cao hổ cốt ngâm rượu. Nếu không dùng được rượu thì cắt thành lát mỏng ngậm 3 lần một ngày. Ngâm rượu thì dùng 40 – 60gr cao ngâm vào 1 lít rượu ngon, sau khoảng 15 ngày có thể uống trước khi ăn, 2 lần mỗi ngày. Cũng có thể ngâm rượu cao hổ cốt với một số dược liệu khác như 4 - 6gr cao hổ cốt, 10gr thiên niên kiện, 10gr cốt toán bổ, 10gr đỗ trọng ngâm trong 1 lít rượu ngon. Ngâm từ 10 - 15 ngày thì lọc lấy rượu uống 2 lần mỗi ngày trước khi ăn.
Cũng có cách dùng cao hổ cốt công phu hơn. Dùng một con gà giò, mổ bỏ ruột, cho 10 - 15gr cao hổ cốt vào trong bụng gà. Bỏ gà vào trong một liễn men có nắp cùng 1 chén rượu (không đổ nước) rồi chưng cách thủy. Sau khi gà chín nhừ, rót nước rỉ ra uống, thịt gà có thể ăn nhưng không ngon.
HỔ VÀ DẤU ẤN TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ
Nước ta cũng như nhiều nước phương Đông, hổ luôn được xem là biểu tượng của sức mạnh, của quyền uy. Các vị tướng tài thường được vinh danh là hổ tướng, như Quan Vũ, Trương Phu, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung được xem là ngũ hổ tướng của Lưu Bị. Trước đây, trong văn phòng của các vị tướng thường treo một tấm màn vẽ một con hổ dũng mãnh, thường được gọi là hổ trướng.
Dân gian thần thánh hóa sức mạnh của hổ, cho rằng hổ có sức mạnh thiêng liêng phi thường có thể diệt được ma quỷ nên đã vẽ tranh ngũ hổ, có khi gọi là tranh “Ông năm dinh” tượng trưng cho 5 vị thần ngự trị năm phương. Hổ màu vàng ở chính giữa là đặc khu, 4 màu đen trắng đỏ xanh ở xung quanh. Màu đen là thuỷ khu, màu trắng là kim khu, màu đỏ là hỏa khu, màu xanh là mộc khu.

Hổ tại Chùa Cọp ở Thái Lan do được huấn luyện từ nhỏ,
cho ăn chay hoặc ăn thịt nấu chín
nên sống rất hiền hòa, gần gũi với con người.
Hổ cũng là hình ảnh thường gặp trong các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật như các chuyện kể, chuyện cười, các trò chơi bắt hổ như trò bắt cọp ở làng Phú Bật xã Đông Phú, Thanh Hóa, săn hổ trong hội đi săn làng Gióng, trò Văn Vương…
Đáng chú ý ở ngay kinh thành Huế, hàng năm có tổ chức thi đấu giữa voi và hổ ở Hổ Quyền để cho nhà vua và quan lại trong triều xem, giống như đấu bò tót ở Tây Ban Nha. Trước đó, trai tráng làng Thủy Ba phải ngược lên thượng nguồn sông Hương săn bắt hổ phục vụ cuộc chơi.
Và trong tiếng Việt, danh từ hổ, hùm, cọp cũng được sử dụng khá nhiều để chỉ sự dũng mãnh, uy nghi đường bệ của đấng nam nhi như: Hùm chết để da, người chết để tiếng có ý khuyên con người phải sống cho đàng hoàng; Nam thực như hổ, nữ thực như miêu ý muốn nói đàn ông ăn uống nhanh nhiều, còn đàn bà ăn uống nhỏ nhẹ; Đi như rồng, bước như hổ có ý nói đi đứng uy nghi đường bệ; Râu hùm, hàm én, mày ngài chỉ tướng mạo người anh hùng; Vuốt râu hùm, xỉa răng cọp có ý nói hành động gan góc liều lĩnh; Hổ phụ hổ tử, hổ phụ lân nhi có ý nói cha nào con nấy, cha con đều giỏi giang…
Hình tượng hổ không những khá phổ biến trong tranh dân gian, mà còn được thể hiện trong các điêu khắc cổ bằng đá và bằng gỗ. Tiêu biểu hơn cả là tượng hổ đá ở lăng Trần Thủ Độ (Thái Bình) là một tác phẩm nghệ thuật đẹp trong nghệ thuật điêu khắc đá cổ Việt Nam.
Hình ảnh hổ cũng được thể hiện trên một số cổ vật bằng đồng và gốm sứ. Chẳng hạn trên một số choé, lọ sứ Móng Cái vẽ cảnh một con đại bàng đậu trên cành cây cùng một con hổ đứng dưới đất với ý nghĩa anh hùng tương ngộ. Hay như trên một số bình đồng hình con tiện, trên vai gắn một đôi mặt hổ phù ngậm vòng…
Những hình ảnh “hổ vồ mồi”, “hổ trông trăng”, “hổ và đại bàng” thường được dùng để diễn tả sức mạnh, ý chí và khai thác chất thơ trong cõi lòng của “chúa sơn lâm”. Chúa sơn lâm gây ra biết bao lo sợ cho con người nhưng theo các nhà động vật học thì hổ không bao giờ chủ động tấn công con người, trừ khi nó bị bức bách, buộc phải tự vệ. Chính vì vậy, nếu được huấn luyện từ lúc còn bé, hổ có thể sống thân thiện với con người.
HỔ CÓ TÊN TRONG SÁCH ĐỎ
Hiện nay, rừng rậm bị chặt phá trầm trọng, môi trường sinh sống của hổ bị thu hẹp dần, thức ăn của hổ ngày càng cạn kiệt. Phương tiện săn bắn ngày thì càng hiện đại, nên việc săn bắn và buôn bán hổ trái phép ngày càng phổ biến. Vì vậy, ngày nay hổ còn lại không nhiều. Theo ước tính của nhiều cơ quan nghiên cứu về động vật hoang dã thì cho đến nay trên thế giới chỉ còn khoảng 3.500 cá thể hổ và ở Việt Nam còn khoảng 100 cá thể mà thôi.
Có thể nói, hổ là động vật hoang dã đang trên bờ vực bị tiêu diệt và được Hiệp hội bảo vệ động vật thế giới xếp vào sách đỏ cấm săn bắn. Nhà nước ta đã có nhiều luật lệ, chính sách cấm săn bắn và buôn bán hổ, nhưng tệ nạn này vẫn chưa chấm dứt. Tình hình này đòi hỏi mỗi chúng ta phải chấp hành nghiêm chỉnh luật bảo vệ thú rừng, để chúng ta được sống trong một môi trường thiên nhiên trong lành.