Đoạn trường Nghề viết bảng đá

Chuyện chưa xa, nhưng thế hệ sinh sau kháng chiến lần thứ nhất, không chắc có nhiều người biết rõ nghề viết bảng đá. Dù kẻ biết, người không, kẻ quên, người nhớ, chẳng sao, bởi chuyện thật hơn cả thật! Đầu xuân, bâng khuâng nhớ lại chuyện cũ.

Các ấn phẩm văn nghệ, báo chí, truyền đơn… hồi đó ở Liên khu V, đều viết tay, bằng chữ in hẳn hoi, đủ kiểu, đủ cỡ nhỏ, to, nghiêng, đứng… khá đẹp. Số lượng in tùy phạm vi phổ biến, khả năng giấy mực, nhưng không thể quá nghìn tờ. Nếu cần nhiều hơn, phải mài bảng, viết lại vì cốt của bảng trước chỉ in được chừng đó.

Anh em hay nói vui “nghề lấy trái làm mặt”, tức là viết ngược! Khởi đầu từ phải qua trái, như kiểu viết chữ Nho vậy. Viết từng nét một, rất chậm vì viết nhanh, mực không kịp hút vào đá và phải cúi sát mới nhìn rõ từng dấu chấm, phẩy và nét viết có đều không. Khổ nhất là mùa đông, viết năm, mười dòng, phải hơ lửa vì bảng lên hơi nước, dễ bị nhòe.

Để có miếng đá to bằng trang báo, phải nói cực công phu, vất vả? Mà khổ, chỉ có đá Non Nước mới viết được. Loại đá đó, ngoài Quảng Nam, tuyệt không tìm đâu ra! Quảng Nam bấy giờ là vùng bị chiếm, không dễ xơi! Nhưng lấy được đá, còn nỗi chuyển đến vùng tự do, không tàu thuyền, xe cộ, cả hàng trăm cây số, phải lén lút trong đêm, chỉ với đôi vai của lớp người trẻ, đầy nhiệt huyết.

Từ khối đá lớn gồ ghề, lồi lõm, người ta xẻ dần bằng cưa đại. Hai thanh niên lực lưỡng, kéo cả ngày chỉ được một tấc, vì vài ba đường cưa, phải dừng cho nước và cát vào mạch cưa, đá mau mòn, lưỡi cưa không nóng. Có được miếng đá, dày khoảng 20-25 phân còn phải mất cả tuần mài đi mài lại thật bằng và nhẵn như mặt gương, không được một vết xước nhỏ.

Loại mực để viết lên đá, gọi sác-bôn-nên, màu đen, viết bằng ngòi bút lá tre. Người giỏi, ngày viết khoảng hai trang báo, cỡ vừa, kể cả vẽ tranh và minh họa. Viết xong, dùng nước chanh hoặc lá bứa đã nấu, có độ chua vừa phải, phết nhẹ lên bảng đá, cho ru-lô, đã đánh mực thật nhuyễn, lăn rất khẽ, cốt bảng dần hiện lên, như chữ nổi. Chờ bảng cốt khô, chắc, dùng nước chanh pha đường, thoa nhẹ lên bảng cốt, lăn mực đều, đặt giấy, in. Cứ thế, lột tờ in là thoa nước, lăn mực, in tiếp.

Các ấn phẩm in số nhiều và đẹp có tiếng là của Phòng chính trị Bộ tư lệnh Liên khu V, như các tập Áo Xám, Quân Nhân Học Báo... Ty Thông Tin tuyên truyền các tỉnh trong Liên khu đều có bộ phận in bảng đá, nhưng nhiều cơ sở và mạnh nhất, phải nói Quảng Ngãi, mà nổi nhất là Nhà in Văn Lượm ở Sông Vệ, viết cực đẹp, chuyên in sách giáo khoa phục vụ cho các trường Trung học Bình Dân, Lê Khiết, Rừng Xanh...

Những người viết bảng đá nhanh và đẹp, nay đã trên dưới tám mươi, như ông Tạ Ư, Tạ Phi ở phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi. Các ông Lê Văn Bề, Nguyễn Văn Ba... ở Gò Nổi, Quảng Nam. Các họa sĩ Đường Ngọc Cảnh, Nguyễn Thế Vinh, nhà thơ Phạm Hổ... là những tay sành nghề viết chữ trái. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng là tay tổ của ngành này, lại còn kiêm cả nghề khắc gỗ tranh, khuôn nhạc, con dấu..., đều khắc trái.

Thời đó, được cầm trên tay một tờ báo, chỉ hai trang khổ vừa thôi - dễ chi có tờ to đùng như báo Nhân Dân, Lao Động ngày nay - hay một ấn phẩm văn nghệ mong mỏng, vừa bỏ túi, người cứ lâng lâng như được lớn thêm một chút - sướng cái bụng lắm, rồi chuyền cho nhau, cả đơn vị, ai cũng được nghe, được nhìn thấy, nhiều người thuộc cả bài báo.

Số lượng phát hành không lớn, bài ngắn, gọn và tập trung giới thiệu những gương tăng gia sản xuất giỏi, lập công trong chiến đấu, như chuyện anh Phạm Lai, tân binh trong trận Cửu An, Tú Thủy, đã dùng nón sắt đánh chết mấy thằng Tây; anh Lê Phược, chiến sĩ thi đua, quê ở đảo Lý Sơn, suốt mấy năm ròng lặn sâu hàng trăm thước nước biển, đục sạch cả chiếc tàu thủy to như cái nhà của Nhật, bị quân đồng minh đánh chìm để lấy sắt cho xưởng quân giới khu V rèn đúc vũ khí; hay chuyện “cóc dọa Tây”, mưu của du kích Quảng Nam, cho cóc vào lon thiếc, đêm mò vô rìa đồn, móc lon thiếc đựng cóc lên dây thép gai, lâu lâu, cóc nhảy vài cái, lon khua rổn rổn, tưởng là Việt Minh, cha con tụi Tây bắn vãi đạn như mưa, chửi la chí chóe. Độ mấy tuần sau, chừng đã thấm mệt, ta hốt gọn đồn Vân Ly.

Đại loại những chuyện như thế rất nhiều, được viết dưới dạng vừa thơ vừa tấu hoặc nhạc hài được in như tờ bướm. Sau các buổi liên hoan văn nghệ lửa trại, người ta gửi tặng cho thanh niên địa phương. Các anh Nguyễn Ngọc Thể, sau này công tác ở báo Nhân Dân, anh Nguyễn Tư Điềm về đoàn văn công Khu V, hay nhạc sĩ Huỳnh Văn Cát... bằng những điệu bộ tự do, rất hề, rất hóm và chỉ với chiếc ghi-ta, bộ quân phục xi-ta xám thường ngày, không chút son phấn mà điệu đàng, uốn éo như trên các sân khấu ngày nay, làm người xem cứ bấm bụng cười ngắc nghẻo, phục lăn các anh bộ đội Việt Minh.

Viết và in đá - cái nghề “lấy trái làm mặt” âm thầm, cực nhọc ấy có vẻ như chuyện cổ tích, nhưng thời đó thiếu nó, chắc không thể, bởi lấy đâu ra phương tiện thông tin nào khác để hậu phương biết được tiền phương và ngược lại, tạo nên không khí hồ hởi, người người lớp lớp dốc lòng cho đại cuộc vẻ vang.

NGUYỄN TRUNG HIẾU