Cùng với việc nhiều đài truyền hình tăng thời lượng phát sóng phim Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường phim truyền hình trong những năm gần đây dẫn tới nhiều “hệ lụy”. Do số lượng tập phim các đài “ngốn” mỗi năm lên tới con số khoảng 3.000 tập và có đến hàng chục nhà sản xuất “nhảy” vào làm phim nên hầu như tuần nào cũng có một dự án mới được khởi động, khiến cho cuộc cạnh tranh giữa các nhà sản xuất để có phim lên sóng càng gay gắt…
PHIM CỦA NHÀ ĐÀI VÀ PHIM XÃ HỘI HÓA - TÌNH RIÊNG BỎ CHỢ….
Có thể gọi ví von đây là cuộc cạnh tranh giữa con đẻ và con nuôi, nhưng con đẻ bao giờ cũng chịu thiệt thòi, vì nó nuốt tiền của cha mẹ để làm phim, còn con nuôi thì cha mẹ không mất xu nào mà tiền vẫn đổ về ào ào. Đó là cuộc cạnh tranh giữa phim “đài nhà” và phim xã hội hóa.
Đài Truyền hình Việt Nam có Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) và Đài Truyền hình TP.HCM có Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS) nhưng hiện số phim của các hãng này lên sóng không tạo nên đối trọng đáng kể so với các phim xã hội hóa cả về chất lượng và số lượng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có những ràng buộc về “cơ chế” khiến các đơn vị sản xuất phim nhà nước khó “xoay xở” hơn so với các nhà làm phim tư nhân trong việc nâng cao chất lượng phim, kể cả việc đảm bảo đầu ra cho sản phẩm vào khung giờ và kênh sóng “đắt khách”. Phương thức đổi quảng cáo lấy phim mà một số đài đang áp dụng cũng trở thành lợi thế khiến các nhà làm phim xã hội hóa (nhiều trong số họ vốn có thế mạnh về quảng cáo) đổ xô vào làm phim. Vậy nên dù là “con đẻ” của “đài nhà” nhưng không ít nhà làm phim nhà nước ngậm ngùi nhìn phim của hãng bị “lép vế” so với phim xã hội hóa.
CÁC HÃNG PHIM TƯ NHÂN - XẾP HÀNG LÊN SÓNG…
Cuộc cạnh tranh gay gắt hơn cả là giữa các hãng phim tư nhân với nhau để có phim lên sóng ở các đài lớn. Các hãng phim ra đời ngày một nhiều và dĩ nhiên họ cần tìm “đầu ra” cho sản phẩm. “Đài VTV mở rộng cửa cho các phim xã hội hoá đáp ứng được yêu cầu về nội dung cũng như chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, hiện VTV chỉ có hai khung giờ phát phim mới mỗi ngày trên VTV1 và VTV3, từ thứ Hai đến thứ Sáu nên số lượng phim phát trong mỗi năm chỉ khoảng 500 tập.
Trong khi các hãng phim gửi đề cương kịch bản đến ngày càng nhiều, năm nay có khoảng hơn nghìn tập nhưng chỉ 260 tập được duyệt”, ông Đỗ Văn Hồng - Trưởng ban Thư ký biên tập - Đài THVN, Ủy viên thường trực Hội đồng duyệt phim xã hội hóa và Ủy viên Hội đồng duyệt chương trình phát sóng trên VTV - cho biết. Điều đó có nghĩa một nửa số kịch bản bị loại, mà để có được một bộ kịch bản, các nhà sản xuất đã đầu tư cả trăm triệu để đặt hàng biên kịch viết hay nếu mua bản quyền thì chi phí bỏ ra càng cao hơn. Vậy nên họ không dễ chịu “thua” hay… buông tha…
VÀ NHỮNG DƯ LUẬN ĐẦY NGHI VẤN - CÓ HAY KHÔNG CHUYỆN ĐI ĐÊM?
Mặc dù VTV và HTV đều có những quy định về hợp tác sản xuất phim xã hội hóa với quy trình khá chặt chẽ và ban bệ xét duyệt quy củ nhưng vẫn có nhiều dự án phim không được sự đón nhận của khán giả.
Những người độc thân vui vẻ (phát trên VTV3) chỉ đi được hơn nửa chặng đường rồi không thể tiếp tục được do khán giả quá chán ngán vì sự nhạt nhẽo đến khó chịu của nó trong khi dự án phải hơn 300 tập. Cũng trên VTV3, Cô nàng bất đắc dĩ chỉ sản xuất được 100 tập nhưng buộc phải ngừng trong khi dự án 150 tập... Đó là chưa nói đến những bộ phim có nội dung bị dư luận phàn nàn, mà không thể không đặt câu hỏi về trách nhiệm của “nhà đài” với quy trình hợp tác và các hội đồng thẩm định đã được lập ra. Chẳng hạn, sai sót thuộc dạng cấm kỵ trong bộ phim Những ngày hè xanh (đã phát trên HTV) hay chuyện bản quyền không rõ ràng của phim Tin vào điều không thể (đã phát trên VTV3)...

Đối tác của VTV là một tên tuổi mới trong làng phim - Công ty
World Star Group.
Trước câu hỏi về dư luận xung quanh chuyện “đi đêm” hay tiêu cực phát sinh trong việc các hãng phim cạnh tranh để có được giờ phát sóng trên VTV, ông Đỗ Văn Hồng khẳng định: “Tôi không rõ các đài khác thế nào còn ở VTV không có chỗ cho tiêu cực hay khó khăn nào cả. Quy trình hợp tác sản xuất phim xã hội hóa được công khai. Không ai riêng lẻ tự quyết mà cả hội đồng duyệt kịch bản và phát biểu công khai”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số hãng phim liên tục có phim được phát trên một đài khiến cho dư luận không khỏi nghi ngờ. Chẳng hạn, Hãng phim Việt thuộc Công ty BHD, sau phim Cô gái xấu xí (178 tập), hãng này liên tiếp có phim phát trên VTV3: Bỗng dưng muốn khóc, Có lẽ nào ta yêu nhau, Ngôi nhà hạnh phúc và bộ phim vừa phát sóng Những thiên thần áo trắng. Theo quy chế của VTV thì để một dự án được phê duyệt, các nhà sản xuất phải gửi đề cương kịch bản, rồi gặp gỡ giữa các bên để thuyết trình về dự án...
Tuy nhiên, Hãng phim Việt đã vượt ngoài quy chế này với hai bộ phim sản xuất rồi mới “chào hàng” và phát sóng trên VTV là Bỗng dưng muốn khóc và Những thiên thần áo trắng. Còn ở phía Nam, Hãng phim Lasta cũng nằm trong “nghi vấn” bởi hãng này liên tục “chiếm sóng” trên HTV kể từ khi đài này mở ra dòng phim xã hội hóa.
Hãng còn có cả những dự án phim để thế chân khi những dự án khác đã đăng ký nhưng không kịp tiến độ. Lasta đang “tiến công” ra Bắc với nhiều bộ phim dài tập liên tục lên sóng VTV mà có phim cũng được mua bản quyền sau khi đã sản xuất chứ không theo quy trình hợp tác sản xuất phim xã hội hoá mà nhà đài đã ban hành. Hay có những hãng phim tên tuổi còn lạ lẫm trong làng phim nhưng có kịch bản được Hội đồng duyệt phim xã hội hóa của VTV “gật” để đưa vào làm phim, như trường hợp Hãng phim Sao Thế giới với bộ phim lịch sử hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội Huyền sử thiên đô (70 tập) sẽ lên sóng vào tháng 10 năm nay, có kinh phí đầu tư trên 1 tỷ đồng/tập.
Một đạo diễn (không muốn nói tên) nói: “Ngay cả khi đấu thầu kịch bản thì vẫn có chỗ cho tiêu cực vì chuyện “chạy hành lang” không còn xa lạ ở nước mình. Chỉ còn hy vọng vào cái tâm của các vị trong hội đồng duyệt và sự kiểm tra, giám sát rõ ràng của các cơ quan có chức năng, đặc biệt là nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các vị trong hội đồng duyệt phim và cả nhà sản xuất với cơ chế thưởng - phạt tương xứng thì mới có thể hy vọng vào sự khách quan khi duyệt phim lên sóng”.
Nghĩa là khi người ta chỉ có thể nói về cái tâm thì quả là chỉ có thể dựa vào lương tâm của người có trách nhiệm mà không thể có một cơ chế nào để quản lý nổi trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Những chuyện hậu trường ấy mãi mãi cũng chỉ là chuyện chỉ một số người hiểu mà không cần nhiều người phải hiểu vậy…!!
Bài liên quan: