Phim truyền hình: Một năm suy ngẫm…

NGÔ NGỌC NGŨ LONG

Một thời gian dài, những nhà làm phim Hàn Quốc đã bắt mạch được thị hiếu của khán giả khi khai thác những chuyện tình lãng mạn theo kiểu hoàng tử - lọ lem… Những mối tình si bất chấp không gian, thời gian, bất chấp mọi lý lẽ đã như những giọt mật rót vào tim khán giả. Giọt mật ấy là những giấc mơ không có thật, nhưng tự trong sâu thẳm trái tim mỗi người, ai cũng ước ao có một tình yêu vừa rực cháy, vừa mộng mơ như thế.

Tuy nhiên, sự thành công của phim Hàn Quốc không phải chỉ là chuyện tình yêu (bởi nếu chỉ chuyện tình yêu thì có lẽ chuỗi phim Quỳnh Dao của Đài Loan đã chiếm thượng phong) mà còn là những câu chuyện gia đình, là mối quan hệ ruột rà, thương yêu giữa những thành viên trong gia đình, là tôn ti trật tự giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em trong một mái nhà đã hình thành nên một bản sắc rất riêng của Hàn Quốc.

Nhưng món ăn nào dù ngon mấy mà dọn mãi trên mâm cũng thành nhàm chán. Trong bối cảnh hạ nhiệt của cơn sốt phim Hàn Quốc hiện nay, chính các nhà sản xuất phim của đất nước kim chi cũng đang đau đầu đi tìm hướng đi mới cho mình. Bởi họ quá hiểu những mối tình sướt mướt kèm theo căn bệnh ung thư đã và đang gây bão hoà trong công chúng. Vì thế, sau đợt phim chuyện tình 4 mùa (Chuyện tình mùa đông, Hương mùa hè, Trái tim mùa thu, Điệu valse mùa xuân) của đạo diễn Yoon Suk Ho từng gây cơn sốt ở Hàn Quốc và các nước châu Á, các nhà làm phim Hàn đã bắt đầu chuyển hướng về các loại phim cổ trang để tạo hương vị mới…

Phim truyền hình Việt Nam bắt đầu nở rộ từ sau Nghị định 96 ra đời quy định 30% phim Việt Nam trên sóng truyền hình. Nghĩa là chỉ mới một năm nay, nhưng nó đã vươn dậy trước một thời cơ quá thuận lợi trên sóng giờ vàng. Bước đầu chập chững ấy đương nhiên các nhà sản xuất chỉ còn biết dựa vào tiêu chí đã có sẵn từ phim Hàn Quốc. Cho nên ta không lạ khi có đạo diễn Việt Nam đã “dũng cảm” tuyên bố là mình làm phim Việt Nam theo kiểu Hàn Quốc.

Biết rõ đó chỉ là một cách nói để lôi cuốn khán giả Việt Nam vẫn còn say phim Hàn, nhưng ai là người Việt mà không cảm thấy “chua chát” trong lòng. Bởi ta từng biết tinh thần dân tộc rất cực đoan trong từng thước phim Hàn, họ tự hào về cái gen đặc biệt trong phim của họ, và họ nói đó là máu thịt, là tư chất, là cả một hệ thống mang tên “ADN Korea” (ADN Hàn Quốc), không thể lẫn với bất kỳ quốc gia nào. Cái bản sắc ấy đã làm nên thương hiệu phim Hàn Quốc, vậy thì chúng ta hà cớ gì lại muốn nương theo cái bóng ấy?!

Một số phim truyền hình Việt Nam ra đời mang dư vị “hoàng tử - lọ lem” với nhiều câu chuyện tình yêu lãng mạn đã bước đầu đáp ứng được thị hiếu khán giả (Tuyết nhiệt đới, Tình yêu còn lại, Tường vi cánh mỏng)…, nhưng cũng không ít bộ phim làm khán giả bội thực và chán ngán với sự kéo dài đến mức phi lý kiểu “(Cô gái xấu xí, Tình yêu pha lê, Một ngày không có em, Chỗ chỉ có một người)… Và chỉ trong vòng một năm, người xem đã nhận ra tình trạng khủng hoảng đến mức báo động về đề tài của phim truyền hình Việt Nam. Bởi chính cái ánh sáng từ phim Hàn Quốc đã bắt đầu lu mờ thì liệu sự nương nhờ vào cái hào quang đang tắt dần ấy sẽ còn được bao lâu?

Một đạo diễn tên tuổi với nhiều Giải vàng ở các Liên hoan phim trong nước và quốc tế như Nguyễn Thanh Vân mà bước vào trận địa này cũng trở nên mờ nhạt. Với một kịch bản nhạt nhẽo đầy những tình tiết nông cạn, Tuổi yêu đã làm cho Nguyễn Thanh Vân như đứng trên bờ vực phá sản về tay nghề. Không thể nhận ra những dư vị sâu lắng trong cách thể hiện nội tâm nhân vật của một Đời cát, Trái tim bé bỏng nữa, mà chỉ còn sự hời hợt đến mức khó chịu của các nhân vật chính.

Học tập từ cách làm phim cuốn chiếu của Hàn Quốc, các nhà sản xuất và các công ty quảng cáo thi nhau bước vào cuộc với tiêu chí hàng đầu là lợi nhuận. Vì thế, giờ đây khán giả màn ảnh nhỏ đã quá quen với việc nội dung phim luôn bị cắt vụn bằng 15-20 phút quảng cáo, đã quá quen với sự kéo dài vô tội vạ với những tình tiết lằng nhằng, những pha thoại lăng nhăng của các nhân vật chính phụ trên phim. Ví như phim “Cô gái xấu xí”, người xem cứ luôn bị “7 bà tám” hành hạ suốt hơn một trăm ba mươi tập phim. Công ty SBBT phá sản là phải vì không thấy ai làm việc, chỉ thấy “tám” và gây gổ, nhân viên kiểu này ở ngoài đời chắc chắn không trụ được 3 ngày. Người ta ngạc nhiên là tại sao đạo diễn và diễn viên lại có thể kiên trì hành hạ khán giả đến mức đó. Ngạc nhiên vì sao họ không thấy chán những vai diễn “không có gì để diễn” ấy. Và cuối cùng là sự ngạc nhiên cũng trở thành bão hoà khi bỗng dưng anh An Đông từ kinh tởm đến si mê ngất ngây cô Huyền Diệu, dù cô vẫn thế, không hề thấy có một phép nhiệm màu nào để thuyết phục được khán giả… Thực ra, nếu gọi phép nhiệm mầu là sự “đại tu nhan sắc” như cắt tóc và ăn mặc mô-đen cho Huyền Diệu thì thực sự công phu ấy chỉ làm cho cô thêm buồn cười mà thôi.

Nhưng gần đây, chính cơn sốt của phim Bỗng dưng muốn khóc đã nghiêm túc đặt lại vấn đề về đề tài phim truyền hình Việt Nam. Cũng với mô típ “hoàng tử - lọ lem”, nhưng cách làm phim của Vũ Ngọc Đãng đã thoát ra khỏi cái bóng phim Hàn Quốc, mà bước vào đời sống rất thật của con người Việt Nam. Nhiều tình tiết khó tin nhưng vẫn làm người ta vui lòng theo chân nhà làm phim với sự hứng thú. Bởi đó là một cách kể chuyện hóm hỉnh bằng lời thoại rất đời thường, có khi là dung tục, nhưng nhân vật đã được kéo rất gần đến khán giả, như người ta có thể nhìn thấy đâu đó quanh đây, khắp mọi nơi mọi chốn ở thành phố này…

Nhưng trên hết đó chính là cái tứ mang đầy tính giáo dục của bộ phim, đó chính là vấn đề báo động về một lớp thanh niên mới lớn bây giờ. Cơ chế thị trường đã xuất hiện nhiều người giàu lên nhanh chóng, cũng đồng thời sản sinh ra một lớp trẻ con nhà giàu vô công rỗi nghề, hư đốn và vô trách nhiệm với tất cả mọi người, cả với đấng sinh thành. Đó chính là một vấn đề xã hội đáng báo động của chính chúng ta, một Việt Nam đang bước vào hội nhập kinh tế. Vì thế, đề tài của phim truyền hình Việt Nam hãy bước vào những nỗi đau có thực của chính mình, về chính những thực tế của đất nước mình, với một chút lãng mạn cần có, một chút yêu thương ấm áp của một mái ấm gia đình đặc trưng Việt Nam, đúng với “ADN Việt Nam”.

Tính giáo dục phải là tiêu chí và là cái tứ cốt yếu cho từng bộ phim, bởi đây là phương tiện truyền thông đại chúng, không thể nhân danh cái gọi là phản ánh xã hội để quăng bừa mọi thứ rác rưởi lên truyền hình… Thành công của Bỗng dưng muốn khóc có lẽ đã giúp các nhà sản xuất tìm cho mình hướng đi đúng đắn hơn, bởi nếu chỉ thấy cái lợi trước mắt bằng cách kéo dài hàng trăm tập phim nhảm nhí trên sóng như hiện nay thì phim truyền hình Việt Nam sẽ bị đào thải theo qui luật của thị trường. Tấm gương “phim mì ăn liền” của thập niên 90 vẫn còn chưa xa…