Cuối năm 2011 đang trải qua và sắp hết. Tại Pháp, tháng 10 và 11 là hai tháng thắt lưng buộc bụng căng thẳng nhất của tất cả mọi người dân, vì tất cả mọi loại thuế trực tiếp như thuế lương bổng, thuế thu nhập, thuế đánh trên lương hưu, thuế cư trú, thuế nhà đất thuộc năm 2011 là phải trả cho hết, cho sạch vào ngân quỹ của chính phủ.
Sáng ra mở cái thùng thơ là phát ngán, không có thơ tình... hay quà tặng của ai, chỉ có đủ mọi thứ hóa đơn và giấy báo thuế vụ, cộng thêm tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại… Các tiệm cầm đồ không thiếu khách hàng đến cầm cố đủ mọi thứ chỉ vì họ túng thiếu, cần vài trăm euro để trả thuế. Giá xăng dầu di chuyển lại tăng lên.
Một lít xăng giá hôm nay là 1,60 euro, một lít dầu diesel 1,46 euro. Đổ 50 lít, xe chạy được khoảng 400km, là tốn hết 80 euro! Tùy tình hình công ăn việc làm, chợ búa, bệnh tật, đưa đón con... có người mỗi tuần phải đổ đầy bình xăng một lần hay ba lần trong tháng, hay nhiều khi phải nhịn ăn một bữa, gặm nhấm một khúc bánh mì để đổ 10 euro tiền xăng.
Bởi thế nên các thành phố lớn, có đầy đủ phương tiện giao thông công cộng như xe điện, xe buýt, xe lửa… đầy ắp người là người bám víu vào thành phố để sống và làm việc, khỏi phải di chuyển từ xa đến. Đã thế, những ai cần mua dầu sưởi ấm mùa đông, trễ nhất là mọi nhà đã bật lò sưởi từ giữa tháng 10, năm nay phải trả 0,92 euro cho một lít, mua tối thiểu 1.000 lít dầu sưởi là phải có trong túi hơn 920 euro (ít hơn nữa thì xe chở dầu không thèm chạy tới)!
Mọi cửa hàng đều ế ẩm. Người bán hàng đứng mỏi chân dài cổ chờ khách. Ấy thế mà hễ có ai vào mua gì, thì bị lườm, bị nguýt… nhân viên bán hàng đâm ra “ghét” cái người còn dư tiền đi mua sắm thứ nọ thứ kia.
Mọi tin tức về việc chính phủ bơm tiền của công quỹ nhà nước, tức là tiền thuế của dân, cho các ngân hàng, cho nước Hy Lạp, cho nước Ý… hay in thêm tiền mới, sử dụng tình trạng lạm phát để giải quyết các công việc nợ nần của mình và nợ nần của nước khác, càng làm cho người dân tức sôi máu và càng làm cho tinh thần tự trị quốc gia phát triển thêm.
Có ai “thương” ngân hàng không? Có tiền gởi ngân hàng, muốn lấy ra, muốn chuyển tiền cho thân nhân lại còn bị làm khó dễ đủ điều, đã bị trừ tiền lời ít ỏi, lại còn phải trả thêm tiền phí tổn này nọ khá cao cho ngân hàng. Dân làm ngân hàng, nhìn khách hàng nào cũng nghi ngờ khách hàng là “terroristes” (khủng bố), buôn lậu ma túy… trong khi các ông lớn xách bạc triệu tiền mặt trong va li đi khơi khơi thì… không sao.
Những ai đã từng bị ngân hàng thâu hồi thẻ tín dụng, thâu hồi sổ ngân phiếu, chận trương mục, tịch thâu một phần lương bổng, tịch thâu nhà cửa… chỉ vì nợ vài chục, vài trăm, vài ngàn euro chắc là thương ngân hàng hổng nổi rồi. Lại còn thấy các ngân hàng được bơm hàng trăm triệu euro vì thua lỗ. Trong khi đó, khủng hoảng trên xã hội càng rộng rãi càng lún sâu bao nhiêu thì lương chủ ngân hàng lại tăng lên gấp bội theo lợi nhuận thu hoạch được bấy nhiêu(1), một sự mâu thuẫn không thể hiểu được. Cộng thêm những thái độ khinh khỉnh, kiêu ngạo, phách lối, ra oai… thường có của nhân viên làm ngân hàng đối với khách hàng, thì ai mà không tức đỏ con mắt.
Chưa có bao giờ mà người dân Pháp có ý thức chính trị cao như năm nay. Đi đến đâu, từ người sửa xe, người thâu tiền siêu thị, người làm bánh mì, người hầu bàn… đều nói lên những bất mãn của họ một cách thẳng thắn, cái ưu tư của họ cũng giống như ở khắp mọi nơi trên thế giới, làm sao có tiền trả tiền thuê nhà, làm sao có tiền ăn no đủ cho cả gia đình suốt tháng…
Cái ở và cái ăn là hai vấn đề bức xúc hàng đầu, rồi đến cái mặc chống lạnh mùa đông. Chỉ có Paris hoa lệ xài tiền như nước là không thấy gì, không nghe gì. Giá bán một chai bia 25ml trên vỉa hè Paris là 11 euro, một ấm trà túi lọc là 6,5 euro, một món ăn chính giá từ 15 đến 60 euro hay còn cao hơn nữa trong những khách sạn, nhà hàng sang trọng bậc nhất nước Pháp.
Sự kiện toàn cầu hóa, nếu phân tích theo phương cách khoa học kinh tế chính trị thì có vẻ là rối rắm và khó hiểu. Nhưng nếu hiểu theo lối của người dân thường thì không có gì là khó hiểu. Cứ đi làm, cứ đi chợ... thì hiểu toàn cầu hóa. Đi làm, người dân thấy hãng này đóng cửa, hãng kia đóng cửa, sa thải nhân công, thất nghiệp hàng loạt, gia đình lâm vào cảnh bần cùng. Hoặc là chủ dời công việc sản xuất qua những nước nghèo, nhân công rẻ.
Thay vì phải trả một mức lương tối thiểu cho một nhân công nhà máy khoảng 1.200 euro/tháng tại châu Âu, họ dời sản xuất qua châu Á, chỉ trả có khoảng 100USD/tháng (tương đương với 80 euro) cho nhân công lao động tại các nước nghèo: lời 1.200 – 80 = 1.020 euro trên đầu một nhân công lao động. Cộng thêm đó, việc sử dụng ngay tại nơi sản xuất các nguồn nguyên vật liệu cũng làm giảm giá thành của sản phẩm vì họ giảm được giá mua và giá chuyên chở nguyên vật liệu.
Đi chợ, người dân thấy các sản phẩm “mất gốc” (không có ghi nguồn gốc nơi sản xuất), hay gốc từ các nước nghèo, nhân công rẻ, mà lại được bán với mức giá sinh hoạt cao của xã hội sở tại. Sản phẩm làm ra, bán theo giá thị trường với mức giá sinh hoạt cao, như tại châu Âu, thí dụ một cái áo may ở châu Á, giá thành chỉ có 3 euro, được bán lại 39,90 euro: lời 39,90 – 3 = 36,90 euro/chiếc.
Đó là những thí dụ rất đơn giản, để hiểu rằng, khả năng và mức thu lợi và tích lũy tiền bạc của thành phần đầu tư tài chánh, các tập đoàn quốc tế là rất to lớn. Hoặc là một hãng này bị bán cho một hãng khác, chủ mới thâu nhận nhân công mới với hợp đồng mới, thất lợi hơn cho người lao động, phải chấp nhận việc làm với một số lương căn bản tối thiểu. Người thất nghiệp hơn một năm, vài năm… một mặt phải sống eo hẹp hơn trước nhiều, mặt khác bị xã hội khinh bỉ là hạng “ăn bám, lười biếng”, thì ấm ức.
Nhật báo Le Parisien ngày 26/10/2011 thông báo, trên toàn thể lãnh thổ Pháp có đến 4.441.000 người thất nghiệp, tính luôn những người bị bắt buộc làm ít giờ, tức là mức độ thất nghiệp tăng 4,5% trong năm 2011. Trong khi tạp chí Forbes đăng tải danh sách 10 nhân vật giàu có nhất nước Pháp năm 2011, người giàu nhất có 30 tỉ euro còn người đứng thứ mười cũng có 2,1 tỉ euro(2). Ăn đến bao giờ mới hết?
Lý luận kinh tế cơ bản của chủ đích toàn cầu hóa, được gói ghém trình bày với cái tên “Liberale hay Neo-Liberale” nằm ở hai lý thuyết quan trọng nhất, là định luật cung cầu của thị trường trao đổi hoàn toàn tự do sẽ điều hành giá cả, và, sự cạnh tranh trên thị trường sẽ làm giảm giá mọi sản phẩm, mức giá sinh hoạt. Họ vẽ ra một hình ảnh gợi mở một hạnh phúc vật chất mới, là một người có thể tiêu thụ đủ mọi thứ sản phẩm siêu hạng của mọi quốc gia trên thế giới mà không cần phải đi đâu xa, như kiểu quảng bá hình ảnh “ở nhà Tây, ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật” trong những năm 50 thế kỷ trước.
Muốn hai học thuyết này trở thành hiện thực thì phải có, hay tạo ra, một điều kiện kinh tế cơ bản tiên quyết: sức mua của người tiêu thụ. Song song vào đó, phải mở cửa các “biên giới” tài chánh, để cho đồng tiền được tự do di chuyển, và hủy bỏ các đạo luật bảo vệ thị trường quốc gia, để cho các công ty được mua đi, bán lại như một “sản phẩm” của thị trường tiêu thụ và hàng hóa lưu thông “tự do”.
Thế giới sẽ chỉ là “một” thị trường tiêu thụ to lớn. Người tiêu thụ trên khắp thế giới trong thời đại toàn cầu hóa phải có “sức mua” (pouvoir d’achat, Kaufkraft) mới làm cho định luật cung cầu “hoạt động” được, mới thúc đẩy sản xuất sản phẩm, thúc đẩy cạnh tranh và thay đổi sự “làm giá” của người bán. Nhưng sức mua của người tiêu thụ ở đâu ra mà có? Đại đa số “người tiêu thụ” là những người dân bình thường trên khắp thế giới, họ phải “bán” sức lao động, bán kiến thức, bán một phần lớn thì giờ sống của mình, bán sức khỏe của bản thân mình, bán hơn 40 năm làm việc và cuộc đời cho chủ để khi về già được lãnh một số lương hưu ít ỏi vừa đủ sống qua ngày, có người bán thân, bán thận, bán con, bán cuộc đời buồn tẻ có nhiều khó khăn của mình…để có “sức mua”.
Họ “mua” gì ? Họ đóng thuế nuôi guồng máy của chính phủ, trả tiền thuê nhà, các thứ tiền chi tiêu căn bản, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền ăn uống nuôi thân để tái tạo sức lao động, tiền quần áo giày dép, tiền học cho con cái, tiền chữa bệnh thuốc men bệnh viện mổ xẻ vợ đau con ốm, tiền mua xăng đổ xe đi làm, tiền lợp cái mái dột, sửa cái ống nước rỉ… rồi mới đến sự tiêu thụ các mặt hàng “xa xí phẩm”: đi du lịch, nước hoa, mỹ phẩm, rượu ngon...
Thực tế thì chứng minh ngược lại, không có giá sản phẩm nào giảm cả, chỉ có tăng lên. Nếu chỉ tính từ năm 2001, là năm khởi điểm mà đơn vị tiền tệ euro thay thế mọi loại tiền tệ quốc gia trong khối Liên minh châu Âu, cho đến nay, 10 năm sau, thì hầu như tất cả mọi giá sản phẩm đều tăng ít nhất là 100%(2), trong khi không có lương ai, nhân viên, thợ thuyền… được tăng 100% cả, nhiều lắm là chỉ tăng theo mức độ lạm phát từ 1% đến 2% một năm.
Tình hình toàn cầu hóa hiện đang xảy ra đúng y như lời Karl Marx đã nói, định luật kinh tế tư bản, nếu không có sự điều chế của các cơ quan chính quyền quốc gia, và thả lỏng (laissez-faire) cho nó chạy, thì tất nhiên nó sẽ chạy theo mục đích thực hiện lợi nhuận tối đa và chính sách kinh tế độc quyền. Các biện pháp giải thể, bán lại giá rẻ hay thậm chí tặng không các cơ sở kinh tế đang nằm trong sự điều hành và kiểm soát của quốc gia, thí dụ như ngân hàng, cầu đường, phi trường, bệnh viện, trường học, điện, nước, điện thoại, các hãng xưởng quan trọng… cho giới tư nhân có sự hỗ trợ của các tập đoàn tài chánh sau lưng, càng thúc đẩy hiện tượng “Liberale hay Neo-Liberale” phát triển mạnh.
Cá lớn nuốt cá bé, các hãng cỡ trung, cỡ nhỏ có thương hiệu danh tiếng bị “cá lớn” mua, trên bảng hiệu là gây dựng nên “corporate” (tập đoàn) mới, rồi hoặc là tiếp tục sử dụng thương hiệu, hay bỏ luôn, giết chết luôn thương hiệu. Sự độc quyền thị trường đem lại một mối lợi và quyền lực rất lớn, khi thâu mua một số lượng lớn họ sẽ ép giá mua, dù là mua nguyên vật liệu hay mua nhân công, mua sức lao động, khi bán ra chỉ có họ mới định giá, làm giá.
Trong năm 2010, các nhà đầu tư tài chánh thường đòi hỏi một mức lời cho đến 25%, trước kia, 10% là đã nhiều lắm. Tức là đem cho thị trường tài chánh vay 100 thì lấy lại 125, lời khẳm. Muốn cung ứng cho các nhà đầu tư mức lợi này thì các “nhân viên chủ” đã thực thi một loạt các biện pháp giảm chi tăng thâu.
Cuối năm, lại thêm một tin buồn nữa cho “sức mua” tại Pháp. Chính phủ Pháp vừa thông báo thêm một loạt các biện pháp để tăng thuế và giảm chi trên nhiều lãnh vực, “đẩy” tuổi được lãnh lương hưu xa thêm một năm nữa(4). Sau hội nghị G20 tại Cannes vừa qua, bà Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, tình trạng các khối nợ quốc gia tại châu Âu cần đến mười năm nữa để có thể giải quyết được ổn thỏa (theo Die Welt ngày 5/11/2011), có nghĩa là tình hình kinh tế khó khăn, dân chúng thắt lưng buộc bụng kéo dài thêm 10 năm nữa! Thủ tướng Hy Lạp Georgios Papandreou tuyên bố từ chức ngày 6/11/2011. Theo Der Spiegel ngày 9/11/2011 thì Thủ tướng Ý, ông Silvio Berlusconi, cũng đồng ý từ chức.

Khối đồng tiền chung Euro trong nỗi lo đến từ Hy Lạp.
Cơ quan từ thiện Secours catholique (Cứu trợ Thiên Chúa giáo) vừa công bố bản tổng kết năm 2011 là đã cứu trợ cho khoảng 1,5 triệu người nghèo, trong số này, thành phần trẻ từ 18-25 tuổi bị sự nghèo đói chạm phải mạnh nhất, và con số xin trợ cấp thực phẩm tăng hơn năm 2009 (53,3% so với 49,4% của năm 2009)(5).
Các siêu thị đã ào ạt chưng hàng bán Noel 2011 và quảng cáo rầm rộ thúc đẩy người tiêu thụ mua sắm quà tặng. Trong không khí chung, nhiều người muốn làm vui lòng con cái, vợ chồng, cha mẹ, bạn bè đều cố gắng mua cho mỗi người thân một món quà nào đó. Và họ cũng biết tự nhủ: người Pháp mua và dùng sản phẩm Pháp. Nhưng nếu “lực bất tòng tâm”, sức mua không có, thì làm thế nào bây giờ đây?!
(1) | Nguồn tin của Reuters ngày 20/10/2011 cho biết lương căn bản của các tổng giám đốc ngân hàng tại châu Âu tăng đến 12,5% trong năm 2010, chưa kể thêm các lợi nhuận phụ khác. Tại Đức, Josef Ackermann (Deutsche Bank) lãnh 9,6 triệu euro trong năm 2009, Anshu Jain (Deutsche Bank) lãnh 12 triệu euro (Zeit-Online, 16/3/2010). Tại Pháp, các tổng giám đốc Frédéric Oudéa (Société Générale) lãnh 4,4 triệu euro, Baudoin Prot (BNP Paribas) lãnh 2,65 triệu euro, Jean-Paul Chifflet (Crédit Agricole) lãnh 1,8 triệu euro trong năm 2009. |
(2) | Tạp chí Valeurs Actuelles đưa ra sự so sánh giá cả năm 2001 và 2011 của một vài sản phẩm căn bản của đời sống, trong khi lương giờ tối thiểu năm 2001 là 44 francs (6,67 euro) hiện nay là 9 euro, tức là chỉ tăng có 35% trong suốt 10 năm. Bánh mì baguette 3 francs (0,46 euro) hiện nay 0,95 euro, dầu diesel 0,80 euro hiện nay 1,47 euro, bơ 3,75 francs (0,57 euro) hiện nay là 1,19 euro, thịt bò bằm 200g giá là 2 francs (1,83 euro) hiện nay lên đến 4 euro, xà lách 4 francs (0,61 euro) hiện nay là 1,80 euro, mì ống 1kg giá 5 francs (0,76 euro) hiện nay 2 euro, áo T-shirt 10 francs hiện nay là 10 euro... Ngoài ra, các thống kê khác cũng nêu lên vài khía cạnh thực tế: một thực đơn nhà hàng khi trước là 30 francs (4,57 euro) hiện nay là 30 euro, nhưng kinh khủng nhất là giá nhà thuê tăng gấp đôi từ 4.000 francs (609 euro, năm 2001) lên đến 1.150 euro (2011), giá một mét vuông nhà ở Paris tăng từ 2.887 euro (2000) lên đến 14.199,51 euro (2011) trong quận 6. |
(3) | Danh sách Forbes 10 nhân vật giàu có nhất nước Pháp năm 2011 là: Bernard Arnault (30 tỉ euro), Liliane Bettencourt (17 tỉ euro), François Pinault (8,3 tỉ euro), Serge Dassault (6,7 tỉ euro), Alain et Gérard Wertheimer (4,3 tỉ euro), Jean-Claude Decaux (4,3 tỉ euro), Alain Mérieux (3,1 tỉ euro), Xavier Niel (2,7 tỉ euro), Martin et Olivier Bouygues (2, 6 tỉ euro), Pierre Bellon (2,1 tỉ euro). |
(4) | Tuyên bố chương trình “plan de rigueur” của Thủ tướng François Fillon vào ngày 7/11/2011 vừa qua, vì sự đe dọa giảm điểm khả tín AAA của nước Pháp trên thị trường tài chánh bởi các công ty chấm điểm khả tín (rating-agency). |
(5) | Bản tin AFP ngày 8/11/2011. |