Năm Mão và con Mèo qua thơ văn

Năm Tân Mão theo người Việt Nam chúng ta thì là năm con mèo nhưng người Trung Quốc và cả người Nhật Bản lại lấy biểu tượng của chi mão/ mẹocon thỏ. Nếu xem lại cách viết của chữ miêu 猫 - 貓 (con mèo, giọng Bắc Kinh là mao) thì được viết bằng bộ 犭(khuyển) hoặc bộ 豸 (trĩ) với chữ miêu 苗 (mầm mống), còn chữ 兔 thỏ - thố lại viết theo lối tượng hình (giọng Bắc Kinh là . Chữ 兔 (thỏ) lại viết giống chữ 免 (miễn) chỉ có thêm một nét để chỉ cái đuôi.

Hai chữ này không có khác biệt trong văn tự cổ thời Xuân Thu (770-476 trước CN) theo cuốn Ngữ lâm thú thoại cho nên chữ miễn một dạng cổ của mãn trong tiếng Việt cổ đã có nghĩa là con mèo. Nghĩa này được ghi trong tự điển Việt - Hoa - Pháp của Gustave Hue - 1937 (Mãn: Chat: con mèo. Con mãn tam thể: chat à trois couleurs) và trong Tự điển Việt Nam của Khai trí Tiến đức - 1954 (Mãn: Con mèo).

Chính vì tiếng Việt còn duy trì con mèo cho chi mão/ mẹo mà ta có thể lập luận rằng nguồn gốc tên 12 con giáp chính là từ tiếng Việt cổ nhất vào thời Tiên Tần.

Hình ảnh con mèo đã đi vào văn học Việt Nam qua các câu tục ngữ, ca dao và mấy vần thơ cổ còn được lưu truyền lại.

Về tục ngữ thì có những câu như:

Mèo vật đống rơm - mèo già hóa cáo - mèo đàng chó điếm - mèo mả gà đồng - mỡ để miệng mèo - chó khô mèo lạc - chó treo mèo đậy - chuột gặm chân mèo - chửi chó mắng mèo - đá mèo quèo chó - mèo nhỏ bắt chuột con - chó chê mèo lắm lông - giấu như mèo giấu cứt - mèo con bắt chuột cống - buộc cổ mèo, treo cổ chó - mèo cào không xẻ vách vôi - mèo mù vớ được cá rán - tiu ngỉu như mèo cụt tai - mèo già lại thua gan chuột lắt - mèo uống nước bể chẳng bao giờ cạn - mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thi sang - mèo lành chẳng ở mả, ả lành chẳng ở hàng cơm - mèo khoe mèo dài đuôi, chuột rằng nhỏ mình dễ chạy.

Ca dao thì chỉ thấy có những câu:

- Mèo lành ai nỡ cắt tai,
Gái kia chồng rẫy khoe tài chi em.

- Mèo hoang lại gặp chó hoang,
Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai.

- Mèo tha miếng thịt xôn xao,
Kễnh tha con lợn thì nào thấy chi.

- Mèo tha miếng thịt thì đòi,
Kễnh tha con lợn mắt coi chừng chừng.

- Mèo lành ở mả bao giờ,
Của yêu ai có bày ra ở ngoài.

- Con mèo mày trèo cây cau,
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.
Chú chuột đi chợ đường xa,
Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng có dùng đến tục ngữ mèo mả gà đồng ở đoạn Hoạn bà mắng Thúy Kiều:

Con này chẳng phải thiện nhân,
Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng.
Ra tuồng mèo mả gà đồng,
Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào.

(c.1729 - c.1732)

Trương Vĩnh Ký trong quyển Kim Vân Kiều truyện in năm 1875 đã giảng: Mèo mả: mèo hoang - Gà đồng: con ếch (Điền kê).

Chúng tôi nhận thấy Trương Vĩnh Ký đã giảng sai câu tục ngữ “mèo mả gà đồng” khi giảng “gà đồngcon ếch”. Ông còn chú thêm chữ Hán: “Điền kê”.


Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Thực ra, “mèo mả gà đồng” phải hiểu là mèo hoang ở nơi mồ mả, gà hoang ở ngoài cánh đồng, tức là chỉ những hạng vô lại, không có chỗ ở nhất định cứ sống lang thang nay đây mai đó để kiếm ăn một cách bất lương hoặc chỉ những người con gái làm nghề mại dâm cứ đi lang thang kiếm khách làng chơi.

Hoạn bà có ý mắng Thúy Kiều không phải là kẻ thiện nhân mà chỉ là hạng gái điếm cũng sống lang thang như mèo ở ngoài mồ mả, như gà ở ngoài cánh đồng. Nghĩa thật rõ ràng như vậy, không hiểu sao Trương Vĩnh Ký lại hiểu sai đến thế!

Về thơ văn nói về con mèo thì cũng không có nhiều. Khi còn học ở lớp Sơ đẳng (lớp 3), chúng tôi đã được học bài Thơ con mèo như sau:

Cũng thì nanh vuốt kém chi nao,
Chửa biết mèo nào cắn mỉu nào.
Gióng lịnh tì hưu tài nhảy nhót,
Ra oai hùng hổ tiếng bào hao.
Ngắm xem biết mẹo trèo từ thấp,
Khúm núm thu hình thoắt nhảy cao.
Chí quyết phen này vồ lấy cống,
Rồi lên đài các sẽ nghêu ngao.

Thời đó chúng tôi đã được nghe giảng là:

“Trong bài, một con mèo có ý nói thi tài ra, thì chẳng chịu kém mèo nào, vì cũng nhảy nhót, cũng kêu gào, cũng mưu mẹo như các mèo khác. Nếu mèo bắt được chuột thì được thỏa lòng lắm. Bài này lại ngụ ý nói một người học trò khoe tài quyết chí thi cho đỗ mới nghe; tiếng “cống” trong câu thứ bảy chỉ cống sinh tức là cử nhân đời trước”.

Bài thơ ấy trong sách giáo khoa thời đó đề là thơ cổ vì không biết tác giả là ai. Sau này khi chúng tôi nghiên cứu về Hán - Nôm, có đọc quyển Đại Nam đối thi và quyển Nam âm thi tập thì lại thấy đề là của Hồ Xuân Hương. Nguyên văn bằng chữ Nôm như sau:

Bài chữ Nôm

Phiên âm là:

CON MÈO

Cũng thì nanh vuốt kém chi nao,
Chửa biết mèo nào cắn mỉu nào.
Đủng đỉnh tì hưu tài nhảy nhót,
Ra oai hùng hổ tiếng bào hao.
Ngắm xem biết mẹo leo từ dưới,
Khúm núm thu hình thoắt nhảy cao.
Chí quyết phen này vồ lấy cống,
Rồi lên đài các sẽ nghêu ngao.

Nguyên chú như sau:

“Bài này nói mèo cũng thuộc một loài với hổ báo, đều là loài có nanh có vuốt, dù là đấu sức hay đấu trí thì cũng chưa chắc ai đã ăn ai. Xét về uy lệnh thì tì hưu có vẻ dũng mãnh, xét về mặt diễu võ dương uy thì tiếng bào hao của hổ báo phải làm cho người ta sợ sệt. Con mèo thì không những có đủ tài năng của hổ báo mà còn biết toan tính mưu kế, biết từ thấp lên cao, biết thu hình để nhảy, lại còn biết bắt ăn thịt những loài chuột đồng làm hại mùa màng của nhân dân, để trừ hại cho nhân dân. Con mèo có thể bắt chuột rồi nhảy lên chỗ đài các, chễm chệ ngồi, rồi ung dung nhai mồi của mình. Khi mèo kêu thì tiếng vang khắp chỗ, làm cho lũ chuột nghe thấy phải kinh hồn táng đởm, cho nên có thể nói tài của mèo còn hơn cả hổ báo.

Xuân Hương vịnh con mèo thực ra cũng chỉ là mượn đề mà nói con người mà thôi”.

Chúng tôi nhận thấy bài thơ này mà gán cho Hồ Xuân Hương thì rõ ràng là không đúng vì không hợp với một phụ nữ làm gì có chuyện nuôi chí đi thi để đỗ đạt cử nhân (ông cống) ra làm quan ngồi nơi đài các.


Tranh thủy mặc của Trung Quốc. Nguồn: Internet.

Cả hai tập thơ nói trên đều có những bài khác nữa chắc chắn không phải là của Hồ Xuân Hương như bài Nhị Hà tức cảnh (tức bài Cảnh sông núi của Bà Huyện Thanh Quan), Rắn mày rắn mặt (tức bài Rắn đầu biếng học của Lê Quý Đôn), Vịnh ăn mày, Thằng mõ, Vịnh bù nhìn (đều là của Lê Thánh Tôn)… Vì phạm vi của bài viết này, chúng tôi không nói thêm về những bài thơ cổ đã được gán nhầm cho Hồ Xuân Hương.

Chúng tôi chỉ xin dẫn thêm một bài thơ nữa cũng viết về Con mèo của Phan Văn Trị, một tác giả ở miền Nam, đã được chép trong tập Quốc âm thi hiệp tuyển của Lê Quang Chiểu, in ở Sài Gòn năm 1903.

CON MÈO

Mấy tầng đài các sải chân leo.
Nhảy lẹ chi cho bẵng giống mèo.
Chợt ngảnh mặt hùm nhìn trực thị,
Chi cho lũ chuột dám vang reo.
Vuốt nanh sẵn có vàng khoe sắc,
Vằn vện đành không bụi đóng meo.
Trăm tuổi hồn dầu về chín suối,
Nắm lông để lại giúp trò nghèo.

Qua các câu tục ngữ, ca dao hai bài thơ kể trên, chúng tôi chỉ mới phác sơ lại được hình ảnh của con mèo mà nước ta đã chọn làm biểu tượng cho chi mão và ta có thể xác nhận đó đúng là tên của 12 con giáp theo như tiếng Việt cổ đã có từ xưa.


Bài liên quan

NGUYỄN QUẢNG TUÂN