Ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh lại làm được chuyện hiếm có là lập “hattrick” trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 (LHPVN 16) (từ ngày 8 đến 12/12/2009 tại TP.HCM) với giải Bông sen vàng, Giải phim hay nhất do Ban giám khảo, báo chí bình chọn và Giải biên kịch xuất sắc nhất cho bộ phim truyện nhựa Đừng đốt. Nhân dịp này, ông đã dành cho Hồn Việt một cuộc trò chuyện.
PV. Trước khi diễn ra LHPVN 16, một số dư luận báo chí cho rằng giá trị của bộ phim Đừng đốt nằm ở nội dung nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm hơn là ở sự sáng tạo của tác giả kịch bản và đạo diễn của bộ phim. Ông nghĩ sao về điều này?Cảm xúc của ông thế nào, có bất ngờ với các giải thưởng vừa được nhận?
- NSND - ĐD Đặng Nhật Minh: Tất nhiên được giải là vui rồi, điều đó chứng tỏ những suy nghĩ của mình, những việc mình làm đã có người chia sẻ. Cũng có cảm giác bất ngờ nhưng không quá bất ngờ bởi Đừng đốt khi được trình chiếu ở trong nước và ở nước ngoài đều nhận được sự đồng cảm của khán giả. Tuy không có điều kiện để xem hết nhưng tôi biết những bộ phim khác dự LHPVN lần này được dư luận và báo chí quan tâm. Nhận xét, đánh giá thế nào là tùy vào suy nghĩ của mỗi người nhưng việc trao cho tôi giải biên kịch chứng tỏ ít ra cũng có một số người không đồng tình với ý kiến trên.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh
nhận giải Bông sen vàng tại LHPVN lần thứ 16.
- Việc trao cho Đừng đốt giải Bông sen vàng, ông có nghĩ là do người ta vẫn coi trọng dòng phim truyền thống?
- Trong tôi không hề có sự tách biệt về dòng phim. Cái gì thích, cái gì làm mình rung động thì tôi làm, không quan tâm có truyền thống hay không. Cách làm phim của tôi xưa nay là thế và tôi cũng không bao giờ thay đổi cách làm đó của mình. Tôi nghĩ chẳng ai trao giải cho một bộ phim chỉ vì nó là phim truyền thống cả.
- Thái độ của người xem đối với phim Đừng đốt thì đã rõ. Còn riêng ông, ông có hoàn toàn hài lòng với tác phẩm của mình?
- Trong hoàn cảnh khó khăn về kinh phí như Điện ảnh Việt Nam hiện nay, chắc không có ai hoàn toàn hài lòng với phim mình làm cả. Một tác phẩm sân khấu lần diễn này chưa đạt có thể chỉnh sửa cho lần diễn sau nhưng đạo diễn điện ảnh chỉ được làm một lần, khó có điều kiện để làm lại, mà làm lại chưa chắc đã hay hơn. Sự khắc nghiệt này cũng là điều hay, nó buộc người làm phim phải tính toán thế nào để chỉ làm một lần thôi.
- Có người cho rằng các cảnh chiến tranh trong Đừng đốt được dàn dựng giống nhau quá, có vẻ như bị trùng lặp và cái chết của nhân vật Thùy có vẻ “sạch sẽ” quá. Đó là do ông cố tình hay vì điều kiện không cho phép làm khác hơn?
- Trong phim nếu có nhược điểm gì là do lỗi của tôi. Tôi không đổ lỗi cho khách quan, hoặc tại ai, tại gì hết. Người ta thường nói rằng làm phim trong hoàn cảnh nghèo như đất nước ta thì phải liệu cơm gắp mắm nhưng với tôi, hoàn toàn không phải vậy. Tôi chỉ đề ra những gì trong khả năng thực hiện được và người ta đã đáp ứng tất cả những gì tôi đề ra.
Ở Đừng đốt, tôi không nhằm mục đích miêu tả chiến tranh. Chiến tranh là chết chóc, là tàn khốc, cái đó đã từng có ở những siêu phẩm của điện ảnh thế giới. Còn tôi, trong khả năng có thể, chiến tranh ở đây chỉ là cái nền để nói về đời sống bên trong của các nhân vật. Tôi muốn nhân vật Thùy của mình nằm chết như vậy. Đạo diễn là khán giả đầu tiên của bộ phim. Tôi chỉ đề nghị quay khi hình ảnh ấy làm tôi hài lòng. Biết làm thế nào để làm hài lòng hết mọi người.
- Đã lâu khán giả mới thấy lại diễn viên nổi tiếng một thời Minh Trang xuất hiện trên màn ảnh. Việc Minh Trang tham gia phim Đừng đốt là do tình cờ hay ông chủ định mời cô ấy tham gia?
- Minh Trang từ lâu đã ngỏ ý muốn cộng tác với tôi trong một bộ phim. Lần này, tôi thấy có vai cô em của Thùy là phù hợp với Minh Trang, một người nói được tiếng Anh, trực tiếp trò chuyện với nhân vật nhà báo Mỹ. Nhận lời mời của tôi, Minh Trang đã tạm xa gia đình ở Singapore về nước đóng phim và cô ấy đã làm rất tốt phần việc của mình.
- Còn những diễn viên đóng vai người Mỹ trong phim, phải chăng ông đã tuyển từ “Tây ba lô”? Và họ được trả cát-sê như thế nào?
- Không. Tất cả 7 người đều đang sống ở Mỹ. Quả thật, nếu không có internet thì việc tuyển chọn này sẽ vô vàn khó khăn. Lúc đầu, người trợ lý của tôi đăng thông báo tuyển diễn viên qua ảnh. Có khoảng 200 người gửi ảnh kèm lý lịch nghệ thuật. Chồng cô ấy ở Mỹ tổ chức quay thử và chọn được đúng 7 người. Chuyện tiền nong tôi không nắm. Bộ phim do hãng Hodafilm làm chủ sản xuất và hãng phim truyện Việt Nam 1 thực hiện. Tôi là người đã về hưu, ký hợp đồng làm đạo diễn cho bộ phim. May mắn là họ không bắt tôi sửa, cắt một hình ảnh nào cả.
- Đừng đốt đã có một chuyến đi Mỹ rất ấn tượng. Ông có thể tiết lộ đôi điều về dư âm của nó ở Mỹ? Khán giả Mỹ đã nói gì sau khi xem phim?
- Có 11 trường đại học và 3 trường chuyên nghiệp đã mời Đừng đốt đến trình chiếu. Tất nhiên không phải chiếu cho hàng chục ngàn sinh viên trong hàng trăm khoa ở mỗi trường đại học của họ xem. Thông thường, quan tâm tới vấn đề phim ảnh chỉ có ở sinh viên thuộc nhóm ngành khoa học xã hội với một lượng nhất định. Giới đại học này không quan tâm tới những loại phim “bom tấn” như những phim cung cấp cho họ những kiến thức về con người, văn hóa châu Á. Buổi chiếu ấn tượng nhất đối với tôi là ở một rạp lớn tại New York, với giá vé 15USD. Tiền bán vé đủ để trả tiền thuê rạp.
Trong các buổi giao lưu, câu đầu tiên họ nói là “Chúng tôi rất xúc động, Đừng đốt khác với các phim về đề tài chiến tranh chúng tôi đã xem”. Tôi trả lời họ rằng, bởi vì tất cả những điều này là sự thật. Sự thật bao giờ cũng phong phú hơn cái gì người ta bịa ra. Họ thường hỏi tôi những câu như: Chính phủ Việt Nam nghĩ gì về phim của ông, có ý kiến gì không, có bị cắt gì không…?
Khán giả Mỹ khi xem phim với một trái tim rộng mở. Họ nhận ra hết những điều người làm phim chúng tôi muốn gửi gắm. Qua đó, tôi càng tâm đắc hơn với câu nói của họa sĩ bậc thầy Eugène Delacroix: “Nghệ thuật suy cho cùng là ấn tượng mang lại cho người xem”.
- Dành không dưới hai năm cho phim Đừng đốt, giờ đây, ông đang có dự định gì? Liệu sức khỏe có cho phép ông nghĩ tới một bộ phim khác không?
- Khi làm phim, lúc nào tôi cũng nghĩ về phim, ngay cả lúc ăn, lúc ngủ. Nhưng cứ sau một phim, đầu óc tôi lại trống rỗng, hiện nay chưa có dự định gì. Có phim thì làm, không có thì đi dạy học, viết báo, thỉnh thoảng hứng lên thì viết truyện, không định sẵn gì trong đầu. Tôi có thói quen viết kịch bản phim theo sự dẫn dắt của cảm xúc. Cái gì thấy thích thì viết để đấy, trước hết là để thỏa mãn những điều đang thúc giục trong mình, sau đó nếu có điều kiện làm phim càng tốt. Tất cả các phim tôi làm theo kịch bản của mình đều diễn ra như thế. Đừng đốt cũng vậy.
Tôi xin cảm ơn chất liệu sống từ nhật ký của chị Đặng Thùy Trâm. Đọc xong cuốn nhật ký, trong nỗi xúc động tột cùng, tôi đã viết một mạch chỉ non vài ngày là xong. Rồi để đấy, cũng không đem đi mời chào ở đâu cả. Đến khi tình cờ, vị Cục trưởng Cục Điện ảnh gọi điện hỏi tôi có ý định viết kịch bản phim theo cuốn nhật ký này không, tôi trả lời tôi đã viết xong kịch bản rồi. Ông bảo đem đến cho ông xem và thế là tôi được giao phim.
Suốt thời gian làm phim Đừng đốt, tôi không vắng mặt buổi nào, luôn cùng đoàn phim leo núi, băng rừng. Có một thời gian ngắn tôi bị bệnh nhưng may là rơi vào dịp đoàn nghỉ để xây dựng bối cảnh nên không ảnh hưởng gì đến tiến độ quay. Hiện nay, sức khỏe rất tốt và tôi thấy mình vẫn có thể tiếp tục làm phim.