Chị dâu thứ hai của tôi là người đoan trang và giỏi giang. Anh tôi đi bộ đội ở chiến trường thì ở nhà chị cũng được xã cử đi học một trường nghiệp vụ nào đó tận Hà Nội. Đi học xa nhà chừng năm bảy tháng, mà về chị khác hẳn, đẹp như cô gái thành phố, tóc cắt ngang vai, mặc quần Âu, đi guốc.
Chị tham gia nhiều công việc của xã, nhiều họp hành nhưng về đến nhà thì luôn chân, luôn tay với việc lớn, việc nhỏ trong nhà, ngoài đồng. Chị cặm cụi làm như để bù lại những khi họp hành không giúp đỡ được bố mẹ và các em.
Gia đình tôi một mực theo nếp của ông bà để lại, là bố mẹ còn sống thì các con dù đã lập gia đình riêng vẫn ở chung, ăn một bếp. Bố mẹ, con cháu, anh em gần 20 miệng ăn, ở rải ra đến ba cái nhà, nhưng ngày hai bữa vẫn quây quần quanh mấy mâm cơm.
Công to, việc lớn trong nhà từ mua mớ rau, đấu muối, đến góp giỗ, thăm hỏi người trong họ hàng, láng giềng đau ốm bệnh tật, rồi mua sắm quần áo… tất tật đều do chị dâu cả chỉ bảo, phân cắt công việc. Đông miệng ăn, chị tính toán chi li đồng tiền bát gạo sao cho tạm đủ gối từ vụ thu hoạch này sang vụ thu hoạch khác.
Những khi chị dâu cả vắng nhà hoặc bận việc gì đó thì việc tính đếm nội trợ của gia đình do chị dâu thứ hai lo toan. Vừa công tác xã hội, vừa nặng việc nhà, vì thế không chỉ bố mẹ tôi mà cả chị dâu cả cũng thương chị hai.
Chị dâu cả xin mẹ bán đôi hoa tai bằng vàng của chị để mua cho em dâu chiếc xe đạp đi công tác cho đỡ vất vả. Với lại chị dâu cả và mẹ đều nghĩ, chị hai đi công tác có cái xe cũng mở mày mở mặt cho gia đình.
Mẹ thấy chị dâu cả nói thế thì ngừng nhai trầu, bảo, mẹ cũng có đôi khuyên vàng giữ từ hồi về làm dâu nhà họ Hà, từ lâu không đeo nữa, giấu trong hốc cột. Mẹ chẻ đầu ống lấy đôi khuyên vàng đưa cho chị cả.
Chỉ mấy hôm sau chị dâu cả nhờ người mua về chiếc xe đạp Hữu nghị. Giao xe cho em dâu xong, chị dâu cả gửi trả lại mẹ chồng đôi khuyên vàng. Chị bảo, khuyên vàng của bà là vàng ngày xưa nó quý, với lại là đồ gia bảo con đâu dám bán. Bà giữ lấy, sau này bà thuận đứa con nào thì cho, nó giữ lại lấy lộc. Mẹ tôi và hai con dâu ngồi ở cửa, cười mà nước mắt chảy trên gò má vì thương nhau.

Ảnh minh họa.
Chị dâu thứ hai làm công tác xã hội càng ngày càng được tín nhiệm, chỉ một thời gian ngắn lại được bầu vào hội đồng nhân dân, phải họp hành rất nhiều, ít khi ở nhà.
Một đêm đi họp về, chị tôi cứ ngồi ở chân giường mẹ tấm tức khóc, hỏi vì sao, chị cắn răng không nói. Chị khóc đến gần sáng thì đứng dậy lặng lẽ thu vén một ít quần áo vào tay nải, khoác vai. Lúc ấy chị mới cúi lạy mẹ ba lạy, nói rằng chị trót dại, không xứng làm vợ của anh tôi, không xứng làm con của gia đình có nề nếp, gia phong nên xin bố mẹ chồng cho về nhà bố mẹ đẻ. Ai giữ tay cũng không được, chị dứt khoát dứt áo ra đi từ lúc trời còn tối nhọ mặt.
Chị không ôm quần áo về nhà bố mẹ đẻ mà ra đầu núi, nhờ bà con bên ngoại làm cái lều rồi sinh con ở đó. Chị cũng không đi công tác nữa, suốt ngày hùng hục phá hoang, đào đắp, cuốc xới vun vén một góc sườn núi thành trang trại nhỏ.
Ở tận đầu núi, nhưng ngày nào chị cũng tranh thủ đảo qua nhà tôi, khi vơ bó củi, khi thái rau nấu nồi cám lợn, khi quét quáy nhà cửa, khi vội chạy ra đồng cây hái. Chị lẳng lặng làm, có nấu cơm cũng nấu cho xong, treo cao, đậy kỹ rồi về, không bao giờ ở lại ăn. Chị ở vậy nuôi con, lặng lẽ đến làm lụng giúp gia đình nhà chồng suốt bao năm như là muốn làm cái phần việc nàng dâu mà chị chưa kịp làm tròn đã phải dừng lại vì lỡ dở.
Gần cuối cuộc chiến, gia đình tôi nhận tin buồn vì anh trai tôi hy sinh. Bố mẹ tôi tưởng không qua nổi những ngày buồn vô hạn này. Riêng với chị dâu tôi, kể từ ngày buồn đó không đêm nào chị không có mặt chăm sóc bố mẹ tôi.
Lần ấy, tôi về thăm nhà, mẹ tôi bảo làm mâm cơm cúng, rồi mời chị dâu tôi về ăn cơm với gia đình. Đã lâu lắm gia đình tôi mới lại có bữa cơm có đủ hai chị dâu ngồi đầu mâm xới cơm cho cả nhà. Bữa ăn tưởng vui mà buồn.
Chị dâu tôi vừa bưng bát, chưa kịp ăn đã buông đũa, tấm tức khóc. Tiếng khóc dễ lây, rồi mẹ tôi cũng khóc, các cháu khóc.
Mãi đến cuối bữa, mẹ tôi mới nói với chị dâu tôi, con ạ, ngần này tuổi đầu, mẹ càng thấy chả có cái gì quý bằng người. Con của chị bố nó là ai, cũng là cháu của tôi. Từ nay chị dọn về nhà mà ở, hai mẹ con đừng sống lăn lóc ngoài đầu núi nữa, phải tội. Chị tôi vâng lời nhưng không dọn về ở chung. Gần hết một đời người, đã trải bao khổ ải để tự hành tội mình mà chị dâu tôi vẫn không tha thứ cái lỗi một lần nông nổi để giữ nếp nhà và đạo hạnh của một nàng dâu…