Phim truyền hình: Rừng chắn cát* - Nỗi nhức nhối của ngành giáo dục

Phát sóng để chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, lần đầu tiên một phim về nhà giáo nhưng không phải là những công thức quen thuộc về những tấm gương vượt khó của thầy cô giáo nơi vùng xa, mà là tất cả những nỗi niềm đau đáu của những trái tim yêu nghề trước thực trạng đau lòng của ngành giáo dục hiện nay…

 


Có cảm giác như đây là nỗi niềm mà tác giả đã rút ra từ trải nghiệm bản thân, với nỗi đau của một người trong cuộc. Câu chuyện chỉ xoay quanh một ngôi trường cấp 2 Hải Xuân ở một xã nghèo vùng biển. Tất cả mọi diễn biến, tình huống truyện giống như những thước phim tài liệu, mà những con người trong đó đã sống như thể là họ đang sống thực trên phim với biết bao hỉ, nộ, ái, ố của một môi trường giáo dục bị ô nhiễm vì sự chuyên quyền, độc đoán và thói chạy theo thành tích một cách máy móc của lãnh đạo nhà trường.

Họ là những giáo viên thuộc nhiều thế hệ, người đã từng 30 năm bám trụ nơi này như cô Tam, người có thâm niên 5 - 10 năm như Lãng, Bích, Nguyên, Tuân, bên cạnh những cô giáo mới về nhận nhiệm sở như Hiền, Xuân, Tú…Tất cả đều  tâm huyết, yêu nghề, nhưng mỗi người mỗi tính cách khác nhau, vì thế cách hành xử cũng khác nhau. Phim hoàn toàn không có cốt truyện, nó là những mẩu chuyện đã xảy ra trong từng mái trường, những mẩu chuyện tưởng như rời rạc, nhưng thực sự kết dính nhau  ở cùng một tâm điểm, đó là căn bệnh hình thức, thành tích bên cạnh căn bệnh trầm kha là  bệnh nghèo của giáo viên mà báo chí vẫn lên tiếng lâu nay trong ngành giáo dục.

Sống trong khu tập thể cũ kỹ, nhếch nhác, những người thầy với đồng lương ít ỏi ấy đã cố gắng hết sức vượt qua mọi trở ngại về vật chất để đến với các em học sinh. Ai khi xách va li đến đây cũng mang theo trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ, với lòng yêu nghề, say sưa với lý tưởng của mình. Nhưng họ đã thực sự bị đụng đầu vào đá khi va chạm với thực tế khắc nghiệt nơi đây… Trường đại học không hề dạy họ điều này, nên họ từ sự kinh ngạc ban đầu đến cuối cùng là chai sạn.

Giống như Lãng và Bích, họ có 10 năm thâm niên và chừng ấy năm đã làm trái tim họ rắn lại trong nụ cười mỉa mai, khinh bạc. Mỗi đợt đoàn thanh tra về là mỗi lần các giáo viên cả trường nhốn nháo lên khi được lệnh của hiệu trưởng là phải làm lại tất cả từ giáo án đến các loại sổ sách, tất cả phải nộp lên cho hiệu trưởng kiểm tra!? Cô giáo đứng lớp thì bày cho học sinh cách giơ tay phát biểu, ai cũng phải giơ tay, nhưng nếu không thuộc bài thì phải gập tay lại cho cô giáo biết mà không gọi!? Sân nhà tập thể giáo viên đang trồng rau xanh cải thiện phải dúi vào đó  mấy khóm hoa cho “có đời sống tinh thần”.

Từ trái sang: Thái, Lãng, Thu những thầy cô giáo trong phim

Tất cả sự tô vẽ ấy chỉ trong một ngày, khi đoàn thanh tra (mỗi người đều được dúi một phong bì và một chầu nhậu ra trò, trong khi giáo viên đang đói vì chưa có lương) đi, thì tất cả đều trở lại  như cũ. Thầy lo đi làm thêm, bỏ lớp; học sinh lớp 8 chưa đọc thông viết thạo,một phép tính đơn giản cũng không làm được, bản cửu chương chưa thuộc nhưng thầy hiệu trưởng vẫn ép cô giáo nâng điểm và cho lên lớp để báo cáo thành tích với cấp trên là không có học sinh yếu kém. Tất cả phải biết nhìn vào đại cục, vào thành tích của nhà trường, đó là lời hiệu triệu của hiệu trưởng. Và từ cái thông điệp đó, tất cả thầy cô đều phải tuân theo, dù trong lòng rất bất mãn, nói như Lãng, người đã từng đoạt giải Toán Olympic thời đi học: "Giáo dục là dạy học sinh không được nói dối, nhưng chính thầy cô đang nói dối lẫn nhau. Cấp dưới nói dối cấp trên, cấp trên chèn ép cấp dưới, chèn ép kiểu này ai người ta sống cho nổi…", và cùng thở dài với nhau "Anh em mình đều biết đó chỉ là thứ hình thức giả tạo, nhưng vẫn phải làm".

Lãng từ một thầy giáo giỏi trở nên bất mãn, bê tha, nát rượu, và ngoài giờ dạy  phải đi làm phu khuân vác để kiếm thêm thu nhập. Anh là người dám phản ứng lại với ông Bảo, hiệu trưởng, nhưng những phản ứng ấy chỉ là cách chống trả yếu ớt của người yếm thế hơn là một đối trọng đường hoàng. Chính Nguyên, người được coi là nhân vật đáng nể trọng nhất của trường Hải Xuân bởi nổi tiếng dạy giỏi và  nghiêm túc, được học sinh và phụ huynh quý mến cũng hoàn toàn bất lực trước những cảnh nhiễu nhương trước mắt: "Rất nhiều người khác có tâm với nghề đều muốn thay đổi, nhưng vấn đề là thay đổi như thế nào?".

Nguyên và Hiền những người thầy tâm huyết nhưng cũng đầy tâm trạng

Không ai có thể trả lời được câu hỏi đó, là vì hầu hết những người thầy đều có tâm lý an phận, dẫu phải chứng kiến những điều trái tai gai mắt, nhưng vẫn im lặng cho qua. "Bất mãn đầy ra đấy, nhưng có mấy ai đứng ra đấu tranh đâu, thôi thì chúng ta chỉ lo làm tròn trách nhiệm của mình thôi". Vì vậy mà rất nhiều buổi họp giáo viên, nghe hiệu trưởng nói, mọi người đều bất mãn nhưng vẫn im lặng chấp hành. Ngay cả Nguyên cũng không hơn gì, anh chỉ thực sự dám phản ứng với hiệu trưởng khi ông ta muốn bán cả rừng bạch đàn của trường, cánh rừng được gây dựng từ khi trường mới thành lập, đã đổ biết bao mồ hôi công sức của nhiều thế hệ thầy trò để tạo nên một bờ che vững chắc ngăn chận những cơn bão cát cho trường. Lần đầu, Nguyên thắng được vì may mắn nhờ vào một bài báo ca ngợi cánh  rừng kịp lúc, nhưng ông Bảo không dễ buông, vì số phần trăm hưởng lợi từ đó quá lớn.

Song vấn đề của bộ phim đặt ra không phải là chuyện tiêu cực của cá nhân ông hiệu trưởng Bảo mà chính là cả cơ chế bất hợp lý của ngành giáo dục. Ông Bảo chỉ là điểm nhấn thêm, vì đó là kẻ chấp hành lệnh trên một cách hăm hở, vì thành tích nhà trường cũng chính là thành tích của cá nhân ông. Một trường đầy dẫy học sinh ngồi nhầm lớp nhưng được đón bằng khen xuất sắc, bởi sự kiểm tra của cấp trên chỉ dựa vào báo cáo láo của cấp dưới. Hằng năm, mỗi giáo viên đều phải viết Sáng kiến kinh nghiệm gửi về Sở, đó là quy định, dù là giáo viên mới ra trường cũng phải viết. Nhưng thực ra chẳng có ai đọc và cuối cùng thì nó trở thành món hàng  buôn bán, ai không viết được thì cứ đi mua về, chỉ cần lột tên người viết trước là đã trở thành bản của mình. Cũng chưa ai thống kê được cùng một bản Sáng kiến kinh nghiệm ấy mang mấy lượt  tên giáo viên nộp về cho Sở?! 

Nguyên (Quang Sự) ôn tập cho học sinh bên ngọn đèn đêm

Ngay cả việc bằng cấp cũng là vấn đề đáng bàn, việc tăng bậc lương khi có bằng cao hơn là một cách khuyến khích cán bộ trau dồi kiến thức. Nhưng thực tế, những lớp học tại chức chỉ là hình thức, vì thế mới đẻ ra vô khối tệ nạn về bằng giả, thuê người đi học hộ để lấy bằng… Điển hình nhất trong phim là nhân vật Thái, một giáo viên chưa có bằng cấp 3 mà đã có bằng đại học loại giỏi!?! Và đương nhiên những kẻ như thế chỉ làm vấy bẩn môi trường giáo dục với những thói nịnh bợ, ton hót, dùng những thủ đoạn hèn hạ để tiến thân.

Nguyên dạy ở Hải Xuân 5 năm, do hoàn cảnh có cha mẹ già, bệnh tật nên đã có quyết định chuyển về thành phố; anh đã thu dọn hành lý và từ giã mọi người thì đùng một cái anh phải ở lại vì một lý do “rất tế nhị”. Là bởi cô giáo được điều về thay Nguyên không chịu nhận nhiệm sở, vì có cú điện thoại của Chủ tịch tỉnh "nên không thể làm khác được. Giám đốc Sở không thể từ chối Chủ tịch tỉnh được chị ạ". Và Nguyên vẫn phải tiếp tục ở lại trường, nghĩa là chấp nhận đánh mất hạnh phúc cá nhân mình vì không thể bỏ việc theo sự hối thúc của người yêu…

Một người thầy giỏi như Tuân chỉ vì cái tội có bài đăng báo về kinh nghiệm dạy học mà bị đánh từ bậc giỏi xuống bậc trung bình với lý do vu vơ là vì không có đồ dùng dạy học khi giảng bài thơ Tình đồng chí. Tuân phản ứng dữ dội và đã xin nghỉ việc, chuyển nghề.Càng ngày anh càng thất vọng về nghề giáo, cái tâm huyết của chàng sinh viên giỏi văn giờ hoàn toàn không còn nữa: "Em chuyển nghề vì không muốn chuyển cái mệt mỏi chán chường này sang cho học sinh". Và người giáo viên giỏi đã từng đào luyện cho học sinh đem phần thưởng giỏi văn về cho trường ra đi. Chính Nguyên khi ở lại cũng hoang mang cùng cực với chính mình: "Làm sao có thể cải tạo mảnh đất cằn cỗi khi cỏ dại đã bám chắc vào lòng đất và phá hoại mầm xanh tốt đẹp. Rồi ta sẽ phải ra đi, bởi vì một mình ta, một mình Tuân làm sao có thể ngăn lại cả một cơn bão cát này…". Dù trong nỗi hoang mang cùng cực ấy, anh cũng đã tự đấu tranh với mình với niềm tin "Lãnh đạo hay quy chế không phải là bất biến. Tôi tin một ngày không xa mọi thứ sẽ thay đổi, và Hải Xuân sẽ khác bây giờ…".

Nhưng thực sự niềm tin của Nguyên chỉ có thể thành sự thật khi cơ chế cho cả ngành giáo dục phải thay đổi. Ông Bảo chỉ là con sâu mọt biến tướng, nhưng một ông Bảo này bị trừng trị thì sẽ còn nhiều ông Bảo khác xuất hiện và tiếp tục nương theo đó để thao túng và lũng đoạn nhà trường. Khi nào bệnh hình thức, bệnh thành tích và dối trá bị triệt tiêu trong ngành giáo dục, các thầy cô sống được bằng đồng lương của mình để toàn tâm toàn ý với nghề  thì lúc đó ước mơ của Nguyên mới thành sự thật…

 


* Đạo diễn: Triệu Tuấn - Danh Dũng. Biên kịch: Nguyễn Thiên Vỹ. Diễn viên: Quang Sự (Nguyên), Hoàng Linh (Hiền), Vi Cầm (Thủy)… Phim phát sóng trên VTV1 vào 8g thứ năm, thứ sáu hàng tuần.

NGÔ NGỌC NGŨ LONG