Ở Phần Lan, thời gian biểu học ở trường rất ít, chủ yếu là dành thời gian cho việc tự học, tự nghiên cứu và vui chơi. Thế nhưng, học sinh và sinh viên Phần Lan luôn đứng đầu thế giới trong các cuộc khảo sát về chất lượng giáo dục và đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thật may mắn cho những ai được dạy và học trong một môi trường giáo dục hiện đại và tiên tiến như vậy. Cách dạy của nền giáo giục Phần Lan đã khiến cho học sinh ngay từ cấp tiểu học hiểu được rằng học là để có kiến thức, để có năng lực tự tồn tại trong xã hội chứ không phải học là để thi, để lấy điểm, để có thành tích, để hơn thua với bạn bè. Khi trẻ đã hiểu được như vậy thì tất nhiên là chúng sẽ có ý thức tự giác trong học tập và rèn luyện chứ người lớn không cần phải theo dõi chúng suốt cả ngày. Vả lại, khi học sinh không phải chịu sức ép về thi cử, về xếp hạng… và giáo viên chỉ có nhiệm vụ biến trường lớp thành thiên đường của trẻ thì tất nhiên là trẻ sẽ ham thích đến trường chứ không còn sợ đi học và muốn bỏ học nữa. Còn giáo viên ở Phần Lan được dạy trong một môi trường giáo dục như thế thì họ hết lòng yêu nghề, yêu trẻ và hết lòng phụng sự nhân dân là điều tất yếu, vì họ không phải chịu bất cứ sức ép nào, giáo viên có quyền tự chủ rất cao, được tự quyết định cách giảng dạy, miễn sao đạt được mục tiêu nhà trường đề ra. Cả giáo viên và học sinh đều có một tâm thế thoải mái, tự do, tự tại như thế thì việc học sẽ trở nên nhẹ nhàng, thú vị, không cần phải bỏ ra nhiều thời gian để học nhồi nhét vì chính sự nhồi nhét kiến thức sẽ khiến học sinh cảm thấy sợ học, sợ đến trường.

|
Đối chiếu với cách dạy, cách học của nền giáo dục Phần Lan, tôi nhận thấy cách dạy, cách học của nền giáo dục nước ta lại trái ngược hoàn toàn. Trong khi ở Phần Lan, người ta đã đến lúc không coi trọng việc thi cử, điểm số, “thi đua”… thì ở Việt Nam lại quá coi trọng điểm số, thi cử và thi đua… Nếu mọi công dân ở Phần Lan đều hiểu rằng việc học là để có kiến thức để làm việc, để có cuộc sống tự lập thì hầu hết người dân ở nước ta lại quan niệm học là để đi thi, để lấy điểm, để có bằng cấp, còn sau này có làm được việc gì hay không thì chưa biết, chưa tính đến!
Nếu cách dạy, cách học ở Phần Lan khiến cho giáo viên và học sinh cảm thấy nhẹ nhàng vì không phải chịu bất kỳ sức ép nào thì cách dạy và học ở nước ta lại khiến cho cả thầy và trò cảm thấy rất nặng nề, mệt mỏi vì phải chịu quá nhiều sức ép. Đặc biệt là các em học sinh phải chịu áp lực rất lớn. Thời gian biểu của một học sinh THPT kín hết cả tuần: buổi sáng, buổi chiều học ở trường, buổi tối đi học thêm, cả ngày chủ nhật cũng đi học thêm. Ngoài áp lực về mặt thời gian học, các em còn bị áp lực về chuyện điểm số, kiểm tra, thi đua: ngày nào cũng bị điểm danh, bị kiểm tra bài cũ tất cả các môn trong khi các em không có thời gian để tự ôn bài, tự làm các bài tập, tự học… nên các em phải đối phó bằng cách chép sách giải, quay cóp khi thi cử. Các em luôn bị cha mẹ và thầy cô ép học. Người lớn đặt ra chỉ tiêu để bắt các em phải đạt được bằng mọi giá: cha mẹ đặt ra “chỉ tiêu” các em phải đạt học sinh giỏi, phải đậu đại học, còn nhà trường thì đặt ra rất nhiều chỉ tiêu. Từ những nguyên nhân này đã dẫn đến việc các em phải nghĩ cách để đối phó: các em vẫn đến lớp ngồi cho đủ “sĩ số” nhưng không tiếp thu được tí kiến thức nào cả, đến lúc thi cử, kiểm tra thì quay cóp tài liệu để có điểm cao. Do việc học và thi cử quá căng thẳng, có nhiều em bỏ học đi lang thang vì sợ phải đến trường.
Còn giáo viên cũng phải phải chịu nhiều áp lực không kém gì học sinh. Trong một năm học, giáo viên bị thanh tra về chuyên môn, kiểm tra về sổ sách không biết bao nhiêu lần! Vì căn cứ vào điểm số và tỷ lệ thi đỗ của học sinh để đánh giá giáo viên nên vô hình trung đã tạo cho các thầy cô giáo quan niệm: thi sao thì học vậy, dạy vậy, nghĩa là dạy theo kiểu để học sinh đi thi đạt điểm cao, bài nào có liên quan đến thi cử thì dạy kỹ, ôn đi ôn lại nhiều lần, còn bài nào không nằm trong phần ôn thi thì giảng qua loa đại khái. Như vậy là áp lực về chỉ tiêu, về thi đua… cũng khiến cho giáo viên phải đối phó, giáo viên chỉ chú tâm vào việc dạy để thi chứ không chú trọng đến việc cung cấp kiến thức thực sự cho các em, dạy cho các em phương pháp học và các kỹ năng sống cần thiết. Việc dự giờ, đánh giá và xếp loại... một cách máy móc cũng khiến cho nhiều giáo viên cảm thấy gò bó, mất hết hứng thú sáng tạo. Có những tiết dạy, giáo viên có sự sáng tạo đã giúp cho học sinh học tập một cách sôi nổi, hào hứng thì lại bị đánh giá là không đạt yêu cầu vì không đáp ứng đủ các mục trong tờ phiếu đánh giá (ví dụ như bố trí thời gian không hợp lý, không kiểm tra bài cũ v.v…). Thế nhưng, có những tiết dạy rất tẻ nhạt, giáo viên chỉ đơn thuần truyền đạt lại những điều có sẵn trong sách giáo khoa, không có gì mới mẻ, sáng tạo, không gây được hứng thú học tập cho học sinh… thì lại được đánh giá là giờ dạy tốt vì đảm bảo đầy đủ các yêu cầu trong tờ phiếu đánh giá! Tôi thấy đến thời buổi này, nền giáo dục của các nước phát triển đã vượt xa nền giáo dục của chúng ta cả thế kỷ rồi, thế mà đến bây giờ chúng ta vẫn cứ dựa vào những tiêu chí đánh giá cũ mèm để áp dụng thì thật là lạc hậu; đến nay mà còn dùng cái khái niệm “dạy cháy giáo án” (thiếu thời gian), “dạy ướt giáo án” (thừa thời gan) để áp dụng trong việc đánh giá giờ dạy của giáo viên thì thật là vô lý. Tôi đơn cử một ví dụ như thế để thấy rằng ngay cả việc giảng dạy, giáo viên cũng không được phép tự quyết định cách dạy thì nói gì đến quyền tự chủ? Bên cạnh áp lực giảng dạy thì giáo viên còn phải chịu áp lực về chuyện sổ sách và thi đua. Ngoài giáo án ra, giáo viên phải chuẩn bị rất nhiều loại sổ sách, mặc dù biết chỉ là hình thức nhưng vẫn phải chuẩn bị đầy đủ để hàng tháng mang lên cho Ban Giám hiệu kiểm tra. Hằng năm, giáo viên còn phải đăng ký các danh hiệu thi đua, mà đi kèm với các danh hiệu thi đua đó thì buộc giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm nên nhiều giáo viên lại đối phó bằng cách đi xin các đề tài sáng kiến kinh nghiệm của đồng nghiệp ở trường khác. Tôi không hiểu tại sao tất cả mọi người trong ngành giáo dục đều nhận ra rằng việc kiểm tra, đánh giá, thi đua… của giáo viên và học sinh hiện nay chỉ là hình thức, chỉ là đối phó với nhau nhưng tại sao nó vẫn được duy trì và tồn tại năm này qua năm khác không hề thay đổi, thậm chí bệnh hình thức và bệnh thành tích càng ngày càng trầm trọng hơn!
Qua một vài so sánh giữa hai nền giáo dục trên đây (Phần Lan và Việt Nam), tôi muốn nói rằng nền giáo dục của Việt Nam chúng ta muốn thoát khỏi những bế tắc hiện nay thì trước tiên phải biết nhìn ra thế giới, nhìn vào nền giáo dục của các nước phát triển để tự thấy được mặt hạn chế, lạc hậu trong nền giáo dục của mình để mà khắc phục. Mà cái cần phải loại bỏ đầu tiên đó là bệnh hình thức, bệnh thành tích trong việc dạy và học. Vì căn bệnh thành tích đã khiến cho cả giáo viên lẫn học sinh chỉ quan tâm đến thi cử, điểm số, thi đua, chỉ tiêu v.v… và khiến cho học sinh phải học suốt cả ngày, phải học thêm học bớt. Muốn loại bỏ bệnh thành tích thì trước tiên chúng ta đừng quá đặt nặng chuyện thi cử, điểm số, đừng đặt ra chỉ tiêu… vì những cái này sẽ khiến cho phụ huynh, học sinh và giáo viên ngộ nhận rằng đi học là để thi, để lấy điểm chứ không phải học để có kiến thức, để làm việc, để làm người! Chừng nào mà chúng ta còn duy trì cách học nhồi nhét, học sinh không có thời gian để vui chơi, để tự học, tự nghiên cứu, biết coi trọng kiến thức thực sự và phụ huynh học sinh chưa bỏ được tâm lý háo danh thì chừng đó nền giáo dục của chúng ta chưa thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn.
Phải chăng cái tâm lý háo danh và quan niệm học để làm quan đã ăn sâu vào suy nghĩ của mọi người dân nước ta từ bao đời nay? Chính quan niệm sai lầm này đã góp phần gia tăng tình trạng thất nghiệp theo kiểu “thừa thầy thiếu thợ” và sự bất hợp lý trong việc giáo dục và đào tạo hiện nay. Thế nhưng, tâm lý chung của tất cả các bậc phụ huynh là đều muốn con em của mình vào học đại học để sau này ra trường “ngồi bàn giấy” chứ không muốn chúng thi vào trường nghề để sau này trở thành một người thợ lành nghề. Chỉ có ai đã từng ở vào hoàn cảnh thất nghiệp thì mới có thể hiểu hết được sự vất vả, long đong và hụt hẫng của những sinh viên khi ra trường không xin được việc hoặc phải làm những công việc hoàn toàn trái ngược với chuyên ngành mà mình được đào tạo ở đại học! Vì vậy, chúng ta cũng nên biết “giật mình” bừng tỉnh để thấy được những bất cập trong giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay.
* Giáo viên trường THPT Phú Mỹ,Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu