Gần mười năm về trước, nói đến việc tìm kiếm những cây bút trẻ người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, không khác gì việc “mò kim đáy biển”. Cho dù Hội Văn học Nghệ thuật Đăk Lăk đã phối hợp với Tỉnh Đoàn Thanh niên Cộng sản tổ chức thường niên (tính tới hè năm 2009) là 13 đợt trại sáng tác dành cho thiếu nhi; Huyện Cư M’Gar của Đăk Lăk cũng đã duy trì tới 12 lượt trại viết văn hè, nhưng vẫn mới chỉ có một Niê Thanh Mai (dân tộc Êđê) trở thành tác giả.
Bức xúc quá, từ năm 2005, Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Đăk Lăk quyết tâm tự mở lấy các lớp bồi dưỡng năng khiếu viết văn cho thiếu nhi dân tộc. Vậy là hai năm một lần, có 25 lượt các em “kha khá” văn, được mời về dự lớp.
Từ những lớp bồi dưỡng ấy, đến năm 2008, Đăk Lăk có hai em theo học lớp viết văn dân tộc đầu tiên, tại Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân Đội.
Hè năm nay thì khác, chúng tôi không đơn độc nữa. Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đứng ra tổ chức, Đăk Lăk đăng cai mở “Lớp sáng tác văn học học sinh dân tộc thiểu số Tây Nguyên - 09”.

Cùng nhau ôn bài.
Đây là lần đầu tiên có sự gặp gỡ của các “cây bút” nhỏ người dân tộc của 3 tỉnh Tây Nguyên (Đăk Lăk, Đăk Nông và Kon Tum). Rất tiếc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai không tìm được học sinh dân tộc để theo lớp lần này.
Tôi có hân hạnh được mời tham gia trao đổi kinh nghiệm viết văn xuôi và sửa bài cho lớp có 9 dân tộc anh em, trong đó 5 tộc người bản địa (Êđê, Mnông, Bâhnar, Sê Đăng, Châu Mạ và 4 tộc người miền núi phía Bắc (Tày, Nùng, Thái, Dao). Số lượng và chất lượng đều rất đáng vui mừng, nhất là khi đã có được một vài truyện ngắn.
Trong thời gian làm việc với lớp, nhằm khơi gợi ý thức tự hào về văn hoá truyền thống, tôi đặt một số câu hỏi, để các em tự trình bày những sự hiểu biết về chính văn hoá tộc người của mình. Rất mừng, tuy không được đầy đủ, nhưng em nào cũng nắm được một số nét cơ bản nhất của văn hoá truyền thống (kể cả những em người dân tộc phía Bắc di cư, sinh ra tại Tây Nguyên).
Ngoài những nét đặc trưng tiêu biểu của tinh hoa văn hoá, tôi còn đặt thêm câu hỏi: “Theo suy nghĩ của em, các tập tục của người thiểu số chúng ta có lạc hậu không?”. Đa phần các em nêu lên được một vài tập tục không còn phù hợp với lối sống hiện tại, cần phải loại bỏ, như tục nối dây trong hôn nhân (Êđê), tục chôn con theo mẹ chết (Sê Đăng), tục phải cúng bái khi ốm đau (Mnông)… Trong đó có một vài em lại nêu lên một khía cạnh khác của vấn đề “người dân tộc không lạc hậu mà thiếu tự tin”.
Khi tôi hỏi lại: “Vì sao thiếu tự tin?”, ý kiến hầu hết các em đều tập trung vào ba điểm:
- Tiếng Kinh khác tiếng mẹ đẻ, nên khi học phổ thông hạn chế sự tiếp thu, do vậy mà kết quả học tập không cao.
- Phong tục tập quán, ngôn ngữ khác nhau, nên trong giao tiếp ứng xử không linh hoạt, ngại tiếp xúc.
- Không có điều kiện học thêm, nên ngoại ngữ không giỏi, do đó việc hội nhập khó khăn hơn so với các học sinh người Kinh.
Xem ra, ý kiến của các em học sinh lớp viết văn dân tộc về rào cản ngôn ngữ (cả tiếng Việt lẫn ngoại ngữ), làm hạn chế kết quả học tập của học sinh người dân tộc thiểu số, là có cơ sở. Thực ra điều này, trong những năm tìm kiếm các học sinh người dân tộc giỏi văn, chúng tôi cũng đã nhận thấy.
Đặc biệt, nếu học sinh các vùng dân tộc, không được các giáo viên có giọng chuẩn Nam hoặc Bắc giảng dạy, e rằng việc tiếp thu học vấn, đặc biệt là môn văn, càng không dễ dàng gì.

Xin trở lại với lớp bồi dưỡng viết văn dân tộc hè của Hội Văn học Nghệ thuật Đăk Lăk. Năm 2005, lần đầu tiên mở lớp, chúng tôi đã động viên được các em viết song ngữ. Điều ấy vẫn được duy trì cho tới lớp năm nay của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Tuy chưa áp dụng được nhuần nhuyễn lối nói vần của trường ca Tây Nguyên, nhưng một số em học sinh lớp 12 cũng đã biết vận dụng đôi chút.
Năm đó, chúng tôi còn tổ chức cho các em một buổi nghe các nghệ nhân hát - kể trích đoạn trường ca (trong bài thu hoạch, tất cả các em đều viết: “Rất thích, vì chỉ nghe nói chứ chưa bao giờ thực sự được biết Kể khan là như thế nào”).
Cuối năm 2008, nhờ sự tài trợ của Quỹ Ford, tại Đăk Lăk, Thạc sĩ Lý Vân Linh Niê Kdam cùng với một vài trí thức Êđê khác, đã tổ chức được hai lớp dạy chữ Êđê thông qua việc biên soạn các trích đoạn từ những chuyện cổ tích (Klei đưm), trường ca (Klei khan), lời nói vẫn (klei duê), luật tục (klei bhian kđi)… cho học sinh ở buôn Akó Dhong và sinh viên người Êđê lớp trung cấp của Trung tâm phát triển Công nghệ Giáo dục- Đào tạo.
Bài kiểm tra cuối khoá, với sự giúp đỡ của các bậc phụ huynh, lớp thu về được không chỉ chuyện cổ tích, lời nói vần, mà còn cả những trích đoạn khác của trường ca, viết bằng tiếng Êđê. Việc này đạt cả hai yêu cầu: Góp phần gìn giữ ngôn ngữ và chữ viết lẫn văn học truyền miệng của tộc người Êđê.
Tuy nhiên, không phải dễ dàng gì mà xin được những khoản tài trợ như thế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nâng cao năng lực tiếng Việt, ngoại ngữ và giao tiếp cho học sinh dân tộc mọi miền là việc cần làm, nhưng chắc chắn rất khó, nếu không có sự tài trợ nào về kinh phí tổ chức lớp. Như vậy là cơ hội cho học sinh dân tộc thiểu số sớm được hoà nhập, vẫn còn rất xa vời, nếu các em không biết cách tự kiếm tìm.
Từ góc độ một người nghiên cứu văn hoá truyền thống Tây Nguyên và là một nhà văn dân tộc thiểu số, tôi thấy có hai việc:
- Làm sao để giáo viên các trường sư phạm, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, khi tốt nghiệp đều nói chuẩn tiếng Bắc hoặc Nam? (như sinh viên thanh nhạc đã từng phải học phát âm tiếng Ý).
- Đã đến lúc ngành Giáo dục nên đặt ra vấn đề nâng cao kỹ năng sống cho học sinh người dân tộc thiểu số.
Không biết vấn đề này nêu ra, có được ai quan tâm?