Để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhiều kế hoạch, dự án của tất cả các lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật được triển khai và thực thi trong nhiều năm nay. Trong đó, những dự án phim truyện có đề tài này nhận được nhiều sự quan tâm của công luận. Đã bước vào năm 2010, nhưng đến nay hầu như chưa có dự án nào hoàn thiện…
Từ nhiều năm trước, để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hàng loạt những dự án phim được trình duyệt để chào đón. Các hãng phim nhà nước, hãng phim tư nhân, những nhà sản xuất phim, đạo diễn, nghệ sĩ… đều chuẩn bị tâm thế cho một tác phẩm hay, có quy mô hoành tráng. Sau các quy trình thủ tục phức tạp, cuối cùng các phim thuộc dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cũng được lên danh sách gồm: Thái Tổ Lý Công Uẩn, Người con của Rồng, Trần Thủ Độ…

Cảnh trong phim Trần Thủ Độ.
Mở đầu, gây ầm ĩ dư luận là dự án phim nhựa Thái Tổ Lý Công Uẩn của Hãng phim truyện Việt Nam. Với vốn đầu tư dự kiến lên tới 200 tỉ, bộ phim khiến công luận phải kinh ngạc và phản ứng mạnh. Báo chí ầm ĩ đưa tin, các “ứng cử viên” cho chức danh đạo diễn như Lưu Trọng Ninh, Đỗ Minh Tuấn… đua nhau tuyên bố hùng hồn với khán giả. Giới làm phim và khán giả, ai cũng trong tâm trạng hoài nghi vì nếu bộ phim lịch sử trị giá 200 tỉ này thành công, rõ ràng nền điện ảnh còn non nớt của Việt Nam sẽ chuyển mình, thay da đổi thịt. Nhưng cuối cùng, dự án với những mỹ từ to tát bị đình lại vô thời hạn.
Sau đó, Thái Tổ Lý Công Uẩn được thay thế bằng Chiếu dời đô. Nội dung phim vẫn tiếp tục xoáy vào sự kiện Lý Thái Tổ chọn thành Đại La làm kinh đô. Dự án phim lần này có vẻ “khả thi” hơn vì tính rõ ràng. Bộ phim do vốn đầu tư của tư nhân (trước là Hodafilm, sau là Công ty Kỷ Nguyên Mới) với con số lên đến 60 triệu đô la. Lưu Trọng Ninh được chọn làm đạo diễn. Cả đoàn làm phim đã bỏ nhiều tháng sang trường quay Hoành Điếm, Tượng Sơn, Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ xảo 3D và nhờ chuyên gia nghiên cứu lịch sử…
Sau khi Lý Công Uẩn của Hãng phim truyện Việt Nam bị “xếp xó”, khán giả phải chuẩn bị tinh thần cho một “trận bội thực” vị minh quân đầu triều Lý này. Ngoài Chiếu dời đô (đạo diễn Lưu Trọng Ninh) còn có hai bộ phim truyền hình cùng đề tài đang chuẩn bị bấm máy là Thái Tổ Lý Công Uẩn (kịch bản Đinh Thiên Phúc) và Huyền sử Thiên Đô (kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn).
Bên cạnh các bộ phim truyện truyền hình này, miền Nam còn góp vào kỷ niệm nghìn năm Thăng Long – Hà Nội bằng một bộ phim tài liệu 120 tập có tên Ngàn năm thương nhớ Thăng Long (Hãng phim TFS và Công ty BHD phối hợp thực hiện). Riêng Hãng phim truyện 1 chuyển hướng sang nhân vật Trần Thủ Độ, hiện đang quay ở trường quay Hoành Điếm (Trung Quốc).
Trong khi các hãng phim đua nhau làm phim lịch sử thì Đài Truyền hình Việt Nam lại khiêm tốn với những dự án thiết thực hơn. Nhà Đài kết hợp với Dolphin Media sản xuất bộ phim tài liệu Ký sự Thăng Long (104 tập), phác họa những nét đẹp, kể lại những câu chuyện có thật của đất Hà Thành. Ngoài ra, Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (trực thuộc Đài truyền hình Việt Nam) đang “bí mật” thực hiện một bộ phim truyện dự kiến 40 tập về một gia đình Hà Nội trước những thay đổi của thành phố thời kỳ toàn cầu hóa. Hiện ê-kip làm phim giữ kín thông tin về bộ phim đến phút lên sóng.
CÓ KỊP “DÂNG PHIM” VÀO NGÀY LỄ?
Đã bước sang năm 2010, thế mà các dự án phim vẫn ngổn ngang. Tất cả rắc rối bắt đầu bằng sự đình chỉ dự án phim Thái Tổ Lý Công Uẩn của Hãng phim truyện Việt Nam. Bộ phim này thậm chí còn chưa có kịch bản văn học. Nhiều người coi đây là “điềm xấu”, báo hiệu trắc trở cho những đoàn làm phim khác. Bộ phim Trần Thủ Độ trong lúc đang diễn tiến thuận lợi thì Á hậu Dương Trương Thiên Lý (vai Trần Thị Dung) đột ngột từ chối với lý do vì không muốn đóng những cảnh nóng. Còn ba bộ phim về Lý Thái Tổ hiện vẫn đang nằm trên giấy, chưa được bấm máy.
Nguyên nhân chính khiến bộ phim Thái Tổ Lý Công Uẩn bị ngưng cũng chính là vấn đề kinh phí, 200 tỉ tuy không phải quá lớn đối với ngân quỹ của nhà nước, nhưng vấn đề là niềm tin. Ai là người dám ký duyệt số kinh phí này với niềm tin là với số tiền ấy sẽ có một bộ phim xứng đáng với tầm vóc của nó. Vì thế, phải chuyển sang bộ phim ít tiền hơn là Trần Thủ Độ với con số 51 tỉ. Song, nếu theo dõi tiến độ của Trần Thủ Độ thì không ai dám tin bộ phim sẽ lên sóng kịp vào năm 2010. Biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn hoàn thành kịch bản vào năm 2004, nhưng đến năm 2006, dự án mới chọn được ông Phi Tiến Sơn cho vai trò đạo diễn.
Bao nhiêu kinh phí, công sức đổ ra cho các chuyến đi học hỏi kinh nghiệm tận Trung Quốc, Hàn Quốc đành tan biến khi có cuộc thay người vào phút chót: đạo diễn Đào Duy Phúc thay thế đạo diễn Phi Tiến Sơn. Vậy là dự án đang thực thi vốn đã lề mề, nay lại khởi động gần như từ đầu. Các bộ phim dã sử về Lý Công Uẩn thì mông lung hơn khi hiện tại còn chưa bấm máy.

Hồ Gươm là chất liệu không thê thiếu cho bộ phim ký sự
Ngàn năm thương nhớ Thăng Long.
Ảnh: VNExpress.
Đặc biệt là bộ phim truyện nhựa Chiếu dời đô vẫn còn đang kêu gọi đầu tư của các nhà hảo tâm. Không hiểu trong thời kỳ kinh tế khó khăn như hiện nay, những nhà đầu tư nào sẽ chịu bỏ ra số tiền lớn đến vậy để tài trợ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội? Với tình trạng như trên, may ra chỉ có hai bộ phim tài liệu là Nghìn năm thương nhớ Thăng Long và Ký sự Thăng Long có thể kịp “dâng phim” đúng ngày lễ kỷ niệm 1000 năm.
PHIM CÓ XỨNG ĐÁNG VỚI TIỀN DÂN?
Tình trạng “Nước đến chân mới nhảy” đã trở thành thói quen trong việc thực hiện các dự án phục vụ ngày lễ kỷ niệm ở nước ta. Hậu quả của tình trạng này là những bộ phim làm gấp khó có thể đạt yêu cầu về chất lượng. Khi được hỏi về tiến độ của phim, nhà sản xuất của phim Trần Thủ Độ trả lời rằng bộ phim sẽ được làm theo kiểu cuốn chiếu, nghĩa là vừa quay vừa dựng, vừa dựng vừa phát sóng. Chỗ nào không thực hiện được sẽ sang Trung Quốc thuê. Chắc hẳn rằng, các bộ phim truyền hình lịch sử khác mừng “sinh nhật” 1000 năm thủ đô cũng sẽ được làm theo phương pháp này.
Lâu nay, khán giả đã quá mệt mỏi khi phải “nhặt sạn” trong các bộ phim truyền hình hiện đại vì các bộ phim này có tốc độ sản xuất “chóng mặt”: kịch bản thì 1 tập/ngày, quay phim thì 2 ngày/tập. Nhưng nay đã là năm 2010, nhiều bộ phim vẫn còn chưa bấm máy. Huống hồ gì, các nhà làm phim Việt Nam không hề có kinh nghệm sản xuất phim dã sử.
Từ tháng 10 năm 2000, nhân dịp kỷ niệm Thăng Long – Hà Nội 990 năm, kế hoạch làm phim lịch sử 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã được vạch ra. Cuộc thi kịch bản phim phục vụ dự án cũng đã được tổ chức và trao giải. 10 năm để chuẩn bị, vậy mà đến sát ngày lễ, các dự án vẫn trăm bề ngổn ngang. Trách nhiệm này thuộc về ai nếu không thể nghiệm thu tác phẩm đúng thời hạn hoặc vì không kịp tiến độ, hoặc vì chất lượng quá kém? Nếu như những lo ngại trở thành sự thật thì quá lãng phí tiền của nhân dân. Hi vọng rằng, các nhà sản xuất có ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức để thực hiện được những tác phẩm xứng đáng với đồng tiền của nhân dân.