Phiếm luận về chuyện làm từ thiện

Người rất nghèo làm được chuyện từ thiện rất lớn

Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, hồi thế chiến thứ nhất Hồ Chí Minh ở Luân Đôn (Anh) lấy tên là Nguyễn Tất Thành, làm công cho nhà hàng. Thời gian này, Nguyễn Tất Thành thấy nhiều người nghèo đói xúm xít ở công viên, còn trong nhà hàng khách ăn còn lại nhiều thức ăn thừa, nhà hàng trút bỏ hết. Nguyễn Tất Thành thu thức ăn thừa chứa lại cẩn thận vào chỗ đựng của mình. Hết buổi làm việc, Nguyễn Tất Thành trút vào túi mang đi. Nhiều lần ông chủ thấy kỳ lạ, cho người theo dõi. Theo ra công viên, quá bất ngờ khi thấy Nguyễn Tất Thành lấy thức ăn ra phân chia cho những người vô gia cư đói nghèo.

Tôi đọc chuyện tới đây, gợi nhớ liền một lời bình hồi tháng 9/1969, Hồ Chí Minh qua đời, tờ báo Dân Chủ Thiên Chúa Giáo bên Pháp viết bài tưởng nhớ Người, có đoạn: “Người được sinh ra để đem cơm cho ai đói, đem nước cho ai khát, đem áo cho ai rét”.

Người theo dõi về thuật lại chuyện của Nguyễn Tất Thành đối với người vô gia cư nghèo đói để ông chủ biết. Việc làm của Nguyễn Tất Thành đối với người vô gia cư làm cho ông chủ xúc động. Ông mời mọi người lại, kể chuyện của Nguyễn Tất Thành cho tất cả nghe và nói thêm: “Nguyễn Tất Thành là người xa lạ mà lan tỏa lòng nhân ái cao đẹp với người của xứ chúng ta. Đó là một tấm gương. Chúng ta sẽ làm như Nguyễn Tất Thành và còn làm hơn nữa mới phải người bản xứ”. Từ đấy về sau những người trong nhà hàng đều có ý thức thu gom thức ăn thừa, chứa vào một chỗ tử tế được xếp đặt chu đáo, đến hết buổi đem ra công viên phân phát cho người vô gia cư nghèo đói như Nguyễn Tất Thành đã làm.

Nhà báo mình biết được chuyện này bèn đi đến nơi tìm hiểu thì bây giờ nhà hàng đã được xây lại, phát triển hơn, đặc biệt chỗ Nguyễn Tất Thành ở được giữ nguyên làm bảo tàng lưu niệm một người có nhân cách lớn là Nguyễn Tất Thành.

Ngẫm ra, ta đang phát động học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không kết quả bằng hồi xưa bên Luân Đôn người ta học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh!

Người làm từ thiện đến chết cũng làm được việc từ thiện lớn

Ông Dương Đông hồi khởi nghĩa tháng 8/1945 làm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, ông tiếp tục nhận nhiều trọng trách cách mạng ở Nam Bộ. Sau ngày toàn thắng, nhà nước cấp cho ông ngôi nhà ở, sau một thời gian sử dụng vùng đất này thành đắc địa, ông bán ngôi nhà được nhiều tiền. Ông mua một cái nhà khác ít tiền hơn để ở, còn thừa ra số tiền bằng 1.000 lượng vàng, đem hiến hết vào quỹ từ thiện để cứu tế người khốn khó.

Những năm gần từ giã cõi đời, ông thường hay nói với mọi người: “Khi tôi đi theo ông bà, bà con đi tiễn đám ma tang lễ đừng mua vòng hoa cho tốn kém”. Khi ông qua đời, hầu hết người ta đi tiền phúng điếu tang lễ.

Xong tang lễ, gia đình tổng kết tiền phúng điếu tang lễ được 200 triệu đồng, đem hết số tiền và lời di chúc của ông Dương Đông hiến vào quỹ từ thiện như ông đã làm hồi bán nhà. Ở bên kia thế giới, nhận được tin này chắc là ông vui lắm.

Đại gia làm từ thiện kiểu “đổi mới tư duy”

Thứ nhất là đại gia Trầm Bê

Chùa Phnôđung ở huyện Trà Cú - tỉnh Trà Vinh đã 300 năm tuổi nên xuống cấp hư hỏng, được đại gia Trầm Bê xây mới. Ôi! Xây một ngôi chùa thì được công đức lớn lao biết mấy.

Đại gia là người đổi mới tư duy dữ lắm, là doanh nhân sành sỏi tính toán đầu vào đầu ra. Một ngôi chùa cũng là một công trình kiến trúc, có chủ đầu tư, cần gắn bảng hiệu trên cổng chùa với hàng chữ rõ nét: “Gia đình ông Trầm Bê xây dựng năm 2007”.

Đi vào chánh điện. Ôi! Nó lộng lẫy uy nghiêm vô cùng. Đó là nhờ đại gia đầu tư tài lực hết sức lớn lao, công đức tính ra đáng phong Thánh. Đại gia Trầm Bê tiếp thị chuyện phẩm cấp công đức phong Thánh với sư cả của chùa. Được chấp thuận cho cha, mẹ và Trầm Bê đúc tượng đồng làm thánh đặt cao sánh bằng nữ thần Apsara trong chánh điện. Các thành viên khác trong gia đình thì kém hơn nên được treo chân dung trong chánh điện.

Thứ hai là đại gia lập ngôi chùa Bái Đính ở Ninh Bình

Chùa Bái Đính sánh với Phnôđung như một trời một vực, Bái Đính to lớn hơn cả chục lần. Khuôn viên rộng, chùa đặt trên mặt đồi cao rất uy nghiêm hùng vĩ. Vào dưới đường bằng là vườn cây cảnh loại quý, đâu phải hạng rẻ tiền như cây si, cây sộp, xà cừ, phi lao. Cây bồ đề, rất “phật” mới hợp cảnh chùa, cao giá tốn kém nhưng vậy mới vừa ý, cho đáng đồng tiền của đại gia.

Cách trồng cũng không thông thường, thuê nhân công trồng hàng loạt mấy trăm cây. Tổ chức cho một nhân vật nổi tiếng trồng cây lưu niệm và khắc tên người trồng cây vào bia đá đặt tại cây đó. Tên ghi ở các bia đá toàn là nhân vật cao cấp nổi tiếng; cỡ bậc như trưởng phòng y tế, cục phó chăn nuôi, kế hoạch hóa gia đình… đâu được lọt vào đây.

Lên chùa đường bậc thang, đi giữa sự nghênh đón của hàng phật La Hán, nhiều phật lắm, cả trăm phật. Bên đường xuống cũng nhiều phật vậy, để tiễn khách. Long trọng như vậy nên được nhiều người thích vào chùa. Có tốn kém đầu tư bù lại thu hút được nhiều khách.

Vào trong chùa, oai nghiêm, cổ kính, đẹp lắm. Nhà gỗ, nhiều cột, cột to nhất cỡ hai người ôm mới giáp tay. Loại gỗ phải là danh mộc tứ thiết (gồm 4 loại gỗ tốt không bị mối mọt: Đinh, liêm, sến, táo) chớ đâu phải là gỗ cây bàng, mù u.

Phật, ôi! Hằng hà sa số phật, kể không xiết. Chỉ xin nói hai hình phật:

Ông phật to nhất: Giả tỉ trải một chiếc chiếu giường đôi lót cho ông ngồi thì chiếu lọt thỏm, phải bốn chiếc ken lại mới đủ lót cho ông phật to ngồi. Hướng dẫn viên bảo tượng phật bằng đá hoa cương, quý, đẹp, cao giá lắm.

Ông phật đẹp, vàng chóe: Phật này có hàng loạt ông để “phong phật” cho những đại gia đủ chuẩn công đức tấm lòng vàng cúng chùa. Những tượng phật có nhận tên người là tướng tinh người này nhập vào cốt tượng, đã được “phong phật”.

Chùa Bái Đính vĩ đại đầu tư rất nhiều tiền, hướng dẫn viên nói cả ngàn tỉ đồng! Tiếc quá, ước gì tiền được cứu nạn cứu khổ cho người bị nhiễm chất độc da cam hay bao cảnh đời khốn khó…!

Hai lẽ sống trái ngược nhau.

Có những người mải đem cơm cho ai đói, đem nước cho ai khát, luôn tìm cơ hội cứu tế người khốn khó mà không biết trình cáo với Trời Phật chuyện của mình làm. Trời Phật thông thị, giàu nhân ái không bỏ quên ban cho phước lành.

Kẻ lấy chuyện từ thiện phù phép toan tính, người đời đã không ưa thì đấng thiêng liêng nhất định cũng quở phạt.

 


Lời bàn

“Mê nhi cầu Phật, hoặc nhi cầu Thiền”. Phật tại tâm, đâu dính đến những chuyện thế tục. Chùa chiền cũng chỉ là phương tiện, đừng lầm ngón tay chỉ mặt trăng ra là mặt trăng! Chuyện Phật tại thế gian ngày nay còn lắm chuyện để bàn!

Chúng tôi đã đến chùa Bái Đính. Ngày nay, Bái Đính thuộc vào khu di tích Tràng An của Ninh Bình, có lẽ sắp được UNESCO công nhận là di sản thế giới! Mừng cho Ninh Bình nhưng cũng nên nói rõ: Chùa to đâu có dính gì đến Phật, dẫu là nhất Đông Nam Á. Phật không dính gì đến sự kiêu hãnh thế gian. Phật là từ bi, hỉ xả, là tính không… Nhìn lên đôi câu đối của chùa cao chót vót không đọc được mà phát hoảng, chưa nói gì đến tượng Phật cúng dường! Có cái hay mà cũng lắm cái chưa hay!

TUỆ QUANG bình chú

Huỳnh Kim Bản