Praha quyến rũ

Từ Dresden (CHLB Đức), chúng tôi chạy xe khoảng 120 phút trên xa lộ, qua biên giới và vùng đồi núi phong cảnh nên thơ miền Bắc Czech là đến Praha. Thủ đô quyến rũ này mới trải qua 17 ngày Festival bia được tổ chức hàng năm với hơn 70 thương hiệu bia nổi tiếng của Czech, trong đó có nhãn hiệu Plzeň  (Pilsen) của vùng Bohemia mà nhiều thực khách ở Việt Nam đã biết đến từ lâu.

Thành phố âm nhạc

Trong bốn ngày thăm thành phố giữa mùa du lịch, ngoài những cung điện, tượng đài, nhà thờ đồ sộ, lâu đời theo nhiều trường phái kiến trúc, tôi cảm nhận không khí rộn rã của một festival âm nhạc rộng lớn cả về không gian và thời gian vô cùng quyến rũ đối với du khách. Không kể những lúc dừng chân trên cầu Karel hay trên các quảng trường, công viên hoặc trong hành lang yên tĩnh của một trung tâm thương mại cao cấp, nghe trình tấu rất điêu luyện các nhạc phẩm nhiều thể loại từ các ban nhạc hoặc cá nhân, tôi còn được Thúy Hạnh, sinh viên cao học âm nhạc tại Czech, dẫn đi dự khán tới ba buổi nhạc thính phòng (trong hàng chục địa điểm ở cả hai bên bờ sông Vltava với ba suất diễn mỗi ngày, bắt đầu từ 5 giờ hoặc 6 giờ chiều) trong không gian lý tưởng về âm thanh của các phòng hòa nhạc sang trọng và thánh đường cổ kính của các nhà thờ.


Buổi hòa nhạc tại khán phòng rất rộng và lộng lẫy trong lâu đài Lichtenstein xây dựng từ thế kỷ 16 ở quảng trường Malostranké và tại nhà thờ Thiên Chúa giáo La Mã Thánh Salvator (cũng có từ thế kỷ 16) ngay đầu cầu Karel, tôi được nghe những tác phẩm kinh điển của Bach, Mozart, Vivaldi, Schubert, Hndel, Bizet, Dvořák…

pic

pic
Những nhóm nhạc đường phố trước Hoàng cung và trên cầu Karel


Để lại dấu ấn không thể quên là buổi hòa nhạc tại nhà thờ Tin Lành Thánh Michael sát ngay quảng trường khu phố cổ, cách cây tháp có chiếc đồng hồ Thiên văn nổi tiếng chỉ khoảng 60 mét. Tôi đã rất phấn chấn khi được thưởng thức các tác phẩm đương đại nổi tiếng như trích đoạn các vở ca kịch Les Misérables Miss Saigon của Claude-Michel Schưnberg, nhạc sĩ người Pháp gốc Hungary, với giọng soprano rung động tâm hồn khán thính giả của nghệ sĩ Czech Škrancova, trích đoạn nhạc kịch Porgy and Bess và bản Rhapsody in Blue của George Gershwin (Mỹ), mấy trích đoạn nổi tiếng từ các nhạc kịch Jesus Christ SuperstarEvita của Andrew Lloyd Webber (Anh)…

Mỗi suất diễn ra trong đúng một tiếng với vé vào cửa tính ra khoảng 25-30USD (sinh viên được giảm 1/3). Giá vé không rẻ nhưng các khán phòng đều không còn một chỗ trống. Tiếc rằng thời gian dừng chân không lâu để tôi có thể được hòa mình nhiều hơn vào không gian âm nhạc sôi động và quyến rũ của Praha.

Cộng đồng người Việt tại Sapa

Để tới thăm Trung tâm thương mại Sapa ở quận Praha 4, chúng tôi xuống ga metro Muzeum. Qua sáu trạm dừng đến ga Kačerov, chúng tôi lên ngồi tiếp xe buýt. Xe còn mới mang hiệu Škoda (xe buýt hiệu này quen thuộc với người Hà Nội từ thời bao cấp). Xe chạy quãng 25 phút, qua mấy con đường có nhiều cao ốc chung cư và những xưởng máy nhỏ và kho hàng, cảnh quan của một vùng ngoại ô thì đến trạm chót là Sidlištĕ Pisnice, xéo qua bên kia đường là Sapa.

Sapa rất rộng, nghe nói đến 35ha, với những dãy nhà dài một tầng và hai tầng nhưng không phải bằng bê tông cốt thép kiên cố mà có vẻ như được sửa lại từ một khu nhà xưởng. Đường ngang lối dọc trong trung tâm khá rộng, lúc nào cũng có xe hơi và xe tải nhỏ ra vào. Bảng hiệu bằng tiếng Việt và tiếng Czech, một số có tiếng Anh. Có cả China Mart, casino. Bên trong các khối nhà là văn phòng các công ty và cửa hàng, tiệm ăn và các trường Mầm Non, Sen Việt cho các em nhỏ, trung tâm dạy võ, dạy nghề làm móng tay, lái xe…

pic
Một nhóm dân Digan vừa đi vừa hát

Bên cạnh mấy cửa hàng dịch vụ bảo hiểm, khai thuế là tòa soạn một tờ báo tiếng Việt. Hàng hóa thì đủ loại nhưng nhiều nhất là quần áo, giày dép và thực phẩm đóng gói. Ở một quầy thực phẩm, tôi thấy có bán cả nhộng (100 CZK/500g), dồi trường (140 CZK/1kg, có kèm rau thơm)… Có mấy poster khá lớn cổ vũ cho cuộc thi hoa hậu người Việt tại Czech tổ chức trong năm 2012.

Tôi nhận thấy hoạt động thương mại, cách bày bán gần giống với các chợ ở Việt Nam hơn là ở các trung tâm thương mại của châu Âu. Có lẽ vì vậy mà bà con ở đây không quen nói dài trung tâm thương mại như tên chính thức mà gọi nôm na là chợ Sapa.

Chúng tôi vào dùng bữa ở một quán ăn khá rộng. Các món ăn và cách nấu nướng của quán tương tự như ở Hà Nội, Hải Phòng. Anh Sơn, chủ quán, sang du học Tiệp Khắc từ thập niên 1980 rồi ở lại định cư, ngồi nói chuyện khá lâu với chúng tôi. Anh cho biết mấy thanh niên nam nữ chạy bàn cho anh đều mới qua vài ba năm nay do có bà con ở Czech từ trước.

Anh cũng cho biết, trong 5 năm kể từ năm 2000, có một làn sóng di dân của người Việt đến Czech, góp phần đưa số người Việt tại Czech hiện nay đứng hàng thứ ba trong số các sắc dân nhập cư tại Czech (sau Slovakia và Ukraina).

Bên cạnh một số ít có học vị cao, làm việc giảng dạy và nghiên cứu ở đại học hoặc làm nghề luật, mở xưởng máy… còn lại phần lớn là kinh doanh. Riêng trẻ em sinh ra và lớn lên ở bên này thì đều hòa nhập rất tốt với dân Czech, một số cháu học xuất sắc mang lại tiếng thơm cho cộng đồng người Việt.

Mai Thế Phú