Áo dài Việt

NGUYỄN PHÚC ƯNG VIÊN

Lâu nay, có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc áo dài Việt. Quyển Non nước Việt Nam do Tổng cục Du lịch Việt Nam xuất bản năm 2004, trang 45 viết: “Theo một số tài liệu lưu truyền thì chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam khởi phát từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát… nền tảng là chiếc áo dài của phụ nữ Chăm, kết hợp với chiếc áo tứ thân ở miền Bắc và một số trang phục của những dân tộc khác…”. Ý kiến khác thì cho rằng, áo dài Việt là sự kết hợp của áo dài Chăm và xườn xám của Trung Hoa. Để phần nào giải đáp những tranh luận trên, tôi tìm đến ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, là cháu của vua Minh Mệnh. Ông còn giữ chiếc áo dài- khăn đóng 162 tuổi để có được sự thật về nguồn gốc của nó. (N.C.)

Tôi dự định viết khoảng 156 bài riêng về áo dài và các loại y phục phối dụng khoảng 28 bài nữa, trong suốt thời gian từ khi Đức Thái Tổ Gia Dũ Hoàng Đế Nguyễn Hoàng đánh dẹp dư đảng nhà Mạc ở vùng ô châu ác địa và qua nhiều lần hoàn thiện từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát cho đến triều vua Thành Thái.

Sau bài 1 Điểm qua những sự kiện lịch sử dân tộc gắn liền với áo dài đã và chưa từng công bố, ý kiến của nhiều độc giả muốn tôi viết ngay trong bài 2 Áo dài khăn đóng, đường nét chế tác vật lý tác động sinh học đối với cơ thể người mặc.


Áo dài và khăn đóng 162 tuổi. Ảnh: Nguyễn Phúc Ưng Viên.

Dù vậy, bài này cũng chưa thể nói đến khăn đóng, mà có lẽ ít ai hiểu được khăn đóng là gì. Đóng không phải mang nghĩa đóng bộ hay tạo tác… Khăn đóng và những quy chuẩn có tính cách tôn tri về khăn chữ Nhân, chữ Nhất, màu sắc, loại tơ lụa của áo, khăn và trang y phối dụng trong ngoài… (Về vấn đề này xin sẽ nói chi tiết vào các bài sau).

Áo dài Việt là sản phẩm đúc kết rất đặc thù của lịch sử, văn minh, sức sống Việt, từ phương pháp chế tác, cách dùng, tác động đến sức khỏe và đời sống chứ không hề có biến tấu từ y phục của người Chăm và Xườn Xám của Trung Hoa. Đây là vấn đề lịch sử Văn hiến cảm động, gắn liền với lịch sử, mồ hôi, nước mắt, máu xương trong sự công nghiệp mở cõi dựng nước và giữ nước bao đời của ông cha để lại.


Khăn đóng 162 tuổi. Ảnh: Nguyễn Phúc Ưng Viên

Nói về chế tác vật lý của áo dài, tôi chỉ lược qua một số điểm hết sức bình thường, mà ngoài một số người thuộc hoàng tộc Nguyễn Phúc thì ít ai biết được.

Tay áo dài, vá áo phối dụng bên trong có chiều dài được chấm dứt ở cườm tay, đúng vị trí của huyệt Nội quan. Độ dày nếp xếp gấu có tác dụng kích mở huyệt. Đường thắt ngang dưới nách thì phải thắt ngang huyệt Phế du và Tâm du sau vai. Đường thắt ngang eo lưng, các nếp xếp phải kích mở ngay huyệt Vị du xuống Thận du. Nút áo với 5 hạt (xem hình) phải được bố trí theo đường đi của kinh lạc. Hạt nút đầu tiên là ở cổ phải kích mở ngay huyệt Thiên đột…

Quần, nút thắt dây lưng phải kích mở ngay giữa hai huyệt Khí hải và Quan nguyên trước bụng. Ống quần với các nếp xếp gấu phải kích mở ngay huyệt Túc thần thông xuống Hành gian dưới ống chân và bàn chân.

Nam, nữ mặc thường xuyên áo, quần với đường nét chế tác như vậy và kết hợp với các bài thuốc như Yết hầu đả thông đơn, Kiện tỳ bình vị tán, Ngự hàn tà kiện phế, Hồng dương Ôn thọ và Triêu dương truyền thọ tửu, Thanh can dưỡng, Thiên vương bổ tâm hoàn… giúp phòng trị hiệu quả một số bệnh sau: viêm họng - đẹn các loại, viêm phế quản và các bệnh về phổi, bệnh tiêu hoá, đau lưng, đau tim, đau nửa đầu, hen suyễn, thiên thời…


Áo dài Việt

Cách mặc, ăn và phương dược phối hợp này từng là bí mật sức khỏe của quân dân vương triều Nguyễn Phúc mà già trẻ đều dùng được. Tôi liên tưởng và hiểu tại sao xưa kia mỗi lần ta cống nạp cho các triều đại Trung Hoa, họ đòi bằng được phải có thầy thuốc giỏi, các thợ giỏi, trong đó có thợ may lành nghề hoặc sách vở có liên quan.

Các bệnh kể trên như viêm họng, đẹn, viêm phổi xưa có thể phòng ngừa, chữa trị đơn giản, nay lại làm cho không biết bao nhiêu người già trẻ, trai gái dở sống, dở chết, tán gia bại sản trong các bệnh viện, nhất là các bệnh nhi. 6,7% dân số Việt Nam mắc phổi tắc nghẽn mạch mãn tính, cao nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Theo một cuộc điều tra xã hội học, 29/100 trẻ lứa tuổi học sinh mắc hen phế quản do khởi phát bệnh hen khi chúng dưới 5 tuổi và phát lại nhiều lần. Nếu ta không chối bỏ những gì ông cha để lại thì dân tộc Việt đương đại không phải gánh chịu như thế.

Áo dài Việt là của riêng dân tộc Việt, từ đường nét chế tác, có tác động sinh học đối với sức khỏe và sự phát triển hoàn hảo đối với cơ thể con người. Bởi nó có riêng những trang y phối dụng như khăn đóng… Nó là cặp song sinh với phương dược và cách ăn, uống bồi bổ sức khỏe đặc thù Việt.


Tranh của Lưu Công Nhân

Áo dài Việt không hề biến tấu, lai căng với bất cứ y phục của dân tộc nào khác.

Nó đã hiện hữu suốt bề dày lịch sử trên dưới 400 năm và được cả thế giới công nhận. Áo dài còn là dân tộc Việt Nam còn. Những bài viết trước đây có thông tin lịch sử sai lệch làm báo chí Việt Nam trở thành loạn ngữ, bồi bút.

Nhận thức đạo lý đơn giản nhất là “Lịch sử là dấu vân tay trên căn cước thời gian và đời sống cũng như sự tồn tại phát triển của một quốc gia dân tộc”. Không vì yêu ghét hoặc bất cứ mục đích gì mà đổi trắng thay đen, lộn giả thành chơn. Con cháu chúng ta có còn yêu dân tộc không khi chúng nhận ra ở đâu đó trong lịch sử không phải là sự thật?