Hiện nay trong việc lấy đất nông nghiệp làm công nghiệp, nhiều nơi làm quá đà, lấy tràn lan, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, làm rối loạn tình hình đất nước, với hàng ngàn vụ khiếu kiện về ruộng đất, là một sự thực nhức nhối, không ai có thể chối cãi được. Tại sao vậy? Đó là vì, có một vấn đề cơ bản mà chính quyền các địa phương không nắm được. Ví dụ vấn đề: Nông nghiệp là cơ sở của nền kinh tế quốc dân. Xin nêu một số ý kiến mấu chốt nổi bật để các địa phương tham khảo và liên hệ công việc của mình.
Trong vấn đề nông nghiệp có hai vấn đề quan trọng là ruộng đất và nội dung sản xuất.
Vấn đề ruộng đất
Sản xuất nông nghiệp cần bao nhiêu ruộng đất, và chúng ta đang có bao nhiêu ruộng đất, có đủ dùng không? Hiện nay người ta chỉ mới nói đến diện tích giới hạn để đảm bảo an ninh lương thực là 3,8 triệu hécta. Thực ra nhu cầu của xã hội đối với sản phẩm nông nghiệp, không chỉ riêng nhu cầu lương thực, mà còn các nhu cầu về chăn nuôi, công nghiệp và xuất khẩu. Theo tính toán của các nhà khoa học và kinh tế, sản xuất nông nghiệp một nước phải đạt bình quân đầu người là 500kg lương thực mới đảm bảo đủ nhu cầu các mặt của xã hội. Nhu cầu đó ngày một tăng theo độ tăng dân số, và ngày một thiếu hụt do diện tích ruộng đất bị giảm sút. Chỉ tiêu 3,8 triệu hécta, chưa tính đến các nhu cầu khác của xã hội đã đành, mà còn chưa tính đến sự gia tăng dân số, và số ruộng đất giảm sút vì bị biển lấn, trong quá trình biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao. Dân số nước ta hiện nay khoảng 88 triệu, tốc độ tăng hàng năm là 1,1%, số dân tăng đều hàng năm là 1 triệu người. Tai họa biến đổi khí hậu làm trái đất nóng lên là một tai họa chính con người gây ra cho mình, do sử dụng nhiên liệu hóa thạch dầu khí, làm tăng nồng độ thán khí trong khí quyển, gây hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên. Nhiên liệu hóa thạch dầu khí không thể bỏ, và vẫn được khai thác sử dụng cho đến ngày cạn kiệt. Nhưng bỏ tiền để làm giảm hiệu ứng nhà kính thì không một nước nào chịu bỏ ra, nhất là những nước công nghiệp phát triển là thủ phạm gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất. Trái đất cứ nóng lên, băng cứ tan, nước biển cứ dâng cao cho đến thêm 3m. Tốc độ nước biển đang dâng hằng năm là 3,5cm, và trong khoảng 85 năm nữa thì đạt mức 3m. Cuối thế kỷ XXI này những đồng bằng thấp dưới 3m trên mặt biển trước đây sẽ bị nhấn chìm. Nước ta là một trong những nước bị ảnh hưởng khí hậu biến đổi lớn nhất, đất bị nhấn chìm nhiều nhất, sẽ thiếu đất sản xuất nghiêm trọng, thiếu lương ăn, mất dần nhu cầu cho chăn nuôi, công nghiệp và xuất khẩu. Phải dứt khoát ngừng ngay việc chuyển ruộng lúa dùng sang mục đích khác. Lãng phí một tấc đất vàng hiện nay của cha ông là tội ác đối với lịch sử và con cháu.
Về nội dung sản xuất
Sản xuất nông nghiệp là một bộ phận sản xuất của xã hội vĩnh viễn không ai xóa sổ nổi. Chúng ta chỉ mới hiểu sự cần thiết phải có sản phẩm nông nghiệp để nuôi sống con người, chăn nuôi gia súc và xuất khẩu. Còn sự cần thiết của sản xuất nông nghiệp đối với công nghiệp thì chưa mấy người thấy hết. Có chăng chỉ mới thấy phải có nguồn lương thực để nuôi sống những người làm công nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp là nguyên liệu cho các ngành công nghiệp, như bông, đay, gai cho ngành dệt, mía cho ngành đường, cao su cho ngành cao su, rồi nguyên liệu để sản xuất thức ăn gia súc, đóng hộp và chế biến hoa quả, bào chế các loại thuốc chữa bệnh, cũng có người còn thấy được. Nhưng có những ngành công nghiệp hoàn toàn mới mà lại cần rất nhiều đất chưa mấy ai thấy được, như ngành sản xuất nhiên liệu sinh học để thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Và còn những ngành công nghiệp mới nào cần đến nguyên liệu của nông nghiệp, chúng ta chưa biết được. Sẽ đến lúc con cháu ta muốn phát triển những ngành công nghiệp cần nguyên liệu do nông nghiệp sản xuất mà không có đất. Phải chấm đứt ngay việc lãng phí đất đai vào việc khác.
Sản xuất nông nghiệp vĩnh viễn là cơ sở của nền kinh tế quốc dân. Việt Nam là một nước xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cơ sở một nền nông nghiệp lạc hậu. Nhưng dù lạc hậu bao nhiêu, chúng ta vẫn phải đi lên từ nông nghiệp. Đồng vốn ban đầu vẫn phải lấy từ đóng góp của nông dân. Đừng mơ tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng tiền đi vay. Có ai cho không chúng ta gì đâu. Có vay phải có trả. Ngay những nước kinh tế phát triển của châu Âu ngày nay, cũng đang bị tai họa nợ công làm cho nghiêng ngả. Cứ đi vay tràn thì sức chúng ta còn chịu đựng được đến bao lâu nữa. Nông dân không chỉ đóng thuế cho ta làm việc nước, làm ra gạo cho chúng ta xuất khẩu đứng hàng nhất nhì thế giới, nhưng càng quan trọng hơn, là nông dân phải nuôi sống cả xã hội. Một khi ruộng đất bị thu hẹp quá giới hạn, nông dân nheo nhóc lầm than, mà lại gặp thiên tai mất mùa, cả nước thiếu ăn, thì bao nhiêu khu công nghiệp còn có nghĩa lý gì.
Còn một điều đặc biệt cần phải nhớ là sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009 mới đây thôi, trong khi các ngành kinh tế khác suy thoái, thì chỉ riêng nông nghiệp trụ lại được, trở thành cái phao cứu sinh, như chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác nhận, đã cứu nguy cả nền kinh tế nước nhà. Cuối năm 2012, đài truyền hình trung ương đã đưa tin về 10 sự kiện nổi bật năm 2012 của nước ta, có sự kiện thắng lợi của sản xuất nông nghiệp đã cứu sống cả nền kinh tế. Những bài học sáng giá đó xin đừng quên.
Không chỉ nước nông nghiệp lạc hậu phải chăm lo phát triển nông nghiệp, mà một nước công nghiệp tiên tiến cũng không thể bỏ nông nghiệp. Mà đã có nông nghiệp thì phải có nông dân, cho nên, ngay cả trong hoàn cảnh của ta lúc này, bất kỳ một việc làm nào gây tổn hại đến nền nông nghiệp, bạc đãi nông dân đều là tội lỗi, là sai lầm.