Dân gian còn lưu truyền, thời xưa ở xứ Nghệ, các thầy đồ, thầy khoá, các ông tú, ông cử, ông nghè, vào những đêm “trăng thanh gió mát” thường rủ nhau đi… hát ví ở các Phường Vải, đối đáp thơ ca tự nhiên và cảm động với các cô gái, giữa cảnh sắc quê hương kỳ thú, mộng mơ.
Nội dung hát ví thường là những lời ca ngợi tình yêu đôi lứa, ca ngợi quê hương đất nước và con người; những điều “thách đố” đáng yêu; những câu hát giàu trí tưởng tượng, hết mực thông minh mà cũng dạt dào tình cảm, chân thành, tha thiết.
Ở Nghệ An, xưa kia có khá nhiều Phường Vải nổi tiếng như Hoàng Trù, Ngọc Đình, Nam Kim, Trường Lưu… Đó là những làng quê chân chất, thanh bình như bao làng quê khác ở xứ này. Đất Nghệ ngoài nghề trồng lúa, trồng khoai… còn có nghề phụ khác như nghề dệt vải. Đặc biệt ở những Phường Vải, thường có nhiều cô gái vừa đẹp người, đẹp nết lại hát hay, đối đáp giỏi. Phường Vải nổi tiếng cũng là nơi thu hút nhiều danh sĩ tới tham gia hát ví. Và trong số các danh sĩ ấy, có Giải San, tức cụ Phan Bội Châu nổi lên như một ngôi sao sáng của những “khúc hát Phường Vải”. Ngày ấy, cụ Phan đứng đầu nhóm “Nam Đàn tứ hổ” (gồm 4 người nổi tiếng của đất Nam Đàn).
Với Phan Bội Châu, tuổi trẻ của ông gắn liền với các hoạt động yêu nước sâu rộng. Chí lớn và hoài bão của ông không phải chỉ bó hẹp trong huyện, trong tỉnh mà là khát khao giành lại độc lập tự do cho đất nước. Cho nên, ông chủ trương cùng một số sĩ phu và người yêu nước khác vận động thành lập phong trào Đông Du, đưa thanh niên ra nước ngoài (cụ thể là sang Nhật Bản) học tập và vận động các giới đồng bào thức tỉnh làm cách mạng đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập cho nước nhà…
Thời gian đầu, khi hoài bão còn trong giai đoạn “chuẩn bị”, Phan Bội Châu vẫn luôn hoà mình với cuộc sống bình dị ở ngay chính quê hương mình, cùng mọi người lao động, học tập và tham gia các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ truyền thống giàu ý nghĩa. Hát ví là một sinh hoạt như vậy và cụ Phan cũng thường tham gia. Chỉ có điều đến với hát ví ở Phường Vải, cụ Phan không bỏ lỡ cơ hội nhằm tuyên truyền, giác ngộ tinh thần cách mạng của chị em phụ nữ: yêu nước, thù giặc, sẵn sàng tham gia công việc cách mạng đánh đuổi quân xâm lược. Cho nên, cụ mới hát khích lệ chị em rằng:
Chị em cất gánh quan hà
Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam.
Sự “rõ mặt” ấy của người phụ nữ Việt Nam chính là ý chí, là truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, là “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”…
Hát ví ở Phường Vải, đương nhiên không thể mất đi cái chất dân gian, sự dí dỏm, tính tự nhiên và cả cái tính người ẩn chứa. Tham gia hát ví Phường Vải, cụ Giải San cũng không phải là ngoại lệ trong nét chung đó. Vì vậy mà có nhiều lúc, chị em ở các Phường Vải vẫn trêu chọc cụ - bảo cụ là đến Phường Vải như là “ong bướm tìm hoa”, họ hát rằng:
Ầm ầm nghe tiếng ông San
Rủ nhau cất gánh lên ngàn tìm hoa
Dù chỉ là câu hát “trêu chọc”, nhưng không phải không khiến cụ Phan “động lòng” và phải trổ tài đưa ra những lời hát đối lại “đắc địa” để hoá giải.
Có lần, vào một đêm trăng huyền ảo, cụ Phan cùng vài người bạn đến hát ở Phường Vải Trường Lưu. Các cô gái vừa đẹp người lại có tài đối đáp ở đây liền “phủ đầu” các “chàng” bằng câu hát với ý hỏi quê quán:
Mấy khi khách đến chơi nhà
Chẳng hay quê quán khách đà ở đâu?
“Chàng” hát trả lời:
Trước Lam Thuỷ sau Hùng Sơn
Nhà nào đọc sách, gẩy đàn nhà anh!
Chả là, tuy quê cụ Phan ở làng Đan Nhiệm, huyện Nam Đàn, nhưng hồi đó cụ lại làm nhà ở Chợ Đồn mà phía trước có dòng sông Lam thơ mộng, phía sau có núi Hùng Sơn, cụ khi ở nhà lại hay đọc sách, gẩy đàn.
Nhưng các cô gái vẫn chưa buông tha, lại hát tiếp, hỏi cả bốn “chàng” cùng đến:
Bốn chàng quê quán nơi đâu
Xin tường danh tính để sau khuyên mời?
Hỏi vậy thì sao có thể chối từ được. Chàng San đành đáp lại:
Nam Đàn tứ hổ là đây
San, Lương, Đôn, Quý một bầy bốn anh.
“Tứ hổ” là tên nhóm do “chàng” San đứng đầu, gồm bốn người có tên là San (chính là Phan Bội Châu), Lương, Đôn, Quý; cả bốn người cùng đến Trường Lưu hôm đó.
Cũng tại Phường Vải Trường Lưu, có một cô gái tên là Cúc, vừa đẹp lại hát hay, chỉ phải cái “duyên phận muộn màng”. Biết vậy, “chàng” San liền hát hỏi thăm cô:
Trăm hoa đua nở mùa xuân
Cớ sao Cúc lại muộn màng về thu!
Nghe vậy, cô Cúc đối lại rằng:
Ví chưng tham chút nhụy vàng
Cho nên Cúc phải muộn màng về thu!
Hoa là Người - Người là Hoa, sự tráo đổi tài tình mà vẫn mang đến cho người nghe sự hiểu biết và cảm xúc chân thành, sâu lắng.
Lần khác, “chàng” San đến hát sau một trận mưa, đường trơn, sân ướt, vì sơ ý nên bị ngã… Thấy vậy, mấy cô hát trêu luôn, mà thật “chua ngoa” chứ không vừa:
Đến đây đàn hát vui Xuân
Cúi đầu khấn lạy trước sân làm gì?
Vừa bực mình (vì bị ngã), lại vừa ngượng (vì bị trêu), nhưng “chàng” San vẫn vui vẻ hát lại:
Đất đâu có đất lạ lùng
Đứng thì không chịu, nằm cùng thì ưng!
Thật là tài tình, dí dỏm và cũng “chua ngoa” không kém, khiến các cô đỏ mặt, đấm lưng nhau cùng… cười.
Một buổi tối, “chàng” San cùng bạn đến hát ở Phường Vải Nam Kinh, các cô gái ở đây cũng chẳng vừa, cố ý hát để “dồn” “chàng” vào thế bí:
Sách rằng: Nghiêu hữu cửu Nam
Đan Chu là một, tám chàng tên chi?
Câu hát thật “độc”. Vì trong sách xưa chỉ có chép Đan Chu là con trưởng của vua Nghiêu chứ có nói tám người con thứ tên họ là gì đâu! Vậy làm sao có thể trả lời. Chẳng lẽ im lặng? Lát sau, “chàng” San cũng đáp rằng:
Các em là phận nữ nhi
Đan Chu cũng đủ, còn hỏi chi tám chàng?
Lời hát ấy không ngờ lại đánh ngay vào tâm lý e thẹn của các cô gái, khiến các cô không dám hỏi thêm gì nữa.
Trong hát ví Phường Vải, học vấn mà ta thường gọi là tri thức rất quan trọng; nhưng sự thông minh, tài đối đáp cũng quan trọng không kém. “Chàng” San luôn là người có được cả hai yếu tố ấy nên không chỉ được các “chiến hữu” kính nể mà các cô gái Phường Vải cũng rất nể trọng. Tài danh của cụ cả vùng ai cũng biết.
Ở Phường Vải Hoàng Trù, nổi tiếng có nhiều cô gái tài sắc, vừa đẹp vừa duyên dáng lại hát hay, đối giỏi. Trong đó nổi lên là cô Diên, không chỉ đẹp, hát hay mà còn… rất cảm tình với “chàng” San.
Trong một lần hát, cô ướm hỏi:
Nghe chàng là bậc tài danh
Sao mà mắc lấy chữ Tình chi đây?
Chả là xưa nay những kẻ có tiếng tài hoa thường hay ngang tàng, phóng túng, hay nặng nợ với chữ Tình. Biết ý dò hỏi ấy, “chàng” San hát trả lời:
Xưa nay những kẻ ngang tàng
Tài bao nhiêu, ấy tình càng bấy nhiêu!
Thực ra, khó mà kể hết những tình tiết đã bao nhiêu lần cụ Phan tham gia hát Phường Vải. Những khúc hát ấy, đã góp phần làm đậm thêm, phong phú thêm một loại hình sinh hoạt văn hoá – văn nghệ đặc sắc của quê hương xứ Nghệ.
Nhưng với cụ Phan, khúc hát Phường Vải không phải là tất cả vẻ đẹp của cuộc đời cụ. Bởi với cụ, phía trước là con đường lớn – Con đường cách mạng vì dân vì nước.
Cho nên, cũng thật bất ngờ - sự bất ngờ có nguyên do, nguyên cớ chứ không phải là vô cớ - cái đêm hát với cô Diên ở Phường Vải Hoàng Trù ấy, sau mấy lần hát đối đáp đầy tình ý giữa hai người, cụ Phan bỗng cáo từ ra về. Để rồi từ đó, cụ đã ra đi mãi, không cô gái Phường Vải nào còn gặp nữa. Ấy là cụ Phan đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng của non sông đất nước với lý tưởng giành độc lập, tự do, mưu cầu hạnh phúc cho nước, cho dân.
Và, vẫn trong cái đêm hát cuối cùng ấy, cô Diên cũng kịp cất tiếng hát rằng:
Tiệc đang vui vẻ lạ lùng
Cầm đàn há lẽ để chùng dây tơ?
Còn “chàng” San hát lại:
Vì chưng dặm liễu xa xôi
Cung đàn, tiệc rượu ngừng thôi hẹn ngày.
Nhưng cô Diên vẫn còn lưu luyến:
Lời đá vàng, dạ sắt son
Mời chàng nỉ nước, nỉ non khoan về.
Đáp rằng:
Đá vàng đã quyết trong đời
Dẫu về cách trở mà lời vẫn chung…
Không thể có gì giữ chân “chàng” San được. Bởi hoài bão cứu nước của “chàng” mới lớn lao, vĩ đại hơn nhiều. Từ sau đêm hát ví ở Hoàng Trù ấy, “chàng” San không còn là người của riêng các Phường Vải xứ Nghệ nữa mà “chàng” đã trở thành người con của đất nước, của dân tộc. Vậy nên lời hát cuối, cô Diên mới hát rằng:
Nước chảy cho đá trôi nghiêng
Chàng vui chung thiên hạ, thiếp sầu riêng một mình.
Cho dù câu hát có phảng phất một nỗi buồn riêng thì vẫn còn có niềm vui “chung thiên hạ” đắp bồi. Nỗi buồn ấy cũng dần qua đi. Còn với cụ Phan, với những “khúc hát Phường Vải”, cuộc đời cụ, con người cụ thật bình dị với quê hương, đất nước; nhưng lại vĩ đại biết nhường nào!