c) Nội dung tư tưởng của tác phẩm Đạo đức và luân lý Đông Tây
Trong một bài hồi ký về Phan Bội Châu, nhà sử học Trần Huy Liệu còn nhắc đến Phan Châu Trinh ngày cụ mới từ Pa-ri về Sài Gòn:
“Cụ Phan Châu Trinh về Sài Gòn vào lúc phong trào chưa nổi dậy, nên không có đón rước nào đáng kể. Nhưng khi cụ ở nhà ông Huỳnh Đình Điểu ở phố Pen-lơ-ranh thì hằng ngày, hằng giờ người ra vào thăm hỏi như mắc cửi. Một số thanh niên đang mải mê hoạt động thời ấy phải là những người đầu tiên tìm đến gặp cụ. Có điều là bất kỳ người nào đến gặp cụ cũng gặp phải một “thủ tục” nhất định như sau: Sau khi giới thiệu tên, tuổi, chức nghiệp rồi, mỗi người chúng tôi đều được cụ Phan hỏi một câu phủ đầu có tính chất sát hạch:
“- Anh đã đọc Dân ước của Lư Thoa (Rút-xô) hay Vạn pháp tinh lý của Mạnh Đức Tư Cưu (Mông-tét-xki-ơ) chưa?
- Thưa cụ, đọc rồi ạ!
- Anh Ninh, anh ấy cũng đọc rồi đấy…”.
Chúng ta sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi thấy một nhà chí sĩ Việt Nam hồi ấy chưa vươn lên khỏi phạm trù tư tưởng của cuộc cách mạng tư sản dân chủ Pháp cuối thế kỷ XVIII; nếu có ngạc nhiên thì chỉ là thấy cuộc Cách mạng tháng Mười Nga nổ ra cách đó đã tám năm. Quốc tế Cộng sản và các Đảng cộng sản ở nhiều nước đã thành lập, trong đó có Đảng cộng sản Pháp (1921), vậy mà trong câu chuyện “hải ngoại” của cụ Phan không thấy có cái gì của thời đại mới cả.
Thế rồi, sau khi qua mấy câu vấn đáp kể trên như một “công thức”, chúng tôi chỉ còn được kính cẩn ngồi nghe hàng giờ những điều giảng dạy của cụ Phan về dân trí, dân đức, dân quyền và chấn hưng thực nghiệp v.v… Thực ra, những câu chuyện này nếu chúng tôi được nghe cách đây vài mươi năm thì chắc là thú vị đấy”(1).

|
GS Trần Văn Giàu đọc tham luận tại Hội thảo do Trung tâm nghiên cứu Quốc học tổ chức, năm 2001 |
Tư tưởng dân chủ tư sản với Việt Nam hồi những năm đầu thế kỷ XX còn là một điều tiến bộ, mới mẻ, thì nay, sau chiến tranh thế giới thứ nhất, đã mất tính chất mới mẻ, tiến bộ đó rồi. Phan Bội Châu, vì chủ trương cách mạng để giải phóng dân tộc, nên có những lúc vươn lên phạm trù “cách mạng thế giới”, “cách mạng xã hội chủ nghĩa”, cảm tình với Liên Xô, thán phục Lê-nin; còn Phan Châu Trinh vẫn theo chủ trương nhờ vào Pháp bảo hộ mà tiến lên, nên ở mãi trong các phạm trù tư sản dân chủ cũ kỹ. Hai bài diễn văn Đạo đức và luân lý Đông Tây và Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa của cụ ở Sài Gòn cuối năm 1925 nói lên điều đó.
Bài Đạo đức và luân lý Đông Tây có những đặc điểm tư tưởng sau đây:
Thứ nhất: Đề cao tác dụng của đạo đức, luân lý, khẳng định rằng phải tìm nguyên nhân mất nước trong sự mất đạo đức, mất luân lý.
Theo Phan Châu Trinh, nước mất hay còn, thịnh hay suy là do đạo đức, luân lý mất hay còn, thịnh hay suy; vấn đề chính phải giải quyết để phục hưng đất nước là phải phục hưng đạo đức, luân lý: “Anh em cho tôi tóm lại rằng: Ta đã biết nước ta mất cũng vì mất đạo đức luân lý, dân ta hèn cũng vì mất đạo đức luân lý, (người mình) bị người ta khinh bỉ, giày xéo cũng vì mất đạo đức luân lý; vậy thì ta phải sửa đổi bồi đắp nền đạo đức luân lý của ta lên”.
Như vậy, theo Phan Châu Trinh, vấn đề mấu chốt nhất trong việc cứu dân, cứu nước là vấn đề chấn chỉnh đạo đức, luân lý, vấn đề giáo dục, không phải là vấn đề đấu tranh chính trị, đấu tranh cách mạng.
Đến đây có thể thấy rằng Phan Châu Trinh mặc dù có hàng chục năm ở Pháp, ở Pa-ri, vẫn là một nhà Nho chính thống; Nho giáo chính thống bao giờ cũng xem đạo đức, luân lý là yếu tố cơ bản của lịch sử, của xã hội, của chính trị nữa.
Xem việc sửa đổi, bồi đắp nền đạo đức, luân lý là nhiệm vụ chủ yếu nhất của quốc dân lúc này, quan điểm triết lý duy tâm phù hợp với quan điểm chính trị cải lương chủ nghĩa không đụng chạm tới quyền thống trị của thực dân Pháp.
Thứ nhì: Cái đạo đức, luân lý mà Phan Châu Trinh đề cao ấy là đạo Khổng, Mạnh; cụ Phan khẳng định rằng nền dân chủ tư sản Tây phương ngày nay chính là đạo Khổng, Mạnh Đông phương ngày trước.
Năm 1925, Phan Châu Trinh cổ vũ cho đạo đức, luân lý nào để cho quốc dân ta chấn hưng tâm hồn của mình: “Từ nãy giờ tôi nói đó chỉ là đạo đức luân lý của Âu châu, chớ không phải đạo đức luân lý của ta, anh em nghĩ là tôi bội đạo Khổng, Mạnh chăng? Xin thưa, từ khi tôi hiểu được chút ít đạo Khổng, Mạnh thì tôi lấy làm sùng bái lắm. Đạo Khổng, Mạnh hay thật, nhưng bây giờ ta biết kiếm ở đâu?”. Cụ nói rằng, chẳng những ở Việt Nam mà ngay cả ở Trung Quốc bây giờ cũng không tìm đâu cho thấy đạo Khổng, Mạnh. “Nước Nam và nước Tàu đã bỏ lãng đạo lý ấy từ lâu”. Vì bỏ đạo Khổng, Mạnh mà suy yếu, ý cụ Phan muốn nói như thế. Rồi cụ tán dương, cổ vũ Khổng, Mạnh truyền thống, cho rằng nó đã hay ho mà lại có tính chất hiện đại nữa kia: “Đạo Khổng, Mạnh không phải là chuyên chế của các nhà vua ta đâu. Đạo Khổng dạy quân dân trịnh trọng rất bình đẳng, nghĩa là dạy dân phải kính vua như cha mẹ, mà vua cũng phải duy lòng đó mà coi dân như con đỏ. Vua dân đều cần có đạo đức luân lý cả. . Trong sách Đại Học, Tăng Tử dẫn lời đức Khổng rằng: Tự thiên tử chí ư thứ nhân nhất thị giai dĩ tu thân vi bản; tức là từ vua đến dân đều phải lấy việc sửa mình làm gốc. Sửa mình là việc lớn mà đức Khổng Tử buộc dân và vua đều phải như thế, thì chẳng là bình đẳng lắm ru? Cái chính thể ấy, bên châu Âu thực hành đã lâu rồi, nghĩa là cái chính thể quân dân cộng trị mà Tàu dịch là quân chủ lập hiến, tức như chính thể nước Anh, nước Bỉ hiện nay đang thực hành vậy. Đến thời ông Mạnh, các vua chư hầu chuyên chế quá, thì ông lại xướng ngay lên cái chủ nghĩa dân chủ, như ông nói rằng: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh; nghĩa là dân quý hơn hết, đất đai thứ nhì, vua là khinh. Ngày nay bên Đức, bên Pháp, bên Nga, tuy chính thể của họ có khác nhau chút đỉnh nhưng đều là dân chủ cả”.
Như vậy là Tàu, ta theo đạo Khổng, Mạnh bao nghìn năm mà đã làm mất đạo Khổng, Mạnh biết từ bao giờ, nên suy vi; còn Âu châu thì lại thực hiện đúng như đạo Khổng, Mạnh, nên cường thịnh! Cụ Phan thực chưa nắm lịch sử Đông Tây, chưa nhận ra bản chất và nguyên lý của các chế độ cộng hòa dân chủ hay quân chủ lập hiến Tây phương. Trong cái nhu cầu lý tưởng hóa, tuyệt đối hóa, hiện đại hóa đạo Khổng, Mạnh, cụ Phan nghĩ ra một khái niệm “bình đẳng” rất lạ đời, ở đó, ông vua xem dân như con, thì vua và dân là bình đẳng; ở đó vua sửa mình để làm vua cho minh, còn dân sửa mình để làm dân cho trung, thì vua và dân là bình đẳng! Phan Châu Trinh cho rằng cái văn minh Âu châu bây giờ không có gì trái với đạo Khổng, Mạnh thì phải tìm ở văn minh Âu châu chớ không phải ở đâu khác: “Đạo Khổng, Mạnh đã mất đi rồi, nay ta muốn có một nền đạo đức luân lý vững vàng thì không chi bằng ta hết sức đem dùng cái chủ nghĩa dân chủ châu Âu. Chủ nghĩa dân chủ chính là một vị thuốc hay để chữa cái độc quyền chuyên chế của mình. Đem văn minh Âu châu về tức là đem đạo Khổng, Mạnh về”.
Đó là một cách khá lạ để cổ vũ cho dân chủ tư sản Tây phương. Dân chủ tư sản Tây phương tức là chế độ chính trị của những nước như Pháp, Anh v.v… đi xâm lược và thống trị thuộc địa. Theo cụ Phan, các nước Tây phương thực tế theo đạo chân Nho, nên phú cường, còn Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên thực tế theo đạo tà Nho: “Những nước theo đạo tà Nho đều yếu hèn mà mất nước một cách thảm thê”.
Thứ ba: Đạo đức luân lý Tây phương cao hơn đạo đức luân lý Đông phương.
Theo sự nhận xét của Phan Châu Trinh thì đạo đức và luân lý Tây phương phát triển thành ba giai đoạn, từ gia đình, lên quốc gia, đến xã hội. Cụ nói: Thời trung cổ, châu Âu cũng nặng nề về luân lý gia đình như ta; rồi từ thế kỷ XVI trở đi, quốc gia luân lý hình thành với sự thành lập các quốc gia và với tính hiếu chiến tự nhiên của người châu Âu. Từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất, bởi sự tàn phá lớn lao quá sức của cuộc chiến tranh đó “mấy nhà đại chính trị, đại triết học, đại giáo dục đều biết rằng cái thời đại quốc gia đã qua, không thể duy trì lại được nữa, đành phải bỏ mà tiến lên thời đại xã hội vậy”. Trước hết cần hiểu rằng cái “xã hội luân lý” mà Phan Châu Trinh nói không phải là một thứ chủ nghĩa quốc tế nào đó, mà chỉ là một thứ lòng “nhân”, một thứ “nghĩa hiệp” nào đó thôi: “Người có quyền giúp người không, người mạnh giúp người yếu, nhà giàu bỏ tiền lập nhà thương, trường học cho con nhà nghèo” v.v…
Nếu có nhà đạo đức nào của Tây phương đọc đoạn dẫn văn này, họ sẽ than phiền tại sao cụ Phan làm cho đạo đức luân lý hiện đại của họ nghèo nàn đến thế; nhưng trong trạng thái nghèo nàn đó, Phan Châu Trinh vẫn còn thấy rằng đạo đức luân lý của Tây phương cao hơn đạo đức luân lý ở Đông phương. Cao hơn ở hai chỗ: Chỗ thứ nhất, ở “cái tính nô lệ ở người mình ngày nay chính là mang từ trong gia đình chuyên chế mà ra”, chỗ thứ hai, “quốc gia luân lý của ta từ xưa đến nay chỉ ở trong vòng chật hẹp của hai chữ vua tôi”. Tây Hồ muốn dắt ta đến một điểm quan trọng là đạo đức của ta do những lý do trên mà không bao gồm chủ nghĩa yêu nước, đáng lẽ chủ nghĩa yêu nước phải là vấn đề căn bản nhất của đạo đức luân lý. Đúng lắm vậy. Cụ khẳng định rằng yêu nước là một lẽ tự nhiên không có thể ngăn cấm được: “Một nòi dân cùng một giọt máu xẻ ra, cùng một thứ tiếng nói, ở trong miếng đất mà ông cha nó đã đổ mồ hôi, đổ nước mắt để vỡ vạc ra thành một nước lưu truyền bốn nghìn năm đến giờ, thì được phép hưởng quyền lợi trong miếng đất ấy, được sống ở đó, chết chôn ở đó, giàu nhờ đó, nghèo nương đó, làm gì thì làm, không ai cấm đoán được. Loài dân ấy không đến nỗi như dân Do Thái ở bên Âu châu, đi đâu cũng bị ngược đãi; không đến nỗi như bọn hắc nô(2) ở Mỹ châu, tới đâu cũng bị khinh bỉ; thì cũng khi nào chịu quên ơn miếng đất mà chúng nó gọi là Tổ quốc của chúng nó bao giờ. Một loài dân như vậy, nay bảo nó đừng thương Tổ quốc thì bảo nó thương ai”.
Thứ tư: Loại trừ bạo lực cách mạng ra khỏi đạo đức luân lý, ra khỏi tư tưởng yêu nước.
Sau khi nói những lời nói cảm động về chủ nghĩa yêu nước như trên, thì Phan Châu Trinh liền xối một gáo nước lạnh: “Cái thương nước tôi nói đây không phải là xui dân tay không nổi lên, hoặc đi lạy nước này cầu nước khác về phá loạn trong nước đâu”.
Công kích ai đó? – Rõ ràng là công kích cánh Đông Du của Sào Nam, công kích cuộc chống sưu thuế năm 1908 và các cuộc khởi nghĩa thất bại trong thời chiến tranh thế giới thứ nhất. Phan Châu Trinh tỏ ý khinh thị những tổ chức chống Pháp lâu nay hoạt động trong nước ta: “Đã mấy mươi năm nay nhờ các phong trào của thế giới xô đẩy duy tân mà trong nước ta cũng có đảng thủ cựu, đảng duy tân, đảng hòa bình, đảng kịch liệt, làm ồn ào cả lên mà rốt cuộc lại chẳng thành hiệu quả gì. Đến khi đổ bể thì thấy toàn là những đầu trâu mặt ngựa cả, chỉ bêu xấu cho cái danh giá của dân tộc mình, khiến cho người ta trông vào thấy càng khinh rẻ thêm, càng vày đạp thêm”.
Sao lại mạt sát nặng nề như vậy? Sao lại tự cho quyền mạt sát những người nổi lên chống Pháp, dù họ bị thất bại? Phan Châu Trinh công khai bảo họ là dại dột “chỉ mê tín cái lịch sử đời xưa”, “trọng chủ nghĩa phục thù”, “tìm mưu kế phỉnh phờ cho dân nó dấy lên, nhưng than ôi, một con dao, một đoạn tre thì có làm gì! Cái nỗi thảm hại đem thịt ra cho người băm, đưa đầu ra cho người bắn, nghĩ cũng đáng thương, nhưng công việc làm nào có ích gì, chẳng qua làm cho dân đức của ta thêm trụy lạc…”.
Bậc anh hùng bị xem là kẻ dại dột, phỉnh phờ, mê tín lịch sử xưa, thậm chí là đầu trâu mặt ngựa! Sao vậy được? Nổi lên đánh Pháp đô hộ là “làm dân đức thêm trụy lạc” là nghĩa làm sao? Những ý chống bạo động cách mạng này xa với chủ nghĩa yêu nước chân chính quá!
d) Nội dung tư tưởng của tác phẩm Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa
Đề tài được bàn thì rất to lớn, hấp dẫn, nhưng nội dung bài diễn văn thì nghèo nàn, tẻ ngắt. Nhiều người kêu là cụ Tây Hồ không chịu khó nghiên cứu kỹ lịch sử và các chính thể Tây phương. Chúng ta chú ý đến mấy nét tư tưởng chính sau đây của bài Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa.
Một là: Khẳng định rằng, chuyên chế, nếu không mất ngôi thì mất nước.
Ở đây cũng như Đạo đức và luân lý Đông Tây, Phan Châu Trinh ra sức bảo vệ Nho giáo; cụ nói rằng các triều đại Trung Quốc từ Hán về sau nói là họ theo Nho giáo chứ thật ra họ chỉ dựa vào danh nghĩa đạo Nho để mà áp chế nhân dân; đạo Nho không phải như thế; đạo Nho không có trách nhiệm gì về cái chuyên chế của các nhà vua. “Các ông đồ nước ta khi dạy rằng vua nước mình theo đạo Nho, triều đình mình sùng đạo Nho, dân mình theo đạo Nho, đều là nói sai sự thật cả”. Như thế nghĩa là xưa nay bên Trung Quốc và ở Việt Nam, chưa có nhà cầm quyền nào, chưa có ai hiểu đạo Nho cả. Cụ Phan theo đúng truyền thống “xưa hơn nay”, “trước hơn sau” của Nho giáo rằng: “Chính trị của nhà Hán không có gì rộng rãi công bằng, nhưng vẫn còn hơn Đường, Đường vẫn còn hơn Tống, Tống vẫn còn hơn Nguyên, Nguyên vẫn còn hơn Minh, Minh còn hơn Thanh”.
Các triều đại đó nói theo Nho, nhưng, lời cụ Phan, họ chỉ lấy danh nghĩa để mà chuyên chế. Nếu đạo đức luân lý Tây phương cao hơn đạo đức luân lý Đông phương thì chuyên chế ở Đông phương khéo hơn chuyên chế ở Tây phương, khéo hơn ở chỗ nó cốt tôn lên mấy lời tà thuyết nhằm làm cho nhân dân ngu muội để giữ cho ngôi vua bền lâu. Nhưng khéo ở đó mà chết cũng đó. “Tuy đâu giữ khéo thì dân trong nước không động đến ngôi vua của con họ thật, nhưng mà ngoại quốc đến lấy thì dễ như chơi, bởi vì dân nó ngu, không biết nước là gì cả. Ta thử xem cái gương nhà Tống mất với Liêu rồi mất với Kim, sau nữa mất với Mông Cổ. Còn nhà Minh thì mất với Mãn, Cao Ly (Triều Tiên) thì mất với Nhật, Việt Nam thì mất với Tây”.
Đó là: Sở dĩ chuyên chế phải mất nước là vì quân trị giết chết lòng yêu nước của dân.
Dân trị chủ nghĩa tuy có pháp luật mặc lòng, nhưng mà pháp luật tự tay ông vua lập ra, chớ còn dân thì không biết gì hết. Vậy cho nên, khi nào gặp một ông vua thông minh anh hùng hiểu được sự quan hệ giữa dân và nước là thế nào mà trừng trị lũ quan tham nhũng, để dân được yên lặng làm ăn thì dân giàu nước mạnh, mà cái thì giờ của vua sống được bao nhiêu thì nước thái bình bấy nhiêu”. Quân trị mà nước thái bình, nước mạnh dân giàu thì ít có và tạm thời: Quân trị không bằng dân trị. Và: “Nhân trị nghĩa là cai trị một cách rộng rãi hay là nghiêm khắc chỉ tùy theo lòng vui buồn, thương ghét của một ông vua mà thôi, pháp luật tuy có cũng như không”; như vậy, nhân trị không bằng pháp trị. Cụ Phan còn nói: “So sánh hai cái chủ nghĩa quân trị và dân trị thì ta thấy chủ nghĩa dân trị hay hơn cái chủ nghĩa quân trị nhiều lắm. Lấy theo ý riêng của một người hay một nước thì cái nước đó không khác nào là một đàn dê, được no ấm vui vẻ hay phải đói rét khổ sở tùy theo lòng người chăn. Còn theo cái chủ nghĩa dân trị thì tự quốc dân lập ra hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung cả nước, lòng quốc dân muốn thế nào thì làm thế ấy. Dù không có người tài giỏi làm cho hay lắm, không đến đỗi phải cúi đầu khốn nạn làm tôi mọi một nhà, một họ nào”.
Không cần chú ý đến cái mâu thuẫn trong tư tưởng của Phan Châu Trinh khi cụ vừa tán dương Nho giáo vừa công kích quân trị và nhân trị, chỉ cần biết rằng tán dương dân trị so với quân trị, pháp trị so với nhân trị là đi vào hướng tiến bộ. Một đặc điểm trong chủ nghĩa dân trị của Phan Châu Trinh là ở chỗ cụ ghét cay ghét đắng nền quân chủ, cụ tố cáo rằng: “Cái độc quyền quân chủ nó giết hẳn cái lòng ái quốc của dân Việt Nam ta; bây giờ muốn cho dân Việt Nam biết nước là của nó, thì phải đem cái tụi bù nhìn đó vất hết cả đi…”.
Tất nhiên là ai cũng dễ chấp nhận cái sự thật là tư tưởng trung quân cản trở, hạn chế, bóp méo chủ nghĩa yêu nước chân chính. Nhưng từ đó mà nói rằng lòng yêu nước của nhân dân ta bị chết hẳn dưới chính quyền quân chủ, thì làm gì đến mức đó? Ngàn năm quân chủ, dân tộc Việt Nam chẳng có truyền thống yêu nước chân chính hay sao? Càng khó chấp nhận với Phan Châu Trinh rằng điều kiện đầu tiên để gây dựng lại lòng yêu nước cho nhân dân là thủ tiêu vua bù nhìn và bè lũ. Vua bù nhìn đúng là một trở lực cho sự thực hiện quyền dân tộc và dân chủ song trở lực chính, chính là đế quốc thực dân; rõ ràng như vậy, nhưng cụ Phan không hiểu như vậy. Cụ Phan đặt cày trước trâu. Đặt cày trước trâu thì chỉ triển lãm trâu và cày chớ không cày được thước đất nào. Đặt vấn đề dân trị, dân chủ mà không đặt vấn đề đấu tranh diệt thực dân, giành độc lập dân tộc thì không đi đến đâu hết.
Nhân dân làm truy điệu cho Tây Hồ hết sức trọng thể vì Tây Hồ là một chí sĩ, vì năm 1926 phong trào yêu nước lên rất cao, không phải vì giá trị và ảnh hưởng của hệ thống tư tưởng chính trị của cụ.
ĐẶNG MINH PHƯƠNG sưu tầm
(Trích Tổng tập Trần Văn Giàu, tập 3, NXB Quân Đội Nhân Dân, 2008)
(1) Nhà yêu nước và nhà văn Phan Bội Châu, Viện Văn học (Việt Nam), 1970, tr.281-282.
(2) Hắc nô là người nô lệ da đen