Nén hương cho người bạn đồng song

Tôi biết nhà văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012) bệnh nặng đã mấy năm, nhưng khi nhận được tin anh đã giải nghiệp vào ngày 2/7/2012 tôi rất xúc động. Sáng ngày 5/7/2012, chư tăng chùa Ba La Mật của họ Nguyễn Khoa sẽ làm lễ cầu siêu cho Nguyễn Mộng Giác, tôi về dự để cầu siêu cho người bạn đồng song sớm về cõi vĩnh hằng.

Chùa Ba La Mật ở cuối “làng” Vỹ Dạ. Chùa được họ Nguyễn Khoa lập ra từ năm 1886 ở thôn Nam Phổ, xã Phú Thượng để cho cụ Bố chánh Nguyễn Khoa Luận về tu sau khi cụ treo ấn từ quan để khỏi làm tay sai cho thực dân Pháp dưới triều Đồng Khánh. Chùa được các bậc cao tăng như Hòa thượng Viên Thành, Hòa thượng Thích Trí Thủ và con cháu họ Nguyễn Khoa nối tiếp nhau trùng tu tôn tạo nên sân trước, vườn sau, tả hữu tùng viện tươm tất nghiêm trang khác thường. 

Lễ cầu siêu cho Nguyễn Mộng Giác gồm có hai phần. Phần thứ nhất cúng Phật ở điện trước, phần thứ hai cúng linh ở gian sau. Bàn thờ Nguyễn Mộng Giác đặt bên trái (từ trong nhìn ra sân sau) bên cạnh án thờ ở giữa có bức chân dung sơn dầu vẽ cụ Nguyễn Khoa Luận do họa sĩ Lê Văn Miến họa từ hồi đầu thế kỷ trước.

Kính cẩn bên bàn linh của Nguyễn Mộng Giác có nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (em chú bác của chị Diệu Chi - phu nhân nhà văn Nguyễn Mộng Giác), họa sĩ Đặng Mậu Tựu (Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế), nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khoa Quả, nhà văn - võ sư Nguyễn Văn Dũng, nguyên Hiệu phó trường Hai Bà Trưng Nguyễn Khoa Diệu Huyền và các nữ sinh Đồng Khánh cũ v.v... Giữa thời khắc trang nghiêm này, tôi chợt nghĩ: “Anh được thờ vọng nơi đây, thật hạnh phúc!

pic

Các văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế và đại diện gia đình Nguyễn Khoa bên bàn linh Nguyễn Mộng Giác. Ảnh: N.K.Q

Tôi tin trong giờ phút này các vị tiền bối và dâu rể họ Nguyễn Khoa “thường trú” (thờ) ở đây như các văn nghệ sĩ  Đạm Phương nữ sử, họa sĩ Lê Văn Miến, nghệ sĩ cổ nhạc Nguyễn Khoa Tân, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khoa Lợi, họa sĩ Nguyễn Khoa Toàn, nhà văn Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều)… đang vui vẻ đón người cháu rể tác giả Sông Côn mùa lũ về chùa Ba La Mật.

Nguyễn Mộng Giác nhỏ hơn tôi 3 tuổi, nhưng lại học trước tôi 2 năm. Năm 1963, khóa Nguyễn Du của anh ra trường, anh đi làm thầy giáo, thì cũng chính năm đó tôi tham gia tranh đấu ở các đô thị miền Nam rồi đi kháng chiến.

Sau ngày đất nước thống nhất (1975) tôi sống ở quê nhà, anh vượt biên ra nươc ngoài. Anh và tôi cùng sống bằng nghề cầm bút, tác phẩm lớn của anh là Sông Côn mùa lũ viết về Phong trào Tây Sơn, tác phẩm quan trọng nhất của cuộc đời cầm bút của tôi là Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung. Những cái khác về chính trị không ngăn được những cái chung nhân văn giữa chúng tôi.

Nguyễn Mộng Giác viết nhiều, nhiều thể loại (truyện ngắn, truyện dài, trường thiên tiểu thuyết, tạp luận, tiểu luận), phần lớn xuất bản ở Mỹ, tôi chưa có điều kiện đọc hết. Tôi chỉ quan tâm đến hai bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ Mùa biển động của anh mà thôi. Vì nội dung hai bộ sách ấy liên quan đến đề tài lịch sử Quang Trung mà tôi theo đuổi suốt mấy chục năm qua và hoàn cảnh lịch sử Huế mà tôi đã sống những năm 60 của thế kỷ trước.

Có nhiều vấn đề, nhiều lý giải của tác giả trong hai bộ sách đó, tuy tôi không đồng tình nhưng tôi rất tôn trọng. Bởi vì, theo tôi: những điều đó được viết ra từ tâm thế của một cây bút nhân văn. Anh sống với cái gốc nhân văn vững chắc nên ngày anh qua đời được những người tử tế ở nhiều phía mến mộ anh. Đối với những người cầm bút cùng thời với tôi ở miền Nam trước đây hiếm có người chiếm được tình cảm người đọc như anh.

Bài viết ngắn này thay cho một nén hương thắp cho người bạn đồng song.                       

Huế, tháng 7/2012


Nguyễn Đắc Xuân