Đoàn Nguyễn Tuấn đề thơ trên Hoàng Hạc Lâu

NGUYỄN TIẾN ĐOÀN

Đoàn Nguyễn Tuấn người làng Hải An, huyện Quỳnh Côi (nay là xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ), tỉnh Thái Bình. Ông thi đậu Hương cống triều Lê, sau ra làm quan với triều Tây Sơn đến chức Hàn lâm trực học sĩ. Ông là anh vợ thi hào Nguyễn Du (vợ Nguyễn Du là Đoàn Thị Tộ).

Sau chiến thắng Đống Đa (1789), ông được vua Quang Trung cử với tư cách tư vấn đoàn sứ bộ giao dịch với nhà Thanh dự lễ bát tuần khánh thọ vua Càn Long ở Yên Kinh (nay là Bắc Kinh). Đây là chuyến đi sứ khá đặc biệt do Phạm Công Trị đóng giả vua Quang Trung.

Ngoài quốc vương giả có Nguyễn Quang Thuỳ, con trai thứ của Quang Trung bấy giờ hãy còn nhỏ. Phái đoàn này trọng thần hàng võ có Ngô Văn Sở, trọng thần hàng văn là Phan Huy Ích, đô đốc Nguyễn Duật làm hộ vệ, Vũ Huy Tấn làm bề tôi coi giấy tờ. Ngoài ra, có một ban văn công 10 người để hát chúc thọ trong buổi lễ theo sự gợi ý của triều đình Mãn Thanh.

Sứ bộ qua cửa ải Nam Quan vào giờ Tỵ (10 giờ sáng) ngày 15 tháng 4 năm Canh Tuất (1790). Ra đón đoàn có Phúc Khang An, tổng đốc Lưỡng Quảng cùng các vị đốc phủ, đề trấn quan lại ở đài, phủ, huyện. Cờ quạt rợp núi, lừa ngựa hí vang. Đoàn tặng nhà Thanh hai thớt voi. Hai thớt voi này đã làm người Thanh phục dịch vận chuyển rất khó nhọc, phía nhà Thanh cũng biết là Quang Trung giả, nhưng cả hai bên đều đóng kịch rất khéo. Chỉ có Càn Long là tưởng thật.

Cuộc hành trình đi sứ này kéo dài 200 ngày. Sứ bộ đã đi qua núi Hoa Sơn ở cửa sông Ninh, vượt thác Ngũ Hiểm ở giữa sông Hoàng Châu, vượt ải Mai Lĩnh, qua Cát Thuỷ, thăm Đằng Vương các. Đến tỉnh Giang Tây, sứ bộ nghỉ lại. Trạng nguyên Đới Cù Hanh đến tiếp đoàn làm thơ xướng họa.

Đến mồng 6 tháng 6 lại lên đường. Nhân dân Trung Quốc đón chào sứ bộ ta rợp hai bên đường. Qua bến Tầm Dương thăm đền Pha Tiên (thờ Tô Đông Pha) đi thuyền qua sông Xích Bích, đến Vũ Xương vào địa hạt tỉnh Hà Nam đến thành Tín Dương. Xuống kiệu lên xe tứ mã. Dọc đường nhận được 5 quả lệ chi (quả vải) của vua Thanh sai sứ giả phi ngựa trạm đem đến, kèm bức thư nói rằng: “Lệ chi thì An Nam có nhiều nhưng bên này rất quý, trừ vương công đại thần ra thì không ai được hưởng. Nay đặc cách cho chạy trạm đến ban thưởng”.

Ngày 1 tháng 7, đến Từ Châu địa đầu tỉnh Trực Lệ. Khi sắp đến Yên Kinh, thị lang bộ Lễ nhà Thanh là Đức Minh được lệnh đón sứ bộ ở trạm Lương Hương. Dùng trà xong lại lên đường đến ngoại thành Yên Kinh, vào cửa Chương Nghi, qua cầu Chính Vương vào cửa Tuyên Võ, đi qua phía Tây Hoàng Thành ra cửa Thắng Đức ở phía Bắc để đi đến hành cung Nhiệt Hà.

Từ Yên Kinh đến Nhiệt Hà đi mất ngày rưỡi đường, qua Cổ Bắc khẩu, qua mộ Vương Chiêu Quân là đến chỗ Càn Long đang nghỉ ở đó. Ngày 11 tháng 7 sứ bộ yết kiến Càn Long ở hành cung trong bầu không khí rất thân mật.

Ngày 14 vua Thanh ban cho “Quốc Vương” và các quan cùng đi những bộ áo mão may sẵn.

Ngày 15 sứ bộ dự cuộc ngự duyệt văn quan, võ quan ở cửa Triều Nguyên.

Ngày 19 dự yến ở Thanh Âm các, thăm điện Cầu Chánh.

Ngày 20 sứ bộ ta rời Nhiệt Hà về Yên Kinh trước. Ngày 29 Càn Long từ Nhiệt Hà về Yên Kinh. Từ ngày mồng 1 đến mồng 10 tháng 8 sứ bộ ta liên tiếp dự yến, xem tuồng. Cùng dự có vương công đại thần, các tù trưởng Nội Mông, sứ bộ các nước Triều Tiên, Miến Điện.

Ngày 13 tháng 8 lễ chúc thọ xong. Ngày rằm Tết Trung Thu sứ bộ cùng thưởng trăng với Càn Long ở Nguyệt Đàn.

Ngày 20 chiêu đãi sứ bộ ở điện Quang Minh chính điện trước khi đoàn về nước.

Viết lời bạt cho tập Trinh sà kỷ hành của Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn có nói: “Từ xưa đến giờ, người mình đi sứ Trung châu chưa bao giờ được trọng đãi vẻ vang lạ lùng như lần này…”.

Trên đường trở về, sứ bộ lại qua Vũ Xương bên bờ Hán Thủy lên thăm lầu Hoàng Hạc. Lầu này theo lời dẫn trong bài thơ Du Hoàng Hạc Lâu, viết rằng: “Ngày xưa nơi đây Phí Huy cỡi chim hạc bay lên cõi tiên. Nay tầng lầu thứ nhất còn tượng thờ ông, bên cạnh là tượng Lư Sinh nằm. Sau lầu là đình Tiên táo, rễ táo vẫn còn, thơm như gỗ trầm hương. Phía bên kia bờ là Hán Khẩu tấp nập đông vui, hàng hoá đầy ắp. Cảnh trí ở Quy Sơn, Trình Xuyên các, Anh Vũ châu… Thật là những kỳ quan của vũ trụ.

Người ta vẽ cảnh lầu Hoàng Hạc tặng cho khách tham quan. Sứ bộ ta từ công quán ở Hàm Dương đến đây. Tổng đốc là trạng nguyên Tất tiếp sứ bộ ở đình Tiên táo, buổi chiều lên tầng gác cao, bồi hồi nhìn bốn phía chung quanh. Lúc đó, Hàn lâm trực học sĩ Đoàn Nguyễn Tuấn làm trước ba bài thơ. Tôi (Phan Huy Ích) lấy một trong số ba bài đó gia công nhuận sắc lại. Ông Đoàn Nguyễn Tuấn chữ tốt đề thơ vào vách đá”. Bài thơ như sau

Kỵ hạc tiên ông khứ bất hoàn,
Đô lâu cao quải bạch vân hàn.
Thốn căn thạch táo linh thường tụ,
Bán chẩm hoàng lương mộng vị lan.
Hạ Khẩu viễn phàm xuyên bích lạc,
Hán Dương phương thụ ấn tình lan.
Yên ba đạm đằng cơ hoài trọng,
Phù thế du du nhất ỷ lan.

Dịch nghĩa:

Tiên ông cưỡi hạc đi không về,
Lầu cao chót vót xuyên tầng mây trắng lạnh.
Rễ cây thạch táo còn đọng khí thiêng,
Bên gối chưa tan giấc mộng hoàng lương.
Cánh buồm xa từ Hạ Khẩu như xuyên non biếc xuống,
Cây cỏ thơm đất Hán Dương như in trên sóng nước.
Nơi khói sóng huyền ảo bao cơ sự nặng lòng,
Tựa lan can lòng bâng khuâng suy ngẫm về cuộc đời phù du.

Tạm dịch thơ:

Cưỡi hạc tiên ông đi chẳng về,
Lầu cao mây trắng rét tê mê.
Rễ cây thạch táo khí thiêng tụ,
Bên gối hoàng lương giấc mộng về.
Hạ Khẩu buồm xa xuyên núi biếc,
Hán Dương cây đứng sóng xanh ghê.
Nỗi nhà, nỗi nước, lòng thêm nặng,
Cuộc thế phù du có tái tê?

(Nguyễn Tiến Đoàn dịch)