Tròn 70 năm trước, mùa xuân 1943, trong nhà tù phát xít Đức, kết thúc tác phẩm nổi tiếng Viết dưới giá treo cổ, G. Phuxích - nhà văn Tiệp Khắc - đã cất lời kêu gọi: “Hỡi những con người mà ta hằng yêu thương, hãy cảnh giác!”*.
Bảy thập kỷ qua, nhân loại đã có những thành tựu nhảy vọt về khoa học kỹ thuật, nhưng tiếc thay, việc tranh giành lợi quyền và sự hận thù giữa các sắc tộc, tôn giáo, phe nhóm… không những không bị kiềm chế, mà nhiều lúc, ở nhiều khu vực còn nghiêm trọng hơn, khiến lời nhắc của G. Phuxích vẫn có ý nghĩa thời sự.
Năm Tỵ , với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, hẳn là phải cảnh giác trước hết với bọn “cõng rắn cắn gà nhà” qua những con đường “tiểu ngạch” đưa rau quả, thực phẩm, quần áo, thuốc men… bị tẩm độc tố liên tiếp tràn qua biên giới. Còn nhiều thứ không “ăn” được, nhưng tác hại có khi còn lớn hơn. Như sắt thép mình bán không hết, chất đống gỉ rét ở kho bãi khắp nơi, nhưng vì hám lợi, người ta vẫn “cõng” từ nước ngoài về. Rồi đủ loại máy móc quá “đát” cho đến đĩa CD độc hại cũng nối tiếp nhau tràn qua biên giới…
Thứ hai là cảnh giác trước những kẻ “khẩu Phật tâm xà”. Bởi đằng sau không ít các cuộc giao tiếp với cảnh bắt tay thân thiết như anh em một nhà là tàu chiến, súng đạn đã sẵn sàng bủa vây tứ phía. Và còn bao nhiêu người nhẹ dạ trút của nổi của chìm mua hàng ảo trên “mạng” hay cho con “xuất khẩu lao động” rồi trắng tay đều vì mất cảnh giác trước bọn “tâm xà”!
Những kẻ đó lại có tài “nói rắn trong lỗ cũng bò ra”, nên không ít bà con ta đã bị lừa đau đớn, tỉnh ngộ thì đã muộn. Nào danh y chữa được bách bệnh, nào thuốc cải lão hoàn đồng, rồi bao nhiêu thứ hàng hóa với công nghệ tiên tiến, mẫu mã đẹp đến Âu Mỹ cũng “OK”!... Dân ta thì không ít người cả tin, đến mức tháo cả móng trâu, nuôi đỉa để bán… Đó là chưa nói đến một số quan chức địa phương, chẳng biết vì cớ gì, hay cũng vì những kẻ thuyết khách khéo nói mà vui vẻ nhường cả những vùng biển, vùng rừng đắc địa cho họ ngự trị hàng mấy chục năm trời! Mà nói chi chuyện to tát, đã có biết bao nhiêu cô gái non tơ đã phải sống dở chết dở vì nghe những lời dỗ dành, tán tỉnh ngon ngọt của bọn “Tú Bà” , “Sở Khanh”…
Một điều ít ai ngờ là có khi “nọc người bằng mười nọc rắn”! Không hẳn là lối nói phóng đại. Nọc rắn còn có cách chế ngự, chứ “nọc người” nhiều khi vô phương cứu chữa, làm nạn nhân tê liệt suốt đời, thậm chí di họa đến cả đời con cháu. Những “vụ án” văn chương trong lịch sử, tuy không hề phải ra tòa, chỉ do lời phán của ai đó, mà “đau hơn hoạn”. Xin nhớ thời nay, “nọc người” không chỉ là lời nói độc địa mà còn bằng những “comment”, nhưng lời bình trên mạng Internet lan tỏa dữ dội nhiều khi hơn cả cháy rừng thông mùa hạ. Một chuyện còn “nóng”: vì sức ép dư luận, một cô giáo suýt phải bỏ nghề do món “canh gà Thọ Xương”. Và chúng ta đã không ít lần phải đau lòng trước cảnh một số em học sinh tự tử chỉ vì bố mẹ, thầy cô hay bạn bè chỉ trích quá lời.
Cũng phải cảnh giác với những kẻ khéo “vẽ rắn thêm chân”, việc đơn giản lại bày ra những thứ râu ria cho ra vẻ khó khăn, phức tạp. Đó là những kẻ muốn tỏ ra mình là người lắm “sáng kiến”, nhưng phần lớn là chỉ để “kiếm ăn” nhờ mấy thứ “râu ria” đó. Các “chuyên gia” có tài đặt ra các “giấy phép con” và thích lập thêm “ban, bệ” làm tốn thêm công quỹ, có thể xếp vào loại người này.
“Rắn đổ nọc cho lươn” lại là kiểu hại nhau thâm hiểm, là lời nhắc những người hiền lành coi chừng bị kẻ xấu đổ vạ. Trong lịch sử không thiếu chuyện những người tốt, những vị quan thanh liêm, chính trực bị kẻ xấu vu vạ phải chịu án oan hoặc phải tuẫn tiết. Gần hơn cả, như vụ “Tiên Lãng”, có kẻ đã đổ tội phá nhà ông Đoàn Văn Vươn cho người dân trong vùng!
Kể ra, đã là đồng loại, là con người - dù là Tây, Tàu, da trắng hay da vàng, da nâu… - sống chung trên một hành tinh mà phải “nêu cao cảnh giác” thì cũng hơi bị… buồn! Nhưng mấy ngàn vạn năm rồi, Đức Phật, Chúa Giêsu, đức Khổng Tử và biết bao nhiêu là bậc hiền triết khác đã nêu gương, răn dạy tình thương yêu cho nhân loại mà thế gian vẫn chẳng yên bình, vẫn đầy “rắn rết”! Trời đã sinh ra thế, không tránh xa được “hang hùm miệng rắn” thì đành phải cảnh giác. Mà có khi đó là cách ông Trời thử thách con người. Như có Xà Tinh thì Thạch Sanh mới bộc lộ hết sự dũng mãnh của mình. Nếu không có kẻ ác thì có khi chẳng ai để ý đến cái “thiện” nữa… Hình như có người đã nói thế.
Hẳn là với những bợm nhậu và các vị đang lo “bổ thận tráng dương” thì chẳng cần chi triết lý dông dài. “Thử hỏi, không có “tam xà” với “ngũ xà” thì làm chi có “trường sinh tửu” cho chúng ta túy lúy hả?”. Nghe thật là “ngon” và đơn giản, nhưng việc cảnh giác vẫn không thừa. Chắc chi đã thật là “tam xà” với “ngũ xà”, và rượu giả gây ngộ độc đâu phải là chuyện hiếm!
(*)Lời dịch của dịch giả văn học Tiệp Khắc Dương Tất Từ