NSND YBrơm: 54 dân tộc, 54 rừng hoa

THU HIỀN (thực hiện)

Những ngày đầu tháng 5, Hà Nội trở nên rực rỡ hơn với nhiều sắc màu trang phục truyền thống của các đại biểu tham dự Đại hội các dân tộc thiểu số lần thứ nhất. Đây không phải lần đầu tiên tình đoàn kết của 54 dân tộc anh em được tôn vinh nhưng là lần đầu tiên, 54 dân tộc được hội tụ chung dưới một mái nhà. Phóng viên Hồn Việt đã có cuộc trò chuyện với NSND YBrơm - đại biểu tỉnh Gia Rai, đứa con ưu tú của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, người đã 6 lần được gặp Bác Hồ.

- PV: Ông có thể cho biết cảm xúc của mình khi tham dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ nhất ở Hà Nội?

- NSND YBrơm: Đây không phải lần đầu tiên tôi ra thăm Hà Nội, nhưng lại là chuyến đi có ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi. Từ năm 1946, khi lần đầu tiên Bác Hồ gửi thư chúc mừng Đại hội Tây Nguyên (tổ chức tại thành phố Pleiku), đến hôm nay, 35 năm sau ngày đất nước giải phóng, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm tới các dân tộc, tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ nhất với 1709 đại biểu. Đại hội lớn lắm. Ngồi trong hội trường thấy 54 dân tộc, 54 màu khăn áo khác nhau, rực rỡ như vườn hoa. Có người nói với tôi, cả đời bây giờ mới thấy nước ta có nhiều anh em như thế này. Dân tộc nào cũng đẹp.

Khi trở về Gia Rai, tôi sẽ mang theo tinh thần của Đại hội: Khi các dân tộc đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng thì không một thế lực nào, một kẻ thù nào có thể bẻ gãy được sức mạnh ấy. Mỗi đại biểu đều thấy được sự vĩ đại của dân tộc mình. Mỗi dân tộc đều có một sức mạnh riêng, đều có thể đóng góp bằng suy nghĩ, bằng hành động để xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp hơn.

Chúng tôi cũng thấy được rằng, tất cả các dân tộc đều được hưởng những chính sách bình đẳng. Ngoài ra, Đảng và Nhà nước còn ưu tiên cho sự phát triển của các dân tộc miền núi. Từ bây giờ, chúng ta sẽ tổ chức Đại hội 5 năm một lần trong tỉnh và 10 năm một lần trong cả nước. Những hoạt động rất có ý nghĩa này sẽ góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc Việt Nam.


Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng
phát biểu tại Đại Hội các dân tộc thiểu số lần thứ nhất.

- Ấn tượng của ông về Hà Nội hôm nay, so với lần đầu tiên ông ra thăm Hà Nội?

- Tôi được ra Hà Nội lần đầu tiên vào năm 1954, khi đó tôi 14 tuổi và đang làm du kích (tôi tham gia cách mạng năm 1952, năm 1953 thì làm liên lạc viên). Ra thăm Hà Nội lần này, tôi thấy Hà Nội ta thay đổi nhiều lắm, đông vui hơn xưa nhiều. Người Hà Nội đẹp lắm, rất niềm nở với bà con dân tộc đi thăm phố. Mọi người cư xử rất lịch thiệp, nói năng đi đứng nhẹ nhàng, thân thiện và mến khách. Đường sá thì được mở rộng thênh thang. Phố lớn, có nhiều nhà cao tầng khang trang, sạch sẽ. Tôi tự hào lắm.

Thủ đô của mình cũng to đẹp, cũng đã bắt tay làm bạn với cộng đồng thế giới, quan hệ quốc tế được mở rộng... Đi Đại hội kỳ này tôi học được nhiều điều, biết nhiều điều, toàn là điều hay.

- Ông đã từng 6 lần gặp Bác, vậy lần đầu tiên ông gặp Bác là khi nào?

- Năm 1956, tôi được tham dự một lớp học Chính trị về đường lối cách mạng trong việc giải phóng miền Nam. Hôm đó, hội trường bỗng đứng cả dậy, trên bục giảng mọi người thấy Bác Hồ đang bước vào. Chúng tôi rất ngạc nhiên, không ngờ lại được gặp Bác và đồng loạt hô lên “Bác Hồ muôn năm!”. Bác bảo chúng tôi ngồi xuống và Người nói chuyện với cả lớp. Lúc đầu, chúng tôi đều cảm thấy rất sợ vì nghĩ Bác Hồ cao quý như thần tiên, như Giàng (trời) vậy. Nhưng hóa ra Người lại rất gần gũi và giản dị.

Tôi còn nhớ, Người nói với chúng tôi: “Các cháu phải đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau. Khi miền Nam thống nhất, các cháu sẽ là những người lãnh đạo xây dựng quê hương, đất nước mình”. Chúng tôi không hiểu lắm từ “Đoàn kết”? (Hồi đó, tôi còn chưa hiểu hết các từ phổ thông). Thế là Bác lấy ra một bó đũa để làm ví dụ. Bác nói, đây nhé, nếu không đoàn kết thì như từng cây đũa riêng lẻ này, bẻ rất dễ dàng. Còn đoàn kết thì như cả bó đũa chụm lại, không thể bẻ gãy được.


NSND YBrơm và cháu trai.

Một bài học lớn, nhưng Bác giảng giải vô cùng cụ thể, giản dị, dễ hiểu. Nhiều năm qua tôi luôn ghi sâu trong tâm trí hình ảnh của Bác qua những lần tôi vinh dự được gặp.

- Lần này ra thăm Hà Nội, lại vào lăng viếng Bác, NSND YBrơm nhớ nhất chuyện gì?

- Vào Lăng viếng Bác, tôi thấy Bác như đang nằm ngủ, Bác như đang lắng nghe, đang chờ đợi mỗi chúng ta báo công với Bác những việc làm tốt, cách sống tốt, để Bác yên lòng… Tôi còn nhớ, có lần Bác đã nói với chúng tôi: “Các cháu là con em dân tộc, phải cố gắng học tập, cố gắng công tác để mai này thắng giặc trở về xây dựng quê hương, giúp bà con dân tộc mình mau chóng được no ấm, được học hành”. Lúc thấy Bác trong Lăng lòng tôi tự thưa với Bác, thưa bác, chúng con về thăm Bác, chúng con nắm tay nhau thực hiện lời Bác, cuộc sống của bà con Gia Rai trên Tây Nguyên hôm nay đã hạnh phúc rồi, có cơm đủ ăn, có áo đủ mặc, con cháu được học hành...

- Mai kia trở về Gia Rai, ông có dự định gì để phát triển quê hương mình như tinh thần của Đại hội?

- Đi Đại hội các dân tộc lần này tôi càng thấm thía mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, 54 dân tộc, 54 rừng hoa, nếu biết gìn giữ, cùng nhau tập hợp lại thì thành một đại ngàn hoa muôn hương sắc. Gặp nhau ở Đại hội, chúng tôi cũng đã nói với nhau mở rộng giao lưu để các dân tộc gần gũi nhau, hiểu nhau hơn, thương nhau hơn.

Riêng anh em dân tộc Gia Rai sẽ tập trung lưu giữ nền văn hóa của mình bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể như: cồng chiêng, múa xoan, dân ca... Đồng thời, chúng tôi sẽ xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, phát huy hơn nữa vai trò của những người nghệ sĩ làm nghệ thuật, làm văn hóa bằng các hành động cụ thể: tôn vinh các nghệ nhân cồng chiêng, tạc tượng, làm nhà Rông văn hóa.... góp phần làm phong phú nền văn hóa chung của đất nước mình.

- Xin cảm ơn ông!