Dáng vóc nhỏ bé, giọng nói nhẹ nhàng nhưng trong chị luôn ẩn chứa sự quyết đoán mạnh mẽ. Từ một diễn viên bị ngoại hình “nhỏ xinh” mặc định cho những vai thiếu nhi, sau hơn 20 năm, Ái Như đường hoàng được xếp vào hàng những đạo diễn sân khấu “cứng cựa” nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chị vừa ra mắt một sân khấu của riêng mình - sân khấu Hoàng Thái Thanh, tọa lạc trong khuôn viên Nhà Thiếu nhi thành phố, sau nhiều chục năm nương thân nơi nhà người.
P/V: Có một thời, hễ nhắc đến Ái Như là người ta nghĩ ngay đến những vai bé gái. Điều đó có làm chị tủi thân?
ĐD Ái Như: Vai diễn đầu tiên trên sân khấu chuyên nghiệp của tôi là vai Kim Hoàng trong vở Sân ga tình người trên Sân khấu 5B Võ Văn Tần năm 1988 và tiếp theo là vai bé gái 8 tuổi trong vở Giải độc đắc.
Tôi vào những vai thiếu nhi này lúc con gái đầu lòng của tôi đã lên tám, nghĩa là nói một cách nào đó, trên sân khấu, tôi sàn tuổi với con mình.
Thật ra lúc đầu, tôi không suy nghĩ gì cả. Là diễn viên, việc được giao những vai mình yêu thích sẽ khiến mình thấy cuộc đời đáng yêu hơn, trong suốt hơn. Tôi vào vai trẻ con một cách thoải mái, tự tin mình là trẻ con thật sự.
Nhưng đến lúc cứ vai trẻ con là đạo diễn nghĩ tới mình mà không cho mình vai nào khác thì tôi đâm ra hoang mang, hốt hoảng, bởi đã là diễn viên thì sướng nhất vẫn là được đóng nhiều loại vai. Sau đó, tôi bắt đầu chọn lọc, hễ vai thiếu nhi nào có số phận thì mới nhận. Cũng may, “sự nghiệp” đóng vai trẻ con của tôi cũng kết thúc sau khi tôi tốt nghiệp đạo diễn.
- Khi ra nghề đạo diễn, chị có đặt tiêu chí gì đặc biệt cho các vở dựng của mình?
- Theo thời gian, tôi cũng dần trưởng thành hơn và quyết tâm chỉ dựng những kịch bản mình yêu thích.
Khi chuẩn bị dựng vở đầu tay, tôi mất một thời gian khá dài để tìm kịch bản. Nửa đêm tôi đã “rú” lên vì mừng rỡ khi chợt nhớ ra tác phẩm Hòa âm điền dã của Andre Gide (thi sĩ Bùi Giáng dịch) và tôi đã phỏng theo câu chuyện này để hình thành nên vở tốt nghiệp Khúc nhạc lòng của vị mục sư. Sau đó là một loạt vở ra mắt từ sự cảm tác tương tự như Đùa với tình yêu, Bóng thiên nga, Cho em 150 phút phiêu lưu…
Tôi không đặt ra tiêu chí gì to tát, chỉ muốn đi theo dòng kịch hiện thực tâm lý của Xtanilapxki, giải mã tâm lý con người trong những hoàn cảnh, những thân phận khác nhau. Đi tìm câu trả lời kiểu như: trong hoàn cảnh đó, con người hành động ra sao? Tôi cảm thấy mình phù hợp với dạng kịch đó.

Đạo diễn Ái Như.
- Những ai từng cộng tác với chị đều có chung nhận xét, Ái Như làm vở quá kỹ, cẩn trọng đến từng chi tiết. Ở thời buổi sự đa đoan buộc người ta phải luôn gấp gáp mới đuổi kịp thời gian, chị có thấy mình như vậy là bị chậm không?
- Mình vào quán ăn, thấy trong ly nước nhà hàng mang ra có cáu bẩn, đã thấy vô cùng khó chịu. Món ăn tinh thần còn cần phải ngon và sạch hơn vì người ta sẽ nhớ rất lâu. Khi xem một cuốn truyện hay một vở kịch, bản thân mình bao giờ cũng mang theo những đòi hỏi và khán giả cũng mang những đòi hỏi đó đến với vở diễn của mình.
Vì vậy, cho ra đời một tác phẩm hoàn thiện đối với tôi là một trách nhiệm, nằm trong kỷ cương của người làm nghề. Giờ nào mở màn, khi nào đèn bật sáng,… khán giả đang chờ và mình phải làm cái tốt nhất có thể để đem đến cho họ món ăn tinh thần mà họ mong đợi. Mình không được phép làm qua loa. Đó là tôi cố gắng làm cho đúng chứ không phải là quá kỹ vì khó tính.
- Nhưng xem ra “kỷ cương” đó đang bị phá vỡ ở không ít sân khấu trước nạn diễn viên chạy “show”, chị làm thế nào để ngăn cản họ?
- Tất nhiên là khó, nhưng trước khi mời một diễn viên nào tham gia, tôi và người đó cùng ngồi lại lên kế hoạch cụ thể và cố gắng giữ cho đúng lịch đó. Nếu nghệ sĩ đó nói bận, tôi sẽ cám ơn và hẹn mời họ vào dịp khác. Tôi không cố nhận, dù là ngôi sao, để rồi tập tành qua loa, ra diễn qua loa. Tôi luôn có phương án dự phòng bằng cách tập một lúc hai ê-kíp như nhau trước khi ra mắt vở, chứ không để đến khi một người bận đột xuất mới cấp tập tìm người khác thay.
Ái Như đã viết và dựng gần 30 vở kịch nói. Nhiều vở kịch của chị được yêu thích như: Khúc nhạc lòng của vị mục sư, Đùa với tình yêu, Hợp đồng hôn nhân, Trầu cau, Bàn tay của trời, Chuyện của Diễm, Cho em 150 phút phiêu lưu, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Bóng thiên nga, Hãy khóc đi em, Thử yêu lần nữa, Màu của tình yêu, Cảm ơn mình đã yêu em, Ba người đàn ông họ Lôi, Sông dài, Cơn mê cuối cùng,… |
- Có người cho rằng, kịch của Ái Như theo mô-típ Quỳnh Dao, lấy nước mắt người xem?
- So sánh như vậy thật vinh dự cho tôi quá. Nếu người ta lấy được tiếng cười, tại sao mình không lấy được nước mắt? Nhưng kịch Ái Như đâu chỉ có nước mắt, có không ít tiếng cười nữa chứ. Tôi nghĩ, chảy nước mắt cũng là một nhu cầu, để thanh lọc tâm hồn, để tẩy rửa sự u uất trong lòng. Nước mắt đâu chỉ để biểu lộ sự đau khổ không thôi.
- Cười trước khóc sau, phải chăng chị đang đi lại con đường của kịch Kim Cương?
- Cuộc sống luôn có đủ hỉ, nộ, ái, ố,… có cười, có khóc. Sân khấu là sự tái hiện cuộc đời nên dựng vở cũng là cách tôi cố tình phản ánh cuộc đời. Thật không dễ để làm cho khán giả khóc hay cười. Tôi không đặt tiêu chí nào về chuyện khóc cười cho vở, nhưng tự thân câu chuyện kể sẽ truyền đến cho khán giả những cảm xúc.
- Sự hợp tác trong nghệ thuật của Ái Như và Thành Hội được xem là độc đáo nhất của sân khấu cả nước hiện nay. Những “đứa con chung” mang tên tác giả Hoàng Thái Thanh đang dần trở thành thương hiệu, vậy chị có thể tiết lộ, Thành Hội và Ái Như, ai mạnh gì, yếu gì trong việc kết cấu một kịch bản?
- Khi viết chung, chúng tôi đặt ra cho nhau những câu hỏi, những tình huống, xây dựng thân phận cho nhân vật, đưa ra lời thoại rồi cùng giải đáp hợp lý nhất. Người này đưa ra, người kia phản biện, vì cùng đi song song nên không biết ai mạnh cái gì. Chỉ có điều chắc chắn là anh Thành Hội mạnh hơn tôi trong việc mô tả hình ảnh. Anh thường đưa các thí dụ điển hình rất thú vị và vấn đề gì anh cũng trình bày mạch lạc hơn tôi.
- Có người cho rằng Ái Như - Thành Hội không phải là những cái tên để bán vé, nhưng sân khấu Hoàng Thái Thanh đã ra đời và vẫn trụ được. Vậy Ái Như đo sự thành công của mình bằng cách nào?
- Tôi không bao giờ đo, cũng như không bao giờ đặt điều đó ra cho mình. Với tôi, đi theo con đường này là một bổn phận, dù thế nào thì bổn phận vẫn phải đi. Thành công hay thất bại cũng tiếp tục làm. Trước kia, khi không phải bỏ tiền túi để làm vở, tôi cũng phải tính kỹ, cân nhắc hiệu quả vở diễn. Bây giờ vẫn cách đó mà làm. Tất cả mọi cái đều phải đặt trên sự hợp lý.

Vở Bàn tay của trời - đạo diễn Ái Như.
- Phải chăng sân khấu Hoàng Thái Thanh là tấm lòng của thầy Thành Hội và cô Ái Như dành cho học trò của mình?
- Tôi bắt đầu làm phụ giảng cho anh Thành Hội từ năm 1991 trong các lớp học tại đoàn kịch Cửu Long Giang. Năm 2002, tôi chính thức trở thành giảng viên sân khấu ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM. Từ lâu, tôi ước ao có một sân khấu để thầy và trò cùng làm việc chung với nhau.
Ngày trước, tôi ra trường tìm một chỗ làm ưng ý thật quá gian nan, vậy nên sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ là nơi để các em làm nghề một cách nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng, như người ta thường nói, cái khó ló cái khôn. Chúng tôi ngày ấy muốn ăn thì lăn vô bếp, còn các em bây giờ tuy có nhiệt tình nhưng khả năng tự trang bị còn là vấn đề cần bổ sung.