*Cô BÙI KIM DUYÊN (tỉnh lộ 8, Biên Hòa, Đồng Nai) hỏi: Tôi có đọc một bài thơ mà không nhớ là của nhà thơ nào. Đọc xong tôi có hai điều thắc mắc muốn nhờ tạp chí
giải tỏa giúp.
Bài thơ ấy như sau:
Mà chút tình thôi… như gió bay…
Đành là sinh biệt cố nhân ơi!
Mưa rơi Phú Túc, đường hai ngả,
Nắng xế Thanh Đa mộng nửa đời.
Thủy đáo nhân gian, sông biển cạn,
Hoa lưu động khẩu, đá vàng phai.
Những thiên đường của ngày xưa ấy
đã mất. Bâng khuâng nhớ tiếc hoài…
Thắc mắc thứ nhất của tôi là hai chữ sinh biệt ở câu thơ 2.
Từ trước đến nay tôi chỉ thấy thành ngữ sinh ly tử biệt chứ chưa thấy tử ly sinh biệt bao giờ. Cái ông nhà thơ ở đây chắc hẳn đã mắc phải một căn bệnh khá phổ biến trong cách sử dụng ngôn ngữ của chúng ta hiện thời là có thói quen đảo ngược các tiếng đôi, chẳng hạn chia sẻ thành sẻ chia, đơn giản thành giản đơn, nguyên vẹn thành vẹn nguyên (và một số tiếng đôi đảo ngược khác nữa mà tôi không nhớ hết). Đã đành là trong tiếng Việt cũng đã có những tiếng đôi (mà tôi tạm gọi là tiếng đôi hai chiều) như giàu sang và sang giàu, hiểm hóc và hóc hiểm, tươi tốt và tốt tươi, trông ngóng và ngóng trông, đợi chờ và chờ đợi, quanh quẩn và quẩn quanh, nguy hiểm và hiểm nguy, toàn vẹn và vẹn toàn, quạnh hiu và hiu quạnh v.v…
Nhưng đó là những trường hợp đặc biệt, là những tiếng đôi đảo ngược đã có từ lâu (với số lượng không nhiều) đã được chúng ta chấp nhận, quen dùng và nghe đã quen tai. Nếu chúng ta vin vào ngoại lệ này để đảo ngược lung tung, đảo ngược vô tội vạ thì thử hỏi trong tương lai tiếng Việt của chúng ta có còn là tiếng Việt trong sáng và thuần khiết nữa không?
Thắc mắc thứ hai của tôi là tại sao câu thơ thứ 7 của bài thơ lại có thể lấn xuống câu thứ 8 như thế được? Trong thơ Đường luật tôi chưa hề trông thấy có chuyện như thế bao giờ.
* NGUYỄN MINH HOÀNG trả lời:
Về câu hỏi thứ nhất thì phải nói là tôi rất đồng ý với cô. Tôi cũng đã thắc mắc, cũng đã khó chịu khi thấy có người tỉnh bơ sử dụng tiếng Việt một cách lung tung, tùy tiện và phi nguyên tắc như thế. Nếu chúng ta cứ giữ mãi thái độ thờ ơ, thụ động, không lên tiếng báo nguy thì sợ rằng hiện tượng này sẽ càng ngày càng lan rộng. Nếu vin vào cớ nguy hiểm đã có thể đảo ngược thành hiểm nguy và đã được chấp nhận từ lâu để đảo nguy biến thành biến nguy, nguy nan thành nan nguy, nguy kịch thành kịch nguy, nguy cấp thành cấp nguy thì thật là “nguy” cho tiếng Việt của chúng ta quá!
Nếu đơn giản mà đảo ngược thành giản đơn thì đơn độc cũng có thể đảo thành độc đơn, đơn côi thành côi đơn, đơn chiếc thành chiếc đơn, cô đơn thành đơn cô, giản dị thành dị giản. Giàu sang có thể đảo thành sang giàu nhưng sang trọng và cao sang thì không thể đảo thành trọng sang và sang cao được.
Tôi dốt đặc về ngôn ngữ học nên không thể giải nghĩa và phân tích những cái có thể và không có thể này bằng những định luật của ngôn ngữ được. Tôi chỉ dùng cái bon sens thông thường (bon sens là tiếng Pháp để chỉ cái khả năng cảm nhận phải trái, đúng sai mà theo triết gia René Descartes, ai ai trong chúng ta cũng được ông trời ban phát cho một cách đồng đều - Le bon sens est la chose du monde la mieux partagée) của một người yêu tiếng Việt để phản đối trước những sự việc mà tôi cảm thấy nếu không được ngăn chặn kịp thời thì thế nào cũng sẽ xảy ra.
.aspx)
Còn riêng hai chữ sinh biệt của bài thơ mà cô nhắc đến thì tôi không nghĩ rằng tác giả của bài thơ đã bị lây cái bệnh đảo ngược tiếng đôi mà cô và tôi đều lo sợ. Đây chỉ là do luật bằng trắc của câu thơ thôi. Hai chữ sinh biệt, theo tôi, không có mùi chết chóc như hai chữ sinh ly, trái lại có vẻ rất sáng tạo và rất nên thơ nữa. Về việc cô trách câu thơ 7 thò chân lấn xuống câu thơ 8 thì tôi thấy rằng cô đã quên mất là cách đây hơn nửa thế kỷ thi sĩ Thế Lữ đã mượn kỹ thuật này của thơ Pháp và áp dụng vào trường phái Thơ Mới trong một đoạn của bài thơ Giây phút chạnh lòng rồi:
Xin anh cứ tưởng bạn anh tuy
giam hãm thân trong cảnh nặng nề
Vẫn để hồn theo người lận đận
Vẫn hằng trông đến bước anh đi
Người Pháp gọi đó là enjambement, câu thơ trên thò chân lấn xuống câu thơ dưới để nói cho hết ý.