Sắp sang Tết Tân Mão, các cửa hàng sách và dụng cụ mỹ nghệ đã trưng bày các loại thiệp chúc Tết, bưu ảnh Tết, đồ chơi Tết với hình ảnh chú mèo đủ kiểu đủ dạng. Trên báo mạng của Trung Quốc cũng đang quảng cáo nhiều vật phẩm văn hóa về năm Mão với hình ảnh chú Thỏ. Vậy là có khác biệt: Biểu tượng năm Mão của Trung Quốc không phải là con mèo như ở ta. Điều lạ là báo chí cho biết nhiều nước ở vùng Đông Á, cùng nguồn văn hóa với Trung Quốc cũng dùng con thỏ chỉ năm Mão. Duy chỉ có Việt Nam ta là dùng con mèo. Vấn đề này có lẽ cũng có nhiều người muốn biết.
Nếu tìm hiểu sẽ thấy căn nguyên của 12 con vật tượng trưng cho từng năm (mà ta thường gọi là 12 con Giáp) xuất xứ từ khái niệm “Can chi” của lịch pháp cổ Trung Quốc.
1. “Can chi” là cách gọi tắt của “Thiên can địa chi”. “Can chi” có từ bao giờ? Tại sao lại gọi là “can chi”? Đã có nhiều học giả đề cập vấn đề này song cho đến nay vẫn chưa có ý kiến nào thật thuyết phục. Người ta vẫn nhắc nhiều đến những truyền thuyết thời cổ. Phổ biến nhất là truyền thuyết “Hoàng đế lập can chi” như sau: Cách đây gần 5000 năm, vị đế đầu tiên cai quản xã hội Trung Hoa thời tối cổ là Hoàng Đế, sai bề tôi Đại Náo làm lịch pháp. Đại Náo quan sát khí tượng trời đất và quy luật vận hành của tinh tú trên trời, quy luật đổi thay của đất đai sông biển, đặt ra Thập can và Thập nhị chi để tính toán ghi nhớ ngày, giờ, năm, tháng. Vì sao gọi “can chi”? “Can” là thân, “chi” là cành. Người xưa quan niệm Trời Đất kết hợp nương tựa nhau để tạo ra muôn vật giống như thân với cành kết hợp nương tựa nhau tạo ra hoa lá. Trời là can, đất là chi, nên gọi là “Thiên can địa chi”.
Để ghi nhớ và quảng bá lâu dài, Đại Náo đặt ra 10 can với những tên như sau: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý và 12 chi là: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Theo quy luật vận hành, cứ 12 năm một chặng gọi là một giáp. Để tính toán và ghi nhớ, mỗi can ghép với một chi thành tên của một năm. Thí dụ, Giáp ghép với Tý thành Giáp Tý, Ất ghép với Sửu thành Ất Sửu, Bính ghép với Dần thành Bính Dần. Cứ vậy tiếp tục, đến hết lại quay trở lại. Đặt 10 can với 12 chi để có sự so le không bị trùng lặp lầm lẫn.
Về hàm nghĩa của các tên gọi can, chi, sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận đời Hán giải thích: “Giáp là vỏ, muôn vật sơ sinh, phải phá vỡ vỏ mà ra. Ất là uốn mềm, vạn vật sinh ra, mềm mãi quanh co mà lớn dần lên. Bính là sáng, vạn vật được mặt trời chiếu sáng, ấm nóng mà phát triển. Đinh là mạnh mẽ, vạn vật ngày càng lớn lên mạnh mẽ. Mậu là rậm rạp, cây cỏ ngày càng tốt tươi. Kỷ là ghi nhớ, vạn vật định hình có thể ghi nhớ hình dạng. Canh là thay đổi, vạn vật vừa phát triển vừa đổi thay liên tục. Tân là cay, lại giống với Tân là mới, vạn vật luôn thay cũ đổi mới. Nhâm là hoài thai, vạn vật lớn lên rồi mang cái nhân mới trong mình. Quý là tiêu đi, vạn vật phát triển cực độ ắt phải tiêu đi thay mới”.

Một mẫu tem bưu chính của Việt Nam.
Còn Thập nhị chi thì sao? Mục này có nhiều ý kiến khác nhau. Có thuyết nói: lịch pháp dùng tên những con vật gần gũi quen thuộc với con người để cho dễ nhớ. Có thuyết nói: Dùng 12 con vật để tượng trưng cho các tính cách thông thường của con người. Thí dụ: chuột (Tý) láu lỉnh, lanh lẹ; trâu (Sửu) chậm chạp nhưng chắc chắn; hổ (Dần) mạnh mẽ và hung dữ; thỏ (Mão) nhút nhát nhưng khôn ngoan; rồng (Thìn) uy linh và sáng suốt; rắn (Tỵ) mềm dẻo nhưng gian ngoan; ngựa (Ngọ) hăng hái và tích cực; dê (Mùi) hiền lành và khờ khạo; khỉ (Thân) mưu mẹo và linh hoạt; gà (Dậu) chăm chỉ nhưng nông cạn; chó (Tuất) trung thành và tận tụy; lợn (Hợi) lười nhác nhưng chân thật...
Có thuyết nói: dùng tên các con vật để làm lịch là do tục bái vật giáo, trọng vật thờ Tô-tem của các dân tộc cổ xưa. Có thuyết nói, “Thiên can địa chi” được dựa theo ngũ hành và thuộc tính của những con vật tiêu biểu mà xác định. Thuyết này được nói kỹ trong sách Luận hành của học giả Vương Sung đời Hán và sách Quảng Dương tạp ký của Lưu Hiến đời Thanh.
Thời cận đại thì có ý kiến của Quách Mạt Nhược trong Giáp cốt văn tự nghiên cứu cho rằng, lịch can chi và cách dùng 12 con vật là do từ xứ Babylon cổ ở Trung Đông truyền vào Trung Quốc từ đời Hán Vũ đế. Thuyết này có nhiều phân tích khoa học song nhiều người phản bác vì nhiều di chỉ khảo cổ cho thấy lịch pháp can chi và các con giáp đã có từ thời Xuân Thu và đời Tần, vậy không thể là thứ ngoại nhập vào Trung Quốc.
Thời đại ngày nay, nhiều vấn đề của “can, chi” vẫn còn là những câu đố đối với các nhà nghiên cứu.
2. Bây giờ sang chuyện “con mèo”. Như trên đã nói, chỉ có Việt Nam ta dùng con mèo để chỉ năm Mão (hay còn gọi là năm “Mẹo”). Người Trung Quốc cũng quan tâm điều này và họ có những truyền thuyết, như chuyện: Hoàng Đế triệu tập các con vật đến để đặt tên lịch. Mèo lười ham ngủ nhờ chuột gọi dậy sớm nhưng chuột ghét không gọi, thế là mèo không được vào hàng. Rồi chuyện mèo, hổ hình dạng giống nhau nhưng mèo nhỏ bị loại. Rồi chuyện mèo không được quan tâm trong văn hóa cổ Trung Quốc…
Ý kiến nghiên cứu thì cho rằng khi lịch can chi truyền sang, Việt Nam chưa có loài thỏ nên dùng con mèo thay chỗ con thỏ ở chi “Mão”.
Ý kiến khác cho rằng, do âm đọc của tiếng Trung Quốc, “Mão” và “Mèo” gần giống nhau (mao - mào) nên khi chuyển sang Việt Nam, năm “Mão” thành năm “Mèo”.
Lại có ý kiến cho rằng, loài mèo gần gũi với người Việt Nam hơn loài thỏ. Đã có chó, chuột, gà thì phải có mèo. Thế là “thỏ” bị đổi thành “mèo”.

Một mẫu tem bưu chính năm 2011 của Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng có nhiều bài viết về vấn đề này. Có vị quan tâm nhiều đến sự biến đổi ngữ âm của tiếng Hán và tiếng Việt, đưa ra nhiều ví dụ để phân tích chuyện năm mèo và năm thỏ song cũng chưa được thật rõ. Có vị lại nêu một giả thuyết là lịch “can chi” từ Việt Nam thời cổ truyền sang Trung Quốc trong đó chỉ “Mão” là con mèo. Đến đời Đường, Trung Hoa hùng mạnh, các ông vua có thế lực muốn xóa bỏ ảnh hưởng của “Nam man” nên đã đổi “mèo” thành “thỏ”…
Tổng hợp và tiếp thu sự gợi ý của một số ý kiến, chúng tôi xin nêu cách nghĩ sau đây: Có lẽ sự chuyển đổi từ con thỏ của chi “mão” Trung Quốc sang con mèo của chi “mão” Việt Nam là do sự nhầm lẫn về chữ viết và sự biến đổi về ngữ âm. Chữ “Thố 兔 ” (Thỏ) gần giống với chữ “miễn 免, chỉ khác một dấu chấm.
Người Trung Quốc có khi dùng chữ nọ viết thay cho chữ kia nếu chúng giống nhau. Hiện nay còn thấy trong một số văn bia đời Hán viết chữ “miễn” thành “thố” và ngược lại.
Vậy khi lịch pháp “can chi” truyền sang Việt Nam, chi “mão” bị đọc nhầm thành “miễn”. Rồi do sự biến âm của tiếng Hán trong đó có trường hợp nguyên âm iên biến thành an (thí dụ: yên → an; phiên → phan; phiền → phàn; kiền → càn…) nên “miễn” biến thành “mãn”. Sang tiếng Việt cổ, “mãn” là “mèo”. Thế là trong “thập nhị chi”, “mão” có vật biểu trưng là “mèo”.
Về vấn đề này, chắc có nhiều vị có những kiến giải hay hơn. Chúng tôi xin nêu lên ở đây mong sẽ được đón đọc những ý kiến mới thật xác đáng.