Tự nhận mình đến với điện ảnh không được đào tạo bài bản, nhưng đạo diễn Đặng Nhật Minh đã “ở lại” và thành công với “công việc bất đắc dĩ” ấy bằng sự lao động nghiêm túc. Cho đến khi trở thành một trong những đạo diễn hàng đầu của điện ảnh Việt Nam, ông vẫn luôn trăn trở về nghề, về nghiệp, về sự kế tục và về thân phận con người, đặc biệt là người phụ nữ. Ông đã tâm sự với phóng viên Hồn Việt về cuộc đời làm nghệ thuật của mình…
- PV: Phần lớn những phim thành công của ông đều lấy hình ảnh người phụ nữ làm nhân vật trung tâm. Phải chăng thân phận người phụ nữ là đề tài mà ông yêu thích nhất?
- Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Đúng là trong phim của tôi rất nhiều nhân vật chính là phụ nữ, mang những nét đặc trưng của phụ nữ Việt Nam. Nhưng trong ý thức, tôi không hề có ý định chuyên tâm làm phim về chủ đề người phụ nữ. Tất cả đều đến rất tự nhiên, giờ ngẫm lại, có lẽ là do ảnh hưởng của hoàn cảnh. Từ nhỏ, tôi đã phải xa bố, sống với mẹ ở Huế nên hình ảnh người mẹ tần tảo, đảm đang, chờ chồng, nuôi con, chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ chồng... đã thấm vào tiềm thức tôi từ thời thơ ấu. Khi lớn lên, tôi lại được gặp những người phụ nữ nhân hậu, độ lượng...
Tất cả những tính cách tốt đẹp ấy của người phụ nữ cứ tự nhiên xuất hiện trước ngòi bút của tôi như một dòng chảy không ngừng nghỉ. Dần dần, từ những kiến thức và trải nghiệm của cuộc đời, tôi cũng nhận ra rằng, trong đời sống, kẻ gây ra những bi kịch cho con người, cho nhân loại thường là đàn ông, chứ ít khi là đàn bà. Trong lịch sử, những tên độc tài gây ra những cuộc chiến tranh hủy diệt (như bọn Pôn Pốt), giết chết hàng triệu người... là đàn ông. Vì vậy, đối với tôi, người đàn bà hiện thân cho cái thiện, cần phải được nâng niu.
- Trong tất cả những phim ông đã làm, bộ phim nào hay hình tượng người phụ nữ nào đã để lại trong ông ấn tượng sâu sắc nhất?
- Gần đây, Viện Tư liệu phim có in cho tôi một tập tất cả các phim đã làm. Có một phim bây giờ xem lại tôi vẫn còn thấy giật mình. Đó chính là Cô gái trên sông. Phim kể về một chiến sĩ cách mạng được một cô gái trên sông cứu. Sau đó thì anh ta đã quay lưng lại với cô. Người phụ nữ đó có tình cảm với anh, cũng đồng thời là tình cảm đối với cách mạng. Cô hi vọng và chờ đợi một tương lai tươi sáng như lời anh đã hứa nhưng cô đã bị phụ bạc. Nỗi đau đớn của cô là nỗi đau đớn của những con người bình thường, những số phận nhỏ nhoi bị chà đạp.
Bộ phim đã nói đến một vấn đề mà đến bây giờ - đã hơn 20 năm trôi qua (từ năm 1987) - vẫn được xã hội quan tâm. Nó như một lời cảnh báo: hãy cảnh giác, hãy cẩn thận nếu không chúng ta sẽ quên, sẽ quay lưng lại với chính những người đã giúp chúng ta có được ngày hôm nay. Sẽ rất đau lòng nếu điều đó xảy ra. Vì vậy, tôi đã viết, đã làm phim này với tất cả sự say mê của mình. Và những đồng sự của tôi cũng ủng hộ tôi bằng sự say mê không kém.
Về mặt nghệ thuật, nữ diễn viên Minh Châu diễn xuất rất tuyệt. Nhà quay phim Phạm Việt Thanh cũng rất giỏi: âm thanh, ánh sáng, bố cục rất chuẩn. Âm nhạc là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây cũng là lần đầu tiên nhạc sĩ tài hoa này làm nhạc cho một bộ phim.

Diễn viên Minh Châu (vai Nguyệt) trong phim Cô gái trên sông.
Khi bộ phim làm xong thì nó đã tạo ra một cơn sốt đối với công chúng, rất đông người xem. Nhưng sau đó thì một nhân vật cao cấp của Đảng đã phê phán nó. Tôi chưa nghe cụ thể họ phê phán như thế nào nhưng trong liên hoan phim tại Đà Nẵng năm đó, người ta chấm cho nó giải Bông Sen Vàng nhưng đánh tụt xuống Bông Sen Bạc, rồi người ta không chiếu nó nữa. Nhưng, cách đây 10 năm, nhân dịp kỉ niệm 25 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một kênh truyền hình của châu Âu đã chiếu lại phim đó, chiếu rộng rãi ra toàn thế giới.
Số phận thăng trầm, chìm nổi của một bộ phim cũng gắn với những tâm trạng vui buồn của người “sinh” ra nó. Bộ phim này không được tạo điều kiện như Đừng đốt mà ra đời trong điều kiện thiếu thốn nhưng nó mang một cách nhìn riêng, một nhận định riêng nên nó sống được tới bây giờ và nó chính là bộ phim tôi yêu thích và ấn tượng nhất trong sự nghiệp của mình.
- Nhưng phim Bao giờ cho đến tháng 10 - mới là bộ phim giúp ông nhận được rất nhiều giải thưởng?
- Bộ phim đó cũng chạm đến nhiều nỗi đau, sự mất mát, sự chịu đựng hi sinh của những người còn sống. Không phải là phim tôi yêu thích nhất nhưng tôi rất mừng vì nó lại được nhiều khán giả yêu thích nhất.
Gần đây, tôi gặp một người làm ở Trung tâm Phát hành phim, anh ta nói rằng mẹ anh xem phim này từ lâu rồi (từ năm 1984) mà vẫn còn nhớ lời thoại trong phim. Đó là cảnh ở chợ âm dương, khi người vợ hỏi người chồng “anh có gì nói với em không?” thì người chồng đã chết trả lời rằng “anh chỉ mong những người còn sống được hạnh phúc. Anh đã làm xong phần việc của mình, còn lại là nhiệm vụ của những người còn sống”. Thật sự bất ngờ. Đó là một phần thưởng lớn đối với một đạo diễn như tôi.

Diễn viên Lê Vân (vai Duyên) trong phim Bao giờ cho đến tháng 10.
- Ông có nhận xét gì về bức tranh toàn cảnh của điện ảnh Việt Nam và thế hệ đạo diễn trẻ - những người sẽ kế tục ông?
- Tôi chỉ là một người tự học, cố gắng hết mình, làm việc nghiêm túc và gặp nhiều may mắn trong sự nghiệp. Tôi gặp được những người cộng sự hết lòng với mình. Họ thương tôi vì họ thấy tôi làm việc hết mình. Họ đều là những người trẻ và giỏi giang. Cũng như tôi, họ cũng trưởng thành lên nhiều qua từng bộ phim dù làm phim với tôi thường rất vất vả.
Còn về các đạo diễn trẻ bây giờ thì rất khó nói. Chúng ta đang ở giai đoạn cánh cửa điện ảnh rộng mở, cơ hội, điều kiện tiếp cận với điện ảnh thế giới không hạn chế. Các đạo diễn trẻ được đi nước ngoài nhiều. Muốn xem một bộ phim mới là có thể xem được ngay. 40 tuổi tôi mới được làm phim đầu tay, bây giờ có đạo diễn mới 23 tuổi, thậm chí có đạo diễn còn chê phim không làm, hoặc được làm phim liền tay, hết phim này đến phim khác. Nói chung, tôi thấy, thế hệ đạo diễn trẻ bây giờ được tạo điều kiện phát triển rất tốt.
- Nhưng có vẻ như điện ảnh Việt Nam chưa chinh phục được khán giả Việt Nam?
- Tôi không biết là có chinh phục được hay không? Phải có một cuộc điều tra đã chứ. Ví dụ như một phim chiếu ra trong 10 ngày đã thu mười mấy tỉ, nếu không chinh phục được thì doanh thu ấy ở đâu ra? Tóm lại là cái này chưa thể kết luận được.
- Ông có ý định sẽ đào tạo một lớp đạo diễn kế tục mình giống như ở Hàn Quốc cho một lớp đạo diễn trẻ sang Mỹ học tập?
- Làm nghệ thuật là phải có cái nhìn riêng, nhận định riêng, làm những cái người khác không làm, chưa làm chứ không phải cứ được đào tạo mà thành đạo diễn giỏi. Tôi bắt đầu vào nghề bằng công việc dịch lời thoại cho phim, rồi mày mò tự học, tự trau dồi xem phim rồi làm phim. Còn về thông tin Hàn Quốc cho nhiều đạo diễn trẻ sang Mỹ học thì tôi không tin, có lẽ họ đi học kĩ thuật chứ không phải là học đạo diễn.
Đạo diễn và biên kịch phải là những người bám chặt vào đời sống, vào truyền thống văn hóa của đất nước mình từ đó mới có cảm xúc để viết được một cái gì đó. Ai dạy được họ tốt bằng người dân nước họ? Chỉ có kĩ thuật, kĩ xảo điện ảnh thì nên học ở nước ngoài: ví dụ những vụ nổ, sóng thần, động đất... thì sang Mỹ học, võ thuật thì sang Trung Quốc học... còn nghệ thuật thì chẳng ai dạy nổi mà phải tự học, tự cảm nhận thôi.
- Xin cảm ơn ông!
Bài liên quan: