Phạm Tăng, họa sĩ

Tôi thuộc loại người không theo kịp thời đại. Nghe nhạc Rock, nhạc Jazz thì chối tai, chỉ muốn cái gì êm dịu, cổ điển. Khi xem khu nghệ thuật hiện đại ở Beaubourg - Paris thì ngơ ngẩn như Chúa Tàu nghe kèn, cứ im thin thít sợ giống đức Vua trong truyện Andersen. Tôi không thích thú nghệ thuật trừu tượng, nói chung. Có lẽ, theo cảm xúc Á Đông “của tôi”, nó khô quá, trí tuệ quá, công nghiệp hóa quá. Nhưng những năm 80, mấy lần xem tranh của Phạm Tăng ở Paris, phần nào tôi phải xét lại ý kiến - có lẽ là thành kiến - của mình về tranh trừu tượng.

Tranh Phạm Tăng tuy Âu mà cơ bản rất Á, rất Việt Nam - tuy trừu tượng mà không khô khan, trí tuệ một cách kín đáo sâu sắc mà lại có dáng dấp hiện thực.

Có điều lạ là nó lạc quan, hay ít nhất không bi quan buồn chán. Điểm này khiến tôi nghĩ đến hai người bạn là nhà thơ Quang Dũng và Trần Lê Văn.

Thường gặp Quang Dũng thì bao giờ cũng vui đùa, “tếu” là chuyện khác. (Tuy cuộc đời riêng thì đầy khó khăn về tinh thần và vật chất - có những lúc ăn không đủ no, phải đi quét lá về cho vợ thổi cơm). Bề ngoài thì vui nhộn mà thơ thì buồn. Trần Lê Văn cũng gặp những hoàn cảnh trớ trêu không kém gì Quang Dũng, nhưng thơ anh, cả văn xuôi của anh lại nhiều khi lạc quan, rất vui.

Cho hay, phê bình nghiên cứu cũng nên thận trọng không nên suy luận máy móc. Không nhất thiết nghệ sĩ buồn thì bao giờ cũng thể hiện cái buồn trong tác phẩm, và ngược lại. Chỗ này, có khi cụ Freud có lý khi nêu hiện tượng tâm lý “dồn nén” và lối thoát của vô thức và tiềm thức.

Phạm Tăng sinh năm 1924 ở Yên Mô (Ninh Bình), một làng quê như giống trăm nghìn làng quê khác ở đồng bằng sông Hồng. Những bụi tre xanh, cây đa bến nước, hàng cau sân đình, tiếng chuông chùa ngân khi sẩm tối, hương bưởi đêm xuân…, biết bao những hình ảnh bình dị mà thân thương ấy sẽ quyện vào đường nét và màu sắc của anh.

Anh học hội họa và kiến trúc ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội). Mười lăm năm sau, lưu lạc sang châu Âu, anh đã đi sâu vào tất cả các môn dạy ở Viện Mỹ thuật La Mã (Accademia de belle arti di Roma). Anh tốt nghiệp môn hội họa và môn trang trí, sau đó theo học thêm môn điêu khắc và môn nghệ thuật trần thiết sân khấu. Năm 1967, tài năng của anh được công nhận với giải Nhất của Unesco (Tổ chức giáo dục khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc) ngay tại đất Thánh của hội họa là La Mã.

Một đặc trưng của sáng tác Phạm Tăng là tổng hợp những điểm đối lập để đạt tới một tổng thể không thể chia cắt được.

Hội họa phương Tây đi vào ngõ cụt với sự đối lập giữa tượng hình và trừu tượng từ khi xuất hiện xã hội công nghiệp kỹ trị. Phạm Tăng đã giải quyết mâu thuẫn ấy bằng cách hợp nhất mộng và thực, trang trí và hiện thực, cụ thể và trừu tượng, Đông và Tây, con người và thiên nhiên, vi mô và vĩ mô.

Đối với Phạm Tăng, vũ trụ là nhịp điệu, nhịp điệu là phương thức của vận động. Mây trên trời, sóng đại dương, hàng muôn triệu thiên hà, ngày và đêm, bốn mùa trong năm, vân ngón tay, thái dương hệ, tiếng chim ca, tế bào chiếc lá, cấu trúc các tinh thể - từ cái vô cùng bé đến cái vô cùng lớn, tất cả vật chất đều vận động theo nhịp điệu. Bằng một sự khổ luyện mỹ cảm, người nghệ sĩ cố gắng nhập nội tâm của vật chất để tái tạo nhịp điệu của vũ trụ.

Tác phẩm của Phạm Tăng là những tấm gỗ lắp vào nhau, vẽ sơn dầu mà sử dụng cả kỹ thuật vẽ sơn mài (gắn vỏ trứng…). Thoạt nhìn như một bức tranh ghép gợi lên nhiều hình ảnh trừu tượng mà lại tượng hình: muôn đám hoa tươi nhiều màu sắc, hình ảnh nhìn qua kính vạn hoa hay kính hiển vi điện tử, tinh vân chuyển quay - mây trôi hay sóng gợn… tác phẩm toát ra một không khí thanh bình, sự thanh thản của tâm hồn. Xem xa rồi lại xem gần: cầm một kính lúp mà soi vài cen-ti-mét vuông thì óc tưởng tượng của người xem tranh lại phát hiện ra không biết bao nhiêu hình ảnh hay vũ trụ vi mô.

- Tôi tìm kiếm - Phạm Tăng nói - sự cảm thông không những với thiên nhiên mà cả với con người. Tôi muốn nghệ sĩ với người xem chỉ là một. Do đó, các bức họa của tôi không có khung, tôi không “đóng” mà muốn “mở” cho mọi người nhập vào tranh, ra vào lúc nào tùy hứng, tùy mình thông cảm mà tạo vũ trụ của mình qua toàn bộ hoặc một chi tiết của tranh.

Tôi không thấy trong tranh Phạm Tăng những lời thơ vang vọng bi kịch cuộc đời anh như:

“Lạnh đâu thấm nhập vào phòng?
Không đâu! Lạnh ở trong lòng lạnh ra!
Bên ngoài chỉ có sương sa
Bên trong giá buốt hơn là tuyết băng!”

Dường như từ thơ sang họa, chất đau thương đã được tôi luyện và tan biến vào trong cái siêu hình:

“Hương tan trong gió mình quên chính mình.
Không Danh, Tướng, chẳng Sắc, Hình
Trước - Sau không có, cái Mình không tên”

Có những bức tranh nom như tinh vân của anh là những bài ca vũ trụ thanh thản:

“Siêu nhiên tịch mịch, u huyền.
Xác thân hòa nhập Tâm Thiền trống không”,

khiến tôi nghĩ đến “Hai vô cực” của Pascal.

HỮU NGỌC