"Đạo Cụ Hồ"

Từ nghìn xưa, nhân loại có nhiều “đạo”. Một lần, trong một bài viết Nguyễn Ái Quốc nói: “Giá như bây giờ các ông Khổng Tử, Thích Ca, J. Giê-su, Tôn Dật Tiên… ngồi lại với nhau, hẳn các ông ấy sẽ thống nhất với nhau, vì các ông ấy đều có một mục đích là cứu nhân loại…”

Nguyễn Ái Quốc và những người bạn Pháp, 1921.

Nói như vậy là “văn hóa” lắm, là nhìn đúng về tôn giáo. Vì tuy sinh ra trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể khác nhau, chủ yếu là do sự phân hóa giai cấp, giàu nghèo, ách áp bức bất công (như sự khai sinh đạo Phật và đạo Hồi…); và chủ yếu dựa vào đức tin mà hành đạo… nhưng cái lõi nhân đạo chủ nghĩa, là cái mà đạo nào cũng có, ít hay nhiều. Tôn giáo bị lợi dụng, bị thế tục hóa, có khi còn gây tội ác (như Thiên Chúa giáo trong suốt nhiều thế kỷ ở châu Âu, ở thế giới, mà gần đây Giáo hoàng cũng đã lên tiếng xin lỗi), đó là việc khác.

Bác Hồ đang đọc tấm bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi tại chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương, ngày 15/02/1965.

Người Việt mình may mắn có Cụ Hồ, vị lãnh tụ kết tinh trong người minh tinh hoa của văn hóa nhân loại, nên có cái nhìn rộng xa, có cái minh triết của người thánh thiện. Cứu nước, cứu dân, phải dùng súng dùng gươm chống giặc tàn bạo, nhưng cái đáy sâu vĩnh cửu là nhân ái, kể cả với kẻ thù.

Cụ kết tinh trong mình Nho – Phật – Lão thời xưa, văn hóa phương Đông, văn hóa phương Tây, văn hóa dân tộc từ nghìn xưa, từ câu ca dao, tục ngữ; tự mình hành thiện, tự mình thể nghiệm cuộc đời dân tộc, nhân loại và chính mình, hi sinh hết thảy cho nhân dân…

Xét ra, từ xưa tới nay, “thánh nhân” nhiều, nhưng chưa có ai như Cụ Hồ vậy. Đó là không phải chuyện của cá nhân, mà là chuyện của lịch sử - lịch sử, nhân dân, đất nước đã sinh ra một con người có một không hai, nghìn năm mới có một người như vậy… Đó là diễm phúc lớn của nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp bổ túc văn hóa ở khu Lương Yên, Hà Nội (1956)

Chủ trương học tập Bác Hồ, nhưng ta biết rằng điều đó vừa dễ, lại vừa khó. Dễ vì Bác Hồ là một con người bình thường, giản dị, ăn không nhiều vị, áo rách vai sờn…, đó là những điều người thường thấy gần, dễ học. Khó là sự học tập, chiêm nghiệm, kết tinh cả Đông Tây nhân loại trong một con người, và con người ấy cực kỳ minh triết vì biết mình cũng chỉ là một con người! Làm sao nền giáo dục ta tận dụng ưu thế của thời mở ngày nay tiến ra biển lớn học nhân loại, đồng thời triệt để khai thác cái vốn dân tộc, phương Đông, làm cho nó sâu rễ bền gốc trong mỗi con người! Đó là điều có thể làm được, dứt khoát có thể làm, nếu ta có một nền giáo dục – văn hóa thông minh, sâu sắc, có văn hóa thật.

Hiện thời, không ít các bạn trẻ vượt xa thời khắc chúng tôi, vừa có trình độ (vài ba ngoại ngữ), vừa có phẩm chất. Hãy hướng họ đi sâu hơn vào dân tộc – phương Đông từng vĩ đại, họ sẽ thấy có thể gộpvượt phương Tây. Một nước Nhật là 1 tấm gương, và một Đại Hàn dám có tham vọng 7/4/7 (đứng thứ 7 trong các nước công nghiệp, có thu nhập 40.000 USD người/năm, phát triển 7% /năm) là vì có người, có đầu óc, có lòng tự hào dân tộc, tự hào châu Á rất cao…

Bác Hồ thăm nông dân huyện Mỹ Đức - Hà Tây chống hạn làm vụ mùa, tháng 6/1960

Ta nên tận dụng ưu thế là nước có vĩ nhân Hồ Chí Minh, lấy Người làm chuẩn, lấy Người làm “đạo” để cả dân tộc vươn lên, xóa bỏ mặc cảm tự ti, tự mình làm trong sạch, hùng mạnh cả dân tộc trong thời cơ hiếm có.

Trích Thời sự và suy ngẫm, GS-TS Mai Quốc Liên, NXB Văn học, 2011, trang 177-179.

GS-TS Mai Quốc Liên