Cho đến nay, chính tả của chúng ta vẫn chưa được thống nhất. Trong bài viết này, chúng tôi không đi vào chi tiết về nguyên tắc viết chính tả mà chỉ nói về cách dùng hai chữ i ngắn và y dài liên quan đến việc viết tên vua Lý Thái Tổ nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Từ những năm 1979-1980, Bộ Giáo dục đã phối hợp với Ủy ban Khoa học Xã hội để “Chuẩn hóa chính tả và thuật ngữ” và ngày 30/11/1980 đã thông qua một số quy định về chính tả để áp dụng trong việc biên soạn sách giáo khoa.
Để tạo điều kiện cho việc thực hiện tốt quyết định này, Bộ Giáo dục đã giao cho Trung tâm biên soạn sách giáo khoa và Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức biên soạn và xuất bản quyển Tự điển chính tả tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, với sự cộng tác của Lê Anh Hiền và Đào Thản (Nhà xuất bản Giáo dục in năm 1985). Quyển từ điển này được biên soạn theo đúng các quy định về chính tả tiếng Việt ban hành theo Quyết định 240 QĐ.
Sau đó, năm 1988, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội lại cho xuất bản quyển Từ điển tiếng Việt cũng do Hoàng Phê chủ biên, căn cứ vào các quy định về chính tả đã được Bộ Giáo dục và Ủy ban Khoa học Xã hội ban hành, hai quyển từ điển ấy tưởng rằng sẽ được coi là sách công cụ cho các nhà giáo, sinh viên, học sinh, nhà văn, nhà xuất bản, báo chí, cơ quan truyền thông đại chúng… nhưng cho đến nay, quy định ấy chỉ được áp dụng trong học đường đối với sách giáo khoa còn báo chí và nhất là đại chúng ngoài xã hội đều không tuân theo.
Đến năm 2000, trong lúc chờ đợi sự quy định thống nhất chính tả của Nhà nước, ban biên soạn bộ Tự điển Bách khoa Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ, qua Công văn số 4: 1635/VPCP - KG ngày 27/4/2000, cho thực hiện nghị quyết của Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam để áp dụng trong việc viết chính tả.
Quyển Từ điển Bách khoa này cũng viết “i” đối với các tiếng có phụ âm đầu + vần “i” đều thống nhất viết hi, ki, li, mi, si, ti, vi… mà không viết “y” như trước đây.
Chúng tôi nhận thấy chủ trương viết như vậy là không ổn, tuy các từ điển cổ như Dictionarium Anamitico - Latinum của Giám mục Pigneaux de Béhaine soạn thảo năm 1772-1773 (bản viết tay), Dictionarium Anamitico - Latinum do Giám mục J.L. Taberd soạn thảo và in năm 1838, Dictionarium Anamitico - Latinum của J.B. Theurel in năm 1877, Đại Nam Quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895-1896), Việt Nam từ điển của hội Khai trí tiến đức in năm 1931 đều viết thống nhất bằng “i” các chữ hi, ki, li, mi, ti, vi…
Chúng tôi nhận thấy, tuy các từ điển cổ và các từ điển ngày nay cũng viết như vậy nhưng hầu hết mọi người từ lâu đã quen viết phân biệt “i” và “y” đối với các từ gốc Hán và từ gốc Nôm và nếu có sai theo nguyên tắc chính tả nhưng khi đã thành thông dụng thì phải chấp nhận và coi đó là “lỗi thông dụng” như người Pháp cũng cho là fautes d’usage.
Đối với các từ gốc Hán, người ta phần lớn đều viết với “y” dài như: hy (hy vọng, hy hữu), hý (hý khúc, hý kịch), hỷ (hỷ sự, hỷ nộ), ky (ky lặc, ky lữ), kỳ (kỳ công, kỳ hạn), ký (ký giả, ký nhận, ký ức), kỵ (kỵ binh, kỵ húy, đố kỵ), kỷ (kỷ luật, kỷ niệm), kỹ (kỹ nghệ, kỹ sư, kỹ thuật), ly (ly biệt, ly kỳ, ly tâm), lý (lý do, lý hóa), lỵ (lỵ chính, kiết lỵ, quận lỵ), mỹ (mỹ lệ, mỹ tục, nước Mỹ), ty (ty trưởng, công ty), tỳ (tỳ bà, tỳ nữ, tỳ vị), tý (tý hộ, năm tý), tỵ (tỵ hiềm, tỵ nạn, tỵ húy), tỷ (tỷ dụ, tỷ lệ, tỷ bạc),…
Đối với các từ gốc Nôm, người ta phần lớn đều viết với “i” ngắn như: hi (hi hí, cười hi hi), hí (hú hí, ti hí), hỉ (hỉ hả, hỉ mũi), ki (ki ca, ki cách), kỳ (kì cọ, kì kèo), kí (kí cóp, kí cót), kị (kị cọ, cụ kị), li (li ti, li bì), lì (nhẵn lì, lì lợm), lí (lí láu, lí nhí), mi (bọn mi), mỉ (tỉ mỉ), ti (ti tỉ), tí (tí tách, tí tị), tì (tì tì, tì tay), tỉ (tỉ tê, tỉ mỉ), tị (tí tị),…
Cũng như trong tiếng Pháp, đa số các chữ đều viết “i” ở âm tiết cuối như abri, cri, ennemi, lundi, midi, vendredi, samedi… nhưng cũng có những chữ lại viết với “y” jury, paddy, lorry. Trong tiếng Anh, tất cả các chữ có âm tiết cuối “i” đều viết “y” như army, beauty, chemistry, city, company, geography, history, industry, nationality, poetry, study treasury, vanity…
Riêng về tên người và tên đất mà ta đã quen viết với “y” dài thì không được sửa lại thành “i” ngắn hoặc đã quen viết với “i” ngắn thì cũng không được sửa lại thành “y” dài.
Thí dụ như tên các danh nhân sau đây Lý Đạo Thành, Lý Nam Đế, Lý Quốc Sư, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Lý Văn Phức… mà nay trên các đường phố trong toàn quốc đều viết với “y” dài, mọi người đã quen với mặt chữ rồi thì cũng nên tôn trọng.
Đối với những tên người đã ghi trong khai sinh, trong chứng minh nhân dân thì dù viết với “i” ngắn hay “y” dài cũng không được sửa lại.
Chúng tôi xin kể thêm việc trao quyết định cho ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ, được nhập quốc tịch Việt Nam vào chiều ngày 28/6/2010 thì một khi trên giấy tờ hộ tịch đã viết họ Lý với chữ “y” dài thì không ai có quyền sửa lại là “i” ngắn được.
Cũng trong ngày hôm đó, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhân dịp sắp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã tổ chức tại Thủ đô buổi ra mắt quyển Hoàng thúc Lý Long Tường mới được tái bản, cũng đã viết chữ Lý với “y”dài.

Tượng vua Lý Thái Tổ tại vườn hoa Chí Linh bên bờ Hồ Gươm - Hà Nội.
Chính vì những lẽ ấy, chúng ta phải thống nhất ngay cách viết chính tả chữ “LÝ” cho đúng, nhất là khi lề kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp đến với việc vua LÝ THÁI TỔ dời đô về đây vào năm 1010.
Tượng đài vua Lý Thái Tổ đã được đặt tại vườn hoa Chí Linh và đã được khánh thành vào ngày 7/10/2004 có sự hiện diện của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thủ đô Hà Nội.
Bệ tượng đài đã ghi rõ ràng: “LÝ THÁI TỔ” với chữ LÝ viết “y” dài thế thì chữ “LÝ” làm sao có thể sửa lại là “i” ngắn được. Thế nhưng hiện nay, trong nhà trường các thầy cô giáo đều theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà dạy các học sinh phải viết chữ “y” bằng “i” ngắn.
Chúng tôi nhận thấy đã đến lúc phải thống nhất ngay chính tả chứ không thể cứ để có sự bất nhất như hiện nay. Có thể các nhà ngôn ngữ học cho rằng phải viết “i” nhưng chính tả cũng phải viết theo thông dụng và nếu có sai người ta cũng coi đó là “lỗi thông dụng” (faute d’usage) như trong tiếng Pháp người ta cũng đã quy định như vậy.
Hơn nữa chính tả còn phải tôn trọng cái đẹp: CHÂN - THIỆN thì cũng phải có MỸ, chính vì vậy mà trong quyển L’ Académie francaise, Jean-Pol Caput có trích lời của L.Havet cho rằng: “Une orthographe limpide est une orthographe belle” (Một chính tả trong sáng là một chính tả đẹp).
Chính vì lẽ đó mà trên các biển tên đường phố trong các tỉnh thành trên toàn quốc, người ta đều viết bằng chữ LÝ bằng “Y” cho đẹp. Cũng như các công ty hiện nay không có công ty nào viết với “i” mà đều viết với “y” và khi viết tắt cũng viết CTY cho đẹp.
Qua các điều trình bày ở trên, chúng tôi cho rằng, nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Chính phủ cần phải cho thống nhất ngay chính tả, không thể để mãi có sự bất nhất như hiện nay, nhất là với chữ “i” và “y” thuộc tên vua Lý Thái Tổ.