Tôi đã đến Đình Bảng (Bắc Ninh), nơi có Đền Đô thờ 8 đời vua triều Lý. Đến đây, bất giác trong đầu tôi đặt ra câu hỏi: Triều Lý có 9 đời vua cơ mà? Tại sao ngôi đền này lại thờ chỉ 8 đời vua triều Lý, thế còn vua bà Lý Chiêu Hoàng được thờ ở đâu? Tại sao bài vị của Bà không được tôn thờ cùng vua cha và các vị tiên đế của nhà Lý?
Từ thắc mắc đến tò mò, tôi và anh Bùi Chính - lái xe và phóng viên ảnh, xuất trình giấy tờ với Ban Quản lý Đền Đô, xin được gặp bác Nguyễn Đức Thìn - Anh hùng lao động năm 1985, nhà giáo nhân dân, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, người đã viết hàng chục tác phẩm khác nhau về Đền Đô, có hình ảnh minh họa. Nhân mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, bác viết Lãnh đạo Đảng và Nhà nước với Đền Đô, rồi Tiếng vọng cội nguồn - cả hai tác phẩm này đều xuất bản năm 2010.
Trong Lãnh đạo Đảng và Nhà nước với Đền Đô có ảnh chụp Bác Hồ, với 4 lần về thăm Đền Đô. Ngoài ra còn có ảnh các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thị Doan, Hồ Đức Việt và các Bộ Trưởng trong Chính phủ của chúng ta, nhân dịp thăm Đền Đô.
Tôi xin phép đặt ra một câu hỏi với bác Thìn và bác Nguyễn Thanh Kim cùng các bác trong Ban Quản lý Đền Đô một câu hỏi: “Qua thông tin đại chúng và nguyện vọng của đa số nhà viết Sử Việt Nam gần đây, muốn xin ý kiến địa phương đưa bài vị của Lý Chiêu Hoàng từ Đền Rồng về thờ cùng vua cha và các vị tiên đế nhà Lý ở Đền Đô, ý kiến của hai ông như thế nào?”.
Bác Thìn trả lời như sau: “Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ vẻn vẹn 214 chữ như báo hiệu sự tồn tại của 8 đời vua triều Lý chỉ được 214 năm, tại sao thêm lên 1 năm nữa, tức là 1224 đến 1225 vua cha Lý Huệ Tông nhường ngôi cho người con gái thứ hai là Lý Chiêu Hoàng, 7 tuổi. Lý Chiêu Hoàng bị mẹ (Trần Thị Dung) và Thái sư Trần Thủ Độ ức hiếp, đành xuống chiếu nhường ngôi của mình cho Trần Cảnh. Thế có nghĩa là, Lý Chiêu Hoàng làm mất ngôi nhà Lý, Bà không đủ tư cách ngồi ở Đền Đô được”.
Bác Kim giải thích thêm: “Bà ngồi một mình một cõi ở phía Tây nơi mặt trời lặn thế là được và cũng do trời sắp đặt thế là đúng. Dân địa phương chúng tôi vẫn tôn thờ Bà, vào các ngày lễ lớn chúng tôi vẫn xuống đền Rồng rước Bà ra chùa Dận, rồi lại từ chùa Dận rước Bà về vui vẻ với vua cha và các vị tiên đế khác, như thế là được, vậy thì lý do gì phải đưa bài vị vua Bà về Đền Đô? Chúng tôi cho rằng, con gái đã xuất giá rồi là hết!”.
Riêng tác giả bài này lại nghĩ khác: Thái tử Sảm cùng vua cha chạy loạn về Hải Ấp (Hưng Hà -Thái Bình) đến nhà Trần Lý thấy Trần Thị Dung, em gái của Trần Thừa, là chị họ của Trần Thủ Độ, lại là người yêu của Trần Thủ Độ quá đẹp, nên năm 1210 Thái tử Sảm lên ngôi Hoàng đế, ông cho người đón Trần Thị Dung về triều và lập Trần Thị Dung làm Nguyên phi, năm 1216 phong lên làm Hoàng hậu.

Tượng Lý Chiêu Hoàng ở Đền Rồng (Bắc Ninh). Ảnh: Bùi Chính.
Qua sử sách chúng ta biết rằng, Trần Thị Dung là người yêu của Trần Thủ Độ, tuy nhiên bà lại là chị họ của Trần Thủ Độ nên hai người không lấy được nhau. Mối tình đầu của Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ bị tan vỡ bởi cái uy quyền của Thái tử Sảm (tức vua Lý Huệ Tông).
Trần Thủ Độ vì sự nghiệp xây dựng cơ đồ nhà Trần, ông đã hy sinh mối tình đầu để người yêu lấy Thái tử Sảm. Cuối đời, vua Lý Huệ Tông nhu nhược đam mê tửu sắc, bỏ bê việc quốc gia đại sự, đành nhường ngôi báu của mình cho con gái là Lý Chiêu Hoàng, lúc đó mới 7 tuổi, rồi đến nương nhờ cửa Phật, tu ở chùa Chân Giáo, sau chết ở đó. Như vậy, người để mất triều Lý chính là Lý Huệ Tông chứ không phải là Lý Chiêu Hoàng.
Về phần Lý Chiêu Hoàng, cha mất một năm, mẹ đi lấy chồng khác, lấy ai là người nhiếp chính? Chị gái thì đã có thai 3 tháng với Trần Liễu, do áp lực của mẹ mình là Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ, buộc phải để cho Thuận Thiên - chị gái mình phối hôn với chồng mình, hỏi có còn nỗi đau nào lớn hơn nữa không?
Năm 1237, Lý Chiêu Hoàng đang từ một Hoàng hậu, do lúc đó chưa có con, Bà bị giáng làm công chúa của triều Trần. Như vậy, Lý Chiêu Hoàng chẳng qua là một vị vua bà oan khổ, một câu chuyện thê thảm về vận mệnh của một vua bà bất đắc dĩ.
Hai mươi năm sau, năm 1258, khi đã ở vào tuổi 40, vua Trần Thái Tông gả Bà cho Lê Phụ Trần, người có công lớn 3 lần chống quân Nguyên, sinh được 2 con: 1 trai và 1 gái. Đầu năm 1278, Bà về thăm quê Cổ Pháp (Bắc Ninh). Tháng 3 Âm lịch năm đó, Bà mất, thọ 60 tuổi. Mộ Bà được an táng với vua cha và các vị tiên đế triều Lý nhưng bài vị của Bà lại không được thờ ở Đền Đô.

Đền Đô. Ảnh: Unknown-Soldier.
Để trả lại công bằng cho lịch sử như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói trong dịp về thăm Đền Đô, tháng 01/2010 vừa qua: “Lý Chiêu Hoàng 7- 8 tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, được vua cha nhường ngôi đấy, nhưng đến cha bà còn phải khuất phục trước sự chuyên quyền của Trần Thủ Độ… Việc chuyển giao quyền lực cho nhà Trần trong bối cảnh nhà Lý suy vi là quy luật tất yếu để đất nước được phát triển, chính nhờ sự hưng thịnh đoàn kết nhân dân của nhà Trần mà dân tộc ta đã 3 lần đánh tan quân Nguyên trong vòng mấy chục năm trời”.
Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định sự tồn tại có thực này, hơn nữa Lý Chiêu Hoàng còn là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam, nên không thể không thờ Bà tương xứng với vị thế của Bà được. Mộ Bà được an táng cùng khu lăng mộ các vua nhà Lý ở Đình Bảng thì bài vị của Bà cũng cần được thờ chung mới hợp lẽ, thờ Bà chung với các bậc tiên vương là trả Bà về đúng vị trí trong lịch sử.
Tạm biệt bác Thìn, bác Kim và các cụ trong Ban Quản lý Đền Đô mà lòng tôi không khỏi bùi ngùi xót thương cho vị vua bà có một không hai của lịch sử. Bài vị của Bà sẽ ra sao? Có được đưa về Đền Đô với các vị Tiên đế triều Lý hay không còn phụ thuộc vào các cụ - những hậu duệ của triều Lý phường Đình Bảng của chúng ta.
Hà Nội, ngày 10/7/2010.