Pờ Sảo Mìn: Vẻ đẹp của sự bổ sung

Đầu năm 1973, từ chiến trường về, tôi đến tìm Trúc Thông ở Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Sung sướng được gặp lại sau những ngày bom đạn, Trúc Thông rủ:

- Hôm nay ở Quảng Bá có cuộc vui lắm, mình cùng xuống đấy nhé.

- Bao lâu mới gặp nhau, mình tìm một quán trà nào đó, tôi với ông nói chuyện chả vui à, việc gì phải xuống tận đấy?

- Dịp may hiếm có, mình xuống đấy, xong muốn đi đâu thì đi.

Chẳng kịp hỏi dịp may hiếm có đó là gì, cứ thế đi. Trúc Thông Pơ-giô, tôi Vĩnh Cửu, đạp ngược gió mùa đông bắc lên mạn hồ Tây. Đó là những ngày hòa bình đầu tiên sau Hiệp định Paris. Hà Nội như một lẵng hoa vừa tưới nước. Chưa ai kịp may một chiếc áo mới, đường phố vẫn đầy màu quân phục, nhưng những dòng chảy của mắt cười ngây ngất bốc men say.

Quảng Bá đây, nơi hò hẹn của lứa chúng tôi. Trường dành cho những người viết văn trẻ đã mở tới khóa thứ tám, nhưng tôi vẫn đành đứng ngoài ngó vào. Hôm ấy, lớp tổ chức đón Đoàn chiến sĩ hòa bình Nhật Bản. Đoàn có ba người, hai nữ, một nam. Đều là cánh nhà báo, nghệ sĩ vừa mới sang ta. Nổi nhất là một nữ diễn viên múa, đẹp, tấm lưng thon, cầm chiếc nón Việt Nam duyên dáng đầy ma lực. Rồi chị đọc thơ, gương mặt thật kiều diễm. Phạm Tiến Duật, lần đầu tôi gặp anh, gầy xanh, làm chủ trò. Duật giới thiệu rất hay một chàng trai Pa Dí lên hát: Pờ Sảo Mìn. Cái gì ở đây đối với tôi cũng là lần đầu tiên cả. Pờ Sảo Mìn cũng thế. Anh mới học ở nước ngoài về, khoác chiếc áo vét màu da bò, ôm cây đàn ghi ta rất điệu nghệ. Mấy chục năm qua, tôi không còn nhớ anh hát bài gì, chỉ nhớ cái dáng rất sành nghệ của anh.

Sau này, mãi sau này, trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 vào năm 2010, Pờ Sảo Mìn ung dung lên đọc thơ ở Văn Miếu. Lúc này chúng tôi đã rất thân thiết. Anh đọc bài thơ Cây hai ngàn lá… Độc đáo, bất ngờ, rất Pờ Sảo Mìn, đầy phong vị miền núi. Tiếng vỗ tay dành tặng anh vang dội. Tôi ở dưới ngắm lên, lan man nghĩ, rằng, đây, một người con biết ơn dân tộc mình và có thể làm sang cho dân tộc mình như thế đấy. Từ trường hợp của Pờ Sảo Mìn, tôi nghĩ, mỗi nhà thơ cần và phải trở thành đặc sắc. Đó là lý do tồn tại. Được như vậy, khó lắm thay. Nhà thơ có trách nhiệm trở thành một của hiếm. Anh phải làm cho người ta cảm nhận ra cuộc sống như mới lần đầu.

Nói tình yêu đôi lứa, người ta đã nói từ lúc có con người đến bây giờ, và chắc sẽ còn mãi mãi. Nhưng tôi quá sướng và quá ngạc nhiên chưa gặp đâu như Pờ Sảo Mìn:

Anh muốn xé anh làm trăm mảnh con người

Mỗi mảnh một việc đỡ mệt nhọc cho em

(Xuân nhớ về thăm vợ)

Thật không còn biết đó là cái hay của chữ hay cái hay của tình. Chỉ biết nó độc đáo, tinh khôi, nó là lần đầu tiên, là duy nhất, nó như một thiên thạch từ đâu quăng xuống. Nó cho người ta biết rằng, cái hay là vô tận. Và trên hết, nó làm ta xúc động đến tận tâm can. Thế giới sáng tạo mới kỳ bí làm sao.

Sự đời rong ruổi, người con trai Pa Dí tài hoa ấy bước xuống cầu thang, ra suối bắt cá, bắt cả cái bóng của người con gái tắm trên nguồn suối, rồi anh ra thị thành, gặp bao người khác cũng vừa xuống núi như anh, làm nên một hòa hợp, một cuộc công diễn văn hóa, nhộn nhịp nhưng đặc sản tinh thần của cái hồn quê. Nhưng Pờ Sảo Mìn thực sự là Pờ Sảo Mìn khi anh nhấp khẽ thứ rượu ngô thơm lừng được chưng cất từ núi rừng và suối nguồn đặc biệt của quê anh. Và đây, lại một đặc sản khác của Pờ Sảo Mìn:

Tôi gọi em đích thực: Mẹ ơi!

Mẹ của các con

Và mẹ của chính tôi

Không có vợ không câu thơ sinh nở

Không có vợ không bài ca để hát

Vợ tôi

(Vợ tôi)

Mỗi người sẽ cảm nhận cái hay của những câu thơ trên khác nhau. Bảo nó tân kỳ về chữ, độc đáo về câu, biến hóa về hình ảnh thì hầu như không phải. Nhưng bảo nó gợi đúng một tâm trạng, một trải nghiệm thì tôi cho đó mới thật là chỗ tài tình của anh.

Cứ như thế, dần dần, Pờ Sảo Mìn rút cuộc đã làm được một việc khó nhất của một nhà thơ: đó là sự bổ sung. Anh là sự bổ sung cho đời sống thơ ca của chúng ta:

Tiếng chim trên cao

Người vùng rừng hay nhìn xuống đất tìm chỗ đặt bàn chân

Liệu con có nhìn xuống gốc

Kêu hoa thơm trái chín đầu cành

Bếp lửa nhà mình tiếp củi quanh năm

Con đi xa biết tiếp gì cho ấm

Mười mấy năm con theo cha núi cao, rừng rậm

Ngày mai về, có nhớ lối không con

(Bếp lửa nhà mình)

Nói là tính thời sự, là khả năng cập nhật của thơ ca, xem ra có vẻ chữ nghĩa quá, nhưng cũng không còn cách nào khác để nói về độ sâu trong dòng nghĩ và cảm của Pờ Sảo Mìn về thực tại, về đời sống hôm nay qua những dòng thơ đó, rằng, đó lại là vẻ đẹp khác của Pờ Sảo Mìn. Một hướng đi đầy triển vọng, khi thơ anh đang khoan sâu vào một vỉa khác: Thế sự.

Hà Nội, 17-6-2015

HỮU THỈNH