Nhà thơ Xuân Diệu trong tập thơ đầu “Thơ Thơ” có mấy câu thơ về thời đi học của mình: Hết nợ thi rồi đến nợ thi / Than ôi, khổ quá, học làm gì? / Những chồng sách nặng khô như đá / Ruộng gió đồng trăng, anh ấy đi… Tuy viết thế song Xuân Diệu vốn học rất giỏi, thi đậu Tú tài, ra trường làm tham tá Thương chánh, bị Tú Mỡ trêu chọc: Bỗng dưng thi sĩ hóa Tây Đoan…
Sự thật là thi cử thời ấy chẳng ăn nhập gì với tài năng thực tế của người học, đặc biệt với tài làm thơ của các thi sĩ, nó có góp phần đuổi họ ra với “ruộng gió, đồng trăng”, nơi cư trú của các Nàng Thơ.
Trước Xuân Diệu, từng có Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp làm thơ đả kích khoa cử. Tiếc rằng ngày nay chưa có thi sĩ nào làm thơ cho hay về các tệ nạn thi cử của chúng ta. Nhưng quả thực, ở nước ta, chưa có thời nào trong giáo dục thi cử lại rôm rả, căng thẳng như ngày nay.
Có cần phải tuyển sinh đại học rầm rộ như hiện nay?
Hàng năm, các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, tuyển sinh đại học cứ rùng rùng cả nước, như động đất. Có cảm tưởng như ngành giáo dục lao tâm khổ tứ suốt năm chỉ lo mỗi một chuyện thi, thầy giáo và học sinh cũng như toàn xã hội, các vị cha mẹ luôn bị các kỳ thi lớn nhỏ ám ảnh như những bóng ma. Có một điều rõ ràng: thi được trọng như vậy mà học lại không giỏi, giáo dục vẫn bị kêu ca là kém sút chất lượng.
Có lẽ đó cũng là điều tất nhiên thôi, vì các nhà giáo dục vẫn thường nói: thi để học chứ không phải học để thi.
Nhà nước, nhà trường đặt ra việc thi để thúc đẩy, khuyến khích sự học, còn mục đích của sự học là để nên người chứ phải đâu chỉ để thi, để có tấm bằng, dù là bằng thật, bằng giả hay bằng nửa thật nửa giả.
Đối với bậc đại học, nhiều người đã nói: thi cử chỉ tập trung ở đầu vào mà coi nhẹ đầu ra. Thi vào thì nhà nước lo toan căng thẳng như vậy, song thi ra thì phó thác hoàn toàn cho các trường đại học, làm sao thì làm. Đúng hơn là chúng ta không lo khúc giữa, tức là thời gian và quá trình đào tạo mới là khâu quan trọng nhất, quyết định nhất đối với chất lượng và trình độ người học.
Các trường đại học của ta hiện nay còn tự do, tự trị ở khâu này gấp mấy các trường trong chế độ cũ. Ngược với giáo dục phổ thông, ở đại học về tổ chức, nội dung, phương pháp, tức là dạy cái gì, dạy thế nào, quyền hạn của trường, của khoa, của bộ môn, của các thầy giáo, cô giáo rất rộng rãi.
Ở một số trường, việc lập ra một ngành học mới, một môn học mới nhiều khi rất dễ dàng, chỉ cần một ý tưởng “mới”, một sáng kiến “mới” của ai đó, theo kinh nghiệm “hay” của một nước nào đó là có thể thực hiện được ngay.

Khoa học giáo dục đại học của ta chưa hình thành càng tạo điều kiện thuận lợi cho các ý tưởng, sáng kiến tùy tiện nảy nở, nhân danh đào tạo theo nhu cầu cuộc sống, nhu cầu thị trường, giáo dục là hàng hóa, các trường công lập được tự do, tự trị, các trường dân lập, tư thục mới mở càng được tự trị, tự do nhiều hơn.
Lấy ví dụ như sự xuất hiện của các ngành học mới mang tên: Đông Phương học, Đông Nam Á học, Châu Á học, rồi Nhật Bản học, Hàn Quốc học…, cứ đà này thì các khu vực và các nước trên thế giới đều có khả năng tương ứng với một ngành đào tạo ở đại học Việt Nam.
Điều đáng ngạc nhiên là sự xuất hiện các ngành học đó đang là hiện tượng tự nhiên, không gây ngạc nhiên cho ai cả, kể cả các chuyên gia về giáo dục đại học, kinh nghiệm và kiến thức đầy mình về giáo dục đại học thế giới.
Kết quả là sau một kỳ thi tuyển sinh đại học căng thẳng khó khăn, nhiều học sinh trung học bước vào các trường đại học với bao nhiêu tin yêu, kỳ vọng đã nhanh chóng thất vọng khi tiếp xúc với việc dạy học và học ở đây.
Họ cũng nhanh chóng thay đổi bản thân để thích nghi với thực tế tự do, tự trị ở đây vì nghĩ rằng đó là đặc trưng của việc học tập ở đại học, của sinh viên đại học, tức là học thế nào thì học, chỉ cốt đối phó với các kỳ thi, các môn thi bằng mọi cách, kể cả cách chiều theo tính khí đồng bóng và trình độ bất thường của các thầy giáo, cô giáo.
Các vị trí thức này một khi có học vị tiến sĩ, có học hàm giáo sư thì có quyền hạn hầu như vô hạn về chuyên môn và đối với số phận của các sinh viên, những người hầu như không được ai bảo vệ ngoài lương tâm và trách nhiệm của những người thầy có trách nhiệm và lương tâm.
Bức tranh giáo dục sau tuyển sinh ở các trường đại học trên đây, tôi rất hy vọng chỉ là cá biệt từ quan sát và trải nghiệm của bản thân mình, chứ không phải là bức tranh phổ biến. Song cần có những công trình nghiên cứu điều tra trong sinh viên và giáo viên đại học của ta để biết được bức tranh đó trên thực tế phổ biến đến đâu.
Giáo dục đại học hiện tại đang như một ngôi đền, ít ai dám xúc phạm đến, song những người trong cuộc đều biết rằng bên trong có rất nhiều bê bối, tôi không nói về phương diện quản lý mà về phương diện chuyên môn giáo dục, đào tạo, dạy học, nghiên cứu khoa học, những cái làm nên hồn thiêng của các ngôi đền ấy.
Tuyển sinh đại học chỉ là kiểm nghiệm học sinh để đưa vào đào tạo các ngành thích hợp…
Như vậy, chỉ riêng việc thi tuyển sinh đại học cho thật gắt gao nghiêm túc (mà thực tế với số lượng hàng triệu thí sinh cả nước cùng thi công bằng và nghiêm túc còn nhiều điều đáng ngờ) chưa đủ đảm bảo cho giáo dục đại học của ta có được chất lượng cao tiến lên “đẳng cấp quốc tế” như chúng ta mong ước.
Điều đó là tương đối, rất tương đối. Cho nên cần giải tỏa tình trạng căng thẳng ở đây, đi tìm phương án mới, nhẹ nhàng tiết kiệm mà hiệu quả hơn.
Ngoài phương án “2 trong 1” của Bộ GD-ĐT dự kiến, tôi nghĩ nên tìm về các phương án trước đây nhiều nhà giáo dục đã kiến nghị. Đó là tập trung thi tốt nghiệp trung học, song phân cấp thi tuyển sinh cùng đại học.
Nhà nước, tức Bộ GD-ĐT chỉ lo kỳ thi tốt nghiệp cho học sinh trung học trong một kỳ thi chung toàn quốc. (Ngay kỳ thi này cũng xin dần dần giao về cho các tỉnh lo mọi việc tổ chức, điều hành, thực hiện. Bộ chỉ lo phần chuyên môn và chỉ đạo kiểm tra). Còn kỳ thi tuyển sinh đại học xin phân cấp hoàn toàn cho các trường có quyền hạn rộng rãi và trách nhiệm đầy đủ.
Hiện tại mạng lưới các trường đại học của chúng ta đã được dần dần phân bổ tương đối rộng khắp trong cả nước, nhất là các trường đại học lớn, có uy ín cao. Vì vậy có thể khoanh vùng, phân chia khu vực tuyển sinh như khu vực tuyển cử. Ngoài ra các trường đại học lớn cũng như nhỏ, công cũng như tư, cơ bản cũng như chuyên nghiệp, đều căn cứ vào mục tiêu và chỉ tiêu của mình để chủ động tuyển sinh cho trường mình.
Các thí sinh không được vào trường này có thể thi hoặc tuyển vào trường khác có yêu cầu thấp hơn hoặc có mục tiêu thích hợp hơn, chỉ tiêu rộng rãi hơn. Việc làm này, chúng ta đã thực hiện ở khâu tuyển sinh vào trung học phổ thông, có trường trọng điểm, có trường bình thường, có trường công lập, có trường dân lập.
Để đáp ứng nguyện vọng học tập của nhân dân ta, cần mở rộng cửa các trường đại học, tại các thành phố lớn cũng như các địa phương để đón con em cầu học và hiếu học của chúng ta vào học.
Với quan niệm đầu vào không phải là quan trọng nhất, quyết định nhất mà còn có khâu đào tạo, giáo dục tiếp theo 4, 5 năm ở trong đại học và còn đầu ra và sau đó cấp sau đại học và các hình thức đào tạo thường xuyên, đào tạo tại chức, đào tạo từ xa. Vì vậy, tuyển sinh đại học không nên là một “nút thắt cổ chai” ngăn chặn con đường mở rộng và phổ cập đại học.
Khác với giáo dục phổ thông, giáo dục đại học là giáo dục đa ngành, đa cấp, đa dạng, mở đường rộng rãi cho con em ta đi vào mọi lĩnh vực khác nhau của công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, công nghiệp hóa và hiện đại hóa nước nhà.

Cho nên, tuyển sinh đại học chỉ nên là một cuộc kiểm nghiệm học sinh để đưa vào đào tạo ở các ngành thích hợp, chứ không phải là sự sàng lọc tinh lọc tài năng (mà thực tế làm sao làm được việc đó, nếu đó không phải là ảo tưởng).
Giáo dục chân chính luôn luôn là công việc gian khổ, kiên trì và sáng tạo để làm cho con người từ xấu trở thành tốt, từ kém trở thành giỏi, từ dốt trở thành hay, chứ phải đâu cấp học cao “ăn sẵn” thành quả cấp học thấp, bậc đại học “ăn sẵn” tinh hoa của bậc phổ thông, như vậy thì còn đâu ý nghĩa của hai chữ đào tạo mà tiếng Anh là training tức là huấn luyện, người chưa giỏi trở thành người giỏi.
Các trường đại học tất nhiên coi trọng khâu tuyển sinh để chọn các hạt giống tốt, song càng phải coi trọng hơn quá trình đào tạo 4, 5 năm ở đại học để cuối cùng có những sản phẩm cao quý nhất, là “tập đại thành” của giáo dục quốc gia.
Nếu học sinh khi vào năm thứ nhất còn những thiếu sót, bất cập so với mục tiêu, chương trình đào tạo đại học thì chương trình đại học phải giúp cải thiện, bổ khuyết các bất cập đó cho tương xứng, thích hợp với mục tiêu đào tạo của mình.
Nếu cần (mà chắc chắn là đại học nào cũng cần) thì nên mở lớp dự bị đại học tại các trường đại học, tùy nhu cầu của sinh viên và yêu cầu của đào tạo để bổ sung, rèn luyện thêm cho học sinh những kiến thức và kỹ năng cần thiết, thích hợp.
Giáo dục đại học thế giới xưa nay đã có kinh nghiệm về các lớp dự bị đại học của từng ngành học như thế; ý nghĩa của nó đối với công việc đào tạo con người, đào tạo các nhà chuyên môn về cả đức và tài đều rất lớn, gấp bao nhiêu lần công việc “luyện thi” phi giáo dục và phản giáo dục hiện nay trước các kỳ thi tuyển sinh của chúng ta.
Dĩ nhiên, phân cấp quản lý ở lĩnh vực nào cũng vậy, đòi hỏi quyết tâm, niềm tin cậy và sự chuẩn bị và cả sự giúp đỡ tối đa cho các cấp được phân công, phân cấp làm tốt nhiệm vụ của mình, và bước đầu có thể khó tránh khỏi sự sao sót, sơ suất, song về lâu dài sẽ vô cùng có lợi. Nó đưa đến một nền đại học vừa mở rộng, vừa nâng cao, vừa thiết thực, vừa năng động, tạo nên sức sống và sức mạnh của một nền đại học và một nền giáo dục thực sự dân chủ, tức do nhân dân ta làm chủ giáo dục đồng thời làm chủ vận mệnh và tương lai của mình.