Nobel Nga

Vị tất tìm ra được một người có học nào lại không hay biết chút gì về giải Nobel. Song hiện có bao nhiêu người biết được rằng giải Nobel đầu tiên trên thế giới được lập ra không phải ở Thụy Điển mà chính ở nước Nga? Và điều đó đã diễn ra ngay trong năm 1888, tức là bảy năm trước khi Alfred Nobel soạn thảo bản di chúc nổi tiếng của mình.

Giải thưởng này được hình thành để tôn vinh người anh trai của nhà phát minh  chất thuốc nổ dinamit là Ludwig Nobel - nhà khoa học xuất chúng, kỹ sư, kỹ nghệ gia và mạnh thường quân vốn từ năm 11 tuổi cho đến lúc qua đời đã sống và làm việc ở Nga và có nhiều công lao đối với nước này.

Ludwig Nobel sinh ngày 27/7/1831 tại Stockhom. Mấy năm sau phụ thân của ông là thần dân Thụy Điển Emmanuel Nobel được chính phủ Nga mời đến Saint-Petersburg cùng với vợ và ba cậu con trai. Ít lâu sau, Emmanuel Nobel đã xây dựng tại đó một nhà máy sản xuất máy công cụ và thiết bị quân sự. Cuộc chiến tranh Nga – Thổ (1853 – 1856) đã làm ông trở thành một người giàu có và nổi tiếng. Những trái thủy lôi từ trường do Nobel chế tạo nhưng trước đó không thông dụng bởi lẽ hạm đội chủ yếu được đóng bằng gỗ, thực sự đã cứu nước Nga thoát khỏi đoàn tàu chiến của quân Anh – Pháp vốn được trang bị bằng động cơ hơi nước. Khi chiến tranh kết thúc, những đơn đặt hàng về thiết bị quân sự cũng chấm dứt. Nhà máy bắt đầu tàn lụi, và Emmanuel sau khi ở Nga 22 năm đã quyết định trở về Thụy Điển. Ở Petersburg chỉ còn lại mỗi Ludwig lúc đó 28 tuổi.

Năm 1826, Ludwig mở một công xưởng riêng của mình vốn ít lâu sau đã biến thành nhà máy chế tạo cơ khí nổi tiếng mang tên "Ludwig Nobel" chuyên sản xuất đại bác và đạn pháo, thủy lôi và ngư lôi, súng và máy móc làm thuốc súng, máy hơi nước và máy khử nước mặn, lốp cao su và các loại thiết bị quân sự và dân dụng khác nhau. Chính nhờ Ludwig Nobel mà người Nga ngày nay dùng mét (thước tây) và kilogram để đo lường các đồ vật thay vì arshin (đơn vị đo chiều dài Nga bằng 0,71m) và pood (bằng 16,38 kg). Ông không chỉ là tác giả mà là người quảng bá tích cực cho ý tưởng chuyển nước Nga sang hệ đo lường quốc tế bằng mét và, như ngày nay người ta thường nói, còn là nhà tài trợ cho việc thực hiện sự đổi mới đó.
 

Nhưng điều chủ yếu mà nhờ đó Ludwig Nobel mãi mãi được lưu danh trong lịch sử nước Nga – đó chính là việc ông là người đặt nền móng cho công nghiệp dầu mỏ của Nga. Vào thời đó, dầu mỏ được bảo quản trong những hố ở dưới đất, được vận chuyển trong thùng phuy bằng sà lan. Bởi thế, dầu hỏa, vốn được chế biến từ dầu mỏ, dùng để thắp sáng có giá quá đắt. Ludwig Nobel cùng với anh trai là Robert với sự tham gia của người em là Alfred đã sáng lập ra Công ty sản xuất dầu mỏ "Anh em nhà Nobel" (Branobel). Công ty này đã xây dựng ở Nga đường ống dẫn dầu mỏ đầu tiên, những chiếc tàu thủy chở dầu đầu tiên và những nhà máy chế biến dầu mỏ đầu tiên. Nhờ Ludwig Nobel mà dầu hỏa trở nên thông dụng đối với bất kỳ một người dân Nga nghèo khó nào.

Chẳng bao lâu sau, công ty Branobel cũng trở nên nổi tiếng ở châu Âu, nơi nó được coi là một trong những công ty khá nhất về khai thác, chế biến và vận chuyển dầu mỏ ở Baku. Mấy năm sau, công ty Branobel đã hoàn toàn hất cẳng công ty Mỹ Standard Oil ra khỏi thị trường châu Âu. Và lại qua một thời gian nữa, nước Mỹ đã bắt đầu mua dầu hỏa của Nga.

Bên cạnh sự uyên bác về kiến thức, sự thông thạo 5 ngoại ngữ và tinh thần dũng cảm "dám nghĩ dám làm", ở Ludwig Nobel còn có một phẩm chất đặc biệt khiến ông khác hẳn với phần lớn những nhà kinh doanh đương thời. Theo sự xác nhận của những người gần gũi và biết rõ về ông, Ludwig là một người hết sức đứng đắn, không bao giờ dùng những thủ đoạn bịp bợm, lừa đảo hoặc buôn gian bán lận.

Sự công minh và đức hạnh – đó là những phạm trù chủ yếu mà Ludwig dùng để kiểm tra hoạt động của mình cũng như những hành vi của người khác. "Muốn đưa nước Nga tiến lên phía trước, nhà kinh doanh cần phải cho ra thứ hàng hóa có chất lượng hoàn hảo, với một số lượng lớn và càng rẻ càng tốt. Anh ta cần có một đội ngũ đáng tin cậy gồm những tay thợ lành nghề, ổn định. Để làm được điều đó cần có ba điều kiện: sự đánh giá lao động một cách công bằng, thanh toán thường xuyên và nâng cao đạo đức" – Ludwig Nobel viết. Và ông là người đầu tiên tuân thủ những quy tắc ấy. Ông đã rút ngắn ngày làm việc trong các nhà máy của mình, đã tổ chức những công đoàn đầu tiên ở Nga và là một trong những người sáng lập ra Hội Kỹ thuật Nga nhằm thúc đẩy sự tiến bộ về kỹ thuật và đạo đức. Trong vòng nhiều năm ông đã dành tới 40% thực thu của xí nghiệp mình để chi cho sự phát triển giáo dục, y tế, khoa học và những mục đích từ thiện khác.

Những cống hiến của Ludwig Nobel cho sự thịnh vượng của nước Nga đã được nhà nước này ghi nhận và đánh giá khi ông còn sống. Ông đã được trao quy chế công dân Nga, được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý. Còn công ty "Branobel" thì được phép khắc họa quốc huy Nga trên biển quảng cáo và biển hiệu.

Ludwig Nobel mất ngày 30/3/1888 ở tuổi 56. Vào tháng 7 năm đó, con trai trưởng của ông là Emmanuel, công ty Branobel và Hội Kỹ thuật Nga, để tưởng nhớ tới Ludwig Nobel, đã đặt ra huy chương vàng và lập giải thưởng mang tên Ludwig Nobel để tặng cho những công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và trong ngành luyện kim và công nghiệp dầu mỏ. Nhà khoa học Nga nổi tiếng Dmitri Mendeleev cũng tham gia Ủy ban xét duyệt giải thưởng này. Nó chỉ được trao cho các kỹ sư Nga và các nhà phát minh Nga 5 năm một lần, nhưng bao giờ cũng vào đúng ngày 30 tháng 3, ngày từ trần của Ludwig.

Sau Cách mạng tháng Mười, nhà máy của Nobel vào thời gian đó nhờ việc sản xuất những động cơ diesel được coi là một trong những nhà máy có kỹ thuật cao nhất ở châu Âu, bị quốc hữu hóa và đổi tên thành nhà máy "Diesel Nga". Con cháu của Ludwig (ông có 10 người con) đã rời khỏi nước Nga, và tên tuổi của Nobel không còn được nhắc tới ở Nga nữa.

Việc khôi phục giải thưởng này chỉ diễn ra vào năm 2005. Hiện nay giải thưởng Ludwig Nobel không chỉ được trao trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật mà còn trong cả địa hạt nghệ thuật, công nghiệp, thể thao, hoạt động xã hội cũng như trong việc đỡ đầu khoa học và nghệ thuật và trong hoạt động từ thiện. Lễ trao giải thưởng được tổ chức mỗi năm một lần. Những người được trao giải thưởng này trong những năm vừa qua là những gương mặt sáng giá nhất của nước Nga về văn học nghệ thuật và khoa học kỹ thuật như nhà văn Chingis Aitmatov, nhà thơ Evgeni Evtushenko, nhạc sĩ Mstislav Rostropovich, nhà vật lý Sergei Kapisa, nhà nữ du hành vũ trụ Valentina Tereshkova, đạo diễn điện ảnh Stanislav Govorukhin...

(Theo Literaturnaja gazeta)
Lê Sơn