TỪ “TÂY” ĐẾN “TA”
Không ít nghệ sĩ Việt Nam “choáng” khi dự các liên hoan sân khấu ở nước ngoài hay các buổi biểu diễn ở những sân khấu đặc biệt. NSND Lan Hương đã xem một buổi biểu diễn ở CHLB Đức mà ở đó các diễn viên đều… cởi truồng. Nhưng chị nói đấy không phải là chương trình khiêu dâm mà các diễn viên “nuy” theo yêu cầu của vở diễn, đúng hơn là diễn viên mặc đồ lưới nhưng... mặc cũng như không. Chị bị nội dung câu chuyện cuốn đi mà không nghĩ các diễn viên đang “nuy”. “Tác phẩm đọng lại trong tôi bởi những cảm xúc thẩm mỹ cùng những trăn trở mà nghệ sĩ gửi gắm chứ không phải vì những cảnh gây sốc hay cởi nhiều, cởi ít”, chị chia sẻ.
Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc từng được xem bài múa tuyệt hảo của một cô gái trên sân khấu LaMaMa ở New York, Mỹ. Với một tấm voan mỏng, cô cho thấy nét đẹp mềm mại của người phụ nữ như đóa hoa uyển chuyển trong gió, trong sương lẫn bão loạn. Mãi đến lúc nhạc dứt, cô vất tấm voan để chào khán giả trong tư thế không một mẩu vải nhỏ che thân. Những tràng pháo tay bất tận sau đó không phải để tán thưởng thân thể tuyệt mỹ mà cho tài năng và sự khổ luyện cùng những giọt mồ hôi cô vừa đổ ra trên sàn diễn.
Tuy nhiên, lần khác, ở Manila, Ý, xem Cái chết của con Thiên Nga do một vũ công trần như nhộng diễn, chị và nhiều phụ nữ là những nghệ sĩ đến từ nhiều nơi trên thế giới đều cho rằng không cần thiết phải cởi tất tần tật ra như vậy. Âm nhạc và bài múa ấy đã quá tuyệt vời rồi, nếu không tìm ra được cách thức nào để góp phần nâng cao hơn nữa tác phẩm thì tốt hơn hết đừng làm.
Đấy là chuyện ở nước ngoài. Xử lý cảnh khỏa thân trên sân khấu sao cho vừa đẹp, gợi cảm và vừa phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt càng không dễ. Khi dựng vở múa đương đại Thế đấy, thế đấy, biên đạo múa người Pháp Ea Sola để những người đàn ông mặc quần dài mà… không mặt quần lót. Trông thật tự nhiên và rất... Việt Nam.
Còn đạo diễn Lê Hùng chọn cách “hở mà kín” khi dàn dựng những cảnh “khỏa thân” trong vở kịch hình thể 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử. Giữa ánh trăng mờ ảo, những cô gái bước ra, xé những mảnh trăng dát lên người. Khi diễn viên xoay người, ở khoảng cách người ngồi gần sân khấu nhất vẫn khó nhận ra đâu là “giả” và đâu là “thật”, giữa mảnh trăng cùng màu với màu da và bộ bikini. Ánh sáng lúc này cộng hưởng với diễn xuất của diễn viên, cùng với âm nhạc tạo nên mỹ cảm nơi khán giả.
Cùng với biểu diễn sân khấu, một số chương trình nghệ thuật trình diễn (performance art), nghệ sĩ mạnh dạn “nuy” với những diễn giải “giải phóng hình thể”, “không che đậy”…

Tác phẩm nghệ thuật trình diễn "A còng" của sinh viên Trung Quốc.
Tùy theo ý tưởng của tác phẩm trình diễn và… sự dũng cảm của người biểu diễn mà chọn cho mình hình thức thể hiện phù hợp nhất. 41 sinh viên nam nữ Học viện Mỹ thuật - Âm nhạc Thành Đô (Trung Quốc) trần truồng nằm úp lên nhau kiểu con bài domino thành hình chữ “A còng” (@) trước mặt một số phóng viên và quay phim từng gây nên những tranh luận không ngớt. Hay việc Hairong Tiantian - thần tượng internet của giới cư dân mạng Trung Quốc cũng là một nghệ sĩ performance art để trần nửa trên cơ thể ngồi trong một hộp kính để nêu thông điệp về giải phóng phụ nữ. Ở ta, trước Lại Thị Diệu Hà, lác đác trong sinh viên một số trường nghệ thuật có trình diễn khỏa thân. Chẳng hạn, một sinh viên năm thứ tư ở Huế khỏa thân chạy trước chợ Đông Ba để thể hiện một màn trình diễn…
“BAY” VỀ ĐÂU HỠI EM?
Trước những phản ứng của công chúng cho là phản cảm, gây sốc để nổi tiếng, chủ nhân của tác phẩm nói: “Nếu cứ bám vào "nuy" để mà phán xét thì tội cho những con vật bị thay lông quá, ví dụ như là con cừu. Nếu con người không cạo lông nó thì làm sao có sự tái sinh một bộ lông mới? Cơ thể hay nghệ thuật cũng vậy thôi, không thử làm sao biết mà cố gắng”. Theo chị, điều quan trọng là mọi người phải nhìn thấy thông điệp của tác phẩm, còn việc nuy thì tác phẩm bắt buộc phải làm như thế. “Nuy ở đây chỉ là phương tiện diễn đạt nội dung mà thôi”, chị nhấn mạnh.
Nhưng xem ra, cái “dũng cảm tiên phong” này đã không được hưởng ứng, ngay cả với những người am hiểu về nghệ thuật. Khán giả xem màn diễn chưa có được cảm giác “bay” như ý tưởng chị gửi gắm, nên họ thấy sự khỏa thân của chị là không cần thiết. Quan trọng hơn cả, với góc nhìn và cách tiếp cận của người Á Đông thì việc phụ nữ để lộ toàn bộ thân thể trước bàn dân thiên hạ phải trong trường hợp cực kỳ hy hữu, nếu không cũng cần chuẩn bị về tâm lý và sự giải thích để khán giả có thể chấp nhận được. Nghệ sĩ nói rằng mình dũng cảm, mình hy sinh cho nghệ thuật, nhưng không phải sự hy sinh nào cũng được tôn vinh và sự dũng cảm nào cũng được cổ vũ và đón nhận.
NSND Lê Hùng được coi là “phù thủy” với nhiều mảng, miếng trong dàn dựng sân khấu chia sẻ: “Khán giả không khó để tìm xem những cảnh sex qua phim ảnh. Làm sao cho khéo để khán giả chấp nhận mới là cái khó. Lạm dụng khỏa thân thì sẽ “chết” ngay. Những vở diễn “nuy” hoàn toàn ở nước ngoài không hiếm. Nhưng ở Việt Nam, khán giả sẽ ném trứng thối và cà chua thối lên sân khấu hay bỏ về. Xử lý cảnh khoả thân trên sân khấu sao cho vừa đẹp, gợi cảm và vừa phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt, sao cho hở mà vẫn kín. Quan trọng vẫn là làm cách nào để khán giả chấp nhận”.

"Bay lên" của Lại Thị Diệu Hà.
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, chủ Nhà sàn Studio, nơi đã diễn ra tác phẩm Bay lên, sau khi nhận được những góp ý từ phía cơ quan an ninh địa phương, nói rằng “sẽ có những hạn chế nhất định”. Anh cho biết, chương trình giới hạn trong phạm vi nghiên cứu ở quy mô nhỏ chứ không muốn gây ảnh hưởng bên ngoài nhưng khách kéo đến xem quá đông, rồi báo chí đưa tin bình luận “nên ảnh hưởng nặng”. Anh nhấn mạnh, nội dung tác phẩm không có tính chất khiêu dâm mà đó là câu chuyện của cá nhân nghệ sĩ.
Ông Phạm Đình Thắng, Trưởng phòng Quản lý tổ chức biểu diễn, Cục Nghệ thuật biểu diễn, đánh giá màn biểu diễn Bay lên vừa phản cảm, vừa gây phản ứng không tốt và không mang tính thẩm mỹ nên cần có sự điều chỉnh để đi vào nền nếp theo định hướng và quy chế. “Những hành vi không phù hợp thuần phong mỹ tục và thẩm mỹ của người Việt Nam đều được điều chỉnh bởi quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa”, ông Thắng nói. Ông cho biết thêm, Sở VH-TT & DL Hà Nội chưa báo cáo về việc này với Cục, dù trước đây phía ông Thắng đã có ý kiến trao đổi trực tiếp yêu cầu Sở báo cáo. Ông cũng cảnh báo loại hình biểu diễn này tự nó sẽ bị tiêu diệt vì rõ ràng nó không phù hợp với văn hóa dân tộc.
Dĩ nhiên, cởi truồng thì dễ nhưng để việc này trở thành tác phẩm có ý nghĩa và… an toàn với chính người cởi thì không bao giờ dễ…