Phạm Ngọc Thảo - hơn cả một huyền thoại

 Phạm Ngọc Thảo, tên Pháp là Albert Thảo, sinh ngày 14-2-1922 tại Sài Gòn (nguyên quán Vĩnh Long), trong một gia đình đại điền chủ trí thức Công giáo (có tới hơn 4.000 mẫu đất và gần 1.000 căn nhà nằm rải rác ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ) có truyền thống yêu nước, mang quốc tịch Pháp. Phạm Ngọc Thảo là con thứ 8 trong gia đình nên thường gọi là Chín Thảo. Sau khi học xong Tú tài ở Sài Gòn, khác với các anh em khác, ông không sang Pháp du học (do thế chiến thứ 2) mà ra Hà Nội học ngành Kỹ sư Công chánh. Năm 1945, sau khi tốt nghiệp, Phạm Ngọc Thảo tuyên bố hủy quốc tịch Pháp rồi trở về Vĩnh Long theo anh cả là Gaston Phạm Ngọc Thuần tham gia kháng chiến, làm việc ở Văn phòng Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ. Sau đó, ông được cử ra Sơn Tây học trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa đầu tiên. Trở về Nam Bộ, ông lần lượt làm Trưởng ban Mật vụ Ban Quân sự Nam Bộ - tổ chức tình báo đầu tiên của Cách mạng ở Nam Bộ, rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410 Quân khu 9.

Năm 1949, ông lập gia đình với bà Phạm Thị Nhiệm - một trí thức cách mạng, là em ruột Giáo sư Phạm Thiều.

Sau Hiệp định Genève 1954, Phạm Ngọc Thảo nhận chỉ thị của Lê Duẩn (lúc đó là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ) không tập kết ra Bắc mà ở lại miền Nam để hình thành “lực lượng thứ ba”, dưới vỏ bọc nghề dạy học. Trước đó, năm 1946, khi quân Pháp đổ bộ vào miền Nam, giữa sự vây ráp ráo riết của địch, chính Phạm Ngọc Thảo là người trực tiếp hộ vệ đưa ông Lê Duẩn từ Phú Yên, nơi đóng trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến miền Nam Việt Nam về chiến trường Nam Bộ để lãnh đạo kháng chiến. Bản lĩnh, tài năng, mưu trí và phẩm chất của Phạm Ngọc Thảo trên chiến trường đã chinh phục niềm tin của Lê Duẩn. Cuộc hạnh ngộ này ảnh hưởng quyết định đến sứ mệnh của Phạm Ngọc Thảo.

Thông qua Giám mục Phêrô Ngô Đình Thục là chỗ quen biết cũ với gia đình, Phạm Ngọc Thảo tiếp cận với Ngô Đình Nhu và được ông Nhu sắp xếp vào làm việc tại Sở Tài Chánh Nam Việt. Để anh em Ngô Đình Diệm chú ý, Phạm Ngọc Thảo bắt đầu viết báo. Chính hàng loạt bài viết luận về binh pháp Tôn Tử được viết vào năm 1957-1958 của ông đã lọt vào tầm ngắm của anh em Ngô Đình Diệm. Ngay sau đó, họ điều ông về làm việc ở Phòng Nghiên cứu chính trị của Phủ Tổng thống với bậc Thiếu tá. Từ đây, Phạm Ngọc Thảo chính thức thực hiện nhiệm vụ có một không hai mà đồng chí Lê Duẩn giao phó: tác động trực tiếp đến sự thay đổi chế độ trong chính quyền Sài Gòn. Ông lần lượt giữ các chức vụ trong chính quyền Sài Gòn: Tỉnh đoàn trưởng Bảo an Vĩnh Long, Chỉhuy trưởng Bảo an Bình Dương, Tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre). Khi lên làm Tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa, ông đã thả hơn 2.000 tù nhân đang bị giam giữ, liên lạc với bà Nguyễn Thị Định, tạo điều kiện cho khởi nghĩa Bến Tre bùng nổ. Chính sách không cho binh lính đàn áp dân chúng tùy tiện của Phạm Ngọc Thảo đã “bật đèn xanh” cho phong trào Đồng Khởi sau này.

Là sĩ quan cao cấp trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, lại có lực lượng trong tay, ông chính là người đã trực tiếp tham gia chỉ đạo hai vụ đảo chính, tuy bất thành, nhưng làm rung chuyển nền chính trị miền Nam những năm 1964-1965, gây mất ổn định nghiêm trọng chế độ Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam.

Khác với Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo là nhà tình báo hoạt động đơn tuyến, không có đồng đội trực tiếp hỗ trợ, phải độc lập “tùy cơ ứng biến”. Nhiệm vụ của ông không phải để cung cấp tin tức mà luồn sâu vào hàng ngũ cấp cao của chính quyền Sài Gòn, lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ địch để đánh từ trong ra, nhằm xoay chuyển thời cuộc và ở chừng mực nào đấy, ông đã thành công. Chính “sự nguy hiểm” của Phạm Ngọc Thảo đối với sự tồn vong của chế độ Sài Gòn, nên chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã thủ tiêu ông bằng mọi giá, để “trừ hậu họa”. Bị kẻ địch phản kích quyết liệt, cuộc đảo chính bị dập tắt, bản thân bị truy nã, phương tiện cạn kiệt, quân sĩ tan tác, nhưng nhiệm vụ còn dang dở, Phạm Ngọc Thảo quyết không rút lui, dù đã được Võ Văn Kiệt khuyên ra căn cứ để bảo toàn tính mạng. Việc lớn không thành, chạy trốn không thoát, ông bị bắt và chịu tra tấn bằng cực hình man rợ đến chết mà vẫn không hé môi tung tích của mình là một chiến sĩ tình báo cộng sản. Ông trút hơi thở cuối cùng vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 17-7-1965. Nghe tin ông hy sinh, Bác Hồ và đồng chí Lê Duẩn đã khóc. Năm 1987, Nhà nước truy tặng ông danh hiệu liệt sĩ, với quân hàm Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Hiện nay, Phạm Ngọc Thảo an nghỉ ở nghĩa trang TP.Hồ Chí Minh.

Tường Vy tổng hợp